,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
887248
Công bố người giàu nhất Việt Nam: Để biết mình là ai
1
Article
null
,

Công bố người giàu nhất Việt Nam: Để biết mình là ai

Cập nhật lúc 16:38, Thứ Hai, 15/01/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - Mới đây, một số phương tiện truyền thông đã công bố một cách không chính thức danh sách những người giàu nhất VN. Dẫu xung quanh những tên tuổi này còn có không ít ý kiến khác nhau nhưng nhìn chung đây là một bước tiến mới của quá trình minh bạch hóa. Nhìn xa hơn là bước tiến mới của lộ trình hội nhập. Đặc biệt trong lĩnh vực công khai thông tin.

Các nhà đầu tư theo dõi kết quả giao dịch tại sàn giao dịch của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn sáng 11-1-2007 - (Ảnh: T.T.D. - TuổiTrẻ)

Bước tiến mới của hội nhập?

Chuyện ông Bill Gate ở nước Mỹ có tài sản 52 tỷ USD, ông Abramnovic ở nước Nga có 15 tỷ USD là điều mà những người dân với trình độ trung bình ở Việt Nam cũng có thể biết. Nhiều người thậm chí còn có thể đọc vanh vách danh sách một trăm người giàu nhất thế giới nhưng khi hỏi đến ai là người giàu nhất VN, tài sản của họ là bao nhiêu, đứng thứ hạng bao nhiêu trên thế giới lại là một câu hỏi không có lời giải đáp.

Việc không có thông tin chính xác đã tạo ra không ít lời lời đồn thổi với bao nhiêu dị nghị. Rằng ông A hiện đang có tài khoản gửi tại NH Thụy Sỹ là X tỷ USD, ông B đang công tác ở Bộ C cũng có tài khoản gửi ở NH Z là Y tỷ USD. Không ít trường hợp từ chỗ dị nghị đã nẩy ra những cuộc tranh luận nảy lửa mà cuối cùng là sự khủng hoảng lòng tin vào một xã hội minh bạch.

Chuyện người Việt chỉ biết chuyện xứ người mà không biết chuyện xứ mình không còn là điều lạ. Thậm chí, một số cán bộ tuyên giáo có thể thao thao bất tuyệt về chuyện châu Âu, châu Mỹ nhưng hỏi đến việc trong nhà còn có bao nhiêu tiền, trưa nay ăn bằng cái gì thì chịu. Có nhà nghiên cứu xã hội học đã đưa ra kết luận rằng, người Việt mình mắc chứng mộng du, “trong nhà không tỏ, ngoài ngõ thì rành”.

Mới đây, trên một số diễn đàn và trên một số phương tiện truyền thông đã công bố một cách không chính thức danh sách những người giàu nhất VN. Dẫu xung quanh những tên tuổi này còn có không ít ý kiến khác nhau nhưng nhìn chung đây là một bước tiến mới của quá trình minh bạch hóa. Nhìn xa hơn là bước tiến mới của lộ trình hội nhập. Đặc biệt trong lĩnh vực công khai thông tin.

Thị trường chứng khoán, chiếc “đũa thần” tạo nên sự minh bạch

Minh bạch được coi là một trong những tiêu chí của xã hội văn minh. Lý do đơn giản, xã hội văn minh là xã hội mà mọi người sống thân thiện, hợp tác. Minh bạch như một điều kiện cần cho sự hợp tác và chia sẻ. Minh bạch còn để tránh những đầu tư vô ích vào sự không hiểu biết lẫn nhau. Tuy nhiên, do lịch sử để lại, người VN vẫn không dễ gì tiếp cận với những tiêu chuẩn tối thiểu của sự minh bạch.

Thói quen đề phòng, sợ người khác hơn mình, giữ bí quyết làm ăn và hơn thế là sự lách luật như một cách thức để tồn tại khiến khái niệm minh bạch chỉ tồn tại trên giấy. Không ít cơ quan, doanh nghiệp lớn vẫn tồn tại hai hệ thống sổ sách. Một hệ thống là con số thực, chỉ dùng cho chánh phó giám đốc và những nhân vật chủ chốt biết với nhau. Một hệ thống là con số đẹp, nhằm đối phó với cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan thuế. Nếu ai đó có lỡ miệng tiết lộ con số thật với báo chí sẽ là một thảm họa.

Sự tù mù trong tài chính khiến chúng ta đã mất không ít cơ hội hợp tác, đánh mất không ít khách hàng tiềm năng. Tuy nhiên, tư duy cũ không dễ gì chia tay.

Khi thị trường chứng khoán trở nên sôi động, các doanh nghiệp đua nhau lên sàn đã mở ra một cuộc đua mới về giá cổ phiếu. Muốn hấp dẫn các nhà đầu tư trước hết đó phải là doanh nghiệp làm ăn có lãi. Không những thế mà còn phải lãi lớn, lãi hấp dẫn, không chỉ là lãi trước thuế mà còn lãi sau thuế, chính sách lợi tức... Tất cả những thứ đó đều được thể hiện trong báo cáo tài chính được cơ quan kiểm toán xác nhận. Ngoài ra còn phải công khai những dự án, những triển vọng phát triển, càng minh bạch càng chinh phục được nhà đầu tư.

Cứ theo đà ấy, bản cáo bạch của doanh nghiệp cứ dài mãi. Không chỉ những chỗ tưởng như thầm kín tế nhị mà cả ruột gan phèo phổi của doanh nghiệp đều phơi bày hết để khoe khoang mình, quyến rũ các nhà đầu tư. Hiện tượng này chỉ có thấy trên sàn giao dịch chứng khoán.

Những con số về tài sản mà các phương tiện truyền thông đưa ra trước hết là từ những thông tin trên thị trường chứng khoán. Chuyện ông Bình hiện đang sở hữu bao nhiêu cổ phiếu của FPT; ông Hưng đang sở hữu bao nhiêu cổ phiếu của SSI; giá trị giao dịch của các cổ phiếu này đang phổ biến ở mức nào là những thông tin hoàn toàn công khai, hợp pháp. Có thể nói, thị trường chứng khoán là chiếc đũa thần tạo nên sự minh bạch.

Tài sản cá nhân có còn là chuyện bí mật?

Báo Đại Đoàn Kết (số ra ngày 3-1) đã chia “những người giàu nhất VN” thành hai nhóm, nhóm giàu từ CP và nhóm “ẩn danh”.

- Nhóm giàu từ CP gồm có: ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Ggiám đốc FPT - với tài sản cỡ... 2.300 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng cổ phần Á Châu, người đang nắm giữ 10 triệu CP của NH này với giá trị khoảng 1.500 tỉ đồng.

Nhỉnh hơn là ông Trần Mộng Hùng - Chủ tịch ACB, người cùng gia đình -đang sở hữu 14 triệu CP của ngân hàng này.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn - với 800 tỉ đồng.

Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Công ty thủy sản Minh Phú - có khoảng 1.100 tỉ đồng. Cô con gái 20 tuổi của ông Quang có khoảng 480 tỉ đồng.

Gia tộc họ Trần đang nắm giữ Công ty Kinh Đô với giá trị ước khoảng 200 triệu USD (trên 3.200 tỉ đồng).

- Nhóm “ẩn danh”: ông Võ Quốc Thắng - Tổng Giám đốc Công ty gạch Đồng Tâm, và ông Đoàn Nguyên Đức - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai - cũng có thể “ngồi cùng chiếu” với những người có trên ngàn tỉ đồng.

Ông Trầm Bê, cổ đông của Ngân hàng Phương Nam và Bệnh viện Triều An, với trên 1.000 tỉ đồng.

Nguyễn Thị Hường - Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàn Cầu - với khoảng 2.000 tỉ đồng, chủ yếu là bất động sản.

Khi những thông tin về tài sản của các “đại gia” được công bố, đã có không ít ý kiến xung quanh hiện tượng này. Ý kiến có nhiều nhưng tập trung vào hai nhóm chính. Nhóm thứ nhất cho rằng, việc công bố thông tin là vi phạm đời tư cá nhân. Nhóm thứ hai cho rằng, việc thông tin về tài sản của những ông lớn không còn là chuyện cá nhân nữa, bởi chính họ đang là người của công chúng.

Lập luận của nhóm ý kiến thứ nhất dựa trên việc báo chí thu thập những thông tin công khai rồi cung cấp cho bạn đọc mà không đáp ứng những điều kiện về bảo mật là vi phạm. Có thể việc công bố không có ý đồ xấu nhưng không chắc sẽ tốt cho người chủ sở hữu. Có rất nhiều người không hề muốn công khai tài sản của mình vì lo sợ những bất trắc, trộm cướp có thể xảy ra.

Nhóm ý kiến thứ hai cũng có lý của họ, những người giàu đều là những người đang sở hữu các doanh nghiệp với hàng trăm cổ đông tham gia góp vốn. Việc thành bại của họ không chỉ dừng lại ở chuyện cá nhân mà còn liên quan đến cổ đông, xa hơn là người lao động và cả thị phần mà họ đang nắm giữ. Pháp luật không cấm một người được sở hữu nhiều tài sản hợp pháp. Quyền tài sản được pháp luật bảo hộ bao gồm luôn cả những thông tin liên quan đến nguồn gốc tài sản.

Với các nước phát triển, ai là người giàu nhất không phải là câu hỏi khó trả lời. "Anh" làm gì, có bao nhiêu công ty, mỗi công ty được định giá bao nhiêu, "anh" sở hữu bao nhiêu cổ phần, giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán bao nhiêu. Cùng với đó là các khoản động sản, bất động sản ở đâu, nguồn gốc hình thành thế nào đều không phải là thứ quá khó. Bằng cách này, người ta có thể xác định được tài sản của Bill Gate hay của Abramnovic là vậy.

"Người có nhiều tiền thì xứng đáng được hưởng nó"?

Thoạt nghe câu nói này có người cho rằng chúng ta đang tôn thờ tiền bạc. Rằng, chúng ta đang tiếp tay cho tham nhũng rằng, quan điểm này thực dụng như... Mỹ. Nhưng ngẫm lại, khi chúng ta đã thừa nhận nền kinh tế thị trường, tôn trọng quyền sở hữu cá nhân, thừa nhận quy luật giá trị thì việc phân hóa giàu nghèo như là một tất yếu của đời sống. Trong một thế giới mà mọi người đều bình đẳng về mặt cơ hội thì việc ai khôn ngoan hơn, ai có trí tuệ hơn sẽ là người tận dụng tốt nhất cơ hội mà mình có được. Sự nắm bắt cơ hội có hiệu quả sẽ tạo ra khác biệt về thu nhập, sự khác biệt về thu nhập tạo ra sự khác biệt về tài sản.

Sự khác biệt về tài sản cũng chính là động lực để mỗi cá nhân phải tự hoàn thiện mình để văn minh hơn, hiểu biết hơn và nâng tầm cao trí tuệ lên. Đó chính là động lực để xóa đói, để giảm nghèo và để phát triển xã hội.

Công cuộc chấn hưng đất nước với nhiệm vụ trung tâm là làm giàu một cách hợp pháp đang được xem là hoạt động chính nhằm thoát nghèo, làm giàu cho chính mình, làm giàu cho đất nước. Việc công bố danh sách những người giàu nhất Việt Nam không chỉ đơn thuần là thông tin về kinh tế đất nước mà còn là sự tôn vinh những người làm giàu một cách chân chính. Đó cũng là cách tạo ra tâm lý cạnh tranh cho một cuộc đua, không chỉ giữa các cá nhân, giữa các DN với nhau, mà còn giữa nước ta với các nước khác. Từ đó họ biết mình là ai, đang ở thang bậc nào trong cộng đồng người Việt Nam và xa hơn là trong cộng đồng quốc tế. Có như thế mới khơi dậy những khát vọng làm giàu chân chính trong mỗi người dân Việt Nam.

  • Lan Hà

Ý kiến của bạn:

,
,