Dỡ nhà trái phép và chuyện kinh tế của pháp luật
(VietNamNet) - Ngay sau dịp nghỉ 1/5, Hà Nội sẽ phá dỡ toàn bộ phần vi phạm các công trình: số 4 Đặng Dung, số 2 ngõ 31 Nguyễn Chí Thanh, số 9 Đào Duy Anh... Liệu có cách làm khác hay hơn không? Bài viết của TS Nguyễn Sĩ Dũng.
>> Hà Nội: Phạt nhà xây trái phép 500.000 đồng Nhà số 9, Đào Duy Anh sẽ bị phá dỡ 5 tấng xây trái phép (Ảnh TP)
>> Đặt "nhà sai phép, không phép" lên bàn Thủ tướng
>> Thản nhiên xây nhà vượt phép sát hồ Tây
Cuối cùng, quyết định đưa ra là những ngôi nhà xây quá phép ở Hà Nội sẽ bị tháo dỡ phần xây quá phép. Và ngoài việc chi phí tháo dỡ sẽ do những người đã vi phạm phải bỏ ra tất cả, những người này còn bị phạt hành chính với mức cao nhất có thể lên tới 70 triệu đồng. Các chế tài được áp dụng rõ ràng là rất nghiêm khắc. Với sự nghiêm khắc như vậy, hy vọng pháp luật sẽ đạt được sự răn đe đối với những người dân. (Rất tiếc, điều tương tự là chưa thể nói được về các chế tài được áp dụng đối với các quan chức để xảy ra sai phạm).
Quyết định tháo dỡ những ngôi nhà xây quá phép có thể được dư luận rộng rãi ủng hộ, nhưng các nhà kinh tế học lại thấy băn khoăn. Vấn đề là chi phí để áp đặt việc tuân thủ pháp luật là lớn vô cùng. Với một ngôi nhà bị tháo dỡ bớt 5 tầng thì những chi phí sau đây đã phát sinh: 1. Chi phí để xây 5 tầng nhà; 2. Chi phí để được làm ngơ cho chuyện xây quá phép 5 tầng nhà; 3. Chi phí để dỡ 5 tầng nhà; 4. Chi phí để tu sửa lại ngôi nhà; 5. Chi phí về thời gian cho cả quá trình xử lý; 6. Chi phí về cơ hội do sự chậm trễ gây ra. 7. Chi phí về việc ô nhiễm môi trường do việc phá dỡ gây ra.
Những chi phí nói trên có vẻ như chủ đầu tư sẽ phải gánh chịu là chính. Tuy nhiên, của dân thì cũng như của nước, sự giàu có sẽ rất khó đến với chúng ta nếu những chi phí không đáng có phát sinh nhiều đến như vậy.
Kinh tế của pháp luật vì vậy là điều rất cần được thấu hiểu trong việc ban hành, cũng như thực thi pháp luật. Kinh tế của pháp luật là một khái niệm nghe khá lạ tai, nhưng lại không phải là một khái niệm mới. Nó được sử dụng rất nhiều trong khoa học lập pháp của các nước trên thế giới.
Đây là một khái niệm dùng để chỉ tác động của pháp luật về mặt kinh tế. Cụ thể, các quy định của pháp luật có thể làm giảm thiểu các chi phí, nhưng cũng có thể làm cho các chi phí đó tăng lên. Trong trường hợp thứ nhất, chúng ta sẽ dễ có được một cuộc sống thịnh vượng, trong trường hợp thứ hai, chúng ta sẽ khó tránh khỏi một cuộc sống khó khăn.
Công trình sát mép nước Đầm Trị-Hồ Tây (Phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội) được "biến hoá" từ 3,5 thành 8,5 tầng. (Ảnh: NT)
Xin được lấy ví dụ về ngôi nhà xây quá phép 5 tầng để phân tích dưới góc độ kinh tế của pháp luật. Để trừng phạt hành vi xây dựng quá phép, pháp luật ở nhiều nước có thể cho phép nhiều cách xử lý khác nhau. Dưới đây là một vài cách có thể:
1. Cách một, tịch thu toàn bộ 5 tầng xây quá phép. Trong trường hợp này, không một chi phí nào phát sinh nữa. Ngôi nhà vẫn có thể phát huy hoàn toàn tác dụng của nó, mà sự răn đe vẫn được bảo đảm.
2. Cách hai, phạt nặng hành vi xây quá phép sao cho lợi ích của việc xây quá phép bao giờ cũng nhỏ hơn mức bị phạt. Trong trường hợp này, chi phí của người vi phạm có thể phát sinh, nhưng chi phí chung của xã hội thì không phát sinh. Bởi vì rằng tiền của người vi phạm sẽ được chuyển cho kho bạc của nhà nước và có thể được sử dụng để đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau của xã hội. Sự răn đe trong trường hợp này vẫn đạt được.
Trong cả hai cách nói trên, những chi phí vô ích là không hề phát sinh. Chính vì vậy, xét về góc độ kinh tế thì các quy định của pháp luật như vậy là rất hợp lý (và có vẻ cũng hợp tình hơn). Rất tiếc, có thể, theo các quy định của pháp luật hiện hành, chúng ta đã buộc lòng phải lựa chọn một giải pháp không chỉ đắt đỏ nhất, mà là một giải pháp làm cho nhiều chi phí bị mất đi hoàn toàn. Mà như vậy thì xét từ góc độ kinh tế, tính hợp lý của các quy định hiện hành là điều rất đáng phải bàn.
-
Ts. Nguyễn Sĩ Dũng
Ý kiến của bạn?