221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
950522
Qua "cầu tử thần" bằng… tay ở Tây Bắc
1
Article
null
Qua 'cầu tử thần' bằng… tay ở Tây Bắc
,

(VietNamNet) - Người dân phải qua cầu Noong Hẻo để tới chợ mưu sinh như những "nghệ sĩ" xiếc đi trên dây. Bên dưới là dòng nước chảy xiết kèm những tảng đá to như lưng trâu đang... chờ đợi "con mồi". Nhưng mùa lũ, những cây cầu "tử thần" cũng là... tiền của nhiều người...

Qua cầu bằng... tay

Những cơn mưa đầu hạ ở xứ sở hoa ban chưa kịp dứt thì Tây Bắc lại rục rịch bước vào mùa mưa lũ mới. Thiên nhiên miền Tây Bắc hùng vỹ nhưng thiên tai miền Tây Bắc khốc liệt. Mưa gió, lũ quét, sạt lở cướp đi nhiều sinh mạng mỗi năm.

a
Đồng bào đu dây qua cầu Noong Hẻo đi chợ.

Năm nay, chưa đến mùa lũ nhưng nhiều người dân Lai Châu đang phải đối mặt với nhiều hiểm nguy, trên chính những cây cầu cũ kỹ bắc qua sông, qua suối. 

Cầu Noong Hẻo ở gần trung tâm cụm xã Pa Há (huyện Sìn Hồ - Lai Châu) được gọi là một "cây cầu tử thần". 

Người dân nơi đây đã không ngoa khi phong tặng "danh hiệu" này cho cây cầu đang ngắc ngoải này: Chỉ trong vòng 1 tuần, giữa tháng 6/2007, đã có 4 người rơi cùng xe máy xuống suối Noong Hẻo. Cú rơi làm 2 người bị thương nặng phải đi cấp cứu. Một người gãy tay, một người chấn thương nội tạng. 

Noong Hẻo là cây cầu có số lượng người qua lại khá đông. 5 trong 9 xã vùng thấp Sìn Hồ chỉ có duy nhất chợ trung tâm Pa Há. Mỗi phiên chợ, hàng trăm người dân phải qua cầu. Nhưng năm nào mấy nhịp cầu Noong Hẻo còn sót lại chỏng chơ giữa suối cũng làm "lỡ bước"... một ai đó.

Những người dân địa phương không thể quên mùa mưa lũ nào cũng có ít nhất một người thiệt mạng. Người bị rơi từ trên cầu xuống, kẻ thì sợ độ cao, lội qua suối bị nước cuốn trôi. Vào ngày Chủ nhật, đúng phiên chợ, nước suối dâng cao, muốn qua suối đồng bào 5 xã phía trong phải đi bằng mảng (bè ghép bằng luồng nứa) theo đường vòng mất tới trên 2km. Tiền 2 lượt đi về tốn hàng chục ngàn đồng. Đó là cả một khoản tiền lớn của dân nghèo vùng cao. 

Xót tiền. Bà con tiết kiệm cho buổi chợ, bỏ qua bè mảng. Hàng chục con người qua cây cầu cũ kỹ, mục nát không bằng nhịp, bằng trụ nữa. Qua cầu bằng những bước chân rủi ro.

Họ dùng tay, bám thật chặt rồi đu trên những sợi thép to hơn chiếc đũa dùng làm lan can cầu, như những nghệ sĩ xiếc đi trên dây. Từ mặt cầu xuống suối cao 7 - 10m. Những khối đá to như lưng trâu nhô lên từ mặt suối chảy xiết đang chờ đợi như sẵn sàng "đón nhận" người nào vô phúc trượt tay, trượt chân rơi xuống.  

"Lướt mây" về nhà 

k
Cầu từ Pa Tần đền Huổi Luông chỉ có vài tấm ván tạm bợ
Anh Vũ Xuân Xướng, chủ hộ sống ở ngay đầu cầu Noong Hẻo có một thống kê buồn: Từ đầu mùa mưa đến nay, đã có 4 vụ tai nạn tại đây. Còn năm 2006, có trên 10 trường hợp. Có người rơi tõm xuống nước, có người tụt chân nhưng may mắn... mắc lại vào lan can. Người rơi xuống suối một là thiệt mạng, hai là bị thương.

Cũng tại Lai Châu, cách cầu Noong Hẻo khoảng 100 km ở phía đầu bên kia của huyện Sìn Hồ có cây cầu còn đáng sợ hơn. Đó là cầu treo đi từ cụm xã Pa Tần đến xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ). 

Nơi đây chỉ có con đường độc đạo để trên 1.000 hộ dân khu vực này giao lưu với bên ngoài. Chiều cao cầu treo này khoảng 14 - 15m tới mặt con sông Nậm Na mênh mông nước. Nếu ai chẳng may trượt chân rơi xuống, chỉ còn cách "lặn luôn 3 ngày" rồi "thuỷ du" trên 100 km, "nổi" lên trên mặt hồ thuỷ điện Hoà Bình. 

Cây cầu dài trên 50m đó nhiều đoạn mặt cầu chỉ vẻn vẹn có 2 tấm ván kê dọc. Vừa đủ bánh xe máy và chân người dắt xe bước lên. Vào phiên chợ, một ngày có hàng trăm lượt người qua lại cây cầu, may mắn vẫn chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.

Có những người, uống rượu say ngây ngất ở chợ rồi... "lướt mây" qua cầu về nhà, nhưng cũng chưa ai bị rơi xuống.  

Mưu sinh mùa lũ

n
Mỗi lần qua cầu Nậm Múng, người đi xe máy phải trả 10 ngàn đồng
Cứ đến mùa mưa lũ, nhiều thanh niên ở các vùng giao thông kém phát triển Lai Châu lại khấp khởi mừng thầm. Đây là những ngày “làm một mùa, ăn cả năm”. Công việc của họ trong thời gian này là đóng một chiếc bè nứa để chở khách qua suối hoặc mang ván gỗ ra kê tạm trên những chiếc cầu hỏng để thu tiền khách đi đường.

Chúng tôi có dịp đến trung tâm cụm xã Pa Há trong một ngày mưa gió cuối tháng 6. Con đường xương sống nối liền 9 xã vùng thấp của huyện Sìn Hồ dài khoảng 40 km từ tỉnh lộ Nậm Loỏng - Sìn Hồ đến Pa Há có nhiều cầu. Riêng đoạn từ xã Ma Quai đến Căn Co dài khoảng gần 20 km mà có tới 4 cây cầu treo bán vĩnh cửu. Những chiếc cầu này được xây dựng bằng ngân sách của một số chương trình dành cho các xã đặc biệt khó khăn. Nhưng trong đó, có 2 cầu đã mất 1/3 ván lát trên mặt.

Từ đầu mùa mưa đến nay, nếu người dân có nhu cầu qua lại tuyến đường này chỉ có cách đi mảng, nếu nước cạn. Những thanh niên địa phương dầm mình trong nước dìu qua với giá từ 10- 50 ngàn đồng/lượt xe máy và người. Tuy nhiên, giá cả cũng tuỳ theo thời tiết, giá trị xe và ... "đẳng cấp" của khách! Nhưng cũng có lúc, đưa cả 100 ngàn nài nỉ chở qua họ cũng không thiết tha, bởi nước lũ lên cao và chảy xiết nguy hiểm. 

Nhiều cán bộ địa phương, cán bộ của BQL Dự án tái định cư Thuỷ điện Sơn La có việc phải lên huyện, mỗi chuyến mất tới một vài trăm ngàn tiền cầu bè là chuyện bình thường. Ai không có khả năng chi trả thì ngậm ngùi nhìn dòng nước xiết, rồi quay về.

Anh Lò Văn Nhân, một trong những người làm nghề chở bè qua suối ở bản Hoa Ná, xã Nà Tăm (Sìn Hồ) “phấn khởi” tiết lộ: nhóm của anh ra đây hành nghề từ đầu mùa lũ. Mỗi người đi xe máy qua đều chỉ phải trả 10-20 ngàn đồng. Nhân bảo, trong mùa mưa lũ năm nay, hy vọng mỗi người cũng kiếm được chừng 7-8 triệu đồng. Chừng như lỡ lời, Nhân nói lại thành 3-4 triệu. 

Không thể nói rằng, những cây cầu kia đã đến kỳ hạn "vô phương cứu chữa". Chúng hầu như còn nguyên vẹn. Từ trụ cầu, cáp treo, dầm gánh... Chỉ bay mất một số ván gỗ lát trên mặt. Ngay bên “bến bè” của anh Lò Văn Nhân là chiếc cầu Nậm Múng đã bay hết cả mặt ván, đã được một nhóm thanh niên khác ở cùng  bản “tình nguyện” vác gỗ của nhà ra sửa để thu tiền khách đi qua.

Anh Cà Văn Chơ, một người mưu sinh mùa lũ cho biết, từ sáng đến trưa cũng có chừng 40-50 người đi xe máy qua cầu. Anh Chơ chỉ thu tiền thuê ván. Dắt xe 10 ngàn đồng một lượt, còn người đi bộ thì… khuyến mại, vì hầu hết đều là dân địa phương. Nhờ có nhóm anh Chơ, các nhóm khác phải giảm giá chở bè vì… cạnh tranh lành mạnh!.

Khoanh tay nhìn mùa lũ tràn qua?

Trên địa bàn huyện Sìn Hồ có khoảng gần 30 cây cầu treo bán vĩnh cửu dành cho các phương tiện thô sơ và người đi bộ. Đa số những chiếc cầu này đều có tuổi thọ trên dưới 10 năm, riêng ván lát mặt chỉ có thể sử dụng 2- 3 năm.

aaa
Chở bè qua suối Nậm Tăm, giá cả tính theo... thời tiết, giá trị xe và "đẳng cấp" của khách.
VietNamNet đã tìm hiểu vấn đề này tại Sìn Hồ. Cơ quan quản lý và chính quyền huyện đều biết về hiện trạng những cây cầu trên. Nhưng vẫn là vấn đề muôn thủa: do kinh phí hạn hẹp! Hơn nữa, rất khó lập dự toán sửa chữa, bởi theo thông báo giá của ngành Tài chính và Xây dựng chỉ cho phép sử dụng gỗ nhóm 4, còn địa phương lại chỉ có gỗ nhóm 2 và 3 !?

Một lý do khác khiến cho các cây cầu trên bị bỏ quên có thể hiểu là nhiều đoạn đường này nằm trong vùng ngập của lòng hồ thuỷ điện Sơn La, nếu bỏ kinh phí sửa chữa sẽ bị mang tiếng là lãng phí.

Trong khi những người dân địa phương có thể mang các loại vật liệu có sẵn trong gia đình ra để sửa cầu của…Nhà nước (dù với động cơ cá nhân), thì chính quyền cơ sở và các ban ngành, đoàn thể lại khoanh tay đứng nhìn và sợ... mang tiếng!!

Các cây cầu dân sinh mang danh "cây cầu tử thần" đang ảnh hưởng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng đồng bào khu vực và những người tham gia giao thông nơi đây.

Trong khi đó, mùa mưa lũ mới chỉ bắt đầu ở Tây Bắc...

  • Chu Quốc Hùng  

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,