(VietNamNet) - Nhân Rằm tháng bảy, ngày hướng tới vong linh mọi người đã khuất, xin gửi tới bạn đọc những chuyện kể xung quanh việc di dời các nghĩa trang ở Sài Gòn trong thế kỷ trước. Trong đó có nhiều chi tiết ít ai biết tới và ngờ tới.
Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi trước khi di dời. (Mộ ông Ngô Đình Diệm ngoài cùng, bên phải). |
Khu vực nội đô TP.HCM tại thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước có hàng trăm nghìn ngôi mộ tại các nghĩa trang chính sau: Nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi nằm ở đường Điện Biên Phủ cắt với Hai Bà Trưng (địa danh sau giải phóng) tại quận 1, rộng khoảng 7,5ha. Nghĩa trang quân đội Sài Gòn chạy dọc đường Quang Trung ở phường 12, quận Gò Vấp, giáp chợ Cầu. Nghĩa trang Chí Hòa rộng khoảng 25ha, trước là nghĩa trang (Đô Thành), nằm ở phường 15, quận 10. Nghĩa trang Bình Thới rộng khoảng 30ha nằm ở đường Lãnh Binh Thăng, quận 11. Nghĩa trang Phú Thọ khoảng 40ha, nằm ở đường Lạc Long Quân, phường 5, quận 1. Nghĩa trang quân đội Pháp nằm ở đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình.
Các nghĩa trang này được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, dưới chế độ Pháp thuộc, khi quy mô của Sài Gòn - Gia Định còn rất nhỏ. Những năm sau đó, dân cư thành phố nhanh chóng trở nên đông đúc. Và chính quyền đã phải di dời nghĩa trang để "lấy đất xây dựng các công trình phúc lợi, giữ vệ sinh môi trường". Việc di dời được thông báo trước ba tháng. Trước hết là các gia đình tự lo. Nếu gia đình quá nghèo, không thể di dời, thì chính quyền đứng ra thực hiện.
Nhân Rằm tháng bảy, ngày hướng tới vong linh mọi người đã khuất, xin gửi tới bạn đọc những chuyện kể xung quanh việc di dời các nghĩa trang ở Sài gòn trong thế kỷ trước. Trong đó có nhiều chi tiết ít ai biết tới và ngờ tới.
Bí ẩn mộ Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu
Áo quan ông Ngô Đình Diệm bên phải, áo quan ông Ngô Đình Nhu bên trái trước khi được chôn tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. |
Sau khi bị lực lượng đảo chính giết vào tháng 11/1963, hai anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu được chôn ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi. Áo quan của Ngô Đình Diệm hình hộp, áo quan của Ngô Đình Nhu có nắp tròn. Một nhân chứng thời kỳ này giải thích, người thân của hai ông đi mua vội quan tài nên chỉ mua được một chiếc hạng tốt dành cho ông Diệm, còn chiếc hạng vừa dành cho ông Nhu.
Mộ hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu khá đặc biệt: không có nấm mộ, bia, chỉ có tấm đan (bê - tông) đặt bên trên cao hơn mặt đất vài chục phân. Suốt từng ấy năm trước giải phóng, hai ngôi mộ nằm lọt thỏm, đìu hiu giữa nghĩa trang bộn bề mộ kiên cố. Những kẻ cơ hội xưa vụt quay lưng với gia đình họ Ngô đã đành, những người thân tín cũng ngại đến thăm viếng vì sợ chính quyền Sài Gòn cũ dòm ngó. Năm 1964, bà Phạm Thị Thân, thân mẫu của hai ông mất, đám tang không người đưa tang.
Một nhân chứng trong Ban di dời sau này kể: Hai ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu được chôn trong kim tĩnh (hộp bê tông dày và kín) rất khô ráo. Khi cải lên, thi thể của cả hai ông chỉ khô lại chứ không tan rữa, vẫn có thể nhận ra từng người. Đầu hai người đều quấn băng trắng in dấu máu đen từ những vết thương trước khi chết. Khi băng được mở, vết máu vẫn còn cứng. Sau gáy ông Nhu có một vết thương khá lớn, có thể do va đập.
Anh Mâm chia nắm nhang cắm trước mộ ông Ngô Đình Diệm. |
Trong thời gian di dời, có một người phụ nữ tên là Hạnh từ Huế vào, xưng là cháu, nhận thi hài hai ông. Bà Hạnh quá khó khăn nên chính quyền thành phố phải lo toàn bộ chi phí ăn, ở, chi phí cải táng và xây mộ mới.
Thi hài ông Diệm, ông Nhu được chôn lại tại nghĩa trang Lái Thiêu (Bình Hòa, Thuận An, Bình Dương), với áo quan loại tốt và kim tĩnh. Mộ ông Ngô Đình Cẩn được chôn tại nghĩa trang sân bay Tân Sơn Nhất sau khi bị xử bắn vào năm 1965, và mộ bà thân mẫu Phạm Thị Thân cũng được quy tụ về đây. Trong khu đất rộng hàng nghìn hecta với những rặng cây lớn xanh và mát, mộ gia đình họ Ngô nằm cùng một dãy. Mộ bà Phạm Thị Thân nằm ở giữa, mộ hai ông Diệm, Nhu hai bên. Cách mộ ông Nhu một quãng là mộ ông Cẩn. Trước đây, theo yêu cầu của gia đình, mộ không đề tên, mà chỉ đề "mẫu", "huynh", "đệ". Sau, theo đề nghị của một số người, trong đó có Việt kiều về thăm, mộ được đề đích danh.
Anh Mâm, anh Chẩy - hai trong số hàng chục người trông coi mướn mộ phần tại đây, cho hay: Thời gian đầu, mộ gia đình họ Ngô không có người chăm nom, trong khi đa số ngôi mộ khác có thân nhân thường xuyên lui tới và thuê người chăm nom. Thấy những ngôi mộ đó cỏ mọc tốt, nhiều rêu phong, anh em bảo nhau dọn cỏ, dùng bàn chải chà rêu như những ngôi mộ khác. "Lẽ nào mình quanh quẩn ở đây cả ngày mà lỡ để cho ngôi mộ ngay gần mình lạnh lẽo!" - Mâm nói, sau khi chia đều nắm hương ngút khói, cắm vào từng bát nhang trước bốn ngôi mộ gia đình họ Ngô.
Ba ngôi mộ của gia đình họ Ngô nằm thẳng hàng. Mộ bà Phạm Thị Thân nằm giữa, mộ hai ông Diệm, Nhu hai bên. |
Lúc trước, khi chúng tôi không giới thiệu danh tính, hỏi mộ gia đình họ Ngô, anh quản lý nghĩa trang Lái Thiêu tưởng người đến thăm viếng, bèn chỉ lối.
Quả thật khó tìm mộ gia đình họ Ngô, nếu không có người chỉ đường. Bởi hai ngôi mộ của anh em Ngô Đình Diệm không có nét dị biệt: nằm sệt đất như trước, mà được xây cao ráo như bao ngôi mộ khác. Cỏ xung quanh được dọn sạch, mộ nhẵn bóng, rêu xanh chỉ có thể đóng thành những vệt mỏng manh trong những kẽ bê tông mà bàn chải không len vào được.
Một thời gian sau ngày mộ được hoàn thành, thỉnh thoảng có một số Việt kiều tới thăm viếng, đọc kinh cầu nguyện, cho tiền những người trông nom. Có người để lại cả tên tuổi. Thỉnh thoảng, đại diện Công giáo cũng đến thăm viếng.Theo ban quản lý nghĩa trang Lái Thiêu, những người đến viếng các ngôi mộ quanh đó thường nhân tiện đặt luôn mấy bông hoa huệ trước mộ gia đình họ Ngô. "Nhiều người trong số họ chỉ biết đó là người đã chết. Cũng giống như tôi, mãi về sau tôi mới biết đó là mộ ông Ngô Đình Diệm, ban đầu chỉ nghĩ đó là ngôi mộ của người dân bình thường nào đó. Tiếc gì nén hương, cây bông (cành hoa - NV), mà ai cấm chuyện này!" - Mâm nói.
Lăng Cha Cả (Bá Đa Lộc): Thực và hư
Lăng Cha Cả trước khi di dời. |
Trước khi di dời nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, vào năm 1980, Lăng Cha Cả ở khu vực ngã tư Lê Văn Sỹ - Hoàng Văn Thụ được cải. Chính quyền giải thích: cải để chỉnh trang đường phố, giảm ùn tắc giao thông. Cha Cả được dùng để chỉ vị tu sĩ Công giáo đứng đầu địa phận. Lăng Cha Cả là khu đất rộng khoảng 2 ngàn thước, gồm một nhà lợp ngói, cột và vách bằng gỗ quý, ở trước có bia đá lớn. Người ta nói đó là mộ phần của Giám mục Bá Đa Lộc, một Giám mục người Pháp đã sang giúp Nguyễn Ánh chống Tây Sơn Nguyễn Huệ và của một số thừa giám. Bá Đa Lộc là tên tiếng Việt được phiên âm từ tiếng Pháp (Pigneau de Behain).
Tuy nhiên, chuyện Lăng Cha Cả còn nhiều điều đáng lưu ý. Những hài cốt tại khu mộ này đã được đại diện từ nước Pháp sang nhận và mang về chôn. Nhưng riêng mộ của Giám mục Bá Đa Lộc, khi khai quật, chỉ thấy cây Thánh giá bằng vàng Tây lớn mà ông đeo khi xưa, chiếc gậy vàng của chức Giám mục, những mề đay của nhà nước Pháp và Việt trao tặng.
Nhà nghiên cứu Lý Nhân Phan Thứ Lang, người Công giáo, lật ngược vấn đề: "Nhiều người nghĩ đó là mộ thật của Đức Giám mục, nhưng tờ Nam Phong Tạp Chí của Phạm Quỳnh, quyển XVI, 92, phát hành tháng 2 năm 1925, có bài: "Bá Đa Lộc: mộ ông... hiện nay ở đâu?" của Vương Gia Bật, chỉ rõ: Lăng Ngọc Hội cách thành phố Nha Trang 8 cây số. Phía trước mộ có một cái miếu nhỏ ở giữa đề chữ Hán: "Bá Đa Lộc chi mộ". Phía sau miếu có khắc cây Thánh giá. Ngày 13/3/1925, quan Công sứ và Linh mục nhà thờ Bình Can (Nha Trang) ra lệnh cải táng. Bên trong, xương cốt đã mục, hàm còn dính 3 cái răng, có 2 - 3 cái rơi ra ngoài...".
"Như vậy đích là mộ Đức Cha Bá Đa Lộc chôn ở Nha Trang" - Ông Lý Nhân Phan Thứ Lang thành kính - "Theo tôi, ngay sau khi cải táng, hài cốt của Đức Cha đã được đưa về Pháp, ngôi mộ ở khu Lăng Cha Cả tại Sài Gòn chỉ là tượng trưng. Tôi nghĩ, khi Gia Long mới lên ngôi, sợ Tây Sơn có ngày lật ngược thế cờ, nên phải cho dựng lăng ở Gia Định để đánh lạc hướng. Còn việc di dời lăng phục vụ dân sinh là đúng".
-
Phạm Cường
Đón đọc kỳ sau: Chuyện của người di dời và người được di dời