221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
746314
Hà Nội - hành chính... chờ
1
Article
null
Hà Nội - hành chính... chờ
,

(VietNamNet) - Ai đã biết Hà Nội, dù ở lâu hay chóng - khi đi rồi đều nhớ. Nhớ từ làn gió se lạnh đầu đông, nhớ làn khói phở hòa trong sương sáng và cả bụi, cả những tiếng gắt gỏng nhau khi đường chật, nước ngập. Nhưng có những nỗi NHỚ không ai muốn lưu giữ, đó là những  phiền toái. Sự phiền toái không đến từ thời tiết...

Ảnh: Lê Anh Dũng.

"Không biết, không nghe, không thấy"...

14h30 chiều thứ sáu, trước cổng Cơ sở đăng ký xe ô tô, xe máy số 2 (quận Thanh Xuân, Hà Nội), người dân chen chúc tràn cả ra hè đường với hy vọng làm được đăng ký xe máy trong ngày. Vừa nghển cổ vào trong, một cậu thanh niên trạc chừng 25 tuổi vừa năn nỉ bảo vệ: "Chú cho cháu vào để cháu làm cho xong thủ tục, người nhà cháu đang ở trong đó". "Giấy tờ?" - bảo vệ hất hàm. Anh thanh niên vội vã: "Đây, chú xem giúp rồi cho cháu vào!".

"Chứng minh thư đâu?", ông bảo vệ hạch hỏi. Anh thanh niên gãi đầu: "Ở nhỉ, cháu quên. Hay chú cứ cho cháu vào để cháu hỏi nốt thủ tục cho kịp trong chiều nay". "Không có chứng minh thư, không được vào"- Thấy cậu thanh niên vẫn tiếp tục năn nỉ, ông bảo vệ cáu tiết trừng mắt: "Đã bảo không cho vào là không cho vào. Không chứng minh thư, có vào cũng không ai người ta giải quyết cho. Hiểu không?!".

Ông bảo vệ kia không sai khi ngăn người không có chứng minh thư vào chốn này nhưng giá như đừng có cái trừng mắt và lời quát kia, có lẽ cái khô hanh của Hà Nội hôm đó đỡ khó chịu hơn với những người trong và ngoài cửa sắt.

Thấy một cán bộ mặc thường phục đứng ngay bên trong cửa sắt, một cô gái đứng ngay sát cổng mừng quýnh, gọi í ới: "Anh ơi, cho em hỏi, em bị mất đăng ký xe máy, giờ muốn xin cấp lại thì thủ tục thì phải làm thế nào ạ?". Không thấy anh ta trả lời, cô gái kiên nhẫn hỏi lại. Đến lúc này, anh cán bộ này mới nhấm nhẳng: "Bây giờ chưa phải lúc giải quyết chuyện đó". "Vậy đến bao giờ thì phải lúc hả anh?". Anh ta quay lưng trở lại chỗ ngồi ban đầu, bỏ mặc cô gái đứng tẽn tò, loay hoay không biết nên về hay nán lại để chờ hỏi cho bằng được. 

Có một người đàn ông trung niên lách vào được sát cửa. "Anh ơi, tôi đang dở tí việc ở trong, anh mở cửa cho tôi với", vừa nói anh ta vừa hướng về phía anh cán bộ lúc nãy, vẫy vẫy mớ giấy tờ lên cao như để minh chứng. Vẫn giữ nguyên thái độ dửng dưng, lạnh lùng, người cán bộ kia tảng lờ ngó đi chỗ khác, xem như không biết, không nghe, không thấy. Gọi mãi không được, người đàn ông tức mình thò tay cố kéo giật chốt cổng sắt cho đến khi bảo vệ hùng hổ chạy ra thể hiện "đặc quyền" của người gác cổng. Kiểm tra, ngó nghiêng giấy tờ của anh ta một lúc, rốt cuộc, ông bảo vệ cũng phẩy tay để người đàn ông lách qua cổng.

Nụ cười đi vắng!

Đầu giờ sáng thứ hai, phòng tiếp nhận hồ sơ ở Phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội) đã có nhiều doanh nghiệp chờ đến lượt làm thủ tục.

"Hưng Thịnh, Hưng Thịnh đâu!" - tiếng vị công chức phụ trách tiếp nhận hồ sơ và trả giấy phép ĐKKD các quận Đống Đa, Thanh Xuân... lạnh lùng cất lên. Cứ thế, lần lượt những người được gọi đều rụt rè hoặc khép nép tiến lại thưa gửi, trong khi vị công chức kia suốt cả buổi sáng không hề nở một nụ cười.

Anh Nguyễn Đ.T, chuyên viên tư vấn của một Công ty Luật cho biết: "Tôi vẫn thường xuyên đến đây làm thủ tục đăng ký kinh doanh cho các thân chủ nhưng thú thực, chưa bao giờ tôi nhìn thấy các vị kia nở một nụ cười hay nói năng niềm nở. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp bị ăn mắng té tát chỉ vì không nắm đụơc rõ thủ tục hoặc có đôi chút sai sót trong kê khai thủ tục".

"Thì tôi đây chứ ai", anh Q.M, doanh nghiệp chuyên kinh doanh điện tử, viễn thông - đang ngồi chờ làm thủ tục bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh - lên tiếng. Theo lời anh kể, lần đầu tiên đi làm thủ tục xin cấp phép ĐKKD, anh quên mang theo cây bút để kê khai, lập tức bị cắm cảu: "Giám đốc gì mà đến cái bút cũng không có". "Khổ một nỗi, truớc khi được cấp phép, tôi đã được làm Giám đốc một ngày nào đâu" - anh hài hước. 

Cũng theo lời kể của doanh nghiệp này, anh đã từng chứng kiến một doanh nghiệp khác, không hiểu vì lúng túng, mất tự tin trước thái độ trịch thượng của người hướng dẫn hay vì lý do gì mà chưa kịp định thần xem  người cán bộ chỉ ký vào đâu, anh đã ký đại vào một khoảng trống trên tờ giấy phép rồi hốt hoảng vò đầu bứt tai một cách khổ sở. "Đã mất công dặn rồi mà còn ký thế à..." - ngay lập tức, vị công chức hướng dẫn phản ứng. Chị ta giận dữ càu nhàu một thôi một hồi rồi xua cậu giám đốc tương lại sang bộ phận khác bắt in lại.

"Nhìn dáng vẻ ngượng ngùng đến tội nghiệp của anh ta khi quay sang phòng in, tôi lại liên tưởng đến hình ảnh một cậu bé nào đó làm sai đang vô cùng xấu hổ vì bị người lớn khiển trách vậy", anh M. bình luận.

Thủ tục rườm rà -  ai chịu? 

Làm thủ tục đăng ký hộ khẩu tại HN. Ảnh: VG

Chị Lê Anh Đào (Ba Đình – Hà Nội) kể, chị vốn có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đàng hoàng, song do thời gian trước đây, Thành phố có chủ trương cấm đăng ký xe máy trong nội thành, nên chị Đào buộc phải mua xe qua trung gian - (bên trung gian cho người khác đứng tên đăng ký rồi chuyển nhượng lại cho chị Đào nhằm hợp thức hoá chiếc xe). 

Mới đây trong một lần đi siêu thị, chị Đào bị kẻ gian lấy trộm hết giấy tờ, đăng kí xe.  Chị buộc phải đi xin cấp lại đăng kí. Nhưng theo quy định, người đăng kí lại phải có giấy tờ chính chủ. 

Tôi nào có biết cái người được bên trung gian thuê đứng tên chính chủ chiếc xe là ai, cư trú ở nơi nào đâu, chỉ còn cách lên Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội để xin tra lại danh sách đăng kí biển số, tìm ra địa chỉ cái người được phía trung gian thuê đứng tên kia rồi nhờ người ta đến xin cấp lại giùm. Thế nhưng tôi chỉ nhận được một thái độ hết sức dứt khoát của cán bộ phòng CSGT Hà Nội: “Đây là thông tin cá nhân, không xem được!” dù đã nói hết nước hết cái”. 

Thế là cái xe chị Đào mua bằng tiền mồ hôi nước mắt chỉ vì mất cắp giấy tờ nên bỗng thành xe vô chủ, nếu ra đường bằng chiếc xe này, chị có thể bị công an giao thông thu bất cứ lúc nào. Trong khi đó, dịch vụ trung gian vụ “lách luật” đăng kí xe cho chị nói, họ có thể tìm lại người đã đăng kí xe cho chị với cái giá.. 3 triệu đồng.

Số tiền đó khá lớn với gia đình tôi vào thời điểm này! Tôi như đứng giữa ngã ba đường, không có cách nào giải quyết. Xe của mình mà cứ như xe ăn cắp. Ra đường cứ phải nhìn trước ngó sau lúc nào cũng sợ sệt…” Chị Đào than thở. 

Một ví dụ điển hình về thủ tục rườm rà và cứng nhắc! Giá như trong trường hợp cụ thể này, phòng CSGT HN linh hoạt hơn, cho chị xem danh sách đăng kí biển số, thì mọi chuyện đã đơn giản! 

Giá như, với một thành phố đông dân và có tính đặc thù như Hà Nội, mỗi lúc có một sự thay đổi nào đó liên quan đến thủ tục giấy tờ, chính quyền nên nghĩ lường trước cả những hệ lụy phiền toái mà người dân phải chịu để họ không cảm thấy mình là phía duy nhất chịu... phiền và khổ! 

Bận họp? 

Khi biết tôi có việc cấp bách cần phỏng vấn đại diện sở LĐTBXH HN, một đồng nghiệp than: “Qua hỏi chỗ khác đi, đừng tới Sở đó mất công. Tớ từng một lần nếm mùi quay vòng vòng: “Giấy liên hệ công tác không đầy đủ”; đợi chán chê, chạy chán chê: “chị giám đốc bận, qua gặp phó giám đốc”; “phó giám đốc đi công tác”… cuối cùng đành chịu thua vì không thể chạy đua thời gian với cơ quan nhà nước được!” 

Sáng thứ 2 - 19/12/2005, có mặt tại Sở LĐTBXH Hà Nội vào giờ làm việc, chị nhân viên phòng hành chính tổng hợp tên Vy nhẹ nhàng: “Anh điền thêm nội dung chi tiết vào giấy liên hệ công tác, rồi để số điện thoại lại, chịu khó về… chờ để tôi gửi lên trên, được lúc nào thì tôi điện thoại cho”. 

“Nài” thêm chị nhân viên phòng hành chính một lời hứa “sẽ cố gắng thu xếp cuộc gặp với lãnh đạo trong thời gian sớm nhất”, tôi phấp phỏng ra về. Cứ hi vọng giấy tờ mình rõ ràng, vấn đề cần hỏi cụ thể và tích cực thế kia, chắc khỏi phải đợi lâu! Một tiếng, hai tiếng, năm tiếng… cả ngày hôm sau không thấy kết quả... Lại lặn lội phóng xe đến lần nữa. “Giấy tờ của anh tôi đã chuyển lên phòng văn thư, nhưng chị phụ trách phòng này hiện không có ở cơ quan”. Vẫn chị nhân viên phòng hành chính tổng hợp hôm trước tiếp tôi.

“Thế còn giám đốc Sở ?” Tôi hỏi.

“Cô giám đốc đi họp”.

“Sáng qua chị nói giám đốc bận họp, sáng nay cũng họp, tôi chỉ xin phỏng vấn năm mười phút thôi, qua điện thoại cũng được”…

“Giám đốc của chúng tôi tuần này họp… cả tuần, cả sáng cả chiều, thôi anh cứ về đi…” 

Thêm vài ba cuộc điện thoại, thêm vài ba lần “Anh cứ đợi có gì tôi điện cho…”. Thôi đành “rút lui có trật tự” vậy, vòng lên Sở xin lại cái giấy liên hệ công tác để về báo cáo chịu phạt thì…  “Nó còn đang nằm ở phòng văn thư, mà chị phụ trách ở phòng văn thư thì lại vừa đi ra ngoài!“ 

Khổ thân cho đống giấy tờ liên hệ công tác vô tri, té ra nó cũng ăn “mầm đá” hết mấy ngày trong ngăn bàn của cái quy trình rắc rối  kia rồi… 

Không ít đồng nghiệp của chúng tôi kêu khó khi có việc liên hệ với nhiều cơ quan, ban ngành của Hà Nội. 

Ảnh: Phạm Hải.

Giá như… 

Tại phòng thu thuế trước bạ, (G23 Thành Công), ba tấm bảng lớn đề các bản khai và mẫu đăng kí tờ khai cao hơn 1m, rộng 80 cm dán trên tường, song người ta chỉ chen chúc xô đẩy nhau tiến về phía nhân viên ngồi sau cửa kính để hỏi “kí tên vào bên này hả chị, chỗ này khai thế nào anh ơi…” 

Nói đi nói lại, một trong số các nguyên nhân gây nên không khí căng thẳng tại các cơ quan chuyên cấp thủ tục hành chính lại là việc thiếu ý thức tự giác của cán bộ và nhận thức của người dân.  

Hôm rồi, đồng nghiệp tôi có việc đến Sở VHTT Hà Nội. Chị nói mọi sự đã thay đổi nhiều lắm so với vài ba năm trước. Nhiều đồng nghiệp báo chí khác cũng nói là: Hà Nội giờ đã đỡ hơn nhiều lắm. Đến phường nọ, phường kia để đã không quá nhiều cảnh hất hàm, chỏng lỏn của những cô văn thư, của những anh cán bộ địa chính,  hộ tịch. Nhưng vẫn cảm thấy không khí nặng nề, vẫn  thấy mọi sự chậm chạp khi phải dính tới thủ tục hành chính.  

Đại hội đảng bộ TP. Hà Nội đang diễn ra trong những ngày này có đề cập đến nội dung quan trọng về cải cách thủ tục hành chính. Và thực tế cho thấy, những hiện thực về thái độ thiếu nhiệt tình, thậm chí quan liêu cửa quyền của cán bộ có thẩm quyền, các thủ tục rườm rà thiếu tính khoa học làm khổ người dân vẫn còn không ít. Giải quyết những vướng mắc ấy, Hà Nội phải bắt đầu từ đâu và đến bao giờ? 

Giá như các cơ quan của Hà Nôi có tổ chức hợp lí hơn, thủ tục bớt rườm rà hơn, thái độ phục vụ khoa học và chuyên nghiệp hơn… Giá như người dân khi bước vào cơ quan hành chính có thái độ tự giác hơn, tuân thủ qui định tốt hơn. Giá như…  

  • Nguyệt Minh - Thế Hà

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,