,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
882466
Những cuộc hội nhập chuyển động
1
Article
null
,

Những cuộc hội nhập chuyển động

Cập nhật lúc 20:32, Thứ Ba, 02/01/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Việc quay trở lại với quỹ đạo bình thường của mọi dân tộc trên nền tảng kinh tế thị trường chính là ý‎ nghĩa lớn lao của sự kiện gia nhập WTO. Nó giải thích vì sao cuộc hội nhập này được gọi là “cuộc hội nhập thứ hai” trong lịch sử dân tộc ta. Năm 2007 này chính là năm đầu tiên dân tộc Việt Nam bắt đầu bước vào một quỹ đạo mới cũng là bước vào một vận hội mới.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhìn lại những nền tảng của "hội nhập" vốn đã được dân tộc Việt Nam xây đắp từ thời Bắc thuộc.

Cuộc đổ bộ của những "giá trị Trung Hoa"

"Cuộc hội nhập lớn lần thứ hai mở ra những cơ hội cho dân tộc". Ảnh: VNN

Cuộc hội nhập lớn thứ nhất trong lịch sử dân tộc ta có thể xem như bắt đầu với 12 thế kỷ Bắc thuộc. Đó là hơn một thiên niên kỷ cộng đồng người Việt đã phải “hội nhập” kiểu cưỡng bức với đế quốc - láng giềng có sức bành trướng hùng mạnh đồng thời là một nền văn minh lớn. Chính cuộc hội nhập trường kỳ và khốc liệt ấy đã chứng minh rằng, cộng đồng người Việt tiềm ẩn một năng lực mà chúng ta vẫn tự hào là “hoà nhập mà không hoà tan”.

Sau hơn một thiên niên kỷ là quận huyện của phương Bắc, tuy dùng chữ Hán làm ngôn ngữ viết nhưng người Việt vẫn giữ được ngôn ngữ nói của mình và bổ sung cho nó rất nhiều khái niệm, tri thức của văn hoá Trung Hoa… để tạo nên sức mạnh riêng. Bước vào thiên niên kỷ thứ hai, cộng đồng người Việt đã đủ sức tự cường, qua nhiều cuộc cải cách và kháng chiến, dần hình thành một quốc gia tự chủ với bề dày văn hiến. Đó là quốc gia và nền văn hiến Đại Việt ung dung tồn tại bên cạnh Trung Hoa khổng lồ và chống chọi thắng lợi mỗi khi bị xâm lăng suốt thiên niên kỷ tiếp theo đồng thời từng bước mở rộng và hoàn chỉnh lãnh thổ quốc gia cho đến nửa đầu thế kỷ XIX.

Hệ quả của cuộc hội nhập này là sự bao trùm của “thế giới (giá trị) Trung Hoa” lên mọi lĩnh vực của đời sống tri thức, thiết chế chính trị và nền tảng văn hoá xã hội. Cho dù từ thế kỷ XV, Đại Việt đã mở rộng lãnh thổ, đẩy mạnh cuộc Nam tiến, giao thoa và tiếp nhận nhiều yếu tố văn hoá và chủng tộc ở phương Nam vốn chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hoá Ấn và Nam đảo, cho dù từ thế kỷ XVI, VN đã tiếp xúc với phương Tây qua hàng hoá, thương nhân, các nhà truyền giáo và các nhà hàng hải, thì về căn bản, dân tộc VN vẫn chịu ảnh hưởng sâu sắc và hội nhập toàn diện với “thế giới Trung Hoa”.

"Giá trị Trung Hoa" sụp đổ

Cho đến giữa thế kỷ XIX, nước Đại Nam của triều Nguyễn đã hoàn chỉnh việc thống nhất lãnh thổ nhưng lại đứng trước nguy cơ xâm lăng từ phương Tây. Đó cũng là thời điểm mở đầu cho một cuộc hội nhập mới, vẫn mang tính chất cưỡng bức trước sức mạnh áp đặt của chủ nghĩa thực dân. Trong khi những ý tưởng manh nha cho sự chủ động tiếp cận với nền văn minh phương Tây của lớp người có tư tưởng tiên phong ít ỏi như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ… không được khai thông thì tất cả những di sản Trung Hoa lúc này như cái thúng úp chụp lên đầu tầng lớp trí thức nho học, bộ máy quan liêu và triều đình VN đang suy thoái. Tất cả khước từ nền văn minh phương Tây như một mẫu hình xa lạ và bị coi là man di theo những tiêu chí đánh giá của giá trị Trung Hoa.

Cho đến cách nay đúng 120 năm, cũng vào một năm Đinh Hợi 1887 thì nền cai trị của nước Pháp thực dân được xác lập trên toàn bộ lãnh thổ Đông Dương trong đó có VN. Trong lúc tinh thần ái quốc của người VN vẫn đặt trên nền tảng của chủ nghĩa “trung quân” và bài ngoại cổ điển thể hiện bằng những cuộc kháng chiến vũ trang thì bắt đầu xuất hiện một xu hướng nhìn nhận, đằng sau kẻ xâm lược mới là một nền văn minh mới, là một nguồn lực, một chân trời mới.

Đó chính là khởi đầu cho tinh thần chủ động hội nhập mới hướng tới một “thế giới ngoài Trung Hoa” bắt đầu từ chính nước Pháp, kẻ đang đô hộ VN và sau đó là cả một thế giới phương Tây đang sôi động biến đổi với những ưu thế vượt trội. Đó cũng là lúc thần tượng và những giá trị Trung Hoa đang sụp đổ, Vương triều Mãn Thanh bị các nước phương Tây xâu xé.

Bước qua đầu thế kỷ XX, thế hệ những chiến sĩ duy tân hình thành. Người chủ trương qua Nhật, một nước “đồng chủng đồng văn” với VN từng chìm ngập trong ”thế giới Trung Hoa” đi tiên phong hướng sang phương Tây. Người tìm đến một “nước Trung Hoa mới” ra đời từ cuộc Cách mạng Tân Hợi đánh đổ nền quân chủ Mãn Thanh hướng tới một mô hình “kiểu Mỹ” của Tôn Dật Tiên…

Nhưng có cả một thế hệ hướng sang nước Pháp để đến với phương Tây. Phan Châu Trinh chủ truơng “ỷ Pháp cầu tiến bộ”, Nguyễn Tất Thành từng tự thuật “năm tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp: Tự do -  Bình đẳng - Bác ái… Và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những dòng chữ ấy”… Đó là lớp người tiên phong cho cuộc hội nhập lớn của lịch sử dân tộc – hội nhập với ”thế giới ngoài Trung Hoa”. Họ là những người khởi xướng “con đường sang Pháp để chống nước Pháp” như đánh giá của giới thực dân.

Đây chính là xu hướng duy tân (đổi mới) diễn ra từ đầu thế kỷ XX, cách đúng một thế kỷ. Năm 1904, Hội duy tân thành lập. Năm 1905, Phan Bội Châu phát động Đông Du. Năm 1906, Phan Châu Trinh tuyên ngôn về dân chủ (qua bức thư gửi Toàn quyền Beau) và năm 1907 Đông Kinh nghĩa thục khai giảng tại Hà Nội…

Nguyên lý của duy tân là “khai dân trí - chấn dân khí - hậu dân sinh”. Phương thức tiếp cận của duy tân là giáo dục (khẩu hiệu “Chi bằng học”). Động lực của duy tân là dân chủ. Phan Châu Trinh qua Pháp để “đuợc đứng trước tượng Lư Thoa (J.J.Rutxô), Mạnh Đức Tư Cưu (Môngtetxkiơ)” chiêm ngưỡng dân chủ. Nguyễn Tất Thành cũng qua Pháp rồi qua nhiều nước để “sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”, để rồi trở thành Nguyễn Ái Quốc với chủ trương phải làm một cuộc Cách mạng dân tộc và dân chủ. Cuối cùng Nguyễn Ái Quốc cũng đến với một học thuyết chính trị có nguồn gốc từ phương Tây: Chủ nghĩa Cộng sản.

Tư tưởng hội nhập chuyển động

"Nền tảng cho công cuộc hội nhập đã được đặt ra ngay từ đầu thế kỷ XX".

Hội nhập với phương Tây, Phan Châu Trinh đặt mục tiêu dân chủ lên hàng đầu. Nhưng nền dân chủ mà Phan Châu Trinh mong ước không thể xác lập được trên một xứ thuộc địa. Con người của cụ được dân khâm phục, tư tưởng của cụ đuợc dân ái mộ nhưng đường cụ đi lại lỡ dở… Phan Châu Trinh là người khởi động duy tân nhưng trước khi mất cụ đã nhận ra tương lai đất nước phải đi một con đường khác mới đến được đích.

Nguyễn Ái Quốc sau những hoạt động chính trị đầu tiên nhận ra rằng dân chủ có thể là lý tưởng chung của nhân loại, nhưng dân chủ với mỗi quốc gia chỉ có thể được xác lập trên nền tự chủ của quốc gia đó. Một dân tộc chỉ có thể hội nhập với tư thế một quốc gia độc lập. Vào thời điểm giữa hai cuộc chiến tranh đế quốc, chỉ có Chủ nghĩa Cộng sản mới đáp ứng được điều này.

Nguyễn Ái Quốc gia nhập phong trào cộng sản, để rồi hiểu ra sự bất cập của đường lối Quốc tế Cộng sản đối với lợi ích và con đường giải phóng dân tộc. Nhà hoạt động cộng sản trẻ tuổi ấy, vào năm 1924 đã nói đến sự bất cập này trong thời gian học tập lý luận tại nước Nga Xô viết, khi phân tích thực tiễn xã hội và giai cấp ở VN, khi vạch ra sự cần thiết phải bổ sung cho học thuyết của Mác những tri thức về phương Đông, khi dũng cảm đưa ra một nguyên lý còn “xa lạ” với những người cộng sản đương thời: “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn”…

Đó là khởi nguồn cho những thành công thực hiện hoài bão chung của tất cả những nhà duy tân đầu thế kỷ. Nguyễn Ái Quốc thành lập Đảng Cộng sản và lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc với chủ trương đặt lợi ích và mục tiêu giải phóng dân tộc lên trên hết. Tổ chức và Cương lĩnh của Mặt trận Việt Minh là nhân tố giúp dân tộc VN dành được độc lập bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sức mạnh ấy lại được nhân lên bằng lợi thế vận dụng những cơ hội mà thời đại đặt ra, đồng thời mở ra những cơ hội cho cuộc hội nhập lớn của dân tộc.

Có một sự thực lịch sử là trong cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, những người cộng sản đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh đã chủ động tự xếp mình trong hàng ngũ của các lực lượng đồng minh chống phát xít. Có nghĩa là lực lượng chiến thắng trong cuộc đại chiến và lực lượng nước ngoài duy nhất đứng bên cạnh Việt Minh và Hồ Chí Minh lại chính là Hoa Kỳ. Bản Tuyên ngôn Độc lập của VN là một thông điệp rõ ràng nhất về tinh thần hội nhập của dân tộc. Dẫn ra những đoạn trích trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định VN sẽ là bước đi tiếp của những lý tưởng chung mà nhân loại đã đeo đuổi. Đó là sự hội nhập theo dòng chảy của lịch sử. Tất cả các chính sách được ban hành và thực hiện ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời cho đến trước khi phải lâm vào cuộc chiến tranh triền miên đã thể hiện một cách minh bạch và toàn diện của chủ trương hội nhập…

Tư tưởng nhanh chóng hội nhập với thế giới hiện đại để tìm con đường phát triển cho đất nước là một sáng tạo và quyết tâm mạnh mẽ nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh mà những giá trị của nó vẫn mang tính hướng đạo cho công cuộc hội nhập ngày nay. Nói cách khác là chúng ta đã chủ động khởi động cho cuộc hội nhập từ cách đây 60 năm và thực hiện những hoài bão của lớp chiến sĩ duy tân đã đặt nền móng từ cách nay một thế kỷ.

  • Dương Trung Quốc

Kỳ 2: Gia nhập WTO - cuộc hội nhập lớn thứ hai

Ý kiến của bạn:

,
,