221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
867326
Chuyện ghi quanh những chuyên cơ đến VN dịp APEC
1
Article
null
Chuyện ghi quanh những chuyên cơ đến VN dịp APEC
,

(VietNamNet) - Sân bay Nội Bài là ''cửa ngõ'' khi các lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC tham dự APEC14 đặt chân đến Việt Nam. Khi sân bay không còn bóng dáng những chiếc chuyên cơ đồ sộ, hoành tráng, cẩn mật, những chuyện ''kín'' được hé lộ...

Chắc chắn một điều, chuyện ''kín'' ở sân bay Nội Bài những ngày phục vụ APEC toàn những chuyện liên quan đến an toàn hàng không, an ninh tàu bay.... sẽ chỉ được hé lộ khi các đại biểu đã trở về nước. Trong chừng mực giới hạn cho phép, VietNamNet chuyển đến bạn đọc những thông tin đã được cơ quan an ninh hàng không đồng ý cung cấp.

''Cửa ngõ'' đón khách VIP

Nhiều chuyên cơ đến Nội Bài trong dịp APEC

Ông Vũ Đức Huân, GĐ Trung tâm an ninh Hàng không (Cụm cảng Hàng không miền Bắc) cho biết, trước khi Hội nghị APEC 14 diễn ra, một trong những khâu quan trọng mà Ban tổ chức quan tâm là nơi đặt chân đầu tiên của các lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, các vị khách quốc tế và nơi ''chăm sóc'' những chuyên cơ đặc biệt, lạ lẫm.

So với quốc tế và với vóc dáng của các chuyên cơ, các máy bay VIP, sân bay Nội Bài quả là nhỏ bé khi có một lượng máy bay lớn cùng dồn về trong một thời gian. Nhiều phương án đã được đặt ra, trong đó có cả kế hoạch sử dụng sân bay Cát Bi (Hải Phòng) và sân bay Vinh (Nghệ An). Nhưng cuối cùng, sân bay Nội Bài đã chứa được hết, phương án dự phòng được loại bỏ.  

Chưa bao giờ sân bay Nội Bài lại đón nhiều khách, mà toàn khách VIP đến thế. Trước đó, hoạt động của mặt bằng nhà ga chỉ để phục vụ cho việc khai thác sân bãi bình thường. Lần này, ít nhất phải chuẩn bị bãi đỗ cho 800 xe ô tô phục vụ APEC cùng hàng chục máy bay, chuyên cơ và lượng khách là 10.000 người. Điều này là sự quá tải với sân bay, nhất là sân bay lại đang trong tình trạng vừa khai thác, vừa xây dựng, chỉnh trang. 

Trong đợt diễn ra Hội nghị APEC đã có 136 chuyến bay liên quan đến APEC đi và đến tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Trong đó, có 42 lượt chuyến bay chuyên cơ của lãnh đạo, nguyên thủ các nước thuộc nền kinh tế APEC, 86 lượt chuyến bay của các đoàn tuỳ tùng, vận chuyển thiết bị... của các đoàn tham dự APEC.

Do các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC và Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế lớn đến Hà Nội tham dự APEC có sử dụng chuyên cơ nên việc bố trí chỗ đỗ cũng là một vấn đề nan giải. Cụm cảng Hàng không miền Bắc đã làm việc với Sư đoàn Không quân 371 và Trung đoàn Không quân 921 để thống nhất vị trí đỗ tàu bay và phối hợp đảm bảo an ninh, an toàn. 50 vị trí đỗ tàu bay đã được định vị, trong đó có những vị trí đỗ cho những máy bay lớn như chuyên cơ, máy bay B767, B747 và tương đương (C1, C2, C4, C6, C9).   

Ngoài ra, một hố xử lý bom mìn cũng đã được chuẩn bị. Khi phát hiện chính xác có chất nổ và vật liệu nổ, nhân viên an ninh sẽ cho vào đó để giảm sức công phá, giảm thiệt hại. Hố này đã được tham khảo kỹ lưỡng từ các chuyên gia xử lý bom mìn của Bộ Quốc phòng.

Các đơn vị A42 chuyên chống khủng bố của Tổng cục An ninh, Trung đoàn CS Đặc nhiệm Bộ Công an (C22), Bộ đội phòng hoá, Bộ Tư lệnh công binh, Quân chủng phòng không - không quân...  Tất cả cùng vào cuộc ngay từ trước khi các vị khách VIP của APEC14 đặt chân đến Hà Nội.

Công tác kiểm tra an ninh được thắt chặt

Trước đó, nhiều cuộc họp về vấn đề an ninh tại sân bay được đưa ra bàn bạc, thống nhất phối hợp. Nhiều tình huống diễn tập đặt ra: Tình huống khẩn nguy với thông tin đe doạ đặt bom đối với tàu bay đang khai thác tại cảng, tình huống đe doạ có bom đối với tàu bay đang bay xin hạ cánh khẩn cấp, tình huống bắt cóc con tin, bắt cóc khách VIP... Dù chỉ làm nhiệm vụ ở mức độ phối hợp nhưng các cuộc diễn tập của an ninh hàng không đều được đánh giá rất thành công.

Tình huống tàu bay bị đe doạ đặt bom: Đã có các phương án khẩn nguy tại Sở chỉ huy. Sở chỉ huy được trang bị đầy đủ bản đồ, sa bàn, địa hình, máy móc, điện thoại... Khi có tình huống khẩn nguy, những người nào có trong danh sách Ban khẩn nguy sẽ tự động ''lắp đặt'' mình vào vị trí đã sắp xếp. Ai được giao việc gì sẽ tự làm việc ấy. Máy bay bị đe doạ đặt bom, sẽ có bộ phận đưa hành khách trở lại nhà ga để kiểm tra lại hành khách, hành lý.

Bộ phận khác sẽ đưa máy bay ra một sân đỗ biệt lập cách xa nhà ga. Lực lượng an ninh hàng không sẽ tiếp cận tàu bay để lục soát. Khi lục soát phát hiện thấy bom, mìn hay chất nổ thì an ninh hàng không sẽ xử lý ban đầu. Trách nhiệm xử lý đến cùng và an toàn tuyệt đối là do lực lượng công binh (Bộ Quốc phòng) đảm trách.

Bảo vệ chuyên cơ như bảo vệ... yếu nhân!

Nhiều thiết bị hiện đại được trang bị

Đối với thời điểm nhiều đoàn khách quốc tế quan trọng đến Việt Nam trùng nhau, vị trí đỗ máy bay, điều hành tàu bay nhịp nhàng, an toàn được chú trọng. Lượng máy bay đến Nội Bài tăng đột biến. Nhiều phương án điều hành cụ thể được đưa ra để vừa bảo đảm an ninh máy bay dự APEC lại vừa khai thác bình thường các chuyến bay thương mại. Không dễ đối với Nội Bài.

Đây là lần đầu tiên Nội Bài đón nhiều chuyên cơ của các lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC. Có 3 đoàn khách lớn được quan tâm nhất về vấn đề an ninh. Đó là chuyên cơ của Tổng thống Mỹ G.Bush, chuyên cơ của Tổng thống Nga Putin và của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Như đã thành thông lệ, đoàn Mỹ bao giờ cũng có những quy định hết sức nghiêm ngặt về an ninh cho Tổng thống và chuyên cơ phục vụ Tổng thống. Trước đó hàng tháng trời, nhiều đoàn tiền trạm của an ninh Mỹ đã đến Nội Bài nghiên cứu tất cả các tình hình. Mỗi đoàn đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau với mục tiêu an toàn là trên hết.

Theo thông tin từ Trung tâm an ninh hàng không, đoàn Mỹ có 8 máy bay, trong đó có chuyên cơ Air Force One chở Tổng thống Bush, 1 máy bay Boing 747, 1 máy bay dự bị cho Tổng thống cũng là Boing 747, 1 máy bay Boing 757 chở ngoại trưởng Condoleezza Rice. Ngoài ra, còn có các loại khác như C17, C130 và các loại máy bay lớn chở thiết bị và xe ôtô sang Việt Nam phục vụ tổng thống và công tác an ninh, liên lạc. Đặc biệt, có 2 máy bay trực thăng được Việt Nam cho phép mang sang để sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết, tuy nhiên khi sử dụng phải có sự giám sát của Quân chủng phòng không - không quân. 

Soạn: HA 963617 gửi đến 996 để nhận ảnh này
Các chuyên cơ được bảo vệ nghiêm ngặt.
Việc bảo vệ chuyên cơ Air Force One được an ninh Mỹ làm hết sức nghiêm ngặt như việc bảo vệ tổng thống. Hầu hết với chuyên cơ Air Force One và máy bay của đoàn Mỹ, nhân viên an ninh của họ tiếp cận và bảo vệ vòng trong 24/24h. An ninh hàng không Việt Nam chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài.

Chuyên cơ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng được bảo vệ nghiêm ngặt bằng hàng rào mềm xung quanh do lực lượng an ninh của nước đó canh gác. Mục đích cao nhất được đặt ra là chống xâm nhập chuyên cơ.

Căng thẳng do người và do trời

Trong quá trình làm nhiệm vụ, rất nhiều tình huống căng thẳng tại sân bay đã xuất hiện. Đó lại là câu chuyện an ninh của người Mỹ. Đoàn của Tổng thống Mỹ đến Nội Bài đông nhất, được quan tâm nhất nên số lượng phóng viên báo chí trong và ngoài nước lên đến hàng trăm người. Anh em an ninh hàng không bảo nhau, đây là thời điểm dễ gây mất trật tự nhất vì đôi khi các phóng viên quá say nghề mà... quên béng nguyên tắc an ninh. Tuy nhiên, điều này đã được hoá giải khi phóng viên chỉ được tác nghiệp ở một khu vực riêng và cách xa chuyên cơ Tổng thống Bush hơn trăm mét.

Nhân viên an ninh hàng không làm nhiệm vụ tại sân bay

Khi đến Nội Bài, các lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC khác đều đi từ máy bay xuống theo thảm đỏ đã trải sẵn để vào nhà khách VIP A. Riêng Tổng thống Bush không đi theo thảm đỏ này mà có tới hai chiếc Cadillac Once ba khoang sang trọng đỗ sát tận chân cầu thang máy bay đón. Nhiều đoàn khác rất tin tưởng vào công tác đảm bảo an ninh của lực lượng an ninh Việt Nam. Nhưng riêng an ninh Mỹ thì không có bất cứ sự chủ quan nào. An ninh Mỹ cho chó nghiệp vụ ngửi chất nổ cả cái... chèn bánh máy bay.

Thêm nữa, khi các lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC khác chuẩn bị rời sân bay, các chuyên cơ đều được di chuyển ra điểm đỗ trước 1-2 tiếng đồng hồ. Riêng chiếc ''không lực 1'' của Tổng thống Mỹ chỉ được kéo ra trước 5-10 phút cũng chỉ vì vấn đề an ninh. Được biết, chuyên cơ Tổng thống Bush cả khi đón và tiễn đều đỗ ở vị trí danh dự số 19, trước cửa nhà khách VIP A, một vị trí ''sang'' nhất sân bay Nội Bài. 

Sự căng thẳng trong lúc đón chuyến bay của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào lại khác. Đó do số lượng công dân Trung Quốc đang học tập, làm việc và đi du lịch tại Hà Nội ra tận sân bay đón ông Hồ Cẩm Đào quá đông nên lực lượng an ninh làm việc cũng tương đối vất vả. Khi chiếc chuyên cơ Air China B2477 hạ cánh xuống Nội Bài, sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào và phu nhân bước xuống sân bay trong tiếng vỗ tay chào đón nồng nhiệt và lên xe di chuyển về trung tâm Hà Nội thì sự căng thẳng mới hết. 

Tổng thống Bush có xe đón tại cầu thang máy bay

Ngày 19/11, lúc chuẩn bị tiễn Tổng thống Bush lên máy bay vào TP.HCM cũng có sự căng thẳng xảy ra. Nhưng sự căng thẳng đến từ... ông trời! Tiết trời Nội Bài từ 14h chiều bắt đầu có gió mạnh, tối sầm sập và báo hiệu mưa giông to. Nhiều phương án đã được đặt ra để đối phó với tình hình thời tiết xấu bất thường.

Chuyến bay tiễn Chủ tịch Hồ Cẩm Đào rời Hà Nội vào lúc 15h25 ngày 19/11 vẫn chưa gặp mưa. Đến 17h10 phút chuyên cơ Air Force One của Tổng thống G.Bush vừa rời khỏi Nội Bài được ít phút thì trời bắt đầu mưa.

Đến 18h, trời nổi giông lớn và mưa to. Vận tốc gió lúc này là 20m/s, trong khi đó vận tốc gió để đảm bảo an toàn bay là 5m/s. Rất căng thẳng và lo lắng. Đoàn Mỹ và đoàn Trung Quốc đã rời khỏi Nội Bài nhưng vẫn còn nhiều đoàn khác. Gió lốc làm bay nhiều biểu ngữ, băng rôn trong khu vực sân bay. Nước ào xuống xối xả. Trên bầu trời Nội Bài, 8 máy bay lượn mấy vòng xin hạ cánh không được. Dưới sân bay, 5 máy bay của các đoàn khách VIP khác vừa dự APEC trở về xin bay cũng không được, mà chuyên cơ nào cũng xin cất cánh trước.

Cơn giông kèm mưa kéo dài khoảng 2 tiếng đồng hồ rồi tạnh hẳn. Khi thời tiết đã thuận lợi, an ninh hàng không lại phải phối hợp với các bộ phận khác để bố trí cho 8 máy bay trên trời được phép hạ cánh an toàn và 5 máy bay dưới đất được phép cất cánh an toàn.

Đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào tại sân bay NB

Những ngày đón và tiễn các lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và các đoàn khách VIP khiến các đơn vị làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh phải làm việc hết công suất. Tuy nhiên, đã không có lấy một sơ suất dù nhỏ xảy ra. Công tác soi chiếu kiểm tra an ninh cũng không có tình huống nào đáng ngờ. Tất cả các đồ vật mang vào đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Từng bó hoa, các đồ uống, trái cây mang vào phục vụ trong khu vực nhà khách A, dụng cụ của phóng viên, nhân viên... Hôm tiễn các đoàn đi, trời mưa như trút, anh em an ninh hàng không vẫn đứng làm việc dưới mưa với mục đích hoàn thành tốt nhất công việc được giao.

Theo cảm nhận của GĐ Trung tâm An ninh hàng không Vũ Đức Huân, đợt phục vụ APEC này đòi hỏi về công tác an ninh cao hơn so với đợt Tổng thống Mỹ Bill Clinton đến Việt Nam lần trước. Lần ông Bill Clinton sang Việt Nam chỉ có một mình, lần này ngoài Tổng thống Bush còn có rất nhiều lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC khác nữa.

Nhiều nhân viên ở sân bay Nội Bài vẫn nói với nhau về một niềm tự hào: Họ là một trong những người có vinh dự đón và tiễn các lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC nổi tiếng thế giới tại ''cửa ngõ Việt Nam'', góp phần nhỏ cho một APEC an toàn và thân thiện.

  • Bài:  Thế Lê Vinh
    Ảnh: Lê Anh Dũng

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,