Người hùng cứu rỗi 'vương triều' Fiat
Bước ngoặt lớn nhất của Juventus là sự xuất hiện của Fiat còn bước ngoặt cho bản thân Fiat ngày nay chính là vị Giám đốc mới với nhiều nghệ thuật quản lý và kinh doanh.
Sergio Marchionne luôn nghĩ mình là người có trách nhiệm và đủ khả năng cứu vớt cả "vương triều" ôtô Fiat lừng lẫy khỏi những ngày đen tối nhất. Đó là một suy nghĩ chính xác.
Người hùng khôi phục niềm tự hào Fiat
Cuối năm 2004 Tập đoàn Fiat lâm vào cơn khủng hoảng mà đỉnh cao là việc bộ phận sản xuất ôtô - nhánh chính của "vương triều" - có nguy cơ phá sản. Đúng lúc đó, các nhà lãnh đạo General Motors (GM) kiêu hãnh đặt vấn đề mua lại Fiat, coi như một sự "cứu giúp" xuyên Đại Tây Dương của những người vốn đang khuynh đảo thị trường ôtô thế giới hàng chục năm nay. Lúc đó, niềm tự hào quá lớn đã ngăn việc Fiat tự "bán mình".
Một năm đã qua và mọi việc nay đã hoàn toàn trái ngược. GM đang giãy giụa trong cơn nguy kịch chưa từng có, đang đánh mất dần vị trí thống lĩnh trong làng sản xuất ôtô toàn cầu và "cơn đau" ấy vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Trong khi đó Fiat đang tăng tốc thấy rõ, với việc lên lịch hợp tác cùng những đối thủ sừng sỏ nhất, trong đó có GM và Ford, cho những dự án táo bạo đầy tham vọng. Tất nhiên, việc hợp tác ấy không loại trừ khả năng mua lại, sáp nhập.
Một năm tăng tốc từ "vũng lầy" ấy cũng là một năm đánh dấu sự có mặt của vị thủ lĩnh đẹp trai có tên Sergio Marchionne, một doanh nhân ít được biết đến dù trước đó đã từng phụ trách một số bộ phận của hãng. Vì sao mà một người trưởng thành trên đất Bắc Mỹ chỉ "quen nói và cả suy nghĩ bằng tiếng Anh" như Marchionne, năm nay 53 tuổi, lại được trọng dụng ở một môi trường được cho là bảo thủ bậc nhất Italia này?
Biết trị từng "căn bệnh" của Fiat
Gia đình Marchionne chuyển tới Toronto, Canada khi cậu 14 tuổi, và kể từ đó đã trải qua đủ các công việc liên quan và sau này phục vụ đắc lực cho việc quản lý, từ tư vấn pháp lý cho tới kế toán, đi đôi với chuyên môn kinh doanh học tại trường đại học Windsor. Và quan trọng nhất, Marchionne đã làm 9 năm cho hãng ôtô lớn nhất thế giới, GM, ngay tại trụ sở của họ ở thành phố Detroit.
Marchionne quay về quê nhà Italia để tiếp quản hãng Fiat lúc đang trong khủng hoảng. Có quá nhiều thứ phải làm tại đây vào lúc ấy. Thua lỗ tới hơn 2 tỷ USD năm đó, hãng tưởng chừng chỉ chờ phá sản. Tới nay, Fiat ước tính chỉ thua lỗ khoảng 150 triệu USD và đó là thành tích đáng quý của Marchionne. Đó là nhờ vào các mục tiêu tài chính hết sức rõ ràng mà Marchionne đã đặt ra và kiên định với nó từ đó tới nay.
Kết hợp cùng vị chủ tịch Luca di Montezemolo, người chuyên lo những vấn đề lớn và gắn kết Fiat với chính trường Italia nhằm đi lên thuận tiện hơn, Marchionne tập trung vào giải quyết từng vấn đề xuất hiện hàng ngày, tập trung trị từng "căn bệnh" có ở mỗi ban bệ trong hãng. Với việc đó, Fiat từng bước nâng cao được hiệu quả và tránh lãng phí tràn lan, qua đó tránh được đại họa bị thôn tính cũng như không phải cắt bỏ hàng ngàn việc làm đi đôi với đóng cửa hàng chục nhà xưởng như GM hiện nay.
Fiat luôn hứng thú với việc liên tiếp đưa ra những mẫu xe mới để qua mặt đối thủ trên thương trường quốc tế. Marchionne cũng thích vậy, nhưng hành động khác. “Ai chẳng thích có thêm những con ngựa biết giành chiến thắng. Song vấn đề là phải luôn đảm bảo đủ sức chăm sóc tất cả những con ngựa đã có trong chuồng, trong đó có những con đã mang về chiến thắng trước đây", quan điểm của Marchionne là như vậy.
Cũng về sản phẩm mới, quan điểm của Marchionne là mọi chiếc xe phải mang phong cách Italia và có thể nhận thấy đó là một chiếc Fiat ngay từ xa, nhưng không kệch cỡm và xa lạ với người tiêu dùng. Chính điều đó đã giúp ích nhiều cho Fiat thời gian qua, bởi phong cách và nét riêng chính là thế mạnh của "vương triều" Fiat. Nếu làm cho mình quá khác lạ có thể sẽ tự loại mình ra cuộc chơi nhưng đánh đồng nghĩa là nhường luôn cơ hội cho những người đến sau, vốn hào hứng và thường thích ứng nhanh hơn.
Một mẫu xe sedan mới của Fiat dưới thời Sergio Marchionne. |
Bắt kịp đối thủ nhờ tận dụng thế mạnh của đối tác
Một bí quyết thành công khác của Marchionne là không ngại học hỏi đối thủ. Có kiến thức kinh tế sâu rộng, Marchionne quyết định thu gọn danh sách các mẫu xe phong phú đa dạng hiện có tại Fiat. Các loại xe được cố gắng gom lại ở những điểm tương đồng, qua đó cắt giảm chi phí sản xuất. Ít mẫu nhưng mẫu nào ra mẫu ấy, mạnh mẽ và giá thành thấp. Đây là bí quyết giúp Toyota, hãng xe được Marchionne nể phục nhất, thành công suốt nhiều năm nay.
Marchionne cũng học hỏi tập đoàn xe hơi PSA Peugeot Citroen của Pháp trong việc sử dụng đối tác và đối thủ như một cách phân tán rủi ro của mình. Ngay sau khi "ly dị" với GM, Fiat thời Marchionne nhanh chóng lập 3 dự án riêng với PSA, Ford và Suzuki. Chưa hết, Fiat còn mở rộng hợp tác với cả những đối tượng mới nổi như tập đoàn Tata ở Ấn Độ hay tập đoàn Thượng Hải của Trung Quốc.
Nhờ những dự án ngắn và trung hạn trên mà Fiat đã được san sẻ những khó khăn trước nay một mình ghánh chịu đồng thời nhanh chóng bắt kịp đối thủ khi tận dụng được thế mạnh của đối tác mà mình đang thiếu.
Bước ngoặt lớn nhất của CLB bóng đá Juventus chính là sự xuất hiện của một tỷ phú có tên là Edoardo Agneli vào một ngày tháng 7/1923. Gia đình nhà Agneli trở thành chủ sở hữu chính thức của Juventus và rót vốn chính cho Juve từ đó đến nay. Két sắt của hãng xe Fiat không ngừng mở ra cho Juve đón về những ngôi sao lớn xuất sắc với ước vọng chiến thắng.
Còn bước ngoặt cho bản thân Fiat ngày nay chính là việc gia đình nhà Agneli quyết định chọn gương mặt Sergio Marchionne để "gửi vàng" sau cái chết của vị chủ tịch đáng kính Umberto Agneli. Kể từ đó đến nay, "con ngựa chiến" thành Turin đang trên đà phục hồi và đang vượt mặt không ít các đối thủ truyền kiếp, thậm chí là GM khổng lồ.
-
Nhật Vy (Theo BusinessWeek, Newsweek)