221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
951994
Kỳ 1: "Phần nổi của tảng băng... mìn!"
1
Article
null
Kinh hoàng chuyện "chơi mìn":
Kỳ 1: 'Phần nổi của tảng băng... mìn!'
,

(VietNamNet) - Mấy năm gần đây, tại Nghệ An, một số kẻ xấu đã lợi dụng mìn để thanh toán nợ nần, ân oán giang hồ. Nhiều làng quê xứ Nghệ yên bình thỉnh thoảng lại vọng lên những tiếng nổ đinh tai nhức óc. Ân oán được “trả” bằng… mìn! Từ hôm nay, VietNamNet khởi đăng loạt bài Kinh hoàng chuyện "chơi mìn".

Những vụ buôn bán, vận chuyển mìn trái phép bị phát hiện gần đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Nguồn mìn trôi nổi đã gây ra nỗi lo lắng thật sự cho người dân. Thậm chí, có nhiều vụ việc, chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ mà người ta sẵn sàng đưa mìn ra để trả thù.  

Mìn: Dằn mặt, giải quyết ân oán và chứng minh sự... trong sạch!

Mới đây nhất là 2 vụ giải quyết mâu thuẫn bằng mìn diễn ra tại huyện Nghi Lộc. Khoảng 22 giờ ngày 30/4/2007, Lê Văn Chương (SN1974) đã dùng mìn tự chế, bỏ vào túi bóng và gài lên cửa nhà anh Nguyễn Hồng Phong.

Nguyên nhân của sự việc hết sức đơn giản: mâu thuẫn nhỏ trong việc kinh doanh thức ăn gia súc. Để trả thù, Chương đã mua 400g thuốc nổ và 3 kíp nổ bằng điện của một số đối tượng ở xã Nghi Vạn. Có được “vũ khí”, Chung đưa đến nhà anh Phong để “cho mày biết tao lợi hại như thế nào!”.  

Vụ nổ đã làm cả gia đình anh Phong bị thương. Trong đó, vợ anh Phong phải đi điều trị ở Bệnh viện 108. Con gái anh, cháu Nguyễn Thị Cẩm Vân, mới 4 tuổi cũng bị bỏng nặng. Đêm nằm lúc nào cháu cũng ú ớ và gào thét. Gặp ai, cháu cũng cúi gằm mặt xuống, chui vào xó nhà vì sợ.

p
Tên Nguyễn Tiến Trung mang mìn ném vào nhà hàng xóm để chứng minh sự... trong sạch của mình.
Ngày 4/6, một vụ trả thù bằng mìn nữa lại xảy ra tại địa bàn xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc mà nguyên nhân “không thể đơn giản hơn”. Sự thể là gia đình anh Nguyễn Kế Ninh bị mất một con gà và nghi Nguyễn Tiến Trung bắt trộm. Cay cú, Trung xách mìn tự chế ném thẳng vào nhà anh Ninh để dằn mặt và chứng minh... sự "trong sạch" của mình. 

Cách đây 2 năm, người dân sống trong khu vực thành phố Vinh và các vùng phụ cận kinh hoàng khi chứng kiến một vụ trả thù ghê rợn bằng mìn.

Nạn nhân là một tay giang hồ "có số má" bị chết ngay tại nhà, thi thể nát bươm, máu loang lổ cả một vùng nhỏ. Sau khi gây án hung thủ đã lẩn trốn, công an truy nã gay gắt nhưng đến giờ T “lay” (tên hung thủ) vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. 

Những vụ trả thù hoặc thanh toán nợ nần, ân oán với nhau bằng mìn như trên không phải là hiếm. Tuỳ theo mức độ, tính chất các vụ việc, một số đối tượng sẵn sàng sử dụng mìn để “dằn mặt” đối thủ. 

Theo một số tay anh chị có máu mặt trong giới giang hồ thì họ rất “khoái” dùng mìn để làm hàng “nóng” và giải quyết va chạm.

Không quản lý nổi! 

Được biết, nguồn thuốc nổ trôi nổi trên thị trường là do nhu cầu đánh bắt của ngư dân. Từ trước đến nay, công tác quản lý về dùng mìn đánh bắt thuỷ hải sản còn lỏng lẻo nên người dân sinh ra “nhờn”.

Hiện tại, các cơ quan chức năng đang hết sức đau đầu về bài toán làm sao để ngăn chặn được nguồn thuốc nổ này tuồn ra thị trường đen. Đến nay, chưa có một con số chính thức nào thống kê được khối lượng mìn trôi nổi trên thị trường. Dù đã hết sức nỗ lực, nhưng dường như các vụ bắt vận chuyển và buôn bán mìn trái phép chỉ đếm được trên đầu ngón tay.  

h
Một vụ ném thử mìn.
Số liệu từ Công an tỉnh Nghệ An: Từ đầu năm đến nay, lực lương công an đã phát hiện 14 vụ buôn bán, vận chuyển thuốc nổ trái phép, bắt giữ 22 đối tượng, thu giữ 539,4kg thuốc nổ, 1 quả mìn, 5.436 kíp nổ, 387m dây cháy chậm. 

Mới đây nhất, ngày 8/5, Công an huyện Diễn Châu phá chuyên án mang bí số 507T, bắt Thái Bá Liễu (1966), Thái Bá Châu (1986), đều trú tại xã Diễn Bích, Diễn Châu khi đang vận chuyển thuốc nổ đi tiêu thụ. Khám xét, công an đã thu được 35kg thuốc nổ. Bước đầu khai thác, bọn chúng khai đã tiêu thụ 40kg thuốc nổ cho ngư dân. 

Ngày 10/4, Công an huyện Quỳnh Lưu phá chuyên án VA 207N, bắt Cao Cự Hiền (1967) khi y đang vận chuyển 46kg thuốc nổ. 

Những con số đó chỉ là bề nổi. Thực tế, số lượng thuốc nổ trôi nổi trên thị truờng là bao nhiêu thì không ai có câu trả lời chính xác được. 

Thượng tá Trần Châu - Trưởng phòng PC23 (Công an Nghệ An): “Hiện nay, công tác quản lý chất nổ được thực hiện rất nghiêm ngặt. Các kho được bảo vệ, canh gác. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng không thể biết có bao nhiêu lượng thuốc nổ trôi nổi trên thị trường".

Theo ông Châu, vấn đề này phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa Sở Công nghiệp, Sở TNMT, Sở Xây dựng và các đơn vị lực lượng vũ trang. Đây cũng là vấn đề đau đầu mà lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An đang hết sức quan tâm.  

Đi gặp "mìn tặc"

Ở vùng biển huyện Nghi Lộc, người dân thường nhắc đến H như là một “ông trùm” của mìn, chẳng thế mà H còn có biệt danh là H “mìn”. Bản tính cục cằn, liều mạng, sẵn sàng đe doạ hay thanh toán nhau bằng mìn của H khiến nhiều người dân khiếp sợ.

Một người quen của H tiết lộ: “Lúc 16 tuổi, H bị một lũ bạn đánh cho tơi bời ở trường học. Vốn tính ngang tàng, H nổi máu yêng hùng tìm xuống ghe của bố lục tìm một quả mìn tự chế và thẳng tiến đến nhà đứa cầm đầu đã đánh mình để trả thù. Bước thẳng vào nhà "đối thủ", H nhổ toẹt một bãi nước bọt và gằn giọng: “Lúc chiều chúng mày đánh tao, bây giờ tao cho tất cả chúng mày về chầu Diêm Vương!”. 

m
Một "mìn tặc" đang chế tạo mìn!

Nói xong, H châm lửa vào ngòi thuốc nổ. Mọi người trong nhà tá hoả chạy thục mạng. H vẫn đứng như trời trồng. Rất may, quả mìn không nổ vì bị tịt ngòi. Sau vụ đấy, H nổi như cồn. Biệt danh H “mìn” cũng bắt nguồn từ đó. 

Nhờ một tay anh chị giang hồ gác kiếm đã lâu, tôi mới có dịp làm quen với H. Trước khi đi, anh bạn tôi còn không quên dặn một số điều cấm kỵ khi tiếp xúc với H. Căn nhà nhỏ tin hin, xiêu vẹo nằm bên cửa biển là nơi trú ngụ của gia đình H. Dưới ánh điện vàng vọt, H ngồi bó gối vào bờ tường, bên cạnh là chai rượu đế cùng mấy con cá khô khốc. 

Sau một hồi lóng nga lóng ngóng, cuối cùng tôi cũng nói rõ mục đich cuộc viếng thăm này. Ngửa cổ tu một ngụm rượu, H phán: “Dạo này các bố công an đang làm nghiêm nên hàng khó mua lắm, lại đắt nữa. Không biết ông anh có chịu được "nhiệt" hay không. Nếu ông anh cần mìn “nhồi” (loại đã được cho thuốc nổ vào) thì 40 ngàn một quả. Còn mua mỗi thuốc thì 160 ngàn/kg. Nếu ông anh cần thì đặt cọc tiền trước, cuối tuần đến đây. Không phải lăn tăn gì hết. Cần bao nhiêu cũng được!”. 

Tỏ ý nghi ngờ về chất luợng “hàng”, H bồi ngay một tràng: “Hàng đây đã lấy là chất lượng khỏi phải nghĩ. Thằng này sống bằng nghề này đã hơn chục năm rồi. Không tin thì anh cứ hỏi mấy thằng cha hay đánh cá ngoài kia mà xem. Toàn là mối ruột của tui đó!”.

Sau một hồi rào đón, H mới tiết lộ cho tôi xuất xứ của những lô “hàng” này. Trong thời gian ở tù, H đã kết giao với một tay anh chị chuyên buôn hàng nóng. Ra tù, H muốn trở lại làm nghề lương thiện. Gia đình sắm cho anh ta một ít vốn để ra lộng đánh bắt cá. Cũng từ đây, H phát hiện ra nhu cầu về thuốc nổ của ngư dân rất lớn. Tìm hiểu, H bất ngờ bắt mối được với những tay anh chị trong tù ngày xưa.

Người giao “hàng” cho H nghe đâu là một tay vào tù ra tội, có mối quan hệ cực thân với công nhân các mỏ đá. Mặc dù các chủ mỏ đá kiểm soát nguồn thuốc nổ ra ngoài rất chặt chẽ nhưng công nhân vẫn có thể “ăn hàng” được.

Mỗi ngày, lượng thuốc nổ phải dùng cho công việc nổ đá khoảng 10kg thì các tay công nhân có thể “ém” được khoảng 3kg, cất giấu trên đỉnh núi. Tối đến lại mò lên để đưa “hàng” về nơi tập kết. Chỉ cần một tuần, một mỏ đá đã gom được khối lượng thuốc nổ không nhỏ.  

Cũng theo H thì còn có một mối nữa để tìm nguồn hàng, đó là các thủ kho của các doanh nghiệp khai thác đá. Đây chính là nguồn hàng tiềm năng nhất, nhưng không phải ai cũng có thể “bắt” liên lạc được với các mối này. 

H chỉ tay ra biển và nói: “Nhu cầu của người dân đi biển về lượng thuốc nổ là rất lớn. Anh thử tính xem, ngoài kia có bao nhiêu chiếc thuyền đánh cá thì có bấy nhiêu người cần đến thuốc nổ. Nhà nước cấm thì cứ cấm, ngư dân vẫn lén lút mang mìn ra ngoài khơi. Ra ngoài đó thì có… trời mới kiểm tra được!". 

Một tuần sau, tôi đến để nhận “hàng” như lời H giao hẹn. Lúc đến, H không có mặt ở nhà. Người nhà dẫn tôi ra một chiếc thuyền nhỏ và chở ra lộng.

Nghe đâu, H không bao giờ để hàng ở nhà mà giấu ngoài khơi. Mọi giao dịch đều diễn ra trên biển. Thấy tôi, H nhếch mép, cười méo xệch: “Động rồi. Hôm qua, tui đi lấy hàng. Vừa tuồn được hàng, đang trên đường chuyển về thì anh em gọi điện thông báo là đã bị lộ. Đành phải bỏ của chạy lấy người, tìm đường khác để chạy thoát thân”. 

  • Hoàng Sang – Chi Mai

"Không mua được mìn của H, chúng tôi lại tiếp tục tìm đến một điểm bán mìn khác ở Hà Tĩnh. Lần này mua dễ hơn nhiều, và còn được xem biểu diễn làm mìn và "chơi mìn"...

Kỳ 2: Tôi đi chơi... nổ mìn!

             Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,