221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
656350
Túi nylon không... muôn năm!
1
Article
null
Nhân ngày Môi trường thế giới 5.6
Túi nylon không... muôn năm!
,

(VietNamNet) - Cả bọn chưng hửng khi bà bán hàng quệt từng đũa xôi vào túi nylon. Hơi nóng của xôi "đun" nóng lên túi nylon tạo thành một cái mùi khó ngửi chứ chưa nói là gợi cảm giác thèm ăn.

Túi nylon áp đảo lá sen

"Cho tôi 1cân cá khúc!". Người bán hàng tay chặt, mắt liếc cân, tay kia cầm ngay chiếc túi nylon để sẵn trong tập. Chỉ vài thao tác thành thục, khúc cá đã được bao bọc hai lần nylon trao cho khách. Bà Thuỷ tiếp tục sang hàng bên cạnh mua 1 mớ rau muống, điệp khúc được diễn lại một cách thuần thục nhanh chóng và thêm một túi nylon ngoắc vào ngón tay.

Sau một tiếng rảo qua các hàng, ra đến cổng chợ Nghĩa Tân (Hà Nội), bà Thuỷ đã có một chùm túi nylon đựng đồ ăn trong ngày cho 5 người. Tính sơ sơ cũng tới 20 chiếc túi các loại! Tính sơ sơ tiếp, mỗi tuần, gia đình bà Thuỷ tiêu thụ rồi thải ra trên 100 chiếc túi nylon.

Trên giỏ các xe máy, xe đạp đi về trên các ngả đường, những chiếc túi ni lông treo lủng lẳng bởi bà Thuỷ không hề là một ngoại lệ.

Siêu thị Metro. Hai ngày nghỉ cuối tuần chật nêm. Lượng ô tô chờ người mua bán cũng đông không kém xe máy. Và hiển nhiên, cuối buổi mua sắm của các bà, các chị, những chiếc cốp xe cũng đông chật các túi nylon. Túi nylon ở các siêu thị nói chung là bắt mắt và không mỏng quẹt như hàng chợ nên ai cũng tranh thủ xin thêm mấy cái phòng khi dùng đến.

Người thành phố có bệnh "Thương nhớ đồng quê" thỉnh thoảng lượn ra ngoại thành, đi chợ. Có lần, có nhóm bạn viết dự định ăn sáng bằng xôi để "hưởng thụ" mùi lá chuối non hoặc lá sen ủ hương nếp đầu mùa. Thế rồi cả bọn chưng hửng khi bà bán hàng quệt từng đũa xôi vào túi nylon. Hơi nóng của xôi "đun" nóng lên túi nylon tạo thành một cái mùi khó ngửi chứ chưa nói là gợi cảm giác thèm ăn.

Túi nylon đã áp đảo ở những chợ quê xa lắc xa lơ, xa lắc, nơi mà các bà bán hàng hầu như chưa bao giờ đến thành phố.

Con sông "dùng dằng" vì... túi nylon

"Bụp"... chiếc túi cùng với một chiếc vòi hút nước mía được ném xuống hồ Trúc Bạch làm giật mình bao đôi nam nữ đang thi vị ngắm hồ nước... "Sao không bỏ vào thùng rác?" "Dùng xong thì vứt chứ, cụ già rách việc công tác ở công ty môi trường lâu năm à?". Đó là đoạn đối thoại của một cụ già tóc bạc phơ với đôi nam nữ ăn mặc rất mốt đang sóng đôi trên chiếc xe máy dọc hè đường Thanh Niên (Hà Nội). Một thực trạng "biết rồi khổ lắm" là bất cứ khu vui chơi, giải trí, du lịch nào cho dù thùng rác đã đặt sẵn cho khách vãng lai nhưng túi nylon đựng rác vẫn bị ném bừa bãi.

Ở Hà Nội, dòng Tô Lịch vốn đã đen ngòm nước thải lại bị những bè mảng túi nylon được tuồn ra từ các cống rãnh, "bay" từ trên bờ xuống... Bà Tâm ở chân cầu Dịch Vọng, người có căn nhà "âm phủ" kể lại rằng: Một ngày bà phải vài lần lấy sào để vớt lên những mảng túi mắc ở trụ cầu cho đỡ mùi, đỡ muỗi làm tổ đi chút nào hay chút ấy. Mỗi ngày bà vớt lên không dưới 100 chiếc túi nylon!

Đi dọc theo bờ sông mới được kè đá, chỗ nào cũng thấy lều phều những túi nylon rác đen ngòm, trên nó là hàng đàn ruồi muỗi côn trùng đủ loại!

Hiện nay để cho các mặt nước hồ ở Hà Nội có thể "long lanh soi bóng" mai sau, một đội quân với "gậy dài vợt rộng" của Công ty Môi trường đô thị luôn không bao giờ "thất nghiệp" với công việc thu gom túi dưới hồ, mà theo họ chỉ có trời mới biết là do ai ném xuống và từ lúc nào!?

Sông Hương mùa này quá đẹp. Nhất là khi ngồi trên những bậc đá nối xuống dòng sông ở bờ Nam và nhìn sang bên kia, phượng đỏ rực, chấp chới những tà áo trắng đi về. Buổi sáng, khi những cô gái Huế gánh cơm hến, bắp luộc trên vai qua cầu Tràng Tiền.

Nhưng lỡ nhìn xuống mặt nước, có thể bạn sẽ thề với lòng mình là không bao giờ dùng túi nylon nữa. Sông Hương vốn đã dùng dằng rồi, có những đoạn hầu như không thể chảy khi vướng vải hàng túm nylon túm vào nhau lùng nhùng nổi trên mặt nước. Có thể, đến giờ làm việc, sẽ có người của công ty môi trường thành phố dùng sào vớt đi những thứ không đẹp mắt đó, nhưng ít nhất, sáng sớm ra, nó đã có thể khiến tình yêu Huế của du khách bị tổn thương.

Túi nylon trôi lềnh bềnh trên nước hiển nhiên sẽ làm khổ tâm những người yêu Vịnh Hạ Long và những bãi biển đẹp mê hồn trong mùa du lịch này.

Sự "trả thù" kéo dài hàng chục năm!

Sẽ càng khổ tâm hơn nếu người ta biết rằng chất nylon có tuổi thọ trong thiên nhiên cả nghìn năm. Đối với các nhà môi trường, tuổi thọ trên nghìn năm tuổi của túi nylon là sự "trả thù" dai dẳng dành cho thói quen sùng bái sự tiện lợi của con người...

"Bạn hãy thử hình dung nếu ngày hôm nay vô tình hay cố ý vứt một chiếc túi nylon ra vườn thì cho đến lúc bạn về hưu (20-30 năm sau), có thời gian rảnh rỗi bạn vác cuốc ra cuốc đất trồng cây không may gặp phải đúng chỗ chiếc túi bạn vứt năm nào thì nó sẽ dính vào lưỡi cuốc của bạn đấy. Nói vậy để bạn hiểu túi nylon dù bị vùi lấp trong đất thì hàng chục năm nó vẫn chưa phân huỷ" - TS. Phạm Thế Trinh Phó viện trưởng Viện Hoá học công nghiệp bắt đầu câu chuyện như thế.

Rồi ông nói tiếp: Hiện nay theo thống kê chưa đầy đủ, một ngày thủ đô Hà Nội thải ra một lượng rác ước chừng 10.000 tấn, trong đó có 10% là túi nylon. Như vậy túi nylon "đóng góp" không nhỏ vào sự ô nhiễm.

Các biện pháp nhằm chống lại sự xâm lăng của rác thải ở nước ta vẫn là: chôn lấp, đốt, tái sinh. Chôn lấp thì chất đất và nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Đốt thì ô nhiễm không khí sinh ra chất độc điôxin. Tái sinh thì tốn kém và hiệu quả không cao. Rải khắp từ thành thị tới nông thôn, đội quân làm vệ sinh môi trường ngày càng hùng hậu nhưng với cách thu gom và xử lí bằng cách chôn lấp là chính như hiện nay chỉ là những giải pháp tình thế. Với sự phân huỷ khó như thế, việc chôn lấp càng khiến cho túi nylon gây phiền hơn mà thôi.

Vì "cho không biếu không"?

 
Những gói xôi bằng lá sen đang bị thay thế dần bằng túi nylon.

Theo ông Trinh cũng như ý kiến của các nhà khoa học trong nước và trên thế giới thì biện pháp phân loại rác thải ngay tại gia đình sẽ là hữu hiệu nhất giúp các công đoạn sau đó có thể thực hiện một cách có hiệu quả. Một trong 3 điều trong Công ước Basel, đã được 150 trên thế giới thông qua, cũng đề cập tới việc "xử lí, giải phóng chất thải càng gần nơi nó sinh ra càng tốt". Có nghĩa là cần phân loại ngay từ gốc chứ không thể trông chờ vào đội quân thu gom thủ công như ở nước ta. Ông dẫn chứng: chất thải sinh hoạt thường được đựng trong túi nylon đến khi thu gom cũng tới cả chục giờ, chúng bắt đầu thối rữa và bốc mùi thì ai có đủ kiên nhẫn ngồi mà phân loại lại?!

Một điều đáng lưu tâm là ở nhiều nước trên thế giới, khách mua hàng vẫn phải trả tiền mua túi nylon đựng hàng. Không phải nhà phân phối quá tính toán về tiền bạc hoặc  không tính đến sự phiền hà trong việc bán hàng, mà cái đích của họ cao hơn: nhắc mọi người nhớ đến tác hại của túi nylon khi đã thành rác!

Ở nước ta, việc "cho không biếu không" túi đựng như một lẽ đương nhiên càng khiến túi nylon tràn ra đường nhiều hơn.

Hiện nay các nhà máy xử lý rác thải ở nước ta mới chỉ giải quyết được 45% lượng rác thải ra hàng ngày. Và túi nylon vẫn còn bị chôn lấp cùng với vô vàn những thứ rác khác!  

TS. Phạm Thế Trinh, Phó Viện trưởng Viện hoá học công nghiệp: Làm môi trường không thể tính bằng tiền được!

Từ năm 2003 chúng tôi đã nghiên cứu và sản xuất thành công túi có màng lọc polyme tự phân hủy. Nó là tổ hợp của nhựa PE tỉ trọng thấp với tinh bột sắn có sự tham gia của các chất phụ gia: phân tán, chất trợ tương hợp, chất oxy hoá và chất quang hoá.

Loại túi này có thể điều chỉnh thời gian phân huỷ từ 1-12 tháng. Sản phẩm có thể in mẫu mã như những túi nylon bình thường khác để đựng hàng hoá đảm bảo độ bền và mỹ quan.

Hiện nay đã có gần 10 tấn sản phẩm tung ra thị trường. Giá của nó có cao hơn các loại túi khác từ 7-8%. Loại túi chúng tôi tung ra thị trường có thể xách được hàng hoá nặng tới 5kg nhưng do giá cao hơn vả lại, ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và người dân còn chưa cao nên phải chờ một thời gian nữa mới sản xuất đại trà được. Rất mong được hỗ trợ của các doanh nghiệp cũng như Chính phủ để giảm thiểu sự ô nhiễm do túi nylon gây ra!

 
  • Minh Thụy  
Ý KIẾN BẠN ĐỌC
 
Tran Thanh Binh, Nam Phi, Email: binhbrt@vietnam.co.za:
Theo tôi, để giải quyết thực trạng này, chúng ta nên học tập một số nước, chẳng hạn như Nam Phi. Nam Phi là một nước tương đối phát triển về hệ thống siêu thị hiện đại có mặt tại mọi nơi, từ thành phố tới nông thôn. Người dân Nam Phi hầu như không có thói quen mua sắm ở ngoài mà đều vào các siêu thị. Trước đây, việc cấp túi nylon tại các siêu thị là miễn phí và điều này khiến cho Nam Phi đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường trầm trọng. Từ năm ngoái, Nam Phi thực hiện chính sách khách mua hàng phải trả tiền mua túi nylon (khoảng 20 cent, tương đương 500 đồng/chiếc). Thay vì mỗi lần trước kia mua hàng có thể lấy từ 3-5 túi nylon, nay các khách hàng chỉ bỏ tiền ra mua một chiếc, thậm chí nhiều người đi siêu thị mang theo túi đựng từ nhà. Chúng ta nên học tập Nam Phi về cách làm này, thực ra số tiền mua túi nylon không phải là lớn nhưng nó tạo cho người dân ý thức về bảo vệ môi trường.

caohuuthang, 23 yenhoa, Email: vuongtu_thamlang
Bản thân tôi cũng không thích sử dụng quá nhiều túi. Với tôi, sử dụng như vậy là lãng phí và không khoa học. Tại sao chúng ta không cho giá thành của sản phẩm đó cao lên (đánh vào kinh tế của mọi người) thì sẽ giảm đi rất nhiều sự lãng phí và ô nhiễm môi trường.

tridungcdpo, Email: phamtridung66@yahoo.com
18 cái bao ni lon: sự tiện lợi hay thảm họa của môi trường
Tôi hay đi chợ, chuyện đàn ông đi chợ thời nay chẳng là chuyện lạ. Chuyện tôi muốn nói ở đây là một lần tôi đi chợ về, đếm thử thì tổng cộng có tới 18 cai túi nylon! Ôi trời, mua cái gì các bà cũng ưu ái cho vào một cái túi nho nhỏ, lại còn cho thêm một cái túi để xách nữa. Nhớ ngày xưa, mẹ đi chợ về mua quà, các món quà được gói trong lá sen, lá chuối, xong vứt vào chuồng lợn hoặc hố rác làm phân... Nếu có một vài mặt hàng cao cấp nào có túi nylon thì cũng được dùng đi dùng lại cho rách rồi... bán cho đồng nát cũng được vài hào. Còn ngày nay, do công nghệ phát triển giá thành túi nylon rẻ như cho, thật là một thảm họa cho môi trường: túi nylon bay tứ tung mịt trời, xuống sông, ra biển, lưu cữu hàng trăm năm. Thỉnh thoảng lại chui vào bụng mấy chú cá tội nghiệp phải lìa đời. Tại sao Nhà nước không chặt đẹp bằng thuế má mấy nhà máy sản xuất túi nylon cho giá của một túi đến vài ngàn thì bố bà nào mà dám "tình cho không biếu không" như hiện nay. Cái khoản thuế đó để phục vụ cho việc giải quyết hậu quả bấy lâu nay do túi nylon gây ra. Còn các bạn có suy nghĩ gì khi mua hàng từ chối không lấy bịch nylon, nghĩ gì khi tiện tay vứt bừa nó trôi dạt đến phương trời nào???

VAN LOC, Khoa Hoá - ĐHBKĐN, Email: thientrung_lh
Có thể dùng túi nylon thành một nhiên liệu khác được không
Túi nylon được cấu tạo chủ yếu là các H.C cao phân tử. Theo ý kiến của tôi: có thể tìm 1 loại chất xúc tác nào đó có thể làm phân hủy chúng trở lại thành các H.C đơn phân tử để sử dụng làm nhiên liệu khác được không? Vd: bao nylon PE thành phần chủ yếu là Etylen, do đó chúng ta có thể dùng phản ứng phân huỷ để thu lại Etylen đơn phân tử. Nói tóm lại, ý tưởng của tôi là tận dụng bao nylon phế thải để dùng làm nguyên liệu điều chế, chẳng hạn như điều chế các khí H.C dùng làm nhiên liệu đốt trong các lò đốt hoặc cho đun nấu. Có thể ý tưởng trên là rất buồn cười, nhưng theo tôi nghĩ thì chúng ta có thể thực hiện được với trình độ khoa học hiện nay...

Nguyễn Vĩnh Chinh, 611/7G Điện Biên Phủ P1 Q3 TP.HCM,                                             Email: vchinhnguyen@yahoo.com
Để hạn chế sử dụng bao nylon cần phải tăng thuế mặt hàng này. Sản xuất các bao nylon (hoặc túi lưới) chất lượng cao, chắc chắn, có thể sử dụng nhiều lần.

Tournesol, Dijon, France, Email: tournesolhn@yahoo.com
Tuyên truyền để thay đổi thói quen của người dân
Hiện nay ở các nước tiên tiến, người ta đã bắt đầu chiến dịch giảm thiểu sử dụng túi nylon để đựng hàng trong các siêu thị và cửa hàng. Ở nhiều siêu thị của Pháp, người mua hàng được khuyến khích mua các túi đựng hàng loại lớn và siêu thị sẽ không phát các túi nylon đựng hàng cỡ thông thường nữa. Các túi nylon cỡ lớn này giá rất rẻ (khoảng 0,1 euro, tương đương với 2.000 đồng), có thể sử dụng nhiều lần và khi rách thì có thể đem đến siêu thị để đổi lấy túi mới. Có nhiều chất liệu, loại nylon thông thường, loại nylon có thể phân huỷ sinh học (biodegrable), loại bằng chất liệu giấy... và các kích cỡ khác nhau tuỳ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng, của từng gia đình. Chiến dịch này đã rất được người dân Pháp ủng hộ và đang được nhân rộng trên toàn nước Pháp. Ở Việt Nam, chúng ta có thể tăng cường tuyên truyền về tác hại của việc làm dụng sử dụng túi nylon đối với sức khoẻ và môi trường sống, kết hợp với việc tạo ra và dần đưa vào sử dụng các loại bao bì bằng chất liệu an toàn với môi trường như ông Phạm Thế Trinh đề cập ở trên để có thể thay đổi dần thói quen của ngưòi tiêu dùng trong việc sử dụng bao bì nylon. Việc này không đơn giản nhưng không có nghĩa là không thể làm được, nếu như mỗi chúng ta ý thức được trách nhiệm của mình với chính cuộc sống của bản thân và của cộng đồng.

cool_lp, Email: leminhduc0412@yahoo.com
Không sớm thì muộn, chúng ta sẽ phải trả giá đắt về việc sử dụng túi ni lôn một cách bừa bãi.

Nguyen Viet Tien, 51/89 - linh quang - van chuong - dong da - hanoi
Email: daihait@yahoo.com
Tôi nghĩ, nên xử lý ngay từ khâu thu dọn của nhân viên vệ sinh môi trường. Chúng ta có thể phân loại ngay các loại rác trong đó có túi nylon từ lúc thu gom để có hình thức xử lý riêng cho từng loại, đồng thời cần tuyên truyền mạnh để người dân có ý thức phân loại rác ngay từ gia đình.

Vu Khanh Tuyet, Ba Lan:
Cuối cùng thì cũng có một tờ báo ở quê nhà đề cập đến vấn đề môi trường. Dân mình ý thức kém đã đành, các nhà làm phim VN còn quá quắt hơn. Ví dụ: phim "Chuyện những người đàn bà", anh nhà thơ say rượu nôn ra hồ Hoàn Kiếm rồi giấy lau miệng cũng được ném luôn xuống hồ. Xem cảnh này, các con tôi rú lên. Phim "Gió qua miền tối sáng" một bộ phim rất hay mà đạo diễn vẫn để cho bệnh nhân nhiễm HIV 2 lần ném phiếu xét nghiệm xuống hồ. Phim "Những ngọn nến trong đêm" rất nhiều lần diễn viên chính xéo lên cỏ. Ở châu Âu các thảm cỏ bao giờ cũng cắm một biển gỗ vẽ một cành hoa kèm theo nét chữ trẻ em "Chào màu xanh", dù là một em bé cũng không bao giờ xéo lên cỏ. Vậy tại sao các nhà làm phim lại bêu xấu người VN lên ti vi cho cả thế giới xem để chúng tôi phải xấu hổ với bạn bè Ba Lan và con cái mình? Rất thương nhớ hồ Hoàn Kiếm nhưng phải nhắm mắt lại khi phải chứng kiến cảnh nôn ra hồ, đã vậy lại còn được nhà quay phim quay chậm và cận cảnh...

Nguyen Tien Dung, TP.HCM, Email: pndha@yahoo.com
Nên đánh thêm thuế vào các cơ sở sản xuất bao bì nylon hoặc làm cho việc tiêu thụ nó trở nên đắt đỏ hơn, lúc này giá các sản phẩm thay thế được túi nylon sẽ rẻ hơn, lúc đó thì...

Steven Hoang, USA, Email: Thaytang@yahoo.com
Vớt rác trên những con kênh ở TP. Hồ Chí Minh tôi đã đọc mấy ngày qua, nay lại túi nylon... khiến cho lão nạp càng thêm bực mình. Tại sao những chuyện đơn giản như vậy mà ta không giải quyết nổi? Cứ nhìn những nước láng giềng thì biết, chẳng hạn như Singapore. Nếu ta không muốn bắt chước họ dùng roi vọt để trị tội những kẻ vứt rác bừa bãi thì ta có thể phạt thật nặng và chuyện bắt buộc là phải bị phạt đi làm lao động công ích khoảng 10-20 giờ tùy theo mức độ nặng nhẹ. Giả sử như vứt rác xuống đường thì nếu bị bắt quả tang thì phạt 300-500 ngàn tiền VN và phải đi quét rác 15 tiếng. Nếu kêu ca tôi không có tiền để đóng thì đơn giản thôi, tăng giờ quét rác lên 30 tiếng và chuyện nữa là có phải đúng người đó đi lao động công ích hay không? Thì phải xuất trình Chứng Minh Nhân Dân, nếu không lại kéo theo một số rắc rối nữa như lại xuất hiện thêm đội ngũ những người đi làm thế và cò dịch vụ giới thiệu... Chuyện lao động công ích thì làm những gì? Thì đi quét rác hoặc vớt rác trên những con kênh rạch. Đi 1 lần là tởn tới già. Nếu còn tái phạm thì phạt gấp ba. Điều quan trọng là luật lệ có nghiêm minh hay không thôi. Hoặc ta có luật lệ nhưng ta có áp dụng hay không?

Đỗ Hồng Sơn, Lớp YD- K31- Trường đại học Y Thái Bình,                                                     Email: ngaykhongem_092000@yahoo.com
Tôi thấy rằng việc sử dụng túi nylon tuy có nhiều tiện ích nhưng đó lại là một nguồn rác thải nguy hiểm. Cho nên việc sử dụng phải hết sức cẩn thận và tiết kiệm để góp phần bảo vệ môi trường.

Ngo Anh Tuan, HN, Email: anhtuanonline@hotmail.com
Mình thấy ở nhiều nơi sử dụng túi bằng bìa mỏng, rất thích hợp với việc đựng các loại hàng hoá như quần áo, giày dép, thức ăn khô, đồ lưu niệm, rác thải... Có thể thay thế túi nylon được, tuy nhiên có một bất lợi là không đựng được các đồ ướt, tuy nhiên nó không gây ô nhiễm môi trường cho lắm vì thời gian phân huỷ ngắn.

Nguyễn Thu Trang
213/40 Dong Khoi, FBN, Q1
Email: trang213dk@yahoo.com
Nếu thực sự VN đã nghiên cứu sản xuất được túi nylon tự phân hủy trong 1-12 tháng thì chúng ta còn chờ gì nữa mà không bắt buộc mọi người phải dùng nó! Nếu Chính phủ không kiên quyết thì trong tương lai ta sẽ trả giá rất đắt vì sự ô nhiễm môi trường do chính chúng ta gây ra.

TRI MIMH, CHO BIEN HOA,
Email: TRANNAILONG@YAHOO.COM
Tôi rất hoan nghênh sự báo nguy về túi nylon của bài báo. Đó là bức xúc của tất cả mọi người quan tâm đến môi trường sống, đến ngôi nhà chung của chúng ta.

Nguyen Quynh Anh, Nguyen Khoai - Ha Noi
Email: nguyenquynhanh_phuong@yahoo.com
Nên thay túi nylon bằng một loại bao bì khác
Tôi là một người dân cũng hàng ngày sử dụng túi nylon, cũng thấy khó chịu khi những túi nylon đó được vứt bừa bãi và tôi nghĩ cần tìm một giải pháp, một loại bao bì khác tiện lợi và quan trọng hơn là có thể tái chế.

Nguyễn Văn Bình, Sở TNMT Bắc Giang
Email: binhtnmtbg@yahoo
Dùng túi nylon một cách bừa bãi là tự huỷ hoại chính mình.

Nguyễn Ngọc, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội.
Email: casablanca2011@yahoo.com
Giá như có túi đựng hàng bằng giấy!
Tôi cũng biết rõ tác hại của túi nylon. Nhưng ngày nay, đi mua hàng, người ta cho hàng vào túi nylon mà mình lại trả lại và bảo: "Thôi, tôi không cần dùng túi đâu", thì có lẽ người bán hàng sẽ nghĩ thầm là "hâm", cho dù bên ngoài có vẻ mừng vì tiết kiệm được mấy chiếc túi. Vả lại, không đựng đồ bằng túi nylon thì cũng không biết để vào đâu. Ngày nay có mấy ai, nhất là ở đô thị đi chợ mà lại mang theo cái làn đâu. Xem phim nước ngoài, tôi thấy người ta có những túi đựng hàng bằng giấy, rất đơn giản. Không rõ chi phí sản xuất túi giấy có lớn không, nhưng tôi hy vọng các doanh nghiệp ở Việt Nam lưu tâm đến mặt hàng này.

Lê Thị Châu Lệ, Đại học Bách khoa Hà Nội
Email: ntngreat@yahoo.com
Tác hại của túi nylon gây ra như chúng ta đều đã biết. Việc nâng cao nhận thức cho từng người dân về tác hại của việc sử dụng tràn lan túi nylon như hiện nay chúng ta sẽ phải trả giá rất lớn cho tương lai là rất cần thiết. Nhưng chúng ta cũng cần đặt câu hỏi: tại sao túi nylon lại được ưa dùng như hiện nay? Vì sự tiện lợi của nó! Vì giá rẻ!... Nếu không có túi nylon người dân sẽ đựng và gói bằng gì? Đối với người dân hiện nay, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức môi trường, cần khôi phục lại các thói quen tốt trước khi túi nylon ra đời tràn lan như việc: sử dụng các làn mây, bị cói để đựng đồ đi chợ... Tuy nhiên, không chỉ trông chờ vào người dân. Trước hết Chính phủ cũng như các cơ quan chức năng cần có kế hoạch thay thế và chế tài bắt buộc để hạn chế tiến tới cấm hẳn việc sử dụng túi nylon.

Nguyễn ToànThắng, Tổ 10B Thịnh Quang, Đống Đa - Hà Nội
Email: thangconnt66@yahoo.com
Đề nghị phạt nặng những người thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường
Giữ gìn vệ sinh môi trường là việc làm thiết thực và cấp bách hiện nay. Ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng đến đời sống hiện tại của bản thân chúng ta mà con cháu chúng ta sẽ phải lãnh hậu quả do việc môi trường ngày càng ô nhiễm. Một đất nước đẹp nhưng không sạch sẽ, môi trường nước, môi trường không khí, môi trường đất đều bị ô nhiễm liệu có thể thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là khách du lịch nước ngoài. Đi đến bất cứ điểm du lịch nào chúng ta cũng thấy sự ô nhiễm, sự thiếu ý thức trong bảo vệ môi trường, điều đó làm mọi người đi một lần cho biết rồi không dám đi tiếp lần thứ 2 chứ đừng nói đến mỗi năm đi một lần. Bản thân người Việt Nam chúng ta còn có ý nghĩ như vậy thì khách du lịch nước ngoài còn có suy nghĩ như thế nào. Tôi nghĩ Nhà nước cần phải có nhiều biện pháp/chế tài mạnh mẽ hơn, cứng rắn hơn để có thể đạt được những tiến bộ trong vấn đề bảo vệ môi trường và nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người dân trong vấn đề này. Không lẽ chúng ta vô cảm khi thấy những cảnh có những người vô tư quay mặt vào tường làm cái chuyện phải thực hiện ở trong toilet, hay rác, túi nylon nằm rải rác khắp nơi trên các đường phố, các con sông/kênh rạch. Tôi nghĩ cần phải phạt thật nặng những người biết nhưng không thực hiện ý thức công dân trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Như Thuỷ, Email: thuynguyen_sherly@yahoo.com.au
Tôi đồng ý quan điểm sử dụng túi nylon ngày nay thật sự đang trở thành một vấn nạn vì với những ảnh hưởng không chỉ ở hiện tại mà đến cả tương lai. Mặc dù từ khi xuất hiện túi nylon đã mang cho người tiêu dùng và cả nhà sản xuất rất nhiều lợi nhuận nhưng hậu quả của nó trên thực tế còn lớn hơn cả lợi ích mà nó mang tới. Tôi đang là một du học sinh ở Úc và thật là một điều trùng hợp là trong khoảng 2-3 ngày gần đây tôi xem chương trình news của Úc và biết được Chính phủ Úc đang ra sức thay thế thói quen sử dụng túi nylon của người dân bằng túi giấy hay một loại túi làm bằng chất liệu... (tôi ko chắc về chất liệu loại túi này nhưng nó trông giống như môt loại keo vải thường sử dụng trong ngành may) có thể là dễ phân huỷ với giá được bán trong siêu thị là 0.99 cent, có nhiều chương trình quảng cáo trên TV khuyến khích người dân sử dụng loại túi này thay túi nylon + nói về tác hại của việc dùng túi nylon, mặc mọi người đều biết Úc là một nước đã phát triển và trình độ dân trí của người dân thuôc loại cao trên thế giới nhưng Chính phủ vẫn mạnh dạn đưa những thông tin phải nói rất ư là căn bản lên mạng thông tin đại chúng nhằm nhắc nhở người dân. Với tư cách là một công dân VN, tôi hy vọng Chính phủ cần có những hành động cần thiết để giảm thậm chí bỏ thói quen sử dụng túi nylon của người dân VN, tạo một môi trường trong sạch lành mạnh cho đất nước, tuy nhiên nếu Chính phủ có chính sách cho vấn đề này tôi cũng hy vọng những chính sách đó được thực hiện "đến nơi đến chốn" chứ không mang tính chất "có tiếng nhưng không có miếng". Vì sao tôi lại nói như vậy? Vì trước đây nước ta đã có rất nhiều chính sách nhằm cải thiện cuộc sống của người dân nhưng chỉ thực hiện được 1/2 và sau đó những chính sách ấy hầu như đi vào quên lãng! Trên đây là những ý kiến của cá nhân tôi!

Vu Tran Nghia
Theo tôi đây là vấn đề về tầm nhìn. Cần có vai trò chỉ đạo của Nhà nước, nếu thật sự túi nylon tự phân huỷ giá thành chỉ cao hơn túi thường khoảng 10% thì nên cấn hẳn việc sử dụng loại túi nylon cũ. Với loại hàng hoá giá trị rất nhỏ như túi nylon người tiêu dùng sẽ dễ dàng chấp nhận. Nhà sản xuất thì phải được quản lý chặt trong thời gian đầu, quan trọng là giá của túi tự huỷ không cao hơn túi cũ quá 10%.

Ý kiến của bạn về việc sử dụng túi nilon:
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,