(VietNamNet) - Trong vai những người dân đi công chứng, phóng viên VietNamNet ghi nhận những "nỗ lực" cải cách hành chính ở Thừa Thiên - Huế, Phú Yên.
|
Ảnh: Trí Đức |
Thừa Thiên - Huế: Bình thản... với Chỉ thị của Thủ tướng!
Sáng 6/11, theo chân một người bạn có công việc phải “cậy nhờ” đến phòng công chứng, PV VietNamNet đã có mặt tại Phòng công chứng số 1 thuộc Sở Tư pháp TT-Huế.
7h30', người dân, doanh nghiệp đợi công chứng đã khá đông. Ngược lại, cán bộ của phòng Công chứng số 1 mới lác đác vài người. 15 phút sau, tiếng máy photocopy kêu lạch xạch, cán bộ công chứng ngồi vào bàn. Một ngày làm việc bắt đầu, muộn hơn giờ quy định 45 phút!
Vinh, người dẫn PV đi công chứng, muốn nhanh đã tranh thủ photocopy trước các hồ sơ. Anh nộp hồ sơ vào cửa số 2 (nơi tiếp nhận hồ sơ). Gần như ngay lập tức nhận câu trả lời: “Hồ sơ không bảo đảm, anh qua quầy bên cạnh photo lại”. Vinh gân cổ cãi : Photo chỗ nào chẳng được! miễn sao là đúng với bản chính là được rồi!
Câu cự cãi ấy rơi tõm vào im lặng!
Một bác hưu trí khuyên: “Chú qua mà photo lại đi, vừa chắc vừa nhanh”.
Vinh lủi thủi qua photo lại bộ hồ sơ của mình! Muốn nhanh cũng chẳng được. Có lẽ máy photo của phòng công chứng có độ sao chụp chính xác hơn chăng!
Bác Nghị, cán bộ hưu trí ở phường Thuận Thành, đi công chứng giấy nhà tâm sự: “Tui đến đây là lần thứ ba, thiếu hết giấy này giấy nọ, mà chẳng ai hướng dẫn tôi hết chú ơi". Lấy đâu cán bộ mà hướng dẫn. Có hỏi thêm gì chỉ nhận được cái hất đầu “ra đọc bảng hướng dẫn”. Cái bản hướng dẫn tưởng là dễ hiểu, nhưng lại quá khó hiểu đối với người dân không mấy am tường về pháp luật!
Một điều đáng ngạc nhiên, trong sáng 6/11, tất cả các cán bộ phòng Công chứng số 1, khi giao tiếp với dân, tịnh không có ai đeo bảng tên như Chỉ thị 32 của TT chính phủ yêu cầu. Tình trạng này là tình trạng chung của các phòng công chứng TP Huế. Khá hơn, ở trung tâm giao dịch một cửa của UBND TP Huế, sáng 6/11, chúng tôi đếm được có 2 trong 6 cán bộ tiếp dân đeo bảng tên. Quá nghiêm túc!
Một hiện tượng khá “vui” khi PV đọc được một công văn của Công ty xây lắp TT-Huế. Nội dung công ty này thông báo là: "Công ty là đơn vị trúng thầu thi công cơ sở hạ tầng khu dân cư tại đường Hai Bà Trưng (TP.Huế), nhưng chưa thể phân lô tái định cư cho nhân dân ở đây được vì thủ tục phê duyệt dự án chưa xong, mặc dù công ty đã thi công gần như hoàn thành các hạng mục công trình"!
Trong một lần trao đổi với VietNamNet, ông Ngô Hòa (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế) nói: "TT-Huế rất quyết tâm cải cách hành chính. HĐND đã ra nghị quyết, UBND tỉnh triển khai nghiêm, lãnh đạo các sở, ban ngành tiếp thu nghiêm, nhưng ở dưới thực thi như thế nào thì là cả một vấn đề"!
Ông cũng thừa nhận “Chuyên viên bây giờ to hơn thủ trưởng, hạch sách, nhũng nhiễu chính là ở đội ngũ này”.
Cũng trong một lần trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Lý (Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế) đã khẳng định: "Nếu ngành nào, địa phương nào để cán bộ nhũng nhiễu, hạch sách dân, doanh nghiệp thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm"!
Năm 2005, năm TT-Huế lấy làm năm CCHC, chưa thấy một vị nào phải nhận hình thức kỷ luật dù nhỏ nhất vì không làm đúng yêu cầu trên!
Sau 7 ngày thực hiện Chỉ thị 32 của Thủ tướng Chính phủ, các công sở hành chính ở TP Huế chưa có gì chuyển biến. Chắc có lẽ, như ông Hoàng Ngọc Vĩnh đã nói: “Đã thực hiện chỉ thị từ năm 2004”, nên bây giờ cứ bình chân như vại!
Phú Yên: Nhiệt tình... chờ đợi
Trong vai một người đi công chứng giấy tờ chúng tôi đến Sở tư pháp. Tôi khép nép đi thẳng vào phòng tiếp dân. Một nữ cán bộ không biết tên tuổi trông còn rất trẻ, không có bảng tên trên ngực, cũng không bảng tên trên bàn, nhìn tôi hỏi: “Có việc gì không chú”. “Cho tôi gặp trưởng phòng công chứng”. Tưởng tôi không biết phòng công chứng nên cô cán bộ này vừa nói vừa... hất hàm về phía đối diện với phòng tiếp dân!
Khi bước ra ngoài tiền sảnh, nơi công khai những giấy tờ hành chính, tôi thấy có dán đầy đủ các loại giấy tờ công văn, hướng dẫn các thủ tục hành chính.
Trong những lợi giấy tờ công văn hướng dẫn được gọi là công khai ấy tôi thấy ấn tượng nhất, dễ nhìn thấy nhất là phần niêm yết các cặp kết hôn giữa một bên là nước ngoài, một bên là Việt Nam để mọi người dễ khiếu nại. Còn nơi niêm yết các loại giấy tờ cần thiết liên quan đến nhiều người thì lại nằm ở một nơi khiêm tốn, hơi “thiếu sáng”.
Bước vào phòng công chứng số 1, tôi nhìn thấy có 5 ô kính để giao tiếp kiểu bán vé tàu giữa người đến công chứng với cán bộ công chứng, nhưng chỉ thấy có 3 cán bộ đang lúi húi đọc báo. Một cán bộ công chứng ngồi ở vị trí đầu tiên từ bên trái vào tôi đến sát bên nhưng vẫn không thấy chị ngước lên nhìn. Trước mặt vẫn không nhìn thấy có bảng tên, bảng hiệu gì.
Ảnh: Trí Đức |
Tôi đi thẳng vào bên trong, biết tôi quen ông Nguyễn Tâm Hào một cán bộ công chứng chào, tôi trình bày muốn gặp chị Lý trưởng phòng. Ông Hào vẫn với kiểu hướng dẫn của cô bé ở phòng tiếp dân, nhìn khắp phòng công chứng một lược rồi chỉ tôi lại hỏi chị ngồi phía cửa tôi mới vào.
Tôi đến bên chị và hỏi cho tôi gặp chị Lý. Khi đến gần tôi mới phát hiện ra là chị cũng có bảng tên để trên bục, nhưng phía đế bị gãy nên chị cho “ngã ngửa” dưới quầy nên nhìn từ phía đối diện không thấy. Chị tên là Hương. Khi tôi hỏi chị Lý thì chị Hương quay sang phía chị cán bộ bên cạnh hỏi chị Lý đi đâu, và chị bảo tôi ngồi chờ.
Tôi ngồi một lát thì thấy chị bên cạnh đi vào các phòng bên trong tìm chị Lý. Tôi chờ một lát nữa chừng 15 phút không thấy chị trưởng phòng xuất hiện liền đứng lên chào chị Hương: "Tí nữa tôi quay lại". Chị Hương liền bảo: "Thôi, chắc nhất là sáng mai chứ chiều nay chưa chắc gì gặp được"....!
Đến Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Phú Yên, theo hướng dẫn của anh bảo vệ, tôi đi thẳng vào phòng Đăng ký kinh doanh. Gặp chị cán bộ ngồi bàn đối diện cửa ra vào. Tôi hỏi sơ qua về thủ tục xin đăng ký thành lập doanh nghiệp. Rất nhiệt tình, chị cho biết việc thực hiện các thủ tục ở đây rất nhanh, theo đúng tinh thần cải cách hành chính. Ví dụ như giấy phép kinh doanh nếu đầy đủ thủ tục thì ở đây chỉ giải quyết 1 ngày là xong, chứ đúng theo qui định là 10 ngày.
"Điều này là quá tốt", tôi nghĩ bụng. Nhưng khi xuống đến cổng bảo vệ tôi mới biết tên chị là Thuỷ (Phó phòng). Lý do việc tôi "hiểu biết muộn" như vậy vì trên bàn làm việc của chị tôi không thấy có bảng hiệu, bảng tên...!!!
Chỉ thị số 30 của tỉnh Phú Yên có đoạn: "Các cơ quan đơn vị rà soát, bổ sung, hoàn thiện qui chế làm việc, các qui định về thực hiện qui trình tiếp nhận, giải quyết giao trả hồ sơ theo cơ chế “một cửa”; loại bỏ những văn bản thủ tục rườm rà, chồng chéo, phức tạp và những giấy tờ không cần thiết. Công khai minh bạch toàn bộ qui trình thủ tục, thời gian giải quyết công việc và các khoản thu phí, lệ phí để các tổ chức, và công dân đến liên hệ công tác biết, thực hiện nghĩa vụ. Tất cả cán bộ công chức viên chức làm việc tại cơ quan phải đeo thẻ công chức theo đúng qui định.....". |
Việc thực hiện Chỉ thị 32/2006/CT-TTg, ngày 7/9/2006 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cần làm ngay để để chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp đã được tỉnh Phú Yên triển khai nhanh chóng.
UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 30/2006/CT-UBND “V/v tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong giải quyết công việc cho các tổ chức và công dân”.
Tuy nhiên như chúng tôi đã phản ảnh thì cho đến giờ này tại Phú Yên vẫn còn nhiều và rất nhiều cơ quan đơn vị chưa thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Gần đây nhất, ngày 31/10, chúng tôi đến công tác tại huyện Sông Hinh. Huyện này vừa lập lại trật tự kỷ cương trong lề lối làm việc bằng một chỉ thị rất “căng” về qui định giờ giấc làm việc. Mỗi ngày đúng 8 tiếng. Trong giờ hành chính có một bộ phận theo dõi ghi tên cán bộ nào ngồi la cà quán xá là ghi tên, cuối năm họp xét thi đua sẽ công khai đưa ra...
Vì công việc, chúng tôi có mặt tại UBND huyện Sông Hinh hơi muộn (khoảng 14h30' ngày 31/10/1006). Tại Ban dân tộc, Phó Ban tên Y Tin cho biết anh Trưởng phòng đang đi tiếp khách, "tôi không thể cung cấp số liệu cho các anh được"!. Đến Ban quản lý các công trình trọng điểm huyện cũng tương tự.
Tôi đi dọc tầng 2 của trụ sở UBND huyện: phòng Chủ tịch và các Phó Chủ tịch đều vắng tanh, cửa đóng then cài.
Xuống Chánh văn phòng: Cũng chẳng khác.
May sao có một anh đồng nghiệp làm ở đài Truyền thanh huyện mách rằng có anh quyền trưởng phòng Tổ chức Lao động vừa về phòng. Chúng tôi tranh thủ làm việc. Qua trao đổi với anh chúng tôi mới vỡ lẽ là cả “dàn UBND huyện” và các trưởng đầu ngành đang đi tiếp khách. "Số là sáng nay có đoàn cán bộ tỉnh về duyệt kế hoạch ngân sách 2007"!
Khi tôi điện thoại cho một Trưởng phòng (đã hẹn trước) thì được xác nhận là “Tui đang ở quán Cây Xoài (quán thịt rừng), Chủ tịch, Bí thư đang có mặt ở đây cả, anh chạy lên đây chơi luôn...”. Nhìn đồng hồ trên tay đã là 4 giờ 30 phút.
Đường còn xa, 60 km mới về đến TP Tuy Hoà bằng xe máy, một đồng nghiệp của tôi lắc đầu ngao ngán: hôm nay mình không may, thôi về...
Thế là vỡ mộng về một chủ trương của huyện trong “lộ trình” cải cách hành chính ở một địa phương...
-
Quỳnh Thi - Trình Đăng Duy
Ý kiến của bạn: