(VietNamNet) - Ngày Vu lan, người ta hướng đến tất cả vong linh vất vưởng với muôn vàn nỗi niềm quá khứ. Và những gì chúng tôi kể là một chặng đi tìm sự thật.
Nghĩa trang Lái Thiêu hôm nay. Ảnh Phạm Cường |
"Ông" được di dời
Trong diện di dời tại các nghĩa trang, có mộ của các quan chức, quân nhân cũ nhưng số mộ của người dân bình thường chiếm đa số. Đặc biệt, trong nhiều nghĩa trang có không ít phần mộ liệt sĩ cách mạng.
Kỳ I: Kể chuyện dời mộ ở Sài Gòn nhân lễ Vu lan
(VietNamNet) - Rằm tháng Bảy, xin gửi tới bạn đọc những chuyện kể xung quanh việc di dời các nghĩa trang ở Sài Gòn trong thế kỷ trước. Trong đó có nhiều chi tiết ít ai biết. |
Tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, vốn được coi là riêng của quân đội Sài Gòn có đến hàng trăm ngôi mộ chiến sĩ tình báo cách mạng, binh vận từng "giữ vai" quan chức, quân nhân, tư bản của chế độ Sài Gòn. Khi nằm xuống, họ vẫn mang cái "vỏ" cũ... Sau giải phóng, thân phận của họ mới được làm rõ.
Nghĩa trang Chí Hòa cũng có hàng trăm mộ liệt sĩ. Trong đó có liệt sĩ giải phóng quân, biệt động thành trong các cuộc tấn công và nổi dậy những năm 1968, 1975. Số còn lại là liệt sĩ hy sinh trong nhà tù, do những trận tra tấn, do bị xử bắn, như các liệt sĩ: Lê Thị Riêng, Trần Văn Kiểu... Tại nghĩa trang sân bay Tân Sơn Nhất có mộ của liệt sĩ Quách Thị Trang - người nữ sinh đi đầu trong cuộc biểu tình phản đối chế độ Ngô Đình Diệm năm 1963 và bị bắn chết.
Ông Đoàn Trí Hoàng, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TP.HCM, trước đây là công ty vệ sinh và mai táng, nói: "Tôi từng là lính đặc công biệt động thành. Với tư cách là phó ban di dời, chính tôi bắt tay dời mộ những người đồng chí của mình!".
Sau khi các nghĩa trang được dời đi, nhiều nhà gần khu vực đó của những người thuộc chính quyền cũng được giải tỏa, do quyết định mở rộng hơn diện tích so với nghĩa trang cũ để xây dựng các công trình phúc lợi. Ông Hoàng từng có ngôi nhà mặt tiền số 659 Cách Mạng Tháng Tám, gần nghĩa trang Chí Hòa. Sau này, vùng đất của nghĩa trang để xây công viên Lê Thị Riêng phải mở rộng cho vuông vắn hơn, nhà ông nằm trong diện giải tỏa. Ông chuyển về một con hẻm ở đường Kỳ Hòa, quận 10. Một nữ đồng nghiệp của ông cũng trong cảnh tương tự.
Những ngôi mộ liệt sĩ được đưa về nghĩa trang thành phố hoặc đưa về các địa phương theo yêu cầu của gia đình. Riêng ngôi mộ liệt sĩ Lê Thị Riêng được giữ lại, dựng đài tưởng niệm tại công viên Lê Thị Riêng.
Nghĩa trang quân đội Pháp được di dời năm 1986. Hội cựu chiến binh Pháp, theo đề nghị của Chính phủ Pháp, cử đại diện sang nhận hài cốt. Hàng tuần, hài cốt được đóng thành từng contener để chở đi.
Đặc biệt, dịp này còn cải táng mộ của 12 thủy thủ người Nga tử trận trong chiến tranh Nga - Nhật, được người Pháp nhặt xác từ trên biển, đem về chôn. 12 bộ hài cốt đó được chuyển xuống nghĩa trang Lái Thiêu. Mộ mới 12 của người này khá cao, nằm tại một vuông đất rộng, có khắc tên bằng tiếng Nga và vẽ hình mũi neo.
Tại nghĩa trang Chí Hòa, có một pho tượng Phật dẫn vong linh cao 5 - 6 mét được giữ nguyên, trao lại cho Giáo hội Phật giáo.
"Ông" di dời
Thông báo di dời nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi được đăng trên Báo SGGP ngày 7/5/1983. |
Ông Đoàn Trí Hoàng kể: Thời gian trước di dời, các nghĩa trang với những đường len vào mộ chí sâu hun hút đó còn là nơi ẩn giấu của cờ bạc, xì ke, trộm cắp... Trong khi đó, nhà cửa xung quanh ngày càng tăng.
"Việc giải tỏa các nghĩa trang rục rịch từ năm 1980. Đây là chủ trương của chính quyền thành phố. Trước khi di dời vào năm 1983, từ ba năm về trước, các nghĩa trang không nhận chôn thêm mộ mới nữa, để đảm bảo vệ sinh khi di dời".
Trước khi mộ được di dời, Mặt trận Tổ quốc nhiều lần họp, với sự tham gia của các đại diện tôn giáo và ngay cả tướng lĩnh chế độ cũ. Nhiều người tham gia họp có thân nhân nằm ở những nghĩa trang trên, nên một số ý kiến trái ngược. Cuối cùng, lợi ích từ việc di dời được phân tích thấu đáo, với viễn cảnh những công viên rợp bóng cây, những khu giải trí lớn thay thế các nghĩa trang u tịch giữa thành phố xem ra thuyết phục đa số đại biểu.
Thành phố lập Ban di dời lãnh trách nhiệm từ khâu di dời đến thiêu. Việc trực tiếp bốc mộ là do đội bốc mộ tư nhân làm. Đối với từng ngôi mộ, đội bốc mộ sẽ đánh giá mức độ dễ, khó để định giá. Một số nhân chứng phản ánh, khi những ngôi mộ được cải, lẻ tẻ có chuyện người được thuê bốc mộ nhặt được một vài đồ trang sức chôn theo người chết và giữ lấy. Nhưng không có lộn xộn lớn xảy ra. Việc di dời diễn ra tuần tự với từng nghĩa trang. Khi bốc mộ có công an canh giữ, có lực lượng y tế phun thuốc phòng dịch. Các phần hài cốt được phân lô, đánh số, để nhận biết cho dễ.
Khá nhiều hài thi hài vẫn nguyên hình dạng được chuyển sang áo quan mới, mang đi thiêu. Phần lớn hài cốt được thiêu, gửi tại chùa hoặc mang đi nhiều nơi tùy mỗi gia đình, số còn lại được đem về chôn tại nghĩa trang Lái Thiêu. Thời gian di dời thường dùi dắng so với thông báo ban đầu do nhiều thân nhân ở xa. Những hài cốt không có người nhận được thiêu, rồi lưu giữ trong vòng ba năm, chờ thân nhân đi tìm. Sau đó, các hũ tro được chôn tại nghĩa trang Lái Thiêu trong những hầm lớn và được cúng tập thể vào mỗi dịp lễ, Tết.
"Bấy giờ tôi là chánh văn phòng Mặt trận Tổ quốc thành phố" - Ông Nguyễn Văn Phương (tức Bảy Tuấn) ôn lại - "Mặt trận phải nhiều cuộc họp đến nhiều khu phố, để nghe bà con nói, giải thích cho bà con mục đích di dời. Chúng tôi nhờ các cụ phụ lão đứng ra nói cho dễ thuyết phục. Không ai dám chắc không cụ nào có người thân từng đứng vào hàng ngũ của chế độ cũ đang nằm tại các nghĩa trang và ít nhiều còn day dứt chuyện cũ. Nhưng người già mà, chẳng sống bao lâu nữa, phải suy tính lợi ích".
- Nhưng nghe nói vẫn có những thắc mắc... - Chúng tôi hỏi.
Ông Nguyễn Văn Phương: Có một số thắc mắc của người dân... |
Ông Phương: "Một vài gia đình thắc mắc là do khó khăn quá, sợ không lo cải táng chu toàn. Còn những thắc mắc khác thì không biết ở đâu, chứ trực tiếp chúng tôi nghe thấy hoặc nhận qua thư bày tỏ thì không. Tôi nghĩ, ai không bằng lòng rồi cũng nghĩ lại thôi. Giả dụ, trong một nghĩa trang, xung quanh di dời hết, chỉ còn trơ trọi vài ngôi mộ; thân nhân cũng tự thấy lẻ loi mà làm theo cộng đồng. Người chết cũng đâu muốn lạc lõng! Vả lại, bấy giờ có cái lợi là đất nước vừa thống nhất, nên hầu hết mọi người đều phấn khởi...".
Trong các nghĩa trang của Sài Gòn, Mạc Đĩnh Chi được xem là "nghĩa trang quý tộc", nơi mai táng của những quan chức cao nhất, nhà tư bản lớn nhất thời trước, ngoài mộ hai ông Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu còn có mộ cha của ông Nguyễn Văn Thiệu, cha của ông Nguyễn Cao Kỳ, một số tướng lĩnh cao nhất, dòng dõi hoàng tộc nhà Nguyễn, cùng hàng nghìn nhân vật tên tuổi trong chế độ Sài Gòn. Trước năm 1975, một số người vì muốn thân nhân đã khuất được danh giá, bản thân được chút tiếng tăm, phải cố chạy chọt giành lấy một khoảnh đất trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi.
Chúng tôi gặp một người từng cải táng mộ thân nhân tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi vào năm 1983 là bà Thanh Triều. Bà có chồng là sĩ quan quân đội Sài Gòn và cháu (gọi bà là dì) là bà Hồng Ngọc (vợ của ca sĩ nổi tiếng Elvis Phương) chôn tại đây. Chồng bà bị tử nạn khi máy bay rơi trên đường từ Đà Nẵng về Đà Lạt năm 1973. Còn cô cháu Hồng Ngọc mất năm 1970 do tai nạn giao thông.
Bà Triều nhớ lại: "Tôi nhận được thông báo di dời nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi vào đầu tháng 5 năm 1983. Thời gian di dời là 3 tháng. Nói thật, tôi thấy bàng hoàng, vì khi chôn thì xác định rằng chôn vĩnh viễn. Nhưng sau, suy nghĩ cạn lý, tôi thấy việc này không đừng được. Nghe đâu mấy ổng trước (chính quyền Sài Gòn - NV) đã nhiều lần định làm rồi, nhưng cứ nán lại vì sợ đụng ông nọ, ông kia. Tôi để ý dữ lắm. Thấy cải nhiều ngôi mộ trước không lộn xộn, rùm beng nên yên tâm".
Bà Triều thuê đội bốc mộ cải táng. Khi cải lên, do chôn trong kim tĩnh (hộp bê tông dày và kín), lại chôn trong vùng đất cao và khô, nên cả hai thi hài vẫn giữ nguyên hình dạng. Bà cho đem đi thiêu cả hai. Từ đó đến giờ, bà gửi tro cốt chồng tại chùa Phổ Quang. Bà vẫn thường xuyên lên chùa, hương hỏa cho chồng. Còn phần tro cốt của bà Hồng Ngọc đã được ca sĩ Elvis Phương mang ra nước ngoài để tiện việc thờ cúng.
Một người khác có người quen nằm ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi là ông Nguyễn Văn Hiệp. Ông Hiệp trước đây là tổ trưởng tổ quản lý nghĩa trang Chí Hòa, nay là tổ trưởng tổ phục vụ lò thiêu Bình Hưng Hòa. Người quen của ông Hiệp có con trai là sĩ quan không quân, tên là Tân, nên được chôn ở Mạc Đĩnh Chi. Sau giải phóng, ông Tân ra sống ở nước ngoài. Vào dịp di dời nghĩa trang, ông Tân không về, ngôi mộ được gia đình tổ chức cải táng, đem đi thiêu, rồi gửi tro tại chùa Vĩnh Nghiêm. Cách đây chừng bốn năm, ông Tân trở về Việt Nam, viếng hương hồn cha...
Lời kết: Dẫu thế nào thì mục đích di dời năm xưa đã thành hiện thực. Công viên Lê Văn Tám, công viên Lê Thị Riêng cây cối xanh mướt, là những "lá phổi" nhỏ của thành phố nhiều khói bụi này. 1/3 diện tích nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi được dùng để xây dựng đài hoa sen thu vệ tinh.
Công viên Lê Văn Tám hôm nay. Ảnh Phạm Cường |
Dưới lòng đất công viên Lê Văn Tám, một bãi để xe ngầm có sức chứa 3.000 ô tô, xe máy sắp được khởi công. Nghĩa trang Bình Thới, nghĩa trang Phú Thọ bây giờ là khu dân cư, khu văn hóa - thể thao, các xí nghiệp. Nghĩa trang quân đội Pháp bây giờ là trung tâm Hội chợ quốc tế. Nghĩa trang quân đội Sài Gòn nay là cơ sở của những nhà đầu tư hàng đầu thế giới.
Theo lệ tục, ngày Vu lan, người ta hướng đến tất cả vong linh vất vưởng với muôn vàn nỗi niềm quá khứ cũng như hướng về cái đã qua, là ngày của cái nhìn công bằng, gạt riêng tư và nhiều ước mong. Ngày Vu lan mãi tồn tại vì người người cần một tinh thần như vậy. Những gì chúng tôi kể là một chặng đi tìm sự thật. Mọi suy ngẫm xin nhường độc giả, chỉ mong sao với "tinh thần Vu lan" ấy, ai ai cũng trân trọng.
-
Bài và ảnh: Phạm Cường
Ý kiến của bạn: