(VietNamNet) - Trong khi ở Hà Nội người dân vẫn "kêu" về thủ tục chậm chạp, thì ở Nghệ An, Hà Tĩnh, các doanh nghiệp liên tục than phiền vì bị "hành hạ"...
-
Kỳ 1: CCHC ở Hà Nội: Trên quyết liệt, dưới ''thủ tục''?
Ảnh: Chi Mai |
Nghệ An:
Thủ tục cấp giấy phép còn quá phiền hàTheo các chủ đầu tư, vấn đề mà họ quan tâm nhất khi đầu tư vào Nghệ An chính là các thủ tục hết sức phức tạp, lằng nhằng. Nhiều doanh nghiệp tuy đã có đủ giấy tờ nhưng vẫn bị “hành” một cách khó hiểu.
Ông Phan Thanh Miễn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ an cho rằng: “Sỡ dĩ tỉnh Nghệ An thu hút nguồn vốn từ các nơi khác về còn gặp nhiều khó khăn là do tâm lý e ngại của các chủ doanh nghiệp. Nói về chính sách thì UBND tỉnh đã có phần thông thoáng, nhưng cơ chế vẫn còn rườm rà, lắm thủ tục. Điều này tạo ra sự chán nản”.
Ông Miễn viện dẫn: “Ngay như trường hợp của anh trai tôi đấy. Khi vào đầu tư xây dựng nhà máy gạch, sau công đoạn huy động vốn, chọn địa điểm xây dựng, phải tiến hành công tác giải phóng đền bù. Mà quá trình đền bù thì phiền hà lắm! Chính vì vậy, không biết là hiệu quả như thế nào nhưng nói về mặt thủ tục thì đã mất rất nhiều thời gian, tiền bạc”.
“Khó khăn trong thu hút đầu tư là vậy, nhưng chúng tôi cũng không được phép làm “ẩu”, “thông thoáng” quá đôi khi rắc rối to. Đã có một số cán bộ trước đây do không thẩm định chính nguồn tài chính, nên đến khi doanh nghiệp đi vào hoạt động bị thua lỗ thì Sở KH&ĐT cũng phải gánh trách nhiệm”, ông Miễn nói.
Riêng đối với việc thực hiện Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ, đến thời điểm này, Sở KH&ĐT đã niêm yết tất cả các giấy tờ, thủ tục cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân khi đến đăng ký.
Ông Nguyễn Đình Liên, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, thắc mắc với phóng viên: “Khi chúng tôi đến đây để xin giấy phép thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp, mặc dù đã được chỉ dẫn vào phòng “Giao dịch một cửa” để xin cấp giấy phép đăng ký nhưng ngó quanh vẫn không biết ai là người chịu trách nhiệm giải quyết. Chúng tôi nghĩ các CBCNV cần phải đeo phù hiệu khi đến công sở, để chúng tôi tiện bề liên hệ giải quyết công việc”.
Về vấn đề này, ông Miễn lý giải: “Tôi đã từng đề cập, phản ánh trong nhiều cuộc họp nhưng một số đồng chí trong cơ quan biện hộ: “Đeo phù hiệu chỉ là vấn đề hình thức mà thôi. Tôi cũng đã chỉ đạo sẽ kiên quyết xử lý các CBCNV vi phạm theo Chỉ thị 32 của Chính phủ”.
Theo dòng sự kiện: Chính phủ chỉ đạo một đường, cơ sở làm một nẻo Nếu cải cách hành chính nghiêm như chống bão
Tại Cục Thuế Nghệ An, lãnh đạo cục đã thừa nhận và tiếp thu thông tin VietNamNet phản ánh. Lãnh đạo Cục Thuế quyết định thuyên chuyển 2 bảo vệ vì có thái độ không chuẩn mực với người dân khi đến nơi làm việc. Đồng thời, tại tất cả các phòng, mọi thủ tục, văn bản giấy tờ đều được niêm yết công khai, các CBCNV đều nghiêm chỉnh chấp hành, khi đến cơ quan phải đeo phù hiệu.
"Chấn chỉnh ngay tệ quan liêu,gây phiền hà cho dân, DN"
Ông Trần Ngọc Chuyên - Phó Cục Thuế Nghệ An khẳng định: “Nếu CBCNV nào trong cơ quan có dấu hiệu gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với người dân thì chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý”.
Như vậy, trong ngày thứ 5 thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, Nghệ An đã có động thái tích cực. Người dân và các doanh nghiệp, không mong chờ điều gì hơn thế khi phải gõ cửa các cơ quan chức năng!
Hà Tĩnh: Vẫn còn xa vời lắm!
Phòng một cửa kiểu hành dân. Ảnh: Chi Mai |
Sáng ngày 6/11, năm ngày sau khi thời hạn phải niêm yết công khai các thủ tục hành chính theo Chỉ thị 32 của Thủ tướng, ở Hà Tĩnh, mọi việc vẫn như cách đó 5 ngày: không mấy cán bộ biết Chỉ thị 32 là cái gì!
Buổi sáng, các cơ quan họp giao ban. 11 giờ đã không thấy bóng dáng cán bộ phòng một cửa nào ở lại để tiếp dân, mặc dù, vẫn còn vài người “xa xẩn” trước cửa ra vào. Phòng một cửa của UBND phướng Bắc Hà lúc 2 giờ 5 phút chiều (xem ảnh), vài người dân thơ thẩn đi ra đi vào chờ cán bộ đến.
Cụ bà Trần Thị Vân, tổ 14 Bắc Hà, cầm một tờ giấy tần ngần trước cửa từ 1 giờ 30, nhất định không cho phóng viên VietNamNet chụp ảnh vì: “Các chú chụp tôi để phê bình họ, hôm sau họ không làm thủ tục cho tôi thì nguy!”.
Anh Lê Văn Dũng (người trong ảnh), bực bội: “Phòng một cửa kiểu hành dân thế này, không biết sinh ra để làm gì? Tôi xin phép công ty, đi 30 phút, tưởng đến là xong việc vì hôm nay là một tuần thực hiện Chỉ thị 32 rồi. Vậy mà anh xem, cán bộ phường có niêm yết cái gì đâu! Mấy cái bảng mi-ca treo trong phòng ấy, tôi thấy nó từ cách đây… một năm rồi”.
Có lẽ, nơi duy nhất ở Hà Tĩnh thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng là Sở Kế hoạch & Đầu tư. Cơ quan này đã cho kê hai bảng, niêm yết tất cả các thủ tục và giấy tờ liên quan. Có một việc “vui vẻ”, là khi phóng viên hỏi số giấy tờ này niêm yết được bao nhiêu thời gian, Nguyễn Văn Long, nhân viên phòng Hành chính & một cửa cơ quan này khẳng định như đinh đóng cột: bảng này treo ở đây 3 tháng rồi! (Chỉ thị 32 của Thủ tướng ký ngày 8/9 và có hiệu lực từ…1/11/2006).
Ông T, một nhà đầu tư người Hà Nội nói với chúng tôi về các thủ tục “hành hạ doanh nghiệp” ở Hà Tĩnh: “Tháng trước, tôi trực tiếp đến UBND tỉnh Nam Định. Họ giải quyết và trả lời tôi rất cụ thể về dự án của tôi chỉ trong vòng 3 ngày”. Còn Hà Tĩnh? Cách nay 3 tháng, tôi đề trình một dự án, dây dưa họp lên họp xuống mãi mới được phê duyệt. Tuy nhiên, bây giờ vẫn chưa được cấp đất để thực hiện dự án này. Đăng ký gặp Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường đến 5 lần rồi vẫn chưa gặp được.
Sáng nay, được sự hậu thuẫn của tỉnh, tôi đưa hồ sơ sang các cơ quan chức năng. Họ (các cơ quan chức năng) trả lời: hôm nay là thứ 2, phải thứ 5 chúng tôi mới cho ý kiến, 7 ngày sau (kể từ thứ 5) chúng tôi mới hoàn thành công việc được. Anh bảo, như thế có phải là cố tình làm cho người ta cụt hứng không?”.
Cục thuế Hà Tĩnh lại càng “vui vẻ” hơn. Ông Nguyễn Cao Thắng, trưởng phòng hỗ trợ ấn chỉ lục tung đống giấy tờ, công văn đến, tìm ra Chỉ thị 32, liếc qua rồi phán: “Chúng tôi đã triển khai việc này rất tốt, đã phối hợp với báo đài địa phương tuyên truyền rất kỹ việc này”. Tuy nhiên, tuyên truyền rất kỹ việc cụ thể gì thì ông… không biết!
Ông Thắng, sau khi đã đọc khá kỹ mấy trang đầu của Chỉ thị, chỉ cho chúng tôi lên phòng Tổ chức để hỏi. Đi một vòng Cục Thuế, không hỏi được cán bộ nào có trách nhiệm, phóng viên VietNamNet đành quay về. Và, theo quan sát của chúng tôi, chưa thấy bất cứ thứ giấy tờ gì được niêm yết công khai tại đây.
Một người dân đứng trước phòng trước bạ của Cục Thuế than thở: “Tưởng Chị thị của Thủ tướng thế nào, chứ thế này thì hy vọng suông thôi! Chỉ thị của Thủ tướng còn thế, thì mấy cái "công văn công veo" của các cấp ngành có lẽ chẳng ăn thua gì!!!”.
-
Chi Mai – Ngọc Bình – Hoành Sang
Kỳ tới: Nhọc nhằn công chứng ở Nam Trung Bộ