,
221
3662
Nhận định
nhandinh
/nhandinh/
936196
"Mở cửa bệnh viện", nên thận trọng
1
Article
null
,

'Mở cửa bệnh viện', nên thận trọng

Cập nhật lúc 13:42, Thứ Tư, 23/05/2007 (GMT+7)
,

(VietNamNet) - "Chính sách cơ bản mà chúng ta cần theo đuổi là: Khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nhân thành lập các bệnh viện tư (hoạt động vì lợi nhuận) để cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho người giàu", TS Nguyễn Sĩ Dũng viết, nhân những tranh luận về CPH bệnh viện công trong thời gian gần đây.

>>TP.HCM: Nhiều lo ngại về cổ phần hóa bệnh viện Bình Dân

Nếu mọi sự thí điểm đều gây niềm hứng khởi, thì sự thí điểm cổ phần hóa bệnh viện công lại mang đến nhiều nỗi băn khoăn.

thieunhi..jpg

"Nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo không thể mang lại lợi nhuận cho các bệnh viện". Ảnh: Lê Anh Dũng

Trước hết, cổ phần hóa, về bản chất, là tư nhân hóa - một phần, một vài phần hay rất nhiều phần. Các phần này sẽ làm xuất hiện các cổ đông. Cổ đông là các ông chủ về mặt pháp lý và trên thực tế của bệnh viện. Cho dù, ông chủ lớn nhất có thể vẫn là Nhà nước, thì các ông chủ khác cũng không thể không có tiếng nói và không thể không có quyền tác động lên cách thức hoạt động của bệnh viện. Ngoài ra, ông chủ Nhà nước là khá siêu hình. Ông chủ này phải được “vật chất hoá” bằng những con người cụ thể. Rủi ro thay, những con người cụ thể này không khéo lại cũng chính là những cổ đông (có cổ phần đứng tên người khác).

Mà như vậy thì từ một dịch vụ công, bệnh viện nhanh chóng trở thành một công ty cổ phần. Dịch vụ công lấy mục đích phục vụ làm chính, công ty cổ phần lấy lợi nhuận làm chính. Trong một công ty cổ phần, ban lãnh đạo bệnh viện sẽ phải chịu trách nhiệm trước cổ đông. Mà cổ đông không phải là các nhà từ thiện. Họ là những nhà đầu tư. (Cho dù nhiều người trong số họ vẫn làm từ thiện, thế nhưng trong trường hợp như vậy, họ không hành xử với tư cách là những cổ đông). Vì lợi ích của các cổ đông, bệnh viện sẽ phải chạy theo lợi nhuận. Điều này không có gì xấu. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ rất nhiều bệnh nhân, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo không thể mang lại lợi nhuận cho các bệnh viện. Do đó, không sớm thì muộn, họ sẽ mất quyền tiếp cận với các dịch vụ khám chữa bệnh đã cổ phần hoá.

Nếu chúng ta cho rằng có thể sử dụng cơ chế thị trường để nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người nghèo, thì đó chỉ là một suy luận khá nông nổi. Thị trường không phải là chiếc đũa thần toàn năng. Thị trường là cơ chế để tối đa hóa lợi nhuận. Ở đâu có lợi nhuận, các dịch vụ sẽ được triển khai nhanh chóng và hiệu quả. Ngược lại, ở những nơi không có lợi nhuận, cơ chế thị trường sẽ hoàn toàn thất bại. Cứ nhìn vào việc tại sao các doanh nghiệp lại không chịu đầu tư vào vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi chúng ta sẽ thấy rất rõ điều này.

Hơn nữa, các bệnh viện công là thành tựu to lớn của chúng ta trong việc bảo đảm sự công bằng cho người dân trong việc tiếp cận dịch vụ y tế. Thành tựu này phải được gìn giữ, vì đây, có thể, là cái xã hội chủ nghĩa nhất mà chúng ta đang có. Thế nhưng, làm sao chúng ta có thể gìn giữ được, nếu các bệnh viện bị tư nhân hóa?! Trong một đất nước có tới 84 triệu dân, trong đó phần lớn là những người có thu nhập tương đối thấp, mà chúng ta chỉ có khoảng trên dưới 800 bệnh viện công. Đây là một con số quá nhỏ bé. Với một con số nhỏ bé như vậy, thì việc cổ phần hóa lại cần phải được cân nhắc thận trọng hơn.

Với sự phát triển của kinh tế thị trường, điều đáng mừng là số lượng những người Việt giàu có đang ngày càng nhiều lên. Đây là một cơ hội tốt để Nhà nước tập trung nguồn lực nhiều hơn cho việc cung cấp dịch vụ y tế cho người nghèo.

Chính sách cơ bản mà chúng ta cần theo đuổi là: khuyến khích và tạo điều cho doanh nhân thành lập các bệnh viện tư (hoạt động vì lợi nhuận) để cung cấp dịch vụ chất lượng cao cho người giàu. Số ngân sách tiết kiệm được (do không còn phải bao cấp cho người giàu), thì đầu tư cho các bệnh viện công để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho quảng đại quần chúng và đặc biệt là cho người nghèo.

  • Nguyễn Sĩ Dũng

Ý kiến của bạn:

,

Tin khác

,
,