221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
849874
Đêm trắng Chôm Lôm
1
Article
null
Đêm trắng Chôm Lôm
,

(VietNamNet) - Tôi  lặng người đứng dưới mưa cùng hàng trăm người dân, đôi mắt dõi theo những chiếc thuyền và đội quân cứu hộ. Sau một đêm thức trắng cùng Chôm Lôm, tôi vẫn chưa thấm thía hết những gì mà gia đình các nạn nhân trong vụ chìm đò kinh hoàng đang phải hứng chịu.

Gia đình anh Lương Văn Mại có 2 con gái bị mất tích vẫn chưa tìm thấy xác. Ảnh: Ngọc Bình

Bi thảm

6h30 sáng ngày 7/10,  bến nhỏ nằm ven sông Cái chợt bừng tỉnh bởi những tiếng thét gào hãi hùng loang trên mặt sông. Khi người ta ùa ra bến sông thì chỉ còn kịp nhìn những đôi bàn tay bé nhỏ vẫy vùng. Chiếc đò ngang chở khách đang bị nhấn chìm giữa dòng nước đỏ ngầu...

Lập tức, hàng chục thanh niên, thậm chí cả cụ già không kịp đắn đo suy nghĩ đã lao xuống dòng sông cứu nạn. Những cây mét cũng được lao theo “làm phao” cho các em bấu víu. Nhưng tất cả đã quá muộn. Trên mặt sóng gầm gào, chỉ thấy những cánh tay tuyệt vọng của 57 người đang chới với, vùng vẫy. Trong số đó, may mắn có 38 người thoát khỏi trong gang tấc “lưỡi hái tử thần”. 19 em học sinh đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông.  Đến nay, hầu hết vẫn chưa tìm thấy xác.

Dưới ánh nắng chiều hiu hắt, hàng trăm người thân của những người xấu số ngồi bó gối bên nhau, hướng ánh mắt thảng thốt về những chiếc thuyền đang ngược xuôi chài xác. Bầu không khí nặng nề ấy chốc chốc lại vỡ oà bởi những tiếng khóc thê lương.

Rải dọc bờ sông là những nén hương nghi ngút khói. Dòng người khi nghe tin dữ kéo đến mỗi lúc một đông.

Kha Tấn Duy, lớp 7A trường THCS Lạng Khê vừa vượt qua "lưỡi hái tử thần" bàng hoàng nhớ lại: “Như thường lệ, em và các bạn lại cắp sách tới trường. Sáng nay, khi đò cập bến, trên đò có cả anh Nghiệp, con của chủ đò Lô Văn Phong. Thoạt đầu, em cũng rất sợ vì lúc đó, đò đã có rất nhiều bạn tranh nhau bước lên ngồi chật cứng. Em định chờ đi chuyến sau thì nghe anh Nghiệp nói: “Tất cả lên đò cho đủ chuyến, vì đò không chở chuyến thứ 2”. Thấy vậy, sợ chậm học nên ai cũng vội vàng chen lấn nhau bước lên đò”.

Đi được hơn nửa con sông, đến đoạn nước chảy xiết, đột nhiên gãy que gạt, chân vịt vướng phải chướng ngại vật. Hốt hoảng, Nghiệp vội quay ngoặt đò vào bờ, nhưng chưa kịp thực hiện thì nước sông bắt đầu tràn vào, đuôi đò dần dần bị nhấn chìm. Khách trên đò nhốn nháo, hoảng loạn, nhiều em đã oà khóc… Nhưng khoảng khắc đó chỉ kéo dài gần 1 phút. Chuyến đò định mệnh ấy nhanh chóng nhấn chìm hàng chục con người xuống dòng sông.

Duy uất nghẹn: Em đã cố gắng bơi vùng vẫy giữa biển người, thoát khỏi sự níu kéo của các bạn, cố tìm cách thoát thân, đành bất lực bỏ lại phía sau những tiếng kêu thảm thiết. Lúc bơi gần tới bờ, kịp ngoảnh lại chỉ thấy những cánh tay chấp chới trong tuyệt vọng, đuối dần và lịm hẳn.

Cùng đi trên chuyến đò ấy, có ông Lô Văn Lai, người dân bản Chôm Lôm. Ông kể lại với chúng tôi khoảnh khắc kinh hoàng, hú vía: Chiếc đò độc mộc đáng lẽ ra chỉ chở tối đa được 30 người, nhưng lúc đò lại chở số lượng gấp đôi. Đò chìm. Nhiều em không biết bơi, đưa tay loạng quạng cố tìm cách bấu víu, suýt nữa tui cũng chết theo vì lúc đó có hơn chục em cứ bám chặt vào quần áo, không tài nào thoát ra được. Nếu kiểu này, có lẽ mình cũng sẽ “đi” luôn, nên lấy bình sinh cố đạp thật mạnh, lặn sâu xuống sông và tìm cách cứu các cháu.

Ông Lai cởi hết quần áo để các em không bấu víu và lặn xuống đẩy, tạo đà cho các em bơi vào bờ. Và với cách này, ông đã cứu được 5 em học sinh. Mải mê cứu nạn, ông cũng không hay biết rằng, đứa cháu ngoại của mình là Lương Văn Hùng cũng bị mất tích trong vụ đắm đò ấy.

Trong “lúc nửa sôi bỏng” ấy, nhiều thanh niên trong bản đã bất chấp hiểm nguy lao xuống sông cùng tham gia công tác cứu hộ. Anh Lộc Vĩnh Thêu, SV lớp 7B trường CĐ Thể dục Thể thao Đà Nẵng trong lúc về thăm nhà, đã may mắn cứu thoát được 5 người.

Người dân tụ tập ở dọc bờ sông chờ tin tìm kiếm nạn nhân. Ảnh: Ngọc Bình

Đêm trắng Chôm Lôm

 Xã Lạng Khê hiện có 3 bến đò đang hoạt động là Yên Hoà, Đồng Tiến và Chôm Lôm. Tuy nhiên, riêng 2 bản kia vẫn chưa có trường hợp nào thương tâm xảy ra.
 
Đối với bến đò Chôm Lôm, tháng 5/2006, Đoàn liên ngành do UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định đình chỉ với đầy đủ các chữ ký của tỉnh, huyện và xã không cho chủ đò Lô Quốc Phong tiếp tục hoạt động. Tuy nhiên, cho đến khi sự việc xảy ra, chủ đò vẫn tiếp tục được khai thác chở người trong bản qua sông.

19h30. Chúng tôi tiếp tục quay ngược trở lại bản Chôm Lôm. Bến đò, nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm, ánh điện mập mờ được kéo vội về chiếc lán dựng tạm bợ cạnh mép sông, để người thân túc trực, ngóng đợi tin tức.

Trên mặt sông, những chiếc ca nô của đoàn cứu hộ liên tục rà máy quanh khu vực xảy ra vụ đắm đò, hy vọng mỏng manh tìm thấy thi thể của các cháu. Song tất cả đều thất vọng vì không phát hiện thêm bất cứ dấu tích gì.

Phía bên kia sông, dốc bản Chôm Lôm dựng đứng, bóng người dân phủ hắt xuống lòng sông, thỉnh thoảng lại có tiếng vọng sang: “Đã tìm thấy thêm cháu nào chưa?”. Đáp lại, chỉ tiếng sông gầm gừ, cuộn sóng.

Lúc này đã 21h. Chúng tôi quyết định “đánh liều” tìm chủ đò qua bên kia bản Chôm Lôm. Nhưng không ai dám đảm nhận làm hoa tiêu.

Một số chủ đò cảnh báo: Sông Cả chảy quanh co gấp khúc, hiểm trở, về mùa lũ nước ở thượng nguồn đổ xuống, nước ở dưới sông Lam dâng lên khiến cho dòng sông như chảy ngược. Kỳ thực là chảy xuôi trông cứ lờ đờ nhưng phía dưới lại chảy ngầm, tạo ra nhiều vực xoáy rất nguy hiểm, đa số thuyền bè đã mắc phải vực xoáy thì rất dễ lật. Trời mới mưa có mấy ngày mà nước ở thượng nguồn băng băng cuộn lên đỏ ngầu. Dòng sông bỗng dưng quằn quại đổi dòng, “ngoạm” vào cả đất của bản. Vì vậy, đi đêm rất hiểm nguy, khôn dại khó lường. Hơn nữa, tại khu vực bến Chôm Lôm đã có “tiền sử” nổi tiếng ghi “ký xác nhận” cho nhiều người ở lại với dòng sông Cả.

21h30, cuối cùng chúng tôi cũng có mặt bên kia bản nhờ thuyền canô của các chiến sĩ cảnh sát giao thông đường thuỷ làm nhiệm vụ tham gia cứu hộ.

Trưởng bản Lộc Minh Tỵ đôi mắt đục ngầu, buồn bã: Vụ đắm đò ấy đã cướp đi sinh mạng của 19 em. Đau xót thay, có 3 gia đình là anh Lô Văn Xuân, Lương Văn Mại, La Văn Phong, mỗi gia đình có 2 người con hiện tại vẫn chưa tìm thấy xác.

Anh Lương Văn Mại bố của 2 nạn nhân Lương Thị Loan và Lương Thị Anh ngẹn đắng: “Mấy hôm thấy đứa con gái thứ 2 nghỉ học vì kêu mệt, tui bảo cháu ở nhà. Sáng nay lại bảo con cố gắng đến trường, học thêm cái chữ, ai ngờ đó là lần cuối cùng tôi được gặp cháu”.

Bên góc bàn thờ đặt giữa gian chính giữa, khuôn mặt ngây thơ, đẹp hiện rõ trên di ảnh của 2 cháu. Chị Lộc Thị Xuân nằm sóng xoài, gào khóc thảm thiết. Ông cụ thân sinh ra anh ngồi tựa cột nhà, bên di ảnh đứa cháu nội đôi mắt đờ đẫn, nhìn như chẳng nhìn ai.

La Thị Tỵ  năm nay lên 6 tuổi, là con gái thứ 3 trong nhà. Bỗng nhiên thấy nhà mình tấp nập người ra vào, Tỵ sợ hãi đứng nép sau cánh cửa và hồn nhiên hỏi bác Lộc Đình Thi - Bí thư bản: “Bác ơi! các chị cháu đi mô?".

Nhiều người hàng xóm đã đến chia buồn cùng gia đình kể lại: “Đứa lớn mới 14 tuổi, đứa nhỏ 12. Các cháu đều chăm ngoan học giỏi. Khi tin xảy ra lật đò, mất tích, chị Xuân nghe như tiếng sét đánh, ngất lịm tại chỗ, hàng xóm phải tức tốc đưa về nhà cấp cứu”.

Khi nhận được tin dữ, anh Xuân chạy một mạch ra bến sông và anh cũng không tin nổi vào mắt mình khi phải chứng kiến hai con gái của mình đã nối gót theo chân về với “tử thần”.

22h10, tôi rời bản Chôm Lôm qua bên kia sông. Trong những ngõ tối đầy bùn lầy, nhão nhoét, tiếng khóc của các người thân có con em xấu số vang vọng não nề, ai oán.

Gia đình anh Lò Văn Xuân có 2 con gái mất tích, vẫn chưa tìm thấy xác. Ảnh: Ngọc Bình

Lại một đêm không ngủ!

23h, mưa trắng trời khiến cho không khí càng thêm ảm đạm, rợn đến ghê người.

Anh Toàn, cảnh sát giao thông đường thuỷ sau khi cùng các anh em lùng sục chài xác, thở dài: “Nếu nước xoáy kiểu ni, có khi các em có thể sẽ trôi dạt được khoảng mấy km rồi".

Trời bắt đầu mưa nhẹ hạt,  thân nhân vẫn ngồi bó gối đợi tin tức. Niềm tin của họ được tiếp sức, khi xuất hiện chị Nguyệt “sông Lam” (tên thân mật mà mọi người thường gọi), người đã có thâm niên gần 30 năm vớt xác trên dòng sông Lam. Chị Nguyệt cho biết đã huy động 13 thợ lặn giỏi nhất sang đây, trang bị đầy đủ những dụng cụ như lưới, lưỡi câu, sẵn sàng vào cuộc.

Công việc được tiến hành triển khai nhanh chóng, những chiếc thuyền được bố trí cho đội thợ lặn.

1h30 sáng 8/10,  anh em rà soát lại tất cả những điểm nghi vấn xác có thể mắc cạn, nhiều thợ lặn bất chấp giá lạnh đã nhảy xuống sông tìm kiếm. Nhưng rồi sau một hồi ngụp lặn, những cái đầu nhô lên, lắc lắc tuyệt vọng.

4h. Nhiều thân nhân bắt đầu hơi... nản. “Không sao” - chị Nguyệt vấn an. Với “bề dày’ kinh nghiệm, chị thấu hiểu được những nỗi niềm, sự kỳ vọng, trách nhiệm người dân đặt lên vai mình.

5h sáng, mưa tạm lặng dần. Tôi chui vào túp lều tạm bợ, đôi mắt hốc hác, cố gắng kịp hoàn thành bài viết này.

7h30, sau khi chạy ra thị trấn để truyền bài, ảnh về tòa soạn, tôi lại ngược về bản.

  • Ngọc Bình 

Ý kiến của bạn:

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,