Hòa hợp để Việt Nam bay lên
(VietNamNet) - Hình ảnh chim Lạc, chim Hồng nối đuôi nhau tung cánh được những bàn tay tài hoa của nghệ nhân người Việt để lại trên trống đồng tìm thấy ở các hố khảo cổ Đông Sơn có niên đại cách đây 4.000 năm. Bay lên là khát vọng không chỉ của ngày hôm nay mà là khát vọng suốt bốn ngàn năm qua của nước Đại Việt.
- Hòa hợp dân tộc chỉ còn là vấn đề thời gian
- Hòa hợp dân tộc: vì mục tiêu chung vượt lên khác biệt
- Hoà hợp là tâm nguyện tha thiết của người Việt
- Vinh danh nước Việt: Một chỗ đứng đặc biệt
- Hòa giải
- Họa sĩ Văn Dương Thành: Quê hương - Một cõi đi về...
- TS.Đỗ Đức Cường: Con ong lặng lẽ góp mật cho quê hương
- 17 kiều bào được bình chọn “Vinh Danh Nước Việt - 2006”
- GS Lê Dũng Tráng: "Kính tặng nhân dân tôi"
- TS Trần Minh Tâm với phương châm sống: "Chân thành"
- BS Hoàng Anh Dũng: Người mang “cái tâm” về với cội nguồn
- TS Trần Nam Bình: Mong “đánh thức con Rồng ngủ quên”
- GS TSKH Huỳnh Hữu Tuệ: Nặng lòng với giáo dục VN
Do những biến cố lịch sử, khát vọng đó vẫn chỉ là ước mơ cháy bỏng của
BS Bùi Minh Đức (phải) trong niềm vui nhận danh hiệu "Vinh danh nước Việt" năm 2005. (Ảnh: Phạm Hải)
biết bao thế hệ. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm lịch sử, là cơ hội vàng để người Việt Nam biến khát vọng của cha ông thành hiện thực. Những người Việt được vinh danh không chỉ làm rạng danh nước nhà mà còn là cầu nối quan trọng để hòa hợp dân tộc, điều kiện cần để Việt Nam bay lên.
Từ thế kỷ 16, dải đất hình chữ S đã được các nhà truyền giáo phương Tây đặt cho cái tên Indo- China để chỉ sự chồng lấn giữa hai nền văn minh lớn là Ấn Độ (Indo) và Trung Quốc (Chia). Vị thế địa lý này không chỉ là sự chồng lấn giữa hai nền văn minh, hai nền văn hóa mà còn là sự chồng lấn về văn hóa và cả ý thức hệ. Đó cũng là lý do để suốt hơn năm thế kỷ qua, trên dải đất thân yêu của chúng ta liên tục có sự xung đột, chia rẽ. Thời hậu Lê, Trịnh Nguyễn phân tranh, nồi da nấu thịt kéo dài ngót hai trăm năm. Nhà Tây Sơn thống nhất đất nước chưa được bao lâu thì bị triều Nguyễn lật đổ, mở đầu cho sự xâm thực của chủ nghĩa thực dân từ phương Tây.
Năm thế kỷ qua với hàng trăm cuộc xung đột đẫm máu là năm thế kỷ mà chúng ta tụt lại phía sau. Cũng trong thời điểm đó, Nhật Bản, nước “đồng chủng đồng văn” với chúng ta đã tranh thủ vượt lên, hội nhập với thế giới. Dẫu cách nghĩ có khác nhau, nhưng các nhà yêu nước, từ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đến Nguyễn Ái Quốc đều có một nhận định chung: Hòa giải, hòa hợp dân tộc là điều kiện tất nhiên để đất nước tồn tại và phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu. Hòa giải bằng cách hàn gắn những vết thương do cuộc xung đột để lại, gác bỏ hận thù, hướng tới tương lai.
Hòa giải dân tộc phải đi trước và là điều kiện bắt buộc để có hòa hợp, hay đoàn kết dân tộc. Truyền thống bốn ngàn năm của người Việt, ở trong nước cũng như đang sinh sống ở nước ngoài, dẫu có sự khác biệt về chính kiến nhưng đều chung một ngày Giỗ Tổ, đều chung một tình cảm tự nhiên, một khát vọng bay lên như hình ảnh con chim Hồng, chim Lạc được khắc sâu trên bề mặt trống Đồng như một biểu trưng vĩnh hằng của dân tộc.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có cách nói khá hay, theo ông, ngày 30 tháng Tư là ngày không có kẻ thắng người bại. Ngày đó là ngày thống nhất đất nước, là ngày chiến thắng của cả dân tộc, non sông thu về một mối và chấm dứt chuỗi dài đau thương của lịch sử. Hơn ba mươi năm qua, dẫu có những lúc ứng xử khác nhau do nhận thức, do quá khứ để lại, nhưng cuối cùng Nhà nước Việt Nam đã đưa đất nước vào quỹ đạo hội nhập với thế giới. Việt Nam liên tục tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Chính phủ và nhân dân các nước đã từng tham gia chiến tranh Việt Nam mà đỉnh cao là chúng ta hoàn toàn bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, quốc gia được coi là kẻ thù của Việt Nam trong suốt hàng chục năm chiến tranh.
Hơn thế là vận hội mới khi Việt Nam trở thành thành viên của WTO, tổ chức thương mại toàn cầu mà mỗi thành viên trong đó đều có chung một luật chơi chung, không phân biệt sắc tộc, màu da, tôn giáo.
Non sông Việt Nam là của mọi người Việt Nam. Xây dựng đất nước Việt Nam là nghĩa vụ của mỗi người Việt Nam. Vận nước vừa thôi thúc vừa tạo cơ hội tập hợp những người Việt Nam yêu nước trong khối đại đoàn kết dân tộc chung lòng, dốc sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, không phân biệt quá khứ và vượt lên trên những sự khác biệt về dân tộc, tôn giáo, hoàn cảnh kinh tế... và cả sự khác nhau về chính kiến.
Cùng với 84 triệu người trong nước, chúng ta còn có 3 triệu người định cư ở nước ngoài, ở hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, trải dài từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam, khắp cả năm châu lục. Hơn ba mươi năm chiến tranh, dẫu ở phía nào cũng có người trực tiếp hoặc gián tiếp gánh chịu khổ đau. Ba triệu người Việt ở nước ngoài, hơn ai hết là người thấu hiểu điều đó. Phần lớn những người Việt đã vượt qua khó khăn nơi đất khách quê người, nhanh chóng hòa hợp, nỗ lực khẳng định mình ở miền đất mới.
Bài học lịch sử cho thấy, mỗi thành công của đất nước đều gắn liền với chính sách đại đoàn kết dân tộc. Ý thức được điều này, Chính phủ Việt Nam luôn coi cộng đồng người Việt ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Trong những năm qua, Nhà nước đã khuyến khích và tạo điều kiện tốt để bà con kiều bào về thăm quê hương, tham gia tích cực vào các hoạt động ở trong nước. Hưởng ứng chính sách đó, không chỉ những người dân bình thường mà cả những nhân vật cao cấp trong chính quyền cũ, giới văn nghệ sỹ, tăng ni phật tử... cũng đã lần lượt về thăm quê.
Không chỉ nguồn lực vật chất mà nguồn lực khoa học kỹ thuật, công nghệ, cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng là một nhân tố rất quan trọng, là cầu nối sự hiểu biết lẫn nhau giữa nước sở tại và đất nước chúng ta. Lực lượng trí thức kiều bào ngày càng nhiều. Hoạt động của các hội, đoàn được đẩy mạnh và thực chất, đã góp phần gắn kết cộng đồng, giúp đỡ nhau làm ăn, hướng về đất nước, thực sự là những chiếc cầu nối hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè thế giới.
Trong số đó có nhiều người thành đạt được cộng đồng sở tại công nhận. Không ít người đã trở về mang tình cảm, tâm huyết, trí tuệ đóng góp cho công cuộc xây dựng đất nước. Họ không những thổi bùng khát vọng bay lên trong lòng mỗi người Việt mà còn là chiếc cầu nối quan trọng để liên kết người Việt bốn phương, cùng với người Việt trong nước hợp sức xây dựng đất mẹ thân yêu
Trong một thế giới hội nhập, hơn lúc nào hết, khát vọng ngàn năm của người Việt có thể trở thành hiện thực. Cũng như những con chim Hồng, chim Lạc, muốn bay lên, chúng ta phải gác lại quá khứ, cùng hướng tới tương lai. Muốn bay lên, phải cùng nhau chung một khát vọng, cùng nhau chung một mục tiêu vì niềm kiêu hãnh của dòng máu Lạc Hồng, dẫu đang sống ở phương trời nào trên khắp thế giới.
Như thông lệ hàng năm, vào dịp đầu năm, VietNamNet tổ chức tôn vinh những người Việt xa xứ có những đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng đất nước. Quan trọng hơn, họ là những chiếc cầu nối để hòa giải và hòa hợp dân tộc, là nhân tố quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc của người Việt Nam, dẫu ở phương trời nào trên thế giới.
Hòa hợp dân tộc để cùng nhau bay lên! Chúng ta có chung một niềm tự hào khi nói lên điều đó.
-
VietNamNet
Ý kiến của bạn: