221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
758976
Biến tiềm lực của kiều bào thành nguồn lực
1
Article
null
Biến tiềm lực của kiều bào thành nguồn lực
,

“Người Việt hơn ai thì không biết, nhưng chắc chắn không chịu thua ai” - TS Nguyễn Công Phú hai lần lặp lại câu nói này khi ông nhận danh hiệu “Vinh danh nước Việt” dành cho các kiều bào xuất sắc do VietNamNet tổ chức.

TS. Nguyễn Công Phú.

Vóc dáng khá nhỏ bé và giọng nói sắc gọn, ông hiện là giám đốc châu Á của Tập đoàn APAVE (Pháp). Đây là tập đòan hàng đầu thế giới trong lĩnh vực giám định, giám sát chất lượng công trình công nghiệp và xây dựng...

"Không chịu thua ai", liệu có quá tự kiêu không, thưa tiến sĩ?

- Tiến sĩ Nguyễn Công Phú (Giám đốc châu Á của APAVE): Đó là điều tôi thường nói với bạn bè quốc tế, dù ở bất cứ đâu. Và tôi cũng không thấy ai phản bác. Những gì tôi nói rút ra từ quá trình phấn đấu của mình. Khi nhận quyết định đề bạt vào vị trí giám đốc châu Á, trở thành nhân vật thứ 5 của APAVE, cùng phải gánh vác vai trò quản lý, điều hành một tập đoàn 7.000 kỹ sư và chuyên viên kỹ thuật, tôi hiểu mình được đánh giá cao, được tin tưởng. Lúc đó không thể diễn tả hết niềm tự hào dân tộc. Tôi đã đi 54 nước và càng đi càng thấy tự hào mình là người VN.

Tiến sĩ suy nghĩ gì về sự tụt hậu mà các nhà hoạch định đường lối VN thường cảnh báo?

Tiến sĩ Nguyễn Công Phú sinh năm 1951 tại Quảng Nam, hiện đang định cư tại Pháp. Thành quả nghiên cứu tại Viện Cầu đường Paris của ông đã được đưa vào qui phạm kỹ thuật ngành cầu đường Pháp và được một số quốc gia tiên tiến (Đức, Mỹ, Bỉ) tiếp thu. Từ 1993-1994, ông tham gia tích cực trong tiến trình chuyển giao công nghệ về lĩnh vực an toàn bay từ Cục Hàng không dân dụng Pháp cho Cục Hàng không dân dụng VN. Hiện tại, tiến sĩ Nguyễn Công Phú là giám đốc châu Á, kiêm tổng giám đốc APAVE Việt Nam & Đông Nam Á, kiêm tổng giám đốc APAVE Malaysia.

- Phải nói cho đúng là tụt hậu so với thế giới chứ không phải với đất nước mình so với trước. Đánh giá sự phát triển kinh tế cần nhìn vào những con số vĩ mô. Hai mươi năm trước GDP đầu người của VN là 100 USD/năm, còn hiện giờ là 500-600 USD/năm.

Trong giai đoạn gần hai thập kỷ mà tăng trưởng được năm đến sáu lần, đó là một thành công không phải nước nào cũng làm được, là nguồn động viên mọi người - dù là công dân trong nước hay bà con kiều bào - rất lớn. Tất nhiên, vì xuất phát điểm thấp nên hiện giờ mốc chúng ta đạt được còn khá xa so với thế giới. Bất cứ ai hiểu được điều đó cũng biết rằng chặng đường sắp tới là rất khó khăn, nhiều nhiệm vụ nặng nề.

Nếu nói một lời tâm huyết với các nhà lãnh đạo đất nước, tiến sĩ sẽ nói gì?

- Tôi sẽ nói về việc sử dụng trí tuệ, nhân tài. Ai cũng thừa nhận người Việt có hàm lượng trí tuệ cao, nhưng hàm lượng này chưa được biến thành những việc làm cụ thể hoặc một xung lực mạnh mẽ để giúp đất nước thăng tiến. Đúng là năm qua kiều bào gửi về nước 3 tỉ USD hoặc có thể hơn nhưng số tiền này chưa hề tạo được một động lực mới nào tại VN.

Chính sách của Nhà nước trong việc vận động, thu hút bà con kiều bào đóng góp nhiều hơn cho đất nước, tăng đầu tư - kinh doanh về nước đang đi đúng hướng, nhưng rõ ràng cần những việc làm cụ thể hơn để có thể biến tiềm lực của kiều bào thành nguồn lực trong nước.

Ông có tin những lời tâm huyết của ông sẽ được tiếp thu?

- Tôi tin. Tôi trở về nước để làm việc lần đầu năm 1980. Từ đó đến nay tôi đã chứng kiến sự thay đổi tư duy sâu rộng ở mọi cấp. Sự thay đổi này có thể nói là rất lớn và đó chính là điều kiện thuận lợi cho kiều bào khắp nơi trở về đóng góp cho quê hương.

Xin cảm ơn tiến sĩ!

Nhân sự kiện 19 kiều bào nhận giải thưởng “Vinh danh đất Việt”, Tuổi Trẻ đã nối mạng với các nhân vật được tôn vinh trên khắp thế giới. Những email từ Mỹ, Bỉ... bay về, tràn ngập lòng tự hào dân tộc, những dự định với quê hương.

* Mong thay vận nước hưng phấn

GS-TS vật lý, hàng không-không gian Nguyễn Đăng Hưng, định cư tại Bỉ: - Tôi từng phát biểu tại dinh Thống Nhất với sự tham dự của Thủ tướng Phan Văn Khải: Lịch sử thuộc về quá khứ không thể đổi thay, nhưng những bài học của lịch sử là cần thiết để vận hành tương lai. Đã hơn ngàn năm, các đấng anh quân đất Việt khẳng định hướng đi chiến lược cho việc dựng nước và mở nước: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia...”.

Mạch nước của giếng ngàn năm nay được khơi lại, mong thay vận nước hưng phấn, hiền tài thăng hoa, chất xám lên ngôi!

* Nhiều người Việt đã “vinh danh nước Việt”

TS Ngô Thanh Nhàn, Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm, viết từ California, Mỹ: - Tôi biết có nhiều người trong nước, kể cả các em thế hệ 8x (sinh những năm 1980), vẫn thường xuyên vinh danh nước Việt trên các diễn đàn quốc tế. Vậy nên những đóng góp của tôi là vô cùng khiêm tốn.

Tôi mong Chính phủ hỗ trợ, cấp học bổng cho các sinh viên học ngành Hán Nôm, cũng như Bộ Giáo dục - đào tạo phải giới thiệu chữ Nôm tại bậc trung học và đại học. Bất kể sinh viên nào theo học ngành sử, địa, văn, ngôn ngữ, dân tộc, y học cổ truyền, sân khấu... phải học chữ Nôm ngang với đòi hỏi học ngoại ngữ. Tôi được biết các chuyên gia đã soạn xong bộ chuẩn chữ Nôm, nay đang trông chờ Chính phủ hỗ trợ ngân sách để hoàn thành. Tôi mong việc đó được thực hiện ngay trong năm 2005 này.

* Nhiều sáng kiến mở ra cho Việt kiều

GS-TS Trịnh Xuân Thuận, viết từ Virginia, Mỹ: - Tôi từng tham dự một buổi gặp gỡ giữa đại tướng Võ Nguyên Giáp với các bạn trẻ Việt kiều tại nhà của ông. Chính phủ đã nhìn xa trông rộng khi thúc đẩy các hoạt động với thế hệ tiếp nối của cộng đồng kiều bào. Tôi hi vọng nhiều sáng kiến hơn sẽ được mở ra cho Việt kiều, ví dụ như tổ chức một cuộc gặp (tốt nhất là vào mùa hè) tại VN dành cho những kiều bào xuất sắc để chúng tôi có cơ hội biết nhau, kết thành một mạng lưới và cùng phối hợp đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Các đồng nghiệp tại VN đề nghị tôi giúp đỡ mở khoa vật lý học thiên thể đầu tiên tại VN. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn có thể.

* Luôn hướng về quê hương

GS-TS âm nhạc Nguyễn Thuyết Phong, viết từ Mỹ: - Xa quê hương hơn 30 năm, tôi luôn hướng về quê hương từng giờ từng phút. Dù ai nói ngả nói nghiêng, con người Việt vẫn có một giá trị xứng đáng trên thế giới bằng lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đã được chứng nghiệm cụ thể. Thế kỷ 21 là thế kỷ của niềm cảm thông toàn cầu. Tôi hi vọng VN sẽ tiếp tục vượt qua mọi thách thức, mở cửa đón nhận mọi thành phần của dân tộc để cùng nhau xây dựng đất nước.

  • Cẩm Hà (Tuổi Trẻ)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,