Trịnh Kim Sinh là người “dắt mối” quan trọng cho việc phối hợp làm ăn giữa Trịnh Hiểu Du với các công ty dược tỉnh Triết Giang. Tháng 2/2007, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã chỉ đạo làm án chéo, giao Cục Chống tham nhũng của Viện Kiểm sát Thẩm Quyến tiến hành bắt điều tra hình sự Trịnh Kim Sinh. Đây là hiện tượng hiếm có vì cả hai cục trưởng cục quản lý dược cấp tỉnh nối nhau vào nhà đá.
>> Kẻ coi thường sinh mạng 1,3 tỉ con người
Những năm ấy các công ty dược của tỉnh Triết Giang phải thường xuyên đến Cục Quản lý Thực phẩm - Dược phẩm quốc gia “tiến cống” đều đặn cho Trịnh Hiểu Du. Ngay trong năm đầu tiên cục được thành lập, số hồ sơ phê chuẩn cho sản xuất tân dược của tỉnh Triết Giang chiếm đến 1/5 tổng số hồ sơ quốc gia.
Chính điều này đã khiến cơ quan điều tra chú ý đến Trịnh Hiểu Du, nhưng vì chứng cứ không đủ và nhiều lý do khác mà không làm án được. Tuy nhiên, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật trung ương đã “quan tâm” đến cục trưởng Trịnh từ lúc ấy.
Chống hủ bại, tung hỏa mù
Điều khiến người ta nực cười là khi ông bạn chí thân Chu Hàng bị cơ quan chức năng bắt điều tra, Trịnh Hiểu Du đã lập tức thực hiện những hoạt động “chống hủ bại, xướng liêm khiết” khá rầm rộ mà về sau bị dân chúng cho là kiểu “cả vú lấp miệng em”.
"Một đi không trở lại" vì lấy quyền lực mưu việc riêng
Ngày 23/10/2001, tức hơn 10 ngày sau khi Chu Hàng bị bắt, Trịnh Hiểu Du cho tổ chức hội thảo “Nghiên cứu công tác tư tưởng chính trị trong hệ thống kiểm tra giám sát dược phẩm toàn quốc”.
Trịnh phát biểu: “Cơ quan tổ chức của chúng ta là nơi mà mọi người dân trông cậy vào, có rất nhiều đồng chí vào đây làm việc vì lòng đam mê và mong muốn cống hiến, nhưng khách quan mà nói có không ít người vì muốn có quyền lực, tài lộc mà vào. Nếu phát hiện những kẻ sâu mọt ấy, phải kiên quyết loại bỏ vì chúng phá hoại đội ngũ chúng ta...”.
Có lần, Trịnh Hiểu Du đắc ý dùng thư pháp để tỉ dụ về phương châm xử thế của mình: “Học thư pháp đầu tiên phải nắm bắt được các phép tàng phong, tụ phong, vận bút như thế nào. Muốn sang trái thì chuyển sang phải trước, muốn sang phải thì chuyển sang trái trước, muốn lên trên thì xuống dưới trước, muốn xuống dưới thì lên trên trước. Nắm được quy luật này sẽ không xảy ra vấn đề lớn”.
Nhưng rồi “vấn đề lớn” đã xảy ra với Trịnh Hiểu Du khi liên tục những vụ ngộ độc thuốc do thuốc giả, thuốc kém chất lượng xảy ra trên diện rộng, làm chết hàng chục người.
Điển hình là vụ thuốc tiêm Amillarisin A có phụ liệu propylene glycol giả, do Công ty Dược phẩm số 2 Tề Tề Cáp Nhĩ sản xuất, khiến bệnh nhân sử dụng bị suy thận đặc biệt nghiêm trọng, làm 9 người chết...
Rồi đến vụ Tập đoàn Dược Khang Thần Hồ Nam làm giả thuốc Terazosin Hydrochloride của Mỹ để điều trị tăng sinh tuyến tiền liệt, dù sự việc đã được cán bộ phụ trách bào chế là Cao Thuần trực tiếp đến gặp cục trưởng Trịnh Hiểu Du hơn chục lần nhưng không được giải quyết...
Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thuốc giả chiếm từ 10% đến 15%, trong đó 2/3 là từ Trung Quốc. Ngày 19/5/2006, Thủ tướng Ôn Gia Bảo ban chỉ thị: Điều tra thuốc giả trên phạm vi toàn Trung Quốc, nếu phát hiện thì tịch thu và xử lý ngay, đồng thời công bố cho toàn dân biết; Bộ Y tế, Tổng cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm lập tổ công tác phối hợp chính quyền Hắc Long Giang điều tra vụ việc trên đến cùng, truy cứu trách nhiệm trực tiếp và trách nhiệm quản lý; thị trường dược phẩm quá hỗn loạn, phải quyết tâm chỉnh đốn lại ngay.
Năm 2005, Cục Quản lý Thực phẩm - Dược phẩm Trung Quốc đã phê chuẩn cho hơn 10.000 loại thuốc mới, điều này làm cho WHO chú ý và yêu cầu điều tra. Sau khi vụ bê bối của cục trưởng Trịnh Hiểu Du được phơi bày ra ánh sáng, Phó Thủ tướng Ngô Nghi trực tiếp chỉ đạo điều tra toàn diện về dược phẩm.
Kết quả, có 160 công ty sản xuất dược Trung Quốc bị phạt và rút giấy phép sản xuất vì không đủ tiêu chuẩn.
Tham nhũng có hệ thống
Trưa 22/12/2006, với tư cách là Chủ tịch Hội Dược học Trung Quốc, Trịnh Hiểu Du tham dự hội nghị của Hội Dược học Bắc Kinh, tham quan các mô hình sản xuất thuốc, cười cười nói nói trước ống kính.
Nhưng ngay chiều hôm ấy, các cán bộ của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật đã “mời “Trịnh cục trưởng đi”, và y cũng linh cảm mơ hồ rằng “một đi không trở lại”.
Thuốc giả bị tịch thu
31 người khác cũng bị tạm giam điều tra. Công tác điều tra rất thuận lợi. Chỉ một tháng sau, ngày 24/1/2007, tại hội nghị Ủy ban Thường vụ Quốc vụ viện Trung Quốc do Thủ tướng Ôn Gia Bảo chủ trì, vụ án Trịnh Hiểu Du đã được báo cáo đầy đủ, xác định tội trạng của tên cục trưởng này là “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, lấy quyền lực mưu việc riêng”.
Phó Thủ tướng Ngô Nghi cho biết vụ án này đã bộc lộ những lỗ hổng về cơ chế pháp luật, cơ chế hành chính cũng như công tác tư tưởng trong giám sát - quản lý, “Cục Quản lý giám sát thực phẩm và dược phẩm là một ví dụ điển hình, các cơ quan chính phủ khác dù ít hay nhiều đều tồn tại những lỗ hổng này”.
Chính vì thế không riêng một Trịnh Hiểu Du mà từ năm 2002, hàng loạt quan chức ngành quản lý dược Trung Quốc từ trung ương đến địa phương đã nối nhau ngã ngựa, tiêu biểu như vụ Vu Khánh Hương, phó cục trưởng Cục Quản lý Dược tỉnh Cát Lâm; Dương Vệ Đông, cục trưởng Cục Quản lý Dược TP Quảng Châu; Trương Thụ Sâm, cục trưởng Cục Quản lý Dược tỉnh Liêu Ninh; Dương Khánh Vĩ, phó trưởng phòng đăng ký dược Cục Quản lý Dược tỉnh Thanh Hải... đều bị kết án từ 10 năm tù trở lên.
Báo chí Trung Quốc đã dùng cụm từ “phạm tội có tổ chức” hoặc “tham nhũng có tính hệ thống” để chỉ về những vụ này.
-
Theo NLĐO