,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
923398
Bạo hành học đường: Hãy rèn luyện kỹ năng sống
1
Article
null
,

Bạo hành học đường: Hãy rèn luyện kỹ năng sống

Cập nhật lúc 16:40, Thứ Tư, 18/04/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - "Chuyện bạo hành trong trường học không chỉ là vấn đề đạo đức của người thầy mà liên quan đến chuyện rèn luyện kỹ năng sống của các em. Nếu có thể, hãy dạy cho các em biết cảnh giác, óc hoài nghi một cách khoa học, không phải hoài nghi bi quan, xa lánh và phản biện", TS. Trịnh Hòa Bình khuyến cáo.

>>HS lớp 7 tự tử vì cô giáo khám người trước lớp
>>Một em gái học lớp 5 hoảng loạn vì bị ép cung

t
TS. Trịnh Hòa Bình.

Trao đổi với VietNamNet, TS. Xã hội học Trịnh Hòa Bình nói:

Chuyện trẻ em bị bạo hành không phải đến bây giờ mới xảy ra. Chẳng qua, hiện nay, những câu chuyện bạo hành trở nên "đậm đặc" hơn là bởi chính áp lực của truyền thông và công luận. Còn biết bao nhiêu chuyện bạo hành trường học đau lòng khác xảy ra ở nhiều nơi mà không được can thiệp... Đây không chỉ là vấn đề đạo đức của người thầy mà liên quan đến chuyện rèn luyện kỹ năng sống của mỗi người trong xã hội chúng ta. Chuyện làm sao để những đứa trẻ trưởng thành, ngoài kiến thức còn được trang bị những kỹ năng sống vững vàng.

Truyền thông, gần đây hay nhắc đến vấn đề thiếu kỹ năng sống trong giới trẻ. Nhưng không chỉ các em mà cả nhiều bậc phụ huynh, thậm chí ngay cả các thầy cô giáo cũng đang thiếu kỹ năng này. Trang bị nó không chỉ là việc của nhà trường, đừng vì thế mà đưa thêm vào chương trình môn học này, môn học nọ...  Bởi, chúng ta đã nói nhiều về chuyện giảm tải và đừng để các em tiếp tục biến thành những "con lạc đà".

Thầy - cô vì vậy không chỉ giỏi chữ nghĩa, mà phải có năng lực làm việc với trẻ nhỏ và kỹ năng khuyến khích sự sáng tạo của con người. Nhưng, thực tế là đời sống xã hội của chúng ta đang có những bất thường, chủ quan, duy ý chí. Và giáo dục cũng vậy.

Thưa ông, bên cạnh thuật ngữ "giáo dục", chúng ta còn có thuật ngữ "xã hội hóa". Vậy hai quá trình này có tác dụng như thế nào trong việc hình thành và bồi dưỡng nhân cách cho các em?

- Đây là hai khái niệm tồn tại song song. Xã hội hóa là một quá trình liên tục, bắt đầu từ gia đình và diễn ra trong suốt cuộc đời con người. Nhà trường và xã hội là mảnh đất chính cho điều này. Đặc biệt sau mỗi biến cố, mỗi khủng hoảng trong cuộc sống xảy ra, con người trưởng thành hơn lên và làm tốt hơn vai trò mà xã hội và chính người đó trông đợi.

Hai quá trình "xã hội hóa" và "giáo dục" có những điểm tương đồng nhất định đó là, nhờ sự giao thoa của nó mà từng cá nhân trưởng thành và chín chắn hơn lên.

Tuy nhiên, nếu "xã hội hóa" là quá trình diễn ra suốt đời, không cụ thể mục đích  thì "giáo dục" là hoạt động có tính định hướng rõ rệt hơn, có chương trình, đối tượng và mục đích. Trong xã hội Việt Nam hiện nay, khi chúng ta đang hướng tới một cách mạnh mẽ một nền giáo dục suốt đời thì hai khái niệm "giáo dục" và "xã hội hóa" đã có sự đan xen. Càng thêm nhiều điểm tương đồng thì con người xã hội của chúng ta ngày càng hoàn thiện hơn và đáp ứng các chuẩn mực giá trị cao hơn, tập trung hơn.

Trong thời đại thông tin hiện nay, chúng ta phải tận dụng tối đa lợi thế giáo dục đi đôi với xã hội hóa. Và, tất cả hãy bắt đầu từ gia đình với tính cách là cơ sở của xã hội.

 

Vậy, những kỹ năng sống đầu tiên mà gia đình và thầy cô cần trang bị cho các em là gì, thưa ông?

- Gia đình và thầy cô cần trang bị cho các em một nhận thức mới, rằng, thầy cô, cha mẹ cũng là con người, cũng là những thành viên xã hội. Và đã là xã hội, thì ai cũng có thể có những sai lầm, và lúc nào, ở đâu đó cũng sẽ có những hành vi không chuẩn mực và vì thế con trẻ phải biết bảo vệ mình. Nếu có thể, hãy dạy cho các em biết cảnh giác, có óc hoài nghi một cách khoa học, không phải hoài nghi bi quan, xa lánh và phản biện. Muốn như thế, chính cha mẹ, thầy cô cũng phải tự trang bị kỹ năng này, không được suy nghĩ một cách chủ quan và hời hợt.

Ngoài ra, các tổ chức địa phương, các đoàn thể xã hội cũng cần có những đổi mới để phù hợp với yêu cầu "xã hội hóa" toàn diện như chúng ta vừa nói. Các tổ chức chính trị xã hội của lứa tuổi trong thời gian qua vẫn còn đâu đó bệnh hình thức và xu hướng áp đặt. Phải chăng, đó chính là lý do dẫn đến thiếu hụt trong việc trang bị kỹ năng sống cho các nhóm xã hội.

Gần đây, ở mức độ nào đó, đã có nhiều nhóm nhân viên xã hội hoạt động và tôi nghĩ rằng đã có tác động phần nào đến vấn đề này. 

Trên VietNamNet mới đây có trích đăng bức thư của một người cha gửi về từ New York, kể chuyện đứa con nhỏ của anh khi ở Việt Nam rất sợ đi học, sợ thầy cô trừng phạt, nhưng sang Mỹ, lại chỉ mong đến trường cả trong ngày nghỉ bởi thầy cô không bao giờ mắng mỏ, trừng phạt ngay cả khi các em làm điều sai. Liên hệ với chuyện những đứa trẻ bị bạo hành ở Đồng Tháp vừa qua, ông có bình luận gì?

- Nhà trường không có trách nhiệm phải bồi dưỡng, trang bị những kỹ năng sống cho các giáo viên để dạy họ phải biết ứng xử với học trò. Nhưng bản thân các thầy cô và các bậc cha mẹ, trong các tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình phải có trách nhiệm trang bị cho nhau kiến thức loại này.

Vậy, trang bị thế nào để không còn nạn bạo hành học đường và để các em hình thành bản lĩnh, cốt cách, không bị bấn loạn tinh thần khi gặp phải những sự cố trong cuộc sống là một câu chuyện rất dài, một quá trình bền bỉ. Cũng giống như vai trò của truyền thông,  việc tuyên truyền và trang bị kỹ năng sống sẽ như các đợt sóng liên tục để tác động làm thay đổi hành vi.

Những câu chuyện đau lòng này chủ yếu xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Vậy ông đánh giá vấn đề này như thế nào? 

- Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến những câu chuyện này. Và sự ngẫu nhiên là cả hai câu chuyện đau lòng này đều xảy ra ở vùng nông thôn.

Một trong những nguyên nhân, có thể là do một số thầy cô ở đây đã không chịu cập nhật thông tin thời sự và cũng không chịu áp lực để phải làm đúng. Có nhiều áp lực trong đời sống xã hội. Áp lực để làm những việc trái với lương tâm hoặc áp lực để buộc người ta phải xử sự theo đúng những chuẩn mực đã có theo luật định... Dư luận cộng đồng và truyền thông chính là những nhân tố tạo áp lực. Dư luận xã hội tẩy chay những hành vi vô luân, không hợp đạo lý cũng như cổ vũ người tốt việc tốt, xây dựng niềm tin và các chuẩn mực lành mạnh.

Cũng phải nói thêm rằng, không có áp lực để xui người ta làm sai nhưng có những áp lực khiến ngưòi ta mất tỉnh táo. Có thể, một số thầy cô ở Đồng Tháp đã có hành vi bạo hành với các em chỉ vì trong kinh nghiệm của họ không có những phương án văn minh, không có những "kịch bản" khác tốt đẹp hơn để lựa chọn. Trong những tình huống đó, họ dễ hành xử theo kiểu bộc phát, áp đặt sức mạnh thể chất cũng như ý chí chủ quan.

  • Lê Nhung (thực hiện)

Ý kiến của bạn:

,
,