221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
831482
Kỳ 2: Chứng thư bảo lãnh chết người và những thiên lệch
1
Article
null
Gặp người đòi đền oan sai 452 tỷ đồng:
Kỳ 2: Chứng thư bảo lãnh chết người và những thiên lệch
,

(VietNamNet) - Bán hàng trả chậm thông qua chứng thư bảo lãnh của ngân hàng, nhưng thử nghiệm đầu tiên thất bại vì ngân hàng bội ước, bội tín, lại được hỗ trợ bởi thói quen hình sự hóa các giao dịch kinh tế. Phương thức kinh doanh đi trước đến hơn chục năm đối với việc sử dụng công cụ tài chính đã khiến ông Chiến thốt lên: Tôi đã mất đi khoảng thời gian đẹp nhất của một doanh nhân".

 > Kỳ 1: Gặp người đòi đền oan sai 452 tỷ đồng
 > Tham nhũng và lỗi hệ thống

"Cố ý làm trái…"

Ông Chiến tại văn phòng làm việc.

Sáng 15/8/2006, khi tôi đang chuẩn bị viết tiếp kỳ 2 của câu chuyện này thì có một cuộc điện thoại gọi từ Cần Thơ ra. Giọng người đàn ông qua điện thoại nghẹn ngào: “Tôi đang chờ đợi kỳ 2 của bài viết đây... Khó có một vụ án nào như thế này: Bị cáo và người bị hại bênh nhau trước toà. Nhà báo đã nhìn tận mắt chứng thư bảo lãnh ấy chưa? Nếu mà ngân hàng Sóc Trăng trả nợ thay cho Lý Hóc Lỷ như cam kết thì ông Chiến sẽ trả được nợ cho doanh nghiệp của tôi, và không có cái gọi là “vụ án này” doanh nghiệp của tôi không phá sản…”

Đó là ông Võ Hoàng Minh, giám đốc Công ty MEKONIMEX Cần Thơ - chủ nợ của công ty ông Chiến.

Trong vụ án  gây tranh cãi "xuyên thế kỷ" ở Cần Thơ, ông Minh đã bị buộc tội "cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng"- với lý do là "Quota cho phép nhập khẩu đường bán cho các tỉnh phía Nam nhưng lại bán ra Hải Phòng cho ông Chiến…".  Trong bức ảnh chụp hôm ông Chiến được tuyên vô tội, bên phải là Phó Giám đốc công ty Phía Bắc – ông Vũ Tiến Công khóc nức nở, bên trái là ông Võ Hoàng Minh cười mà ra nước mắt…

Sau ngày ông Chiến được tuyên vô tội, ông Minh và con trai (đang học đại học năm thứ nhất) ra Hà Nội một tuần chơi với gia đình bạn. Những người con của ông Chiến đã coi ông Minh như cha từ khi cha đẻ của mình lâm vào vòng tố tụng. 

Nhắc tới ông Võ Hoàng Minh, lúc nào giọng ông Chiến cũng không giấu nổi sự xót xa: "Nếu như người ta không cắt khúc, hình sự hóa vụ án kinh tế  này, nếu như ngân hàng Sóc Trăng thực hiện cam kết theo các chứng thư bảo lãnh thì tôi đâu có nợ MEKONIMEX và doanh nghiệp này đã không bị phá sản. Khi nào có điều kiện nhà báo nên gặp ôngVõ Hoàng Minh. Đó là Giám đốc một trong những doanh nghiệp lớn nhất của miền Tây Nam bộ. Doanh nghiệp của ông đã là niềm tự hào của vùng đất Tây Đô thập kỷ 80-90.

Tôi vẫn còn nhớ, trước tòa người ta hỏi ông Minh: "Phía Bắc của nước Việt Nam tính từ đâu trở ra?". Ông ấy trả lời: "Từ vĩ tuyến 17 trở ra…". "Thế Hải Phòng là thị trường phía Bắc hay phía Nam, tại sao quota cho nhập khẩu đường bán ở thị trường phía Nam lại chuyển ra Hải Phòng bán…”

Thời điểm đó, phía Nam đường nhập khẩu về không tiêu thụ được, nếu ông Minh không ủy thác cho tôi tiêu thụ thì đường giảm phẩm cấp, chảy thành nước vì khi hàng nhập về “cung đã vượt cầu”, nông dân nhiều nơi đã phải phá mía trồng cây khác vì không tiêu thụ được, giá đường giảm mạnh từng ngày. Hơn nữa, để vận chuyển một tàu đường 6.500 tấn từ cảng TP. Hồ Chí Minh ra cảng Hải Phòng thì một mình ông Minh không thể quyết định được nên đã phải báo cáo, xin phép Sở Thương mại, UBND tỉnh Cần Thơ (nay là TP. Cần Thơ), Hải quan, Cảng vụ, Bộ Thương mại chứ… Thế mà rồi mọi người đều rũ bỏ trách nhiệm để một mình ông Minh bị buộc tội "Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thực tế nếu ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng không bội ước, bội tín thanh toán trả tôi theo cam kết, tôi trả được nợ cho MEKONIMEX thì ông Minh làm gì có "hậu quả nghiêm trọng" để quy kết tội "Cố ý làm trái...”?

Ông Minh nói, hiện giờ mình đang đi "làm mướn" cho một doanh nghiệp nuôi tôm ở Sóc Trăng.

Ngân hàng Sóc Trăng và những chứng thư bảo lãnh chết người

Ông Chiến và ông Võ Hoàng Minh (phải) bên ngoài phòng xử án, sau khi được phiên tòa sơ thẩm ngày 3/3/2006 tuyên vô tội.

Xin nhắc tới lại vài chi tiết của vụ án xuyên thế kỷ này để bạn đọc tiện theo dõi - viết theo cáo trạng - năm 1997, qua thương vụ mua bán đường, doanh nghiệp của ông Chiến nợ MEKONIMEX 43,842 tỷ đồng (trong đó tiền gốc là: 40,2 tỷ đồng). Hai bên có văn bản thỏa thuận số nợ còn lại chưa thanh toán thì bên mua hàng phải chịu lãi theo thỏa thuận.

Một phần số đường nói trên Nguyễn Đình Chiến đổi lấy hàng, gồm nhựa đường, sắt thép và nguyên liệu hạt nhựa PP/PE các loại... bán cho Lý Hóc Lỷ, Giám đốc công ty Đầu tư phát triển kinh tế Sóc Trăng (EIDC), với số tiền gốc gần 43 tỷ đồng, lớn hơn số tiền Nguyễn Đình Chiến nợ MEKONIMEX… Lý Hóc Lỷ cùng đồng bọn bỏ trốn ôm theo khoản tiền lớn, để lại món nợ khổng lồ hơn 80 tỷ đồng của các doanh nghiệp, trong đó có khoản tiền của hai doanh nghiệp do Nguyễn Đình Chiến đại diện là gần 43 tỷ đồng.

Khi mua hàng, EIDC đã trình với ông Chiến thư tay của ông Lưu Khánh Vân - Phó chủ tịch tỉnh Sóc Trăng, thư của ông Huỳnh Văn Trí - Bí thư Thị ủy thị xã Sóc Trăng giới thiệu là em nuôi đề nghị giúp đỡ để xây dựng cơ sở hạ tầng tỉnh Sóc Trăng. Tuy vậy ông Chiến chỉ bán hàng với điều kiện phải có chứng thư bảo lãnh của ngân hàng cấp tỉnh. EIDC đã lo đủ 4 chứng thư bảo lãnh của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng NN-PTNT tỉnh  Sóc Trăng trị giá hơn 48 tỷ đồng.

Chúng tôi đọc từng chữ trên bốn chứng thư bảo lãnh được photocopy lại. Tất cả đều ghi: "Đến hạn thanh toán mà EIDC không thanh toán được thì ngân hàng sẽ trả thay và không viện dẫn bất cứ lý do gì chậm trễ quá 3 ngày".

Ông Chiến từng được dẫn giải từ trại giam Cần Thơ đến dự phiên tòa sơ thẩm vụ Lý Hóc Lỷ và các chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng Sóc Trăng. Tại đây, người ta phải thay đổi tư cách tham gia tố tụng của ông đến 3 lần. Lần 1, Hội đồng xét xử xếp ông Chiến cùng với những bị can của vụ án Sóc Trăng, ông Chiến và luật sư phản đối. Lần 2, họ xếp ông sang những người làm nhân chứng, luật sư và ông Chiến lại phản đối tiếp vì ông Chiến là chủ thể ký hợp đồng và với tư cách pháp lý là bị hại tham gia tố tụng vụ án này. Cuối cùng, lần 3, HĐXX hội ý và quyết định chuyển ông Chiến sang tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại.

Tại tòa, HĐXX nói: "Ông Chiến bị Lý Hóc Lỷ lừa đảo chiếm đoạt tài sản...”. Nguyễn Đình Chiến “cãi”: Lý Hóc Lỷ làm sao mà lừa được tôi. Nếu tôi bị lừa thì thủ phạm phải là các chứng thư bảo lãnh của ngân hàng Sóc Trăng và nội dung những bức thư tay của một số lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng”. 

Đến phiên phúc thẩm của vụ án Sóc Trăng, ông không còn cơ hội được bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp mình để yêu cầu ngân hàng thực hiện cam kết theo các chứng thư bảo lãnh (vì bị tạm giam).

Chỉ cho chúng tôi xem từng dòng trong 4 chứng thư bão lãnh trên, ông Chiến đau xót: "Tôi đã yêu cầu chứng thư bảo lãnh phải viết theo thông lệ của tài chính quốc tế nhưng vấn đề là toà án Sóc Trăng đã để ngân hàng đứng ngoài vòng tố tụng. Nếu đúng theo quy định của pháp luật, Giám đốc Ngân hàng phải chịu trách nhiệm hình sự nhưng Ngân hàng phát hành Bảo lãnh là trách nhiệm dân sự, không ai xử vô hiệu Bảo lãnh mà người ta chỉ xử vô hiệu hợp đồng hoặc từng điều khoản của hợp đồng thôi. Người ta nói là ông Giám đốc Ngân hàng đã ký chứng thư vượt quá thẩm quyền của mình và tòa kết tội ông này bị đi tù 10 năm (sau được giảm án thành 3 năm). Khi nhận chứng thư bảo lãnh, doanh nghiệp chúng tôi chỉ có thể tin rằng bên cạnh chữ ký là con dấu của ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, doanh nghiệp làm sao biết được và không có nghĩa vụ phải biết những quy định nội bộ của ngành ngân hàng. Hơn nữa, đó chỉ là những văn bản dưới luật…”

Tôi hỏi: "Lúc đó, ông có "kêu" lên cấp cao nhất của ngành ngân hàng không? "Đã kêu lên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và đã có sự chỉ đạo của NHNN VN là khoanh nợ lại để chờ xử lý của cơ quan pháp luật. Khi bản án tuyên thì không ngờ chứng thư bảo lãnh của Ngân hàng lại được đứng ngoài vòng pháp luật".

Có nghĩa là việc xử án theo kiểu cắt khúc vụ việc và hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế ở đây có sự đồng thuận. Ngân hàng thì chối bỏ được nghĩa vụ thanh toán theo bảo lãnh với VIMPORCO, MEKONIMEX - chủ nợ kéo theo của VIMPORCO bị phá sản, Lý Hóc Lỷ bỏ trốn, chủ doanh nghiệp bị hại, đi tù. Có một bài báo đã từng lấy tiêu đề chua chát: Tội phạm bỏ trốn bắt người bị hại (Báo tin tức- TTXVN).

Lẽ ra, phải quan niệm ngân hàng cũng là một loại hình doanh nghiệp và phải hành  xử pháp luật giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp theo luật dân sự và không thể viện dẫn các quy định nội bộ của ngành để "xù nợ" doanh nghiệp. Nếu là bảo lãnh thanh toán nợ nước ngoài thì sao?

Trong vụ việc này, "cố ý làm đúng" vẫn cứ gặp nạn vì những bất hợp lý, không công bằng của các cơ quan có thẩm quyền trong hành xử pháp luật. 

Những thiên lệch

Ông Nguyễn Đình Chiến (trái) trong phiên đại hội cổ đông bất thường của Công ty cổ phần đầu tư BĐS HP để giành lại quyền quản trị điều hành DN, giải quyết "hậu kỳ án xuyên thế kỷ".

Tác giả Sáu Nghệ từng viết: "Đứng ở nhà thờ Lý Anh Tông do VIMPORCO đầu tư xây dựng trên vách núi Hòn Rồng nhìn xuống vùng biển với dự án đẹp đã bị xé nát, không thể không tự hỏi: "Trong vụ án này, các cơ quan tố tụng Cần Thơ hoạt động nhằm mục đích gì?

…Trong trường hợp này, cơ quan tố tụng chỉ chú trọng bảo vệ tài sản của vài doanh nghiệp Nhà nước mà coi nhẹ tài sản của các thành phần kinh tế khác (cụ thể là doanh nghiệp của ông Chiến) nên gây ra rối rắm. Phải chăng, tư duy thiên lệch này không giúp ích gì cho sự phát triển của doanh nghiệp, suy rộng ra là của cả nền kinh tế?

Theo phân tích của ông Chiến, tư duy ấu trĩ về kinh tế đã khiến cho các cơ quan tố tụng của Cần Thơ đẩy doanh nghiệp nhà nước - MEKONIMEX - phá sản vì không trả được lãi suất ngân hàng phát sinh trong 10 năm. "Nếu không bị khởi tố thì tôi có thể trả nợ bằng cách rất đơn giản đó là luân chuyển vốn. Với tài sản của doanh nghiệp trị giá hàng trăm tỷ đồng, chúng tôi thường xuyên mở L/C mua hàng nhập khẩu chậm trả của nước ngoài, sử dụng vốn luân chuyển thanh toán nợ. Trong năm 1994-1995 doanh nghiệp chúng tôi đã nhập khẩu những tàu hàng có giá trị từ 5-6 triệu đô la Mỹ là việc kinh doanh bình thường”.

Gần 50 bài báo đều phân tích về những thiên lệch mà các cơ quan tố tụng Cần Thơ đã "giáng" xuống "Kỳ án xuyên thế kỷ này". Ông Chiến phân tích: “Nhiều nhà báo có nghiệp vụ về tư pháp đã phân tích rất đúng. Cái vô lý nhất của vụ án này là một đằng khởi tố, bắt giam để hạn chế, tước đoạt hết quyền lợi hợp pháp của tôi (quyền quản trị điều hành doanh nghiệp, quyền tài sản,...) nhưng lại quy kết cho tôi có nghĩa vụ phải trả nợ. Trong khi tài sản của tôi nằm trong doanh nghiệp thể hiện đầy đủ trên sổ sách kế toán, tài khoản doanh nghiệp. Vô tình hay cố ý họ đã tạo điều kiện, tiếp tay cho những kẻ cơ hội trong công ty cổ phần chỉ sở hữu 2% cổ phiếu lợi dụng hoàn cảnh vụ án kéo dài gần 10 năm đã chiếm giữ và sử dụng trái phép con dấu để chiếm đoạt doanh nghiệp, tài sản của tôi. Họ giành quyền nhưng không thực hiện nghĩa vụ.

Công nợ giữa các doanh nghiệp liên quan phát sinh từ quan hệ kinh tế hợp pháp lại quy kết cho cá nhân (chủ doanh nghiệp).

Tôi đã mất đi 10 năm - khoảng thời gian đẹp nhất của một doanh nhân".

Tại đi trước người?

Ông Chiến và người thân sau khi được tuyên vô tội.

Thời điểm mà Nguyễn Đình Chiến khởi nghiệp "hành nghề giám đốc", năm 1990, là lúc Liên Xô và Đông Âu tan rã. Có rất nhiều người Việt Nam ở đó muốn khai thác nguồn hàng và khai thác vốn đầu tư về xây dựng đất nước. Ông Chiến đã đón đầu được cơ hội này bằng quan hệ và sử dụng công cụ tài chính là mua hàng trả chậm, huy động vốn đầu tư thông qua kinh doanh XNK để có vốn đầu tư, kinh doanh bất động sản và sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp với ngân hàng để phát hành công cụ tài chính nhập khẩu hàng.

Và ông cũng đã sử dụng công cụ tài chính trong kinh doanh nội địa là bán hàng trả chậm thông qua chứng thư bảo lãnh của ngân hàng ở Việt Nam. Nhưng thử nghiệm đầu tiên với các ngân hàng tỉnh Sóc Trăng với Lý Hóc Lỷ đã thất bại vì ngân hàng bội ước, bội tín.

"Đó là phương thức kinh doanh đi trước đến hơn chục năm đối với việc sử dụng công cụ tài chính tại Việt Nam. Cái đau nhất của tôi là ngân hàng“xù nợ” không thực hiện cam kết thanh toán theo Chứng thư bảo lãnh đã phát hành. Nhưng từ vụ án Sóc Trăng đã giúp ngành ngân hàng Việt Nam hoàn thiện quy chế bảo lãnh”.

Có lẽ, ông Chiến cũng là một trong những người tiên phong kinh doanh bất động sản một cách công khai (năm 1992) khi nhiều người trong xã hội chưa coi đây là giao dịch thương mại bình thường và lành mạnh. Lúc đó ở Việt Nam bất động sản chưa được coi là hàng hoá và cũng chưa có những văn bản luật để phát triển loại hình kinh doanh này.

Ông Chiến kể rằng, hồi đó, việc thành lập một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải được sự chấp thuận từ Văn phòng Chính phủ.

Nhìn lại những luận chứng kinh tế kỹ thuật một thời và những tấm ảnh của người kỹ sư trẻ ngày đi mở đất đầy hăm hở càng thấu hiểu nỗi đau của việc "lội nước mà không chịu đi sau".

Những tấm gương tày liếp một thời của những người như ông Chiến là lời giải thích vì sao chúng ta hiếm có thương hiệu lớn, vì sao lại có nhiều người cố bám vào Nhà nước để làm công chức đến thế…?

  • Lương Bích Ngọc - Thu Thuỷ

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,