,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
882754
Gia nhập WTO - cuộc hội nhập lớn thứ hai
1
Article
null
,

Gia nhập WTO - cuộc hội nhập lớn thứ hai

Cập nhật lúc 14:40, Thứ Tư, 03/01/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Việc chúng ta gia nhập WTO sau gần một giáp thương thảo với thế giới kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa song hành với quá trình Đổi mới, tự điều chỉnh và hoàn thiện mình, đã cho thấy ‎một nỗ lực để khắc phục những “di sản không bình thường của lịch sử”.

Gia nhập WTO, kết thúc và khởi đầu

"Một xã hội lấy làng xã làm tế bào khép kín là mảnh đất tiểu nông nảy sinh cả trong hoạt động kinh tế và tư duy cần khắc phục". (Ảnh tư liệu) 

Tư tưởng Hội nhập của Hồ Chí Minh được thể hiện một cách minh bạch và nhất quán. Trong một hoàn cảnh lịch sử hết sức phức tạp, Hồ Chí Minh đưa ra rất nhiều sách lược mềm mỏng để đoàn kết dân tộc và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, nhưng không bao giờ né tránh khi nói đến mục tiêu mang tính lý tưởng của mình là phấn đấu cho chủ nghĩa cộng sản. Song, chắc chắn đó chưa phải là mục tiêu trước mắt. Chủ nghĩa cộng sản của Hồ Chí Minh là một sự phấn đấu lâu dài và bắt nguồn từ thực tiễn chứ không phải là những giáo điều đương đại, không phải là một quan niệm phương Tây thuần túy, càng không phải là Trung Hoa thuần túy.

Sự lựa chọn thể chế chính trị là Dân chủ-Cộng hoà với những tiêu chí phổ quát và tiên tiến của nhân loại, một nhà nước pháp quyền với việc sớm bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp 1946 cùng những sinh hoạt chính trị được thực thi theo đúng những tập quán chính trị đương đại trên nền tảng của những cố gắng nâng cao dân trí đi đôi với chống quan liêu là một nét nổi bật trong đời sống chính trị ở VN ngay từ ngày đầu độc lập.

Tất cả các quyền dân chủ cơ bản được công nhận cùng sự chấp nhận nhiều tầng lớp tham gia trong bầu cử QH khoá I là những thử nghiệm đầu tiên cho việc xây dựng một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự. Quyền tư hữu cùng vị thế của giới doanh nghiệp được xác lập theo những nguyên lý như đã viết trong bức thư gửi giới công thương ngày 13/10/1945 (cơ sở lịch sử cho sự công nhận Ngày Doanh nhân VN) giờ đây đang được xác lập lại. Những chính sách xã hội tiến bộ về quyền bình đẳng sắc tộc, tôn giáo tín ngưỡng, về giới cũng như các chính sách cứu tế xã hội cùng một nền giáo dục toàn dân được ban hành từ rất sớm... Đó là sự bảo đảm về nội lực cho sự hội nhập chủ động vào thế giới hiện đại mà Cách mạng tháng Tám 1945 đã mở ra.

Đặc biệt, trên lĩnh vực đối ngoại, những thông điệp của nước Việt Nam độc lập rất rõ ràng, rành mạch “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước dân chủ, không muốn gây thù oán với ai”, ”nước Việt Nam chủ trương độc lập hoàn toàn và hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ; nước Việt Nam sẵn sàng mở cửa đón nhận sự đầu tư của mọi quốc gia, kể cả với nước Pháp, không chỉ trên phương diện kinh tế mà kể cả vấn đề an ninh thế giới và khu vực; nước Việt Nam mong muốn được thế giới và Liên hiệp quốc công nhận nền độc lập của mình đồng thời cũng sẵn sàng gia nhập Liên hiệp quốc, các tổ chức và tham gia các cam kết quốc tế…

Đó là một chính sách hội nhập chủ động và toàn diện mà đến nay ta vẫn cảm nhận rõ những giá trị mang tính nguyên tắc đã được thực thi cùng công cuộc Đổi mới và được khẳng định bằng việc gia nhập WTO mới đây.

Tuy nhiên, chiến tranh triền miên, sự phụ thuộc do bị hút vào dòng xoáy của sự phân cực toàn cầu, kể cả những ấu trĩ bất khả kháng của một thời trong nhận thức về con đường phát triển và hội nhập đã buộc chúng ta phải mất một thời gian dài tới 6 thập kỷ phấn đấu gian truân mới biến thành hiện thực một đường lối đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thiết kế và triển khai ngay từ khi khai sinh nền Độc lập. Nói cách khác, đến thời điểm này, tất cả những thông điệp cũng là những mong muốn của Bác Hồ nay đã thành hiện thực: Một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, được hưởng hoà bình và hữu nghị với mọi quốc gia, khao khát và có đủ cơ hội để hội nhập và phát triển đã trở thành hiện thực. Gia nhập WTO chính là cái mốc khẳng định cho một sự kết thúc cũng là một sự khởi đầu.

WTO - Khắc phục những khiếm khuyết

Việc Việt Nam gia nhập WTO còn mang một ý nghĩa quan trọng hơn nữa. Nó không chỉ khắc phục sự chậm trễ do phải đương đầu với những thử thách khốc liệt của chiến tranh cùng những hậu quả lâu dài mà với việc gia nhập này, chúng ta đã khắc phục được cả những khiếm khuyết lâu dài của lịch sử.

Chúng ta luôn tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong đó có truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm, giữ vững tự chủ và không bị đánh mất bản sắc văn hoá v.v… Nhưng có biết bao nhiêu yếu tố góp phần tạo nên những truyền thống đó lại trở thành “khiếm khuyết” hay “sự không bình thường” khi chúng ta hội nhập với phần còn lại của thế giới ngày nay. Ngay cả những chiến công hay phẩm chất anh hùng trong chiến tranh giữ nước tuy có giá trị tinh thần lớn lao nhưng cũng có nguy cơ trở thành cái không bình thường khi bước vào sân chơi chung của nhân loại.

Khiếm khuyết lớn nhất mà lịch sử để lại như một di sản phải khắc phục đó là những nhân tố không bình thường để hình thành một nền kinh tế thị trường, huyết mạch của xã hội hiện đại. Một xã hội truyền thống từng lấy làng xã làm tế bào với một xã hội khép kín, dĩ nông vi bản cùng chế độ ruộng đất công và những tập quán, tục lệ có xu hướng bảo thủ có thể góp vào tinh thần đoàn kết trong sự nghiệp “giữ làng giữ nước” nhưng là mảnh đất tiểu nông nảy sinh cả trong hoạt động kinh tế và tư duy.

Một chủ nghĩa bình quân và chính sách quân điền tồn tại lâu dài như một chính sách kinh tế và ăn sâu vào trong tâm thức xã hội truyền thống, cộng với cái lý tưởng “lấy của người giàu chia cho người nghèo” đuợc coi là phương thức thực hiện sự công bằng xã hội, hay một thời kỳ lấy đấu tranh, cải tạo giai cấp hữu sản đã làm thui chột những năng lực kinh tế vốn đã quá yếu, cũng có nghĩa là đánh mất một đội ngũ năng động là lực lượng phát triển của xã hội. Thiếu vắng tầng lớp hữu sản sẽ làm cho xã hội chậm phát triển và không đủ sức cạnh tranh khi hội nhập. Hơn thế, thiếu vắng tầng lớp hữu sản cũng có nghĩa là chưa tạo mảnh đất cho Dân chủ bám rễ và phát triển. Chứng cứ của sự không bền vững ở Hội An, Phố Hiến xưa kia, của tầng lớp tư sản dân tộc thời thuộc địa, của nền kinh tế quốc dân qua các kỳ “cải tạo xã hội chủ nghĩa” là những bài học sâu sắc.

Cuộc đấu tranh từ “khoán chui ” đến cương lĩnh minh bạch của Đại hội Đảng lần thứ X về việc “đảng viên làm kinh tế” cũng như sự công nhận đội ngũ doanh nhân là một lực lượng xã hội quan trọng, trong đó vị thế của nền kinh tế tư nhân và ngoài quốc doanh ngày càng được khẳng định, chính là quá trình "trở lại bình thường” vô cùng quan trọng để chúng ta có cùng quỹ đạo phát triển với sự vận hành của nền kinh tế thế giới.

WTO - Cuộc hội nhập lần thứ hai

Cuối cùng, việc chúng ta gia nhập WTO sau gần một giáp thương thảo với thế giới kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa song hành với quá trình Đổi mới, tự điều chỉnh và hoàn thiện mình, đã cho thấy ‎một nỗ lực và sự thành công như thế nào để có thể khắc phục được những “di sản không bình thường của lịch sử”. Sau việc gia nhập WTO, chắc chắn một công việc có tầm quan trọng hàng đầu và liên quan không chỉ với nhà nước, quan chức, doanh nghiệp… mà còn đối với từng người dân, đó là chúng ta cùng bước vào cuộc hội nhập với việc phải tự hoàn thiện mình, gột bỏ những khiếm khuyết của quá khứ mà sự minh bạch luôn trở thành một nguyên tắc đầu tiên và cũng là nhân tố quyết định cho thành công của hội nhập…

Chính sự trở lại với quỹ đạo bình thường của mọi dân tộc trên nền tảng nền kinh tế thị trường chính là ý‎ nghĩa lớn lao của sự kiện gia nhập WTO. Cũng vì thế phải cần có thời gian chúng ta mới nhận thức được. Nó giải thích vì sao cuộc hội nhập này được gọi là “cuộc hội nhập thứ hai” trong lịch sử dân tộc ta. Năm 2007 này chính là năm đầu tiên dân tộc Việt Nam bắt đầu bước vào một quỹ đạo mới cũng là bước vào một vận hội mới.

  • Dương Trung Quốc

    Ý kiến của bạn:

,
,