(VietNamNet) - Ông Joel Bennett, giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Santa Rosa Junior (California) lặn lội từ Mỹ sang. Chồng hoạ sĩ Nguyễn Thu Thuỷ phải bán cả "niềm đam mê" xe cổ cho vợ... "chơi gốm".
Tới làng gốm Bát Tràng những ngày này, hỏi đến trại sáng tác tranh gốm cho đường đê sông Hồng, người dân chỉ ngay tới cơ sở gốm sứ Sơn Hà, Bát Tràng.
Các nghệ sĩ Việt - Tây trao đổi trước khi bắt tay hoàn thiện "con đường gốm sứ"
Đây là nơi mà tác giả dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng nhà báo - họa sĩ Nguyễn Thu Thủy đang cùng các cộng sự (nhà điêu khắc Đỗ Quốc Vị, giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật ĐH Công nghiệp Hà Nội và các hoạ sỹ thuộc CLB Họa sỹ trẻ Hà Nội như Vũ Hồng Nguyên, Trần Đình Khương, Ngô Bá Hoàng, Nguyễn Doãn Sơn, Nguyễn Văn Chuyên... ) say sưa tham gia trại sáng tác đợt đầu để cho ra lò những bức tranh gốm đầu tiên dành riêng cho dự án ý nghĩa - quà tặng Hà Nội nhân 1000 năm tuổi.
Ông Tây lặn lội từ Mỹ sang VN làm "đường gốm sứ"
Trong số những người dành thời gian và tâm sức đến làm việc tại Bát Tràng ngay từ những ngày đầu, có một ’’ông Tây’’ mà chân tay và quần áo hầu như lúc nào cũng bê bết đất sét không kém các nghệ sỹ Việt Nam. ’’Ông Tây’’ đã tới Bát Tràng từ những ngày đầu tháng 5 để cùng với những người đồng nghiệp Việt Nam sáng tác và chuẩn bị cho đoạn đường gốm sứ mẫu đầu tiên sắp được thực hiện.
Joel Bennett say mê với chất liệu đất sét Bát Tràng
’’Ông Tây’’ là nghệ sĩ gốm nổi tiếng đến từ Hoa Kỳ Joel Bennett, giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Santa Rosa Junior (California).
Khi nhận được dự án, ông không hình dung ra nó sẽ như thế nào, sang Việt Nam ’’tận mục sở thị’’, ông đi trên con đường ven đê: một bên là dòng sông Hồng uốn lượn, một bên là thành phố Hà Nội yên bình, bằng con mắt của một nghệ sĩ gốm đầy kinh nghiệm, ông hình dung ra những bức tranh tường gốm sáng rực con đường ven sông ôm lấy thành phố đầy màu xanh hòa bình.
Vốn đã mê chất liệu gốm truyền thống nơi đây với kỹ thuật đắp nổi phù điêu truyền thống từ thế kỷ 17 của Bát Tràng, ông tới làng gốm, ngắm nhìn các sản phẩm gốm phủ men rạn với màu xanh côban đẹp đến nao lòng. Ông khen kỹ thuật gốm Bát Tràng rất tốt, to mà không bị cong vênh. Nay được trực tiếp sáng tác tham gia ’’làm’’ con đường gốm, ông mê mải làm việc chẳng muốn dời. Nhiều lần, ông nhắn tin từ Bát Tràng về Hà Nội cho vợ chồng chị Thủy mang giúp quần áo và đồ cá nhân sang để ông thay và tiếp tục làm việc.
Không mang theo quần áo dự phòng, nhưng kè kè trên người ông lúc nào cũng có một túi đựng đất sét của 12 nước khác nhau trên thế giới - báu vật riêng của một người say mê và gắn bó cuộc đời với nghệ thuật gốm.
Ông Joel Bennett đã từng tham gia nhiều triển lãm gốm sứ "Gặp gỡ mùa hè’’ tại Việt Nam. Năm 2005, ông cùng một nhà điêu khắc Cuba và nhà điêu khắc Việt Nam Đỗ Quốc Vị tham gia trại điêu khắc đá ở Việt Trì và tổ chức cuộc triển lãm đá ở Bát Tràng. Ông cho biết, từ rất lâu, ông đã yêu Việt Nam và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1949, ông Joel Bennett đã từng bị bắt nhốt 2 ngày khi xuống đường biểu tình chống chiến tranh Việt Nam ở Mỹ.
Lần đầu tiên đến Việt Nam (1992), ông Joel Bennett đã đến viếng lăng Hồ Chí Minh, vị Chủ tịch mà ông kính trọng. Ngay cả việc tổ chức triển lãm công bố dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng vào đúng ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5 tới) tại Bảo tàng Dân tộc học cũng là ý tưởng của ’’ông Tây’’ yêu nước Việt này.
Tham gia thực hiện món quà tặng Hà Nội 1000 năm tuổi này, ông Joel Bennett sẽ sáng tác bức tranh gốm đầu tiên dài 2m. Ông cũng đóng góp ý tưởng đẩy dự án lên tầm quốc tế với việc mời các nghệ sỹ nước ngoài tham gia dự án mà các nghệ sỹ không cần phải sang tận Việt Nam thực hiện. Ông phân tích, thông qua mạng Internet, ông sẽ kêu gọi các đồng nghiệp ở nhiều nước khác nhau, mỗi người sẽ gửi 1-2 bức tranh gốm thành phẩm của mình (theo kích thước chuẩn-NV) tới Việt Nam tham gia vào con đường gốm sứ. Mỗi tác phẩm sẽ ghi tên tuổi tác giả, tên quốc gia và chất liệu gốm nước họ...
Cách hưởng ứng của ’’ông Tây’’ yêu nước Việt này hy vọng sẽ góp cho mảng tranh gốm quốc tế trên con đường gốm sứ ven sông Hồng nhiều tác phẩm đặc sắc, sinh động với nhiều chất liệu gốm đa dạng, phong phú của nhiều quốc gia trên thế giới.
Joel Bennett cho biết, trong 3 năm thực hiện dự án, ông sẽ sang nhiều lần để trực tiếp sáng tác cùng các bạn Việt Nam. Ngoài ra, những lúc ở nước nhà, ông vẫn tiếp tục sáng tác tranh gốm để gửi sang Việt Nam tham gia dự án theo đường biển.
Tất bật trên "con đường gốm sứ"
Mỗi tuần, chị Thủy phải chạy đi chạy lại sang Bát Tràng 3-4 lần trực tiếp đặt và tham gia làm gốm, vẽ, khắc trên gốm, tạo hình, tráng men. Cuối tuần làm báo. Thời gian còn lại tự lái xe chở gốm mẫu về nhà, bày ra, sáng tác và xếp phác thảo. Nhiều khi mệt mỏi, cảm thấy công việc quá sức nhưng nghĩ đến ý tưởng sắp thành hiện thực, chị lại tiếp tục vững bước trên ’’con đường’’ của mình.
Chị Thuỷ phác hoạ những bức tranh gốm đầu tiên
Giữa lúc tác giả dự án Con đường gốm sứ sông Hồng tất bật chạy như con thoi giữa Hà Nội và Bát Tràng thì có một người cũng bận ’’tối mắt tối mũi’’ không kém, thậm chí còn ’’nặng gánh’’ những chuyện ’’hậu’’ dự án hơn cả tác giả - đó là ’’ông xã’’ của chị, anh Nguyễn Huy Cường.
Cũng là nhà báo, nhưng từ khi bà xã bắt tay vào sống cùng, ăn cùng, ngủ cùng với con đường gốm sứ, anh Cường ’’sợ’’ mình bị bỏ rơi, nên tình nguyện chia tay nghề báo để sát cánh ’’phò’’ vợ thực hiện lượng việc ’’khổng lồ’’ mà trước đó hai vợ chồng không hình dung hết nổi.
Thời gian này, chồng chị, anh Cường, kiêm luôn nghề xe ôm cho bà xã vì chị Thủy đang đau mắt do suốt ngày gắn với bụi đường và bụi gốm. Mấy hôm chị Thủy đau quá nghỉ làm việc tại nhà thì điện thoại không ngừng réo, anh Cường (cả mẹ chồng và con trai - PV) bất đắc dĩ phải ’’phụ trách’’ chiếc điện thoại bàn trong khi bà xã anh bận ’’ôm’’ điện thoại di động!
Chị Thủy đang cùng chồng phác thảo bức tranh gốm đầu tiên sẽ gắn trên đoạn đường... đầu tiên. Bức tranh thử nghiệm trải rộng giữa nhà, tái hiện thời kỳ Đông Sơn theo dòng lịch sử và theo chủ đề với đoạn đầu là thuyền lễ hội Đông Sơn, các họa tiết cá, chim và con người phục trang lộng lẫy bằng mũ lông chim, chèo thuyền, đánh trống. Nhiều bức tranh khác với họa tiết hoa văn lạ, mang tính ước lệ, trừu tượng thể hiện đời sống tinh thần rất phong phú của cư dân Lạc Việt thời các Vua Hùng (thế kỷ 3-2 TCN) như cảnh dàn nhạc, cảnh giã gạo, múa, các ngôi nhà, lễ hội...
Ngôi nhà của nữ tác giả thành một ’’kho tàng’’ gốm thu nhỏ với các mẫu gốm gắn tường chất kín phòng khách. Phòng khách nhà chị Thủy thật ấn tượng với bộ bàn ghế được trang trí bằng chính những bức tranh gốm sẽ được thể hiện suốt dọc đường đê sông Hồng. ’’Mình ăn ở đi lại chỉ toàn gắn với gốm là gốm thôi, may mà chồng không... ghen, gia đình không ai... ghét!’’- nữ tác giả cười hạnh phúc.
Bắt tay vào làm ’’đường gốm’’, hầu như chị Thủy không còn thời gian làm việc nội trợ, tất cả đều do mẹ chồng thương giúp. Cậu con trai cưng cũng lớn đủ để cháu tự làm những việc cá nhân ’’đỡ’’ mẹ. Bố Mẹ đẻ thỉnh thoảng cho tiền ’’tiêu vặt’’. Các đồng nghiệp tạo điều kiện về thời gian trong công việc. Còn chồng chị, anh lúc nào cũng sát cánh bên vợ.
Ngay từ khi dự án còn là ý tưởng cho đến thời điểm hiện tại sắp được thực hiện, anh Cường luôn trong tình trạng ’’rốt ráo’’ lo phần hậu cần cho vợ. ’’Thủy về nghệ thuật thì rất là giỏi nhưng về tài chính thì rất dở. Hôm bảo vệ dự án (cuối tháng 4/2007), lãnh đạo TP Hà Nội hỏi ai cũng là nghệ sĩ, họa sĩ thì lấy vốn đâu ra mà làm thì Thủy phản biện không ’’hoành tráng’’ bằng phần nghệ thuật và các công đoạn để thực hiện!’’- anh Cường kể.
Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội ra đời cũng chính là hậu phương vững chắc để anh Cường giúp vợ yên tâm triển khai dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng.
Bán "đam mê" cho vợ... "chơi gốm"!
Hiện anh Cường và gia đình đang ’’ngậm ngùi’’ chuẩn bị chia tay chiếc xe ô tô cổ hiệu Peugeot 203 đời 1949. Chiếc xe sẽ được mang ra bán đấu giá tại cuộc triển lãm ra mắt dự án Con đường gốm sứ ven sông Hồng vào ngày 19/5 tới tại Bảo tàng Dân tộc học. Hai vợ chồng tác giả mong muốn sẽ quyên thêm một khoản tiền thực hiện dự án.
Anh Cường còn có ý định, sau này, nếu cần, anh sẽ tiếp tục bán 2 chiếc xe cổ hiệu Meccedes nữa của gia đình để vợ và các cộng sự yên tâm lo phần sáng tác món quà đầy ý nghĩa dành cho Hà Nội 1000 năm tuổi
Là người mê xe cổ, anh Cường đã từng mua một chiếc xe Peugeot 203 cùng đời với chiếc này để ’’hai chiếc dồn một’’ tạo nên một chiếc Peugeot 203 đời 1949 gần như nguyên bản.
Đây là chiếc xe đã gắn bó với gia đình anh Cường chị Thủy hơn 10 năm nay và đã có ’’thành tích’’ tham gia 3 bộ phim: Đàn chim trong cơn bão, Đêm hội làng năm ấy và mới đây là bộ phim Người Mỹ trầm lặng. Chính vì thế nên vợ chồng anh hy vọng chiếc xe sẽ mang lại phần vốn ’’đáng kể’’ trong tổng số 18 tỷ đồng kinh phí xã hội hóa cần có để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên anh Cường bán xe ’’phò’’ vợ (như lời anh nói - PV), ngay những ngày đầu triển khai dự án, anh Cường đã bán một chiếc Citroen Trac-tion Avant 1937 để triển khai dự án. Tuy nhiên, việc bán chiếc xe đầu tiên để ’’kiếm’’ kinh phí khởi động dự án được một số bạn bè ví như ’’áo gấm đi đêm’’. Chính vì thế, chiếc xe thứ hai rời khỏi khổ chủ được tư vấn đem ra đấu giá với mức khởi điểm là 10.000 USD.
’’Nói là dự án xã hội hóa, là tài trợ nhưng trong khi chờ nguồn kinh phí này thì không ai tính đến cho mình rất nhiều những khoản chi phí trước mắt như: in giấy mời, dựng xưởng gắn gốm, thử nghiệm gắn mẫu, đem tranh ra hiện trường gắn sao cho không sứt sát, sao cho thi công không ảnh hưởng đến giao thông, sao cho đủ điện nước để thực hiện...’’ Anh Cường cho biết.
Thậm chí, ông chồng đầy nhiệt huyết còn ’’gánh’’ luôn cho bà xã cả chuyện ăn, ở, đi lại cho một số cộng sự nước ngoài mà vợ nhờ tới Việt Nam giúp đỡ thực hiện dự án đầy ý nghĩa này.
Anh Cường còn có ý định, sau này, nếu cần, anh sẽ tiếp tục bán 2 chiếc xe cổ hiệu Meccedes nữa của gia đình để vợ và các cộng sự yên tâm lo phần sáng tác món quà đầy ý nghĩa dành cho Hà Nội 1000 năm tuổi.
Nói về việc ’’dứt’’ từng chiếc xe cổ yêu thích, anh Cường không khỏi tiếc nuối, nhưng nghĩ đến sự tâm huyết của vợ và của các nghệ sỹ, nghĩ đến con đường gắn gốm sứ đẹp và đầy ý nghĩa trong tương lai, anh lại có thêm động lực để ’’hy sinh’’ thú vui bản thân.
Anh nói: ’’Xưa kia cha ông ta đắp đất thành đê chắn sóng dữ, sau này đê đất được kiên cố bằng bê tông, bây giờ đem gốm ’’đắp’’ lên đê khiến cho hình ảnh con đê thô sơ không chỉ vững chắc mà đẹp hơn rất nhiều. Khi giúp vợ làm dự án, tôi mới vỡ ra rằng, mình đang góp phần nhỏ bé vào một việc mang ý nghĩa rất lớn’’.
-
Kiều Minh
Ý kiến của bạn?