10 năm đã qua kể từ cái ngày đầu tiên "ông cố vấn tài chính khung" Augustine Hà Tôn Vinh bước xuống sân bay Nội Bài và... rớt nước mắt bởi không thể tin được "sao nó có thể nhỏ như vầy?", để rồi hôm nay, trong một chiều xuân mưa bụi Hà Nội, ông người Mỹ gốc Việt ngày nào giờ đã hoà nhập 100% vào thế giới thuần Việt xung quanh, vừa nhâm nhi li trà thơm vừa tươi cười kể chuyện xưa, chuyện nay.
Ông Hà Tôn Vinh. |
Trước khi bắt đầu câu chuyện, tôi đã được một đồng nghiệp báo hình bật mí điều tâm huyết mà ông Vinh từng tâm sự rằng: "Dù từng làm cố vấn cấp cao cho các chính phủ, ngân hàng, tổ chức và tập đoàn lớn trên thế giới, song chính nhờ các chuyến đi cộng với bề dày kinh nghiệm và vốn sống chốn thương trường, nên khi trở lại VN, hơn ai hết Augustine Hà Tôn Vinh nhận thấy ý nghĩa giá trị lớn lao của cuộc đời không nằm trong các giá trị vật chất như những chuyên môn công việc mà ông đã theo đuổi cả cuộc đời, mà là ở những giá trị văn hoá, tinh thần...".
-
"Lá rụng về cội" - chân lý này xem ra chưa mấy phù hợp với ông, một người tuy được các nhóm cử nhân trẻ đang hỗ trợ ông hoàn thiện cơ sở dữ liệu để ra đời một trang web về gốm sứ VN và thế giới đánh giá là "kháu lão và vui tính", song trên thực tế vẫn đầy sức bật và năng động còn hơn cả thanh niên?- "Lá rụng về cội" cũng chính là lời dặn dò của cha tôi, một Việt kiều thế hệ thứ nhất đã sống gần cả cuộc đời ở nước ngoài nhưng trong lòng luôn đau đáu nỗi niềm cố quốc. Dù đã ra đi từ năm 1953 và trong suốt mấy chục năm trời bôn ba làm ăn, từng đặt chân tới hơn 70 quốc gia ở khắp các châu lục, trải qua đủ mọi bước thăng trầm, nhưng trong tôi không lúc nào không day dứt niềm cảm nhận đâu có nơi nào gắn bó hơn quê cha đất tổ. Thể theo nguyện vọng của cha và cũng theo tiếng gọi từ đâu đó trong sâu thẳm lòng mình, tháng 11/1995 tôi làm chuyến vi hành đầu tiên trở lại quê hương.
- Có được vị thế cố vấn cấp cao của nhiều tập đoàn quốc tế, như Tập đoàn kỹ thuật thuỷ điện Mỹ MWH, kiêm nhà kinh doanh thành đạt trong cộng đồng người VN ở nước ngoài như hôm nay, ông đã nếm trải qua những thử thách nghiệt ngã ra sao để nay có thể tự hào tuyên bố: "Tôi đã thấy nhiều người VN ở nước ngoài rất thành công?
- Sau khi tốt nghiệp cao học ngoại giao rồi lấy bằng tiến sĩ về quản trị công, tôi ra làm công chức hành chính cấp quận ở ngoại ô Washington. Chẳng bao lâu trong bụng tôi dồn lên cả một cục tức trước cảnh luôn bị xài xể vì là người da vàng mũi tẹt. Mình cũng là con người, mình có niềm tự hào dân tộc và hơn nữa tự biết mình cũng giỏi như ai nếu không muốn nói là còn giỏi hơn khối người, vậy tại sao bị trả lương thấp? Cố mãi chẳng ăn thua, tôi hiểu ra rằng muốn bằng họ phải hơn họ và hơn nhiều nữa. Năm 30 tuổi, tôi ra làm riêng từ hai tay trắng, trong 2 năm đầu 1980 - 1981 tôi khởi sự bằng cách mua bán máy vi tính kiêm sửa chữa, và thật không ngờ chỉ 2 năm sau tôi đã được liệt vào hàng triệu phú ở Mỹ, rủng rỉnh trong nhà băng nguồn tài sản trị giá vài triệu USD.
Tuổi trẻ ngông cuồng, tôi tưởng đâu mình giỏi lắm nên bắt đầu bung ra kinh doanh loạn xị nhiều thứ và... vung tiền ra mua danh. Nghĩ lại cũng thật tức cười, lúc đó nhà riêng tôi ở Washington rộng tới 5 mẫu. Tôi còn đóng góp tiền cho cả Đảng Cộng hoà trong các cuộc tranh cử tổng thống và thượng viện; từng được mời tham dự các cuộc tiếp tân cấp cao, kể cả mời dự lễ nhậm chức của Tổng thống R. Reagan thời đó.
Cú rớt đài đầu tiên xảy ra thật bất ngờ, khi tôi không biết lượng sức mình vươn tay sang kinh doanh tận Châu Phi thời kỳ 1991- 1992. Sập tiệm, lại trở về áp sát con số không lúc đầu, tôi mới ngộ ra rằng mình thất bại vì không có chuyên môn về quản trị kinh doanh và thật ra mình đâu có tài giỏi gì mà chủ yếu nhờ may mắn và mồm miệng đỡ chân tay.
Tôi có thể tưởng tượng được cảnh ông triệu phú thất cơ lỡ vận khi đó, với 2USD cuối cùng trong túi, đói khát mà không dám xài vì đang cần đổ xăng cho chiếc xe chạy việc. Được bạn tốt cho vay có 2.000USD mà mãi 5 năm sau mới trả hết... Mất thêm 6 năm, Augustine Hà Tôn Vinh mới lại hì hục phấn đấu vừa học hành vừa gây dựng lại sự nghiệp "để lại leo được lên miệng hố".
- Đã lại ở đỉnh cao, có khó khăn lắm với ông khi quyết định rẽ sang ngang: Từ một vị cố vấn tài chính của nhiều tập đoàn quốc tế được hưởng mức lương rất cao trở thành cán bộ giảng dạy tại một trường đại học trong nước với mức thù lao tượng trưng 1 USD/năm?
- Năm 1996 tôi quay trở lại VN và bỗng lại ngộ ra rằng mình có bổn phận đóng góp cho quê hương. Năm sau, tôi quyết định về ở hẳn Hà Nội. Lúc đầu chỉ mới tham gia vào các công tác xã hội mà cụ thể là tham gia giúp gây quỹ cho Quỹ Bảo trợ Trẻ em VN; rồi tôi được khoa Quản trị kinh doanh trường Đại học Quốc gia Hà Nội mời cộng tác với tư cách giáo sư thỉnh giảng, dạy theo các chuyên đề như tài chính dự án, tài chính cơ sở hạ tầng, quản lý dự án, quản lý hợp đồng... Những người theo học lúc đó chủ yếu là các cán bộ cấp cao thuộc các TCty lớn như Bưu chính Viễn thông, Hàng không, Thuỷ sản, Dệt May. Tiếp đó tôi tham gia giúp tổ chức một số khoá dạy về chứng khoán của chính phủ và gần đây nhất tôi tham gia dạy cao học Quản trị Kinh doanh và đã tích cực vận động đưa Đại học Hawaii - 1 trong 20 trường đại học quản trị kinh doanh lớn trên thế giới - vào VN... Công việc mới đem lại những niềm vui mới giản dị mà ấm áp cho tôi.
- Bên cạnh công tác giảng dạy, ông còn phát huy sở trường về chuyên môn tài chính khung của mình ra sao trong môi trường Châu Á?
- Đây cũng chính là mảng thứ 2 thuộc chuyên môn của tôi, đó là làm cố vấn tài chính cơ sở hạ tầng như dầu khí, điện lực, cảng hàng không cho Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ VN và các nước trong vùng thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân. Với những kinh nghiệm thực tế tập hợp được từ thời làm cố vấn cho hai bộ chính là Cơ sở hạ tầng và Tài chính của Mông Cổ và cố vấn cho Bộ Tài chính Trung Quốc thực thi các dự án về cơ sở hạ tầng tại các tỉnh Vân Nam, Quý Châu... tôi tham gia vào một số dự án tương tự tại VN, trong đó có dự án thương mại hoá các công ty điện lực và tư vấn thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí. Với dự án Thuỷ điện Sơn La, tôi may mắn được gắn bó ngay từ đầu khi Chính phủ ta mới bắt tay vào thực hiện bản nghiên cứu khả thi (FS), thông qua Tập đoàn lớn của Mỹ MWH với tư cách cố vấn trưởng về tài chính cho dự án từ năm 1999. Công việc của tôi là cộng tác vào việc thẩm định và nâng cấp báo cáo khả thi của Chính phủ, theo dõi sát dự án này cho tới khi Quốc hội thông qua phương án xây dựng.
- Công việc ngập đầu như vậy, làm thế nào ông vẫn bóc tách được những khoảng thời gian cần thiết cho niềm đam mê riêng về sưu tập đồ cổ (nhà riêng của ông từ lâu đã trở thành một địa chỉ văn hoá cho bạn bè, những người yêu thích nghiên cứu gốm cổ và các bảo tàng) và tham gia gây quỹ từ thiện?
- Trong lĩnh vực cổ vật, tôi không phải là người chơi chuyên nghiệp mà chỉ xuất phát từ đam mê và muốn tìm cách đóng góp. Hiện tôi cùng các đồng nghiệp trẻ đang cố gắng hoàn tất một website riêng thu thập các cơ sở dữ liệu về gốm sứ có tới vài trăm bài viết, dịch, vài nghìn hình ảnh, được sắp xếp theo từng hệ thống như: bình vôi, gốm sứ tìm thấy trong những con tàu cổ bị đắm, các bộ sưu tập gốm sứ Móng Cái, Chu Đậu... Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là xã hội hoá cổ vật để mọi người cùng biết, từ đó hiểu rõ được ý nghĩa và có ý thức gìn giữ để cùng góp sức ngăn chặn dòng cổ vật chảy máu ra nước ngoài. Điều này, theo tôi, càng đặc biệt có ý nghĩa khi Chính phủ ta vừa kêu gọi đăng ký cổ vật. Cách chơi cổ vật của tôi cũng khác với nhiều người chơi chỉ thu thập, tôi muốn chơi sâu hơn bằng cách tìm về cội nguồn. Ví dụ về gốm Chu Đậu, tôi muốn tìm hiểu sâu về sự giao lưu văn hoá giữa gốm sứ Trung Quốc với gốm sứ VN, với gốm sứ Móng Cái mang phong cách Trung Hoa nhưng do người Trung Quốc và cả người VN làm tại vùng biên giới Việt - Trung.
Một đề tài khác tôi cũng rất quan tâm là cổ vật tìm thấy trong những con tàu đắm, bởi ở nước ta thực sự đang thiếu ngành khảo cổ học tàu đắm. Tại sao ta không dấn thân vào lĩnh vực này, khi một số nước như Mỹ, Australia, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng chỉ mới đi trước ta mươi năm? Tôi hy vọng có thể tặng lại một phần cho một vài bảo tàng trong nước. Hiện tôi đang tham gia trong ban lãnh đạo Hội Gốm sứ Đông phương và VN tại Mỹ.
Ông kể cho tôi nghe về những dự định gây quỹ giúp trẻ em nạn nhân chất độc da cam, thông qua việc tổ chức vài buổi bán đấu giá cổ vật trong cộng đồng người nước ngoài, và cũng là để quảng bá tốt hơn trong lĩnh vực văn hoá truyền thống Việt Nam.
-
Thanh Bình (Lao động)