221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
638206
Ông "bầu" của Fulbright Việt Nam
1
Article
null
Ông 'bầu' của Fulbright Việt Nam
,

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Thomas Vallely là một người đàn ông đầy nhiệt huyết, mạnh mẽ và quyết liệt trong cả lời nói và hành động. Có cảm giác, nếu ông đã nghĩ gì thì sẽ khó thay đổi, chưa kể ông còn muốn "bắt" người khác phải đồng ý với chính kiến của mình. Cuộc nói chuyện dài của chúng tôi khá gai góc, nhất là khi nói về giáo dục VN, về những dự án ông đã làm và mong muốn làm.  

Thảo luận là một hình thức phổ biến trong những giờ học của Fulbright VN.

"Ông ấy là Fulbright VN"

Thomas tốt nghiệp đại học Masachusetts và cao học tại trường quản lý nhà nước J.F.Kennedy, Đại học Harvard Mỹ. Ông là Giám đốc Chương trình VN của Đại học Harvard vừa là một trong những sáng lập viên của VEF (Quỹ học bổng Việt Nam - Hoa Kỳ).

Ông đặc biệt tâm huyết với giáo dục VN và Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright VN. Được thành lập năm 1994, Chương trình này là kết quả hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế TPHCM và Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard. Ngân sách hoạt động chính của chương trình do Vụ Văn hóa và Giáo dục thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.

Sứ mệnh của chương trình Fulbright là hình thành, truyền thụ và phổ biến kiến thức. Hiện nay, dự án kiến tạo tri thức này đang hỗ trợ cho ba chương trình đào tạo cốt lõi, bao gồm: chương trình đào tạo một năm về kinh tế học ứng dụng và chính sách công, các khóa ngắn hạn chuyên về luật và kinh tế cho chính sách công và chương trình đào tạo cao cấp theo yêu cầu thực tiễn. Nếu có dịp trò chuyện với học viên (cựu hoặc tân) của Chương trình Fulbright VN, bạn sẽ hiểu vì sao Thomas lại tâm đắc với mô hình này đến thế. Những giờ học ở đây luôn coi học viên là trung tâm và thảo luận, đối thoại là không khí chủ yếu của các giờ học. Những nghiên cứu về VN nói chung và  nhiều địa phương nói riêng ở đây có thể khiến nhiều người ngạc nhiên về "thực tế hoá lý luận" những bài học về quản lý kinh tế.

Rất nhiều những cộng sự của Thomas tại VN đều nói rằng nếu không có ông thì sẽ không có Chương trình Fulbright VN và Quỹ học bổng VEF sẽ không được như bây giờ. Người ta khẳng định rằng, "Thomas phải là người kiên nhẫn và nhiệt huyết mới có thể vượt qua được những rào cản ban đầu để có được Chương trình VN của Đại học Harvard nói chung và Fulbright VN nói riêng". Thế nhưng Thomas lại rất né tránh khi nhắc đến "công lao"  của mình.

Thomas chỉ  nói rằng, đó là những nỗ lực của Chính phủ Mỹ, với sự khuyến khích, ủng hộ của những thượng nghị sỹ là cựu chiến binh tại VN đứng đầu là John Kerry và John McCain và sau đó là ủng hộ của phía VN. "Với mục tiêu hướng tới tương lai, họ đặc biệt quan tâm đến giáo dục với thế hệ trẻ VN. Havard chỉ là đại diện của chính phủ Mỹ để thiết lập những quan hệ, những trao đổi về giáo dục giữa hai nước, là chất xúc tác cho quyết tâm của chính phủ Mỹ. Chương trình bắt đầu vào những năm 1990. Bây giờ thì đại sứ quán Mỹ đã tiếp nhận chương trình này, còn chúng tôi thì tập trung vào chương trình Fulbright VN thôi" .

Một cộng sự người VN của Thomas nói về ông: "Ông ấy là Fulbright VN bởi ông đã nỗ lực hết mình để thực hiện thành công những ý tưởng mà ban đầu nhiều người cho rằng điều đó là không tưởng"... Vì sao ông lại tâm huyết với VN đến vậy? "Có thể ban đầu là do sự tò mò về một đất nước mà ông đã biết đến trong cuộc chiến đang có nhiều thay đổi. Cộng thêm niềm đam mê, tác phong làm việc chuyên nghiệp của một nhà nghiên cứu kinh tế và giáo dục chuyên nghiệp. Rồi sau đó, những chuyển động ở một đất nước đang phát triển đã cuốn hút ông..." Vẫn cộng sự thân thiết đó của ông lý giải.

"Với tôi, VN mỗi ngày một mới mẻ"

Năm1969, chàng trai trẻ Thomas rời bang Masachusetts của nước Mỹ đến VN. Anh là lính của một đơn vị thủy quân lục chiến đóng tại xã An  Hoà, gần thánh địa Mỹ Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam. Lúc đó, giao tranh ở vùng này rất ác liệt.  "An Hoà là  xã đồng bằng  - nơi chuyên cung cấp gạo cho các chiến sỹ VN hành quân dọc đường mòn HCM.  Nhiệm vụ của chúng tôi là phải "chặn" nguồn tiếp tế này; nhưng chúng tôi đã đã làm không tốt". Kể lại câu chuyện của hơn 30 năm trước, Thomas cười rất nhẹ nhõm. Chàng lính trẻ này chỉ ở VN có một năm.

"Lúc đó và ngay cả sau này, khi đã về lại Mỹ, tôi vẫn chưa biết gì nhiều về đất nước các bạn. Phải nói thật lòng, lúc đó tôi không "thích" VN. Tôi đã chiến đấu trong một cuộc chiến mà tôi hiểu quá ít về nó. Nhưng, cuộc chiến tranh đó đã hình thành, biến đổi con người tôi theo một cách nào đó."

Thomas đã từng là hạ nghị sỹ bang Massachusetts trong 6 năm (1980 - 1987). "Khi đó, John Kerry ứng cử thượng nghị sỹ lần đầu tiên vào năm 84, và tôi đã thật sự "nhúng mình" vào chiến dịch tranh cử của ông ta. VN là một "vấn đề" rất nóng bỏng, gây tranh cãi tại thời điểm đó, và sự quan tâm đến VN của tôi là lẽ đương nhiên". Ông kể.

Lần đầu tiên Thomas trở lại VN năm 1985 cùng một nhóm các cựu chiến binh đã tham gia chiến tranh tại VN sau kỷ niệm 10 năm Mỹ rời khỏi chiến trường miền Nam VN. "Sự trở lại này là "vì sự tò mò, và để tự "thị phạm" (educate) chính mình". Lần đó, tôi chỉ lưu lại VN trong 1 tháng, nhưng bắt đầu yêu đất nước này". Ông cởi mở điều này khi trò chuyện với PV VietNamNet.

Năm 1990, Harvard bắt đầu một chương trình giáo dục với VN, và Thomas có nhiều dịp ở đây. "Tôi cho rằng mình may mắn vì đã trở lại VN, và công việc của tôi từ 1990 đến nay tại VN đã cho tôi những cơ hội để hiểu và ngày càng yêu đất nước này. Tôi đã rất háo hức tìm hiểu đất nước các bạn,  về văn hóa, về kinh tế, về con người VN tại thời điểm đó. Mọi thứ với tôi đều mới mẻ. Cảm giác của tôi thay đổi từng ngày. Mỗi ngày, tôi thấy mình hiểu VN thêm một chút, nhất là những điều mà mình không thể biết chính xác nếu không trực tiếp đến đây. Cảm giác  đó thật thú vị".

Nghe ông trò chuyện, tôi càng củng cố thêm nhận xét từ một cộng sự của Thomas về ông: "Đó là một con người nhiệt huyết, cởi mở, dù có lúc hơi cực đoan".

Với John Kerry, Peter Peterson và tôi, chiến tranh Việt - Mỹ đã thực sự chấm dứt từ ...

Có nhiều lời "đồn" rằng Thomas là bạn thân của John Kerry - một thượng nghị sĩ rất quan tâm đến VN và  Peter Peterson (cựu đại sứ Mỹ tại Hà Nội). Thomas không công nhận cũng không chối bỏ tin "đồn" này.

Một kỷ niệm đẹp về tình bạn với John Kerry ư? Chúng tôi đều quan tâm đến VN. Năm nay, chúng ta kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Mỹ - VN, nhưng thật ra 10 năm trước đó (1985) đã có những nỗ lực của nhiều nhà chính trị Mỹ (trong đó có các thượng nghị sỹ John Kerry, John McCann... những người đã tham gia chiến tranh VN). Chính 10 năm đó đã khiến chúng tôi gần nhau, cùng hiểu rằng VN là một phần rất quan trọng trong lịch sử nước Mỹ, thành một phần của văn hóa Mỹ. Thế hệ của tôi đã ảnh hưởng rất nhiều bởi cuộc chiến tranh VN, và chúng tôi cũng tự hào vì đã góp phần không nhỏ để tạo ra hòa bình, để quan hệ hai nước phát triển mạnh như bây giờ.

Nhưng kỷ niệm tôi muốn nhắc đến là ngày 10.9.2001, một ngày trước sự kiện 11.9, ở Boston. John Kerry và John McCain được Boston Community trao tặng giải thưởng cho những nỗ lực của hai người trong việc bình thường hóa quan hệ với VN. Phát biểu của Peter Peterson  tại buổi lễ đó đã để lại trong chúng tôi những cảm xúc sâu sắc:  "Nhờ có Kerry và McCain, quãng thời gian từ khi chiến tranh VN kết thúc đến khi hai bên là bạn đã giảm đi một nửa.  Quân đội VN và quân đội Mỹ có một lực lượng đặc nhiệm chung, với nhiệm vụ là tìm những người Mỹ và người VN còn sống. Một chiếc máy bay trực thăng đã gặp tai nạn tại VN khi đang đi tìm những người lính Mỹ và VN. 19 người chết, cả quân nhân Mỹ và VN. Trong lễ tưởng niệm tại HN, thân nhân của những quân nhân này đã ôm nhau thắm thiết để cùng chia sẻ  nỗi đau."

Và, Peter Peterson khẳng định, chiến tranh Mỹ - VN đã thật sự kết thúc vào ngày hôm đó.

Điều đặc biệt là Peter nói về điều này trong lễ trao giải thưởng cho John Kerry và John McCain, một ngày trước sự kiện 11.9. 2001 - ngày nước Mỹ không bao giờ quên.

Đưa sinh viên sang nước ngoài học, không phải là cách hiệu quả

Với tất cả sự nồng nhiệt, tự tin pha chút cực đoan của mình, Thomas khẳng định: "Chương trình Fulbright là hạt nhân, là cốt lõi của cách giáo dục hợp lý  mà VN nên (cần) áp dụng cho các Chương trình khác. 

Nếu các bạn muốn "hiện đại hóa", các bạn cần hai điều kiện: "tiền vốn" và "kiến thức" và sự kết nối chúng.  Chương trình của chúng tôi tạo điều kiện cho học viên thật sự suy nghĩ, dạy họ cách phân tích tình huống và vấn đề của riêng họ. Mỗi khóa học chỉ kéo dài 1 năm, nhưng chúng tôi dạy cho các học viên thấy cách học, cách nghiên cứu, tìm hiểu. Và chính họ, những học viên, mới quyết định họ sẽ học được những gì? Họ có thể chỉ học 1 năm, thậm chí không theo được hết khóa, nhưng họ có thể học cả sự nghiệp, cả đời. Chúng tôi có cả những tài liệu trực tuyến mà bất cứ ai cũng có thể tự tìm hiểu, tự học mà không cần phải đến với chúng tôi.

Các giáo viên của chúng tôi cũng được đào tạo rất kỹ để thật sự hiểu vấn đề, thật sự có kiến thức. Thời gian chúng tôi dành để "đào tạo" các giáo viên giỏi còn nhiều hơn thời gian dành để đào tạo học viên. "Kiến thức" mà chúng tôi nhấn mạnh ở đây là kiến thức "vượt xa" sách vở, vì chỉ kiến thức "sách vở" thôi thì không là gì cả.

Thomas cũng đã có nhiều đóng góp liên quan đến ý tưởng thành lập VEF, tất cả xuất phát từ sự thành công của chương trình Fulbright tại VN và sự cần thiết phải có một chương trình tương tự về khoa học. "Tôi có công thuyết phục họ, nhưng đó là dự án của Chính phủ Mỹ, và Ban giám đốc của VEF cũng do Chính phủ Mỹ cử ra. Họ là những người rất năng động, và họ đã rất cố gắng..."

Với VEF, Thomas cho rằng " Thành công nhất của Ban lãnh đạo này  là thành lập được quỹ học bổng.  Nếu tự mỗi học sinh tìm học bổng ở một trường đại học Mỹ, rồi đến Mỹ học, thì chỉ là những cá nhân đơn lẻ, không có mối liên hệ cộng đồng nào cả. Nhưng tôi nghĩ VEF nên theo mô hình của Fulbright, và tập trung vào các ngành khoa học. Đưa các sinh viên VN sang Mỹ không phải cách "hiệu quả", vì sẽ tốn rất nhiều tiền. Đầu tư cho các cơ sở đào tạo "chuẩn" ở VN mới là cách tốt, vì cùng một số tiền sẽ có nhiều sinh viên được đào tạo hơn. VEF có thể tạo ra những chương trình giáo dục "chuẩn" để các trường đại học của VN có thể tham khảo, giống như cách Fulbright đã làm với các chương trình giảng dạy về kinh tế. 

"Tôi mơ ước mở một trường Đại học ở VN"

Khó mà tranh luận được với Thomas khi ông nói về ý tưởng "thành lập Đại học có tầm Quốc tế tại VN thay vì gửi học sinh ra nước ngoài".  Khi có ai đó nói ngược lại rằng: " Mô hình của  Fulbright thành công bởi đó là Chương trình đào tạo Chính sách công, cần phải có sự cọ xát với thực tế trong nước. Còn các chương trình khác chuyên về khoa  học, công nghệ như VEF lại cần có sự cọ xát với những thành tựu nghiên cứu và công cụ nghiên cứu mà ở VN chưa thể có", Thomas sẽ bảo vệ ý kiến của mình quyết liệt nhất đến mức có thể.

"Các nước châu Á khác đều có những trường đại học hàng đầu, được xếp hạng cao trên thế giới, còn VN thì không. Cũng không thể gửi hết sinh viên VN ra nước ngoài học, đó là một sự uổng phí. Có 40.000 sinh viên VN sang nước ngoài học tập mỗi năm, nhiều hơn cả Trung Quốc. Nhưng hiện tại, tốt nghiệp đại học ở VN thì không dễ gì kiếm được việc làm.

- Mơ ước  cụ thể của ông cho VN?

Tôi vẫn suy nghĩ nhiều về việc mở trường đại học ở VN, một trường theo tiêu chuẩn quốc tế, thật sự có tính cạnh tranh. Và theo tôi, nếu không có sự "cạnh tranh", nếu tất cả đều được quyết định bởi Chính phủ và Bộ Giáo dục thì sẽ "kìm hãm" sự phát triển của giáo dục. Các bạn cần xây dựng một trường đại học hàng đầu như đại học Thanh Hoa của Trung Quốc, với những giảng viên được đào tạo ở các nước phát triển, với giáo trình hiện đại, với sự tuyển chọn thật kỹ lưỡng, đảm bảo những sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.

Tôi muốn là một thành viên của nhóm nghiên cứu giúp VN xây dựng trường đại học hàng đầu, nếu các bạn thấy điều này là cần thiết. Trường đại học chắc chắn quan trọng hơn đường cao tốc, khu công nghiệp... Tôi muốn những người thật sự giỏi, có kinh nghiệm thực tế về giáo dục sẽ cùng ngồi lại với nhau để bàn về ý tưởng. Liệu VN có học theo được mô hình của đại học "Thanh Hoa" không? Khi đó, không chỉ 1 mà sẽ có nhiều trường đại học đủ tiêu chuẩn quốc tế có thể ra đời ở VN. Hãy "bỏ" hệ thống giáo dục cũ của VN, vì chính hệ thống này đã góp phần "phá huỷ" đất nước các bạn. Đây là một vấn đề lớn, và đôi lúc tôi thật sự muốn "bỏ cuộc". Nhưng tôi tin mình sẽ gắn bó với đất nước các bạn vì mục đích này".  

(Những người bạn khác chính kiến của Thomas có thể khó chịu vì cách nói cực đoan của ông nhưng họ không thể không trân trọng tâm huyết vì giáo dụcVN này - PV).

- Điều tâm huyết cuối cùng với VN của ông cho buổi trò chuyện không "êm ả" này?

Điều cuối cùng tôi muốn nói, VN đã thay đổi, phát triển rất nhiều, nhưng vẫn chưa đủ, cần phải thay đổi nhanh hơn, vì trong thế giới toàn cầu hóa này, không thể chần chừ. Trong chiến tranh, bạn chỉ cần "sống sót" là đủ, còn bây giờ thì phải làm gì đó có ích. Để thật sự "hiện đại" hóa, VN cần chuyển đổi nhanh hơn nữa về kinh tế.

  • Khánh Linh 
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,