221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
438802
Chuyện anh Tiến "oan" đòi Toà bồi thường 2,7 tỷ đồng
1
Article
null
Chuyện anh Tiến 'oan' đòi Toà bồi thường 2,7 tỷ đồng
,

(VietNamNet) - Giờ đây gặp Hoàng Minh Tiến (sinh 1954, quê Hà Tây) - anh thợ mộc tay cưa, tay bào lành nghề chắc không ai nghĩ anh từng là Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc điều hành XNK Liên hiệp khoa học sản xuất Việt Nam, GĐ Doanh nghiệp XNK Đồng Tiến (DOTIMEXCO). Một doanh nhân từng có mặt trong các đoàn công tác do lãnh đạo cấp cao của Nhà nước dẫn đầu đi nhiều nước để kêu gọi hợp tác, đầu tư vào Việt Nam. Thời ấy DN Đồng Tiến đang lúc phát triển thịnh vượng tạo việc làm cho hàng trăm lao động...

Hôm nay, phóng viên VietNamNet gặp anh tại xưởng mộc - nơi sinh sống hiện tại của gia đình anh, Hoàng Minh Tiến nghẹn ngào: "Ngôi nhà này vợ chồng mình phải đấu tranh cả chục năm  mới giữ lại được để có chỗ ở, chỗ làm nghề mộc duy trì cuộc sống cho vợ con và chờ đợi ngày hết oan khuất".

Từ doanh nhân nổi tiếng trở thành thợ mộc quèn!

Vợ chồng anh Tiến "oan" soạn đơn gửi các cơ quan chức năng và báo chí.

Năm 1991, DOTIMEXCO (số 6/295 Bạch Mai, Hà Nội) của Hoàng Minh Tiến ký hợp đồng liên doanh chế biến, xuất khẩu da trâu bò muối với Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (TCTXDHN) do ông Trương Đình Mỹ làm Tổng giám đốc. Hợp đồng đang diễn ra suôn sẻ thì bỗng gặp "trục trặc" từ phía Tổng Công ty súc sản và gia cầm ANIMEX. Liên doanh bị khấu trừ hơn 17.000 USD. Đó là cuối năm 1992, khi Nhà nước có quyết định tạm ngừng xuất khẩu da bò. Gặp khó khăn, TCTXDHN tìm lối "chuồn", không cố gắng tìm cách tháo gỡ mà còn đơn phương chấm dứt hợp đồng (ngừng góp vốn và đòi rút vốn ra). Một mình Đồng Tiến phải đối mặt với tai họa, chịu lỗ và bằng cách trả 100 triệu đồng (bằng da) nhưng TCTXDHN không chấp nhận. Thế là hợp đồng kinh tế giữa DOTIMEXCO và TCTXDHN chưa thanh lý được.

Vốn là người năng động, sáng tạo trong kinh doanh, trong lúc đầu ra hàng xuất khẩu bị ách tắc - thời điểm khó khăn nhất, không thể đứng nhìn việc làm ăn xuống dốc, Hoàng Minh Tiến đã mua vé máy bay đi Thái Lan. Bằng uy tín của mình đã ký được hợp đồng xuất khẩu 200 tấn da trâu và chuẩn bị dự án thành lập nhà máy da Việt - Thái với công suất 10 đến 20 tấn da/ngày, sẽ cung cấp da thật làm nội thất ôtô và sản xuất áo da cung cấp cho thị trường trong nước. Công ty liên doanh Việt - Thái do anh làm Tổng giám đốc. Hoàng Minh Tiến về nước tràn đầy tự tin với hợp đồng không những sẽ đưa Đồng Tiến qua thời điểm khó khăn nhất mà còn phát triển lên một tầm cao mới.

Hoàng Minh Tiến (áo com lê đen) và công nhân DN Đồng Tiến bên lô hàng da trâu xuất sang Thái Lan (1991)

Nhưng anh đâu ngờ tai họa đang tiếp tục chờ đón mình. Tranh thủ lúc Đồng Tiến sa cơ, các "đối thủ" đã dùng mọi thủ đoạn đẩy DN này tới đường cùng. Đồng Tiến phải gánh toàn bộ số lỗ trong liên doanh với TCTXDHN. Vừa về nước, Công an quận Hai Bà Trưng đã "đón" anh với lệnh bắt và khám xét nhà khẩn cấp, thu toàn bộ tài sản của gia đình và buộc Hoàng Minh Tiến phải giao số tài sản đó cho TCTXDHN. Toàn bộ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp ngôi nhà số 6/295 Bạch Mai của gia đình anh cũng bị thu giữ. Công an quận nói với anh rằng "nếu thế chấp cho hợp đồng liên doanh với TCTXDHN thì sẽ không có chuyện khởi tố vụ án...". Nhưng rồi, Hoàng Minh Tiến bị giam luôn từ 22/11/1992 đến ngày 31/12/1993. Toà xử anh vào tù với tội danh "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Từ đây, DN Đồng Tiến hoàn toàn bị phá sản - kết cục tan vỡ thê thảm với chuỗi ngày oan trái bắt đầu...

Đâu chỉ là 398 ngày oan trái ...

398 ngày anh ngồi nghiến răng trong trại giam mà nuốt nghẹn nước mắt. Người vợ với ba con thơ ở bên ngoài hàng ngày đã gửi hàng ngàn lá đơn đến các cơ quan chức năng kêu oan cho chồng, cho cha. Họ là chỗ dựa tinh thần, tiếp thêm nghị lực để anh Tiến cố sống lê lết qua những ngày tù tội. Và người ta đã mở tới 4 phiên toà hình sự. Từ phiên toà đầu tiên do TAND TP. Hà Nội  xét xử tháng 12/1993 đã tuyên phạt Hoàng Minh Tiến 30 tháng tù cho hưởng án treo, thời hạn thử thách 36 tháng (tính đến thời điểm đó anh đã bị tạm giam 13 tháng 8 ngày). Cho tới bản án phúc thẩm của TAND tối cao tháng 6/1996 đã tuyên Hoàng Minh Tiến vô tội.

Kho hàng da trâu đã mục thối trong những tháng ngày anh Tiến ở tù.

Ra tù trong thế quẫn bách, anh phải ký gán nợ ngôi nhà số 6/295 Bạch Mai cho TCTXD HN, một khoản nợ không xác định vì hợp đồng liên doanh giữa hai bên chưa thanh lý (mà nếu có thì khoản nợ đó cũng nhỏ hơn rất nhiều lần so với giá trị thực tế của ngôi nhà mà anh là chủ nhân hợp pháp). 398 ngày anh ngồi rũ trong tù cũng đủ thời gian để 200 tấn da trâu (phục vụ cho hợp đồng liên doanh với Thái Lan) theo đó mà thối rữa. Những hợp đồng với bạn hàng nước ngoài, những hoài bão mà với khả năng của mình, anh hoàn toàn có thể thực hiện được đã "chết" dần cùng với 398 ngày oan trái.

 May sao, bạn hàng nước ngoài không phạt anh vì hợp đồng bị phá. Nhưng nỗi đau vì oan đã nhân lên gấp bội. Sự nghiệp tan theo mây khói đã đành, lúc này cuộc sống của vợ con anh đã vô cùng tiều tuỵ. Sau bao ngày ôm con đi kêu oan cho chồng, giờ đây chị Phạm Thị Lâm (vợ Hoàng Minh Tiến) đã sức cùng lực kiệt. Các con của họ thì học hành dang dở. Anh Tiến gần như quỵ gục hoàn toàn và chỉ biết "nuốt nước mắt vào trong".

Tưởng rằng sau bản án của Toà Tối cao tuyên mình vô tội, anh Tiến có thể quên bao nỗi đau để lo cuộc sống gia đình. Nhưng một bàn tay đen tối nào đó lại tiếp tục đẩy anh vào một vòng lao lý mới. 6 phiên toà dân sự đều giải quyết những vụ án giả - nực cười vì không vụ án nào xác định được nguyên đơn kiện gia đình anh. Người ta yêu cầu anh đến để thi hành bản án - tất cả đều với mục đích "cướp" của vợ chồng anh chốn dung thân cuối cùng!

Hoàng Minh Tiến với nỗ lực không mệt mỏi, anh miệt mài gửi đơn lên lãnh đạo các cấp và được hàng chục tờ báo lên tiếng ủng hộ. Ngày 21/1/2000 gia đình anh nhận được quyết định đình chỉ các vụ án dân sự... Anh kể: "Sau đấy 5 ngày, tân Chánh án TAND TP. Hà Nội đã thừa nhận các vi phạm của các cấp liên quan..." Cuối cùng, bằng quyết định sáng suốt và... muộn màng này, gia đình Hoàng Minh Tiến đã chính thức thoát khỏi cảnh hầu toà. Giờ đây, cố sức gây dựng lại tư gia bắt đầu bằng nghề mộc, anh lại ngồi tiếc nuối, tiếc cho những ước mơ hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nhưng rồi lại vẫn chỉ là ước mơ. Nhiều người cũng tiếc nuối cho anh.

Đang ngồi nói chuyện với phóng viên, anh bỗng ngơ ngẩn khi có người bán hàng rong đi qua mời anh mua một chiếc ví da. Với người khác thì điều ấy thật bình thường, còn với anh, nó gợi về một thời oanh liệt nhưng dang dở - nhà máy liên doanh sản xuất đồ da của anh chưa kịp ra đời. Anh nói: "Nếu nhà máy thành hiện thực thì chiếc thắt lưng bằng da thật mà chúng ta vẫn mua với giá hơn 200 ngàn đồng sẽ chỉ là 20 ngàn đồng thôi, một chiếc áo da khoảng 2,5 triệu đồng sẽ chỉ còn giá 500 ngàn đồng. Bạn hàng nước ngoài thích da trâu của Việt Nam vì con trâu nước ta ăn cỏ nên da rất dai, trâu bò ở nước ngoài ăn cám nên da chóng mục..."

2,7 tỷ đồng đâu phải là tất cả!

GĐ Hoàng Minh Tiến (trái) cùng các bạn hàng nước ngoài ở Thái Lan.

Khi UBTV Quốc hội ban hành Nghị quyết 388 về bồi thường oan sai, Hoàng Minh Tiến là người đầu tiên ở miền Bắc có đơn gửi TAND TP. Hà Nội đòi bồi thường thiệt hại do cơ quan tố tụng gây ra. Nhưng đơn chưa được giải quyết vì Nghị quyết chưa có văn bản hướng dẫn. Anh tiếp tục chờ... Cuối tháng 4/2004 biết tin đã có văn bản chính thức hướng dẫn về Nghị quyết 388, anh đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo đúng quy định để yêu cầu được bồi thường. Anh đã bị thiệt hại về mọi mặt. Từ thiệt hại do tổn thất về tinh thần, tổn thất về vật chất... cho tới thiệt hại về danh dự. Nếu những yêu cầu của anh được đáp ứng thì cơ quan tố tụng trước kia phải bồi thường cho anh khoảng 2,7 tỷ đồng. Ngoài ra anh cũng yêu cầu phải bồi thường khoản thiệt hại với ngôi nhà 6/295 Bạch Mai đã bị các cơ quan tố tụng Hà Nội "hô biến" khỏi quyền sở hữu của vợ chồng anh. Nhưng có lẽ không gì có thể bù đắp được những mất mát mà anh đã gánh chịu.

Có gì thể bù đắp được 13 năm đằng đẵng - khoảng thời gian không ngắn trong cuộc đời một con người? Khoảng thời gian mà trong anh đang chất chứa bao nhiêu ước mơ, hoài bão và anh đã sẵn sàng biến tất cả thành hiện thực. Và hôm nay, khoản tiền nào có thể giúp cho người vợ đã cạn sức của anh "sống lại" như xưa? Khoản tiền nào có thể bù đắp sự lỡ dở tương lai của ba đứa con anh???

20 ngày sau khi Hoàng Minh Tiến gửi đơn đòi bồi thường (25/5/2004), TAND TP. Hà Nội đã trả lời rằng trường hợp của anh không thuộc trách nhiệm bồi thường của họ, đơn và tài liệu vụ việc của Hoàng Minh Tiến đã chuyển cho VKSND TP. Hà Nội. Nhận được tin này anh Tiến vô cùng thất vọng và đã làm đơn khiếu nại rằng trường hợp của anh phải do TAND TP. Hà Nội giải quyết... Anh Tiến sẽ phải chờ đợi tới bao giờ? Thật nực cười, ngày 8/6 thì VKSND TP. Hà Nội đã có công văn để gửi TAND TP. Hà Nội nói rõ việc giải quyết đơn đòi bồi thường của anh Hoàng Minh Tiến thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND TP. Hà Nội. Đồng thời VKSND TP. Hà Nội cũng chuyển toàn bộ đơn đề nghị của anh Hoàng Minh Tiến và các tài liệu kèm theo đến TAND TP. Hà Nội xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Phải chăng các cơ quan pháp luật đang "đùn đẩy trách nhiệm" cho nhau? Vẫn chưa ai có câu trả lời cho anh Tiến!

2,7 tỷ đồng đâu phải là tất cả! 13 năm oan ức đi qua, với anh tất cả đau đớn dường như vẫn đang hiển hiện trước mắt. Nhưng anh Tiến "oan" tin rằng: "Những người cầm cân nẩy mực sẽ giải oan, trả lại sự công bằng cho gia đình anh nói riêng cũng như mang lại sự công bằng cho xã hội". Và anh Tiến vẫn ấp ủ hoài bão xây dựng Nhà máy chế xuất da trâu...

  • Vân Giang - Tùng Duy

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,