221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
951828
Vị thuyền trưởng đầu tiên của "con tàu" Hồng Kông mới
1
Article
null
Vị thuyền trưởng đầu tiên của 'con tàu' Hồng Kông mới
,

10 năm Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc là 10 năm thử thách đối với chính sách “một nước - hai chế độ” của Trung Quốc và đối với đặc khu hành chính này. Trong những ngày tháng đầu tiên, Hồng Kông giống như một con tàu lớn mà thuyền trưởng không phải ai khác chính là vị Trưởng Đặc khu Đổng Kiến Hoa. Bảy năm cống hiến, ông Đổng đã cùng với con tàu đặc biệt của mình đối mặt với phong ba bão táp, nhiều lúc tưởng như bị nhấn chìm.

Từ tài phiệt tàu biển đến người đứng đầu đặc khu hành chính 

Đổng Kiến Hoa (Tung Chee Hwa) sinh ngày 29/5/1937 tại Thượng Hải, là con trai cả của Đổng Hạo Vân, nhà tài phiệt chuyên kinh doanh vận tải hàng hải nổi tiếng Hồng Kông. Đổng Hạo Vân là người sáng lập Tập đoàn Orient Overseas Container Line (OOCL), một trong 7 ông vua tàu biển của thế giới, được ví như “Onassis của phương Đông”.

p
 
Năm 1947, gia đình họ Đổng chuyển đến Hồng Kông. Sau khi tốt nghiệp trung học, Đổng Kiến Hoa sang Anh du học. Năm 1960, ông tốt nghiệp Đại học Liverpool, lấy bằng kỹ sư hàng hải. Từ 1960 - 1969, ông sang Mỹ làm việc cho hãng General Electric rồi trở về Hồng Kông tham gia công việc kinh doanh của gia đình.

Năm 1981, Đổng Hạo Vân qua đời, Đổng Kiến Hoa tiếp quản tập đoàn OOCL. Khi đó, OOCL ở trong tình trạng khủng hoảng và đến năm 1985 thì đứng bên bờ vực phá sản. Ông đã dẫn dắt tập đoàn không những vượt qua giai đoạn sóng gió mà còn đưa OOCL vươn lên vị trị hàng đầu thế giới.

Bên cạnh những thành công trong kinh doanh, ông Đổng còn có những bước tiến lớn trên con đường chính trị. Năm 1985, ông làm ủy viên Ủy ban tư vấn Luật Cơ bản Đặc khu hành chính Hồng Kông. Năm 1992, ông vừa làm cố vấn về vấn đề Hồng Kông cho Quốc vụ viện và phân xã Tân Hoa xã tại Hồng Kông, vừa giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban trù bị thành lập Đặc khu hành chính Hồng Kông của Quốc hội Trung Quốc.

Tháng 12/1996, ông trúng cử làm người lãnh đạo đầu tiên của đặc khu hành chính Hồng Kông sau khi trở về với Trung Quốc. Sau bao năm kinh nghiệm điều hành tàu biển, giờ đây ông nắm trong tay con tàu Hồng Kông, và chuyến du hành với con tàu này có lẽ là chuyến đi khó khăn nhất trong đời ông.
 
Bảy năm chính trường đầy sóng gió: khen nhiều...

Mặc dù sinh ra trong một gia đình danh giá, có bề dày kinh nghiệm thương trường, lại nhận được sự ủng hộ của chính phủ trung ương Bắc Kinh, nhưng thảm đỏ không hề trải sẵn cho ông Đổng Kiến Hoa khi trở thành Trưởng Đặc khu hành chính đầu tiên.

Hồng Kông là vùng đất hội tụ hai nền văn hóa Đông - Tây, khi trở về với Trung Quốc lại được áp dụng mô hình “một nước - hai chế độ”, một thể chế chính trị mang đặc sắc Trung Quốc. Trong con mắt người Hồng Kông, ông Đổng không phải dân bản địa. Hơn thế nữa, ông phải tiếp quản và lãnh đạo một hệ thống viên chức của chế độ cũ. Đây là những trở ngại rất lớn đối với ông Đổng.

Năm 1997, Hồng Kông có nhiều triển vọng trở thành trung tâm tài chính tiền tệ thành công nhất châu Á. Năm đó, GDP bình quân đầu người của Hồng Kông là 25.000 USD, đứng thứ hai châu Á, dự trữ ngoại tệ là 92,8 tỉ USD, đứng thứ ba hế giới. Nhìn bề ngoài nền kinh tế Hồng Kông có kết cấu vững chắc, nhưng thực tế nó lại đứng trên những cột trụ thủy tinh. Các ngành thương mại, tài chính, kiểm toán, pháp luật chiếm trên 85% GDP, nguồn vốn đổ vào ồ ạt, nhưng điều đáng chú ý là những nguồn vốn đó có thể trong một thời gian ngắn đổ ra bên ngoài.

Năm 1997 cũng là năm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Ba tháng sau sau lễ bàn giao chính quyền, cơn bão này đổ bộ lên Hồng Kông. Ngày 20/10, thị trường cổ phiếu Hồng Kông bắt đầu sụt giảm. Đến ngày 23, chỉ số Heng Seng giảm 10,4%. Thời điểm này, tổng thiệt hại của 10 doanh nhân giàu nhất Hồng Kông lên tới hơn 210 HKD, lãi suất ngân hàng tăng 300%, giá bất động sản giảm mạnh.

Đây là đòn thử thách đầu tiên đối với ông Đổng Kiến Hoa. Đứng trước tình hình này, những người đứng đầu Đặc khu đã nhanh chóng đưa ra những biện pháp nhằm ngăn chặn những nguy cơ của nền kinh tế. Đặc khu đã huy động hơn 110 tỉ HKD từ nguồn ngoại hối để mua một phần cổ phiếu Hồng Kông nhằm bảo vệ thị trường chứng khoán Đặc khu. Đến tháng 4/2000, chỉ trong vòng 32 tháng, chính phủ Đặc khu đã thu hồi được nguồn tiền vốn này, mà vẫn nắm được số cổ phiếu trị giá tương đương. Tăng đầu tư vào các công trình công cộng để thúc đẩy kinh tế phát triển, như ký kết hợp đồng với công ty Disney xây dựng Công viên Disneyland lớn nhất châu Á; xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc, tàu điện ngầm…

Ngoài ra, hàng loạt các biện pháp khác được thực thi như trả lại một phần tiền thuế cho người dân, ngưng việc thu phí để giúp người dân thoát khỏi khó khăn. Khuyến khích đầu tư, tạo sức hút của một trung tâm tài chính với việc lấp những lỗ hổng, tăng cường quản lý để tránh đầu cơ. Tăng tỉ trọng của ngành công nghệ thông tin trong hệ thống kinh tế.

Những nỗ lực trên đã góp phần không nhỏ đưa Đặc khu thoát khỏi tình trạng suy thoái. Đến năm 2000, nền kinh tế Hồng Kông có dấu hiệu phục hồi, tỉ lệ tăng trưởng kinh tế là 10,5%, mức tăng cao nhất trong vòng 13 năm.

... chê cũng không ít

Hai tuần trước khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra ở Hồng Kông, ông Đổng trong một báo cáo của mình đã đưa ra chủ trương mỗi năm xây dựng 85 nghìn căn hộ cho người dân. Xuất phát điểm của chủ trương này là giá nhà ở Hồng Kông quá cao, người dân lao động bình thường cả đời không mua nổi nhà.

Ban đầu, chính sách này rất được khen ngợi. Nhưng khi cơn lốc khủng hoảng tràn tới thì chính sách trên như “thêm dầu vào lửa”, đã khiến cho giá nhà đất ở Hồng Kông giảm mạnh.

p
Ông Đổng Kiến Hoa - Trưởng Đặc khu hành chính đầu tiên của Hồng Kông - Ảnh: Corbis
 
Mặc dù đến tháng 6/1998 kế hoạch đã bị ngưng lại, nhưng phải đợi 2 năm sau ông Đổng mới chính thức tuyên bố kế hoạch này không còn tồn tại. Điều này đã khiến giá bất động sản ở Hồng Kông trong 5 năm giảm đến 70%. Dư luận chỉ trích nặng nề rằng chính chủ trương trên của ông Đổng là nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm trong giá nhà đất. Cần lưu ý rằng, đa số hoạt động đầu tư ở Hồng Kông tập trung vào lĩnh vực bất động sản.

Năm 2000, trong quá trình khắc phục hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế, chính phủ của ông Đổng quyết định đầu tư 14 tỉ HKU xây dựng một khu công nghệ cao. Công ty PCCW Limited được giao thực hiện dự án này mà không thông qua đấu thầu công khai. Vì vậy, chính phủ đặc khu bị chỉ trích là “bắt tay” với PCCW, nhiều nhà kinh doanh bất động sản lớn đã kéo đến trụ sở đặc khu đòi đối chất với ông Đổng.

Năm 2002, ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai nhưng tỉ lệ ủng hộ đã giảm nhiều so với khi đắc cử nhiệm kỳ đầu. Dường như sóng ngầm âm ỉ chỉ đợi đến lúc này để dâng trào.

Mùa xuân năm 2003, dịch SARS bùng phát ở Hồng Kông. Tổng cộng có 1755 người nhiễm bệnh, 299 người chết, tổn thất kinh tế lên tới hơn 3,8 tỉ HKU, tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao nhất trong lịch sử là 8.7%. Trước khi bệnh dịch bùng phát, chính phủ đặc khu luôn ưu tiên đầu tư cho hệ thống y tế công cộng.

Nhưng bệnh dịch đến quá bất ngờ và diễn biến nhanh chóng khiến họ trở tay không kịp, phải nhận lời chỉ trích của người dân là chậm chạp và lúng túng trong đối phó với dịch bệnh.

Đòn giáng mạnh nhất vào sự nghiệp chính trị của ông Đổng Kiến Hoa là sự kiện biểu tình ngày 1/7/2003. Đây cũng là cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở Hồng Kông từ khi trở về với Trung Quốc. Vào ngày kỷ niệm 5 năm sự kiện trở về, nửa triệu người dân đã xuống đường biểu tình. Họ phản đối việc ông Đổng ủng hộ bản dự thảo điều luật 23 của Luật Cơ bản (Hiến pháp Hồng Kông), trong đó có những quy định bị người dân coi là ảnh hưởng đến tự do ngôn luận, báo chí và hội họp.

Giới phân tích cho rằng đây là giọt nước tràn ly sau những bất mãn của người dân đối với hoạt động kém hiệu quả của chính phủ đặc khu. Họ đã không kiểm soát được dịch SARS, để nền kinh tế tiếp tục suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp không hề giảm, Hồng Kông mất dần lợi thế trước các trung tâm tài chính đang lên của đại lục như Thâm Quyến, Thượng Hải.

Tình hình căng thẳng đến mức ông Đổng phải công khai thừa nhận sai lầm trước người dân và tuyên bố ngưng việc thông qua bản dự thảo luật trên.

Ngày 1/7/2004, người dân Hồng Kông lại xuống đường biểu tình đòi thay đổi luật, cho phép họ được tự chọn Trưởng đặc khu hành chính của mình vào năm 2007 và các nhà lập pháp vào năm 2008. Ngày 10/3/2005, ông Đổng Kiến Hoa xin từ chức với lý do sức khỏe. Theo quy định, nhiệm kỳ 2 của ông Đổng sẽ kết thúc vào năm 2007.

Ông Đổng ra đi khi nền kinh tế Hồng Kông đang có dấu hiệu khởi sắc.

Ngày 12/3/2005, ông được bầu làm Phó chủ tịch Chính hiệp Nhân dân Trung Quốc khóa 10 và giữ chức vụ này cho tới nay.

Đặc khu hành chính Hồng Kông ngày nay bao gồm đảo Hồng Kông, bán đảo Cửu Long, khu Tân Giới và 262 các hòn đảo lớn nhỏ; phía bắc tiếp giáp với Đặc khu kinh tế Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông, phía đông là vịnh Đại Bằng, phía tây là cửa Chu Giang và phía nam là biển Đông Việt Nam.

Hồng Kông có lịch sử vô cùng đặc biệt. Từ thời Tần, Hồng Công đã được coi thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Năm 1840, Anh phát động cuộc chiến tranh thuốc phiện xâm lược Trung Quốc và ép triều đình nhà Thanh phải ký kết hàng loạt các điều ước bất bình đẳng.

Năm 1842, nhà Thanh phải ký với Anh Điều ước Nam Kinh, trong đó quy định Trung Quốc cắt nhượng đảo Hồng Kông cho Anh. Năm 1860, Trung Quốc thất bại trước liên quân Anh - Pháp, nhà Thanh lại ký với Anh Điều ước Bắc Kinh, cắt nhượng phía nam bán đảo Cửu Long cho Anh. Sau cuộc chiến tranh Trung - Nhật năm 1898, Anh lại ép nhà Thanh ký Điều ước mở rộng Hồng Công, đồng ý cho Anh thuê phần phía bắc bán đảo Cửu Long, khu Tân Giới và hơn 200 đảo lớn nhỏ phụ cận, thời hạn thuê là 99 năm.

Năm 1980, chính phủ Trung Quốc và chính phủ Anh bắt đầu đàm phán giải quyết vấn đề Hồng Kông. Ngày 19/12/1984, Thủ tướng Trung Quốc và Thủ tướng Anh ký bản Tuyên bố chung Trung - Anh, theo đó, ngày 1/7/1997, Anh phải trao trả chủ quyền Hồng Kông cho Trung Quốc, Hồng Kông sẽ trở thành Đặc khu hành chính của Trung Quốc.

Theo ý tưởng “một nước - hai chế độ” của nhà lãnh đạo kiệt xuất Đặng Tiểu Bình, trong vòng 50 năm sau khi bàn giao, Hồng Kông vẫn giữ nguyên chế độ chính trị cũ, ngoài ngoại giao và quốc phòng, các lĩnh vực khác của Hồng Kông đều được hưởng quyền tự trị cao độ.
  • Theo Lanhdao.net
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,