221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
968956
Nơi sẻ "phúc" cho nạn nhân da cam...
1
Article
null
Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam:
Nơi sẻ 'phúc' cho nạn nhân da cam...
,

(VietNamNet) - Từ nội ô thành phố Hồ Chí Minh theo quốc lộ khoảng 50 km về huyện ngoại thành Củ Chi, nằm gần khu Di tích lịch sử - văn hóa Địa đạo, có một không gian yên tĩnh, thoáng đãng, sạch đẹp. Nổi lên giữa không gian xanh mát rộng gần 2ha ấy là một tòa nhà ba tầng khá khang trang. Đó là Cơ sở Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam Thiên Phước, nằm trên địa phận ấp 6, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi.

"Phúc" đến từ Tâm của nhà tu hành

Con đường nhỏ dẫn về địa chỉ nhân đạo này hôm nay không còn vắng vẻ như xưa, bởi nó đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người, bằng tiếng thơm tỏa lan từ nơi đây.

Trong dòng người đến thăm Khu Di tích Địa đạo Củ Chi, không ít du khách đã bớt chút thời gian quá bộ đến đây. Họ đến từ nhiều nơi, vì nhiều ý nghĩ khác nhau.

Nhưng tất cả đều có một điểm chung nhất, đó là sự chia sẻ.

Những điều phúc của người đời (và trong chừng mực nào đó là của mệnh trời) sẽ là tia nắng ấm làm bừng lên những nụ xuân vừa sinh ra đã mang gánh nặng tật nguyền vì di chứng chất độc da cam/dioxin...

Linh mục Phan Khắc Từ bên giường trẻ bại não đang được Thiên Phước chăm sóc (ảnh Nguyễn Thủy)

Linh mục Phan Khắc Từ bên giường trẻ bại não đang được Thiên Phước chăm sóc (ảnh Nguyễn Thủy)

Đứng đầu cơ sở nhân đạo này là Linh mục Phan Khắc Từ. Một người đàn ông khả kính, từ gương mặt, lời nói đến cử chỉ, việc làm... đều toát lên nét nhân hậu, quả quyết.

Ông kể... Việc xây dựng cơ sở này được hình thành từ năm 1999. Một vị Linh mục người Hàn Quốc, sau khi đến Việt Nam, chứng kiến nỗi đau nhân loại do chất độc màu da cam gây nên, đã tự nguyện ủng hộ kinh phí để xây dựng một cơ sở nhận nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em nạn nhân chất độc màu da cam.

Tháng 8 năm 2001, sau khi xây dựng xong nhà cửa, cơ sở tiếp nhận 8 cháu đầu tiên vào nuôi dưỡng, chăm sóc. Đến năm 2002 tăng lên 22 cháu, năm 2003 có 30 cháu... và đến nay, đã có 108 cuộc đời tật nguyền non trẻ được đón nhận đến đây. Tất cả các cháu đều là trẻ mồ côi.

Gần 40 thầy, cô bảo mẫu và cán bộ, nhân viên trong 2 cơ sở này là những người cha, người mẹ của các cháu, những người đã sinh ra các cháu lần thứ hai.

Và đương nhiên, lần sinh này các cháu được trở về với cuộc sống làm người một cách cao nhất trong những gì có thể. 108 cháu là 108 mảnh đời, 108 số phận.

"Mẹ" của lũ trẻ tật nguyền

Rất khó để có thể kìm dòng nước mắt khi đến với các cháu. Những gương mặt ngây dại, những ánh mắt đờ đẫn, những thân hình oặt oẹo, tong teo... xen lẫn trong những âm thanh ú ớ, man dại, bật lên từ sâu thẳm bản năng làm người. Thương các cháu bao nhiêu, lại cảm phục những thầy, cô bảo mẫu của các cháu bấy nhiêu.

Họ coi các cháu như con. Dẫu không một ngày mang nặng đẻ đau, nhưng nỗi đau thấm vào họ từ những ánh mắt ngây dại mà đáng thương kia, từ những thân hình cong queo, mềm oặt mà chứa đựng đầy khát vọng làm người kia... nào có khác gì cái cảm giác như chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau...

Nâng niu trẻ tật nguyền như cion đẻ của mình

Nâng niu trẻ tật nguyền như cion đẻ của mình (ảnh Nguyễn Thủy)

Ngồi tâm sự với cô bảo mẫu Lê Thị Lan, Phó Giám đốc phụ trách cơ sở Thiên Phước ở Củ Chi, trong một buổi sáng mưa dầm. Gió trời hanh hao mà lòng tôi thì ấm lại.

Cô Lan không nói gì về thành tích của mình cũng như của cơ sở, mà chỉ nghèn nghẹn nói về những kỷ niệm. Niềm vui, hạnh phúc lớn nhất của các cô là quá trình phục hồi các chức năng làm người của các cháu.

Cô Lan cười thật tươi khi nhắc đến trường hợp của 3 cháu: Hoàng Thị Linh (quê Nghệ An, bị chứng bệnh xương thủy tinh, dòn, dễ gãy), Hoàng Phi Long (quê Thái Bình, bị hội chứng down, dở hơi), Nguyễn Thị Loan (quê Đồng Nai, chậm phát triển trí tuệ).

Ngày mới đưa vào cơ sở, việc chăm sóc cháu Linh vô cùng khó khăn. Xương của cháu rất dòn và yếu. Đêm nằm, trở mình mạnh một cái là “rắc”, xương bị gãy. Thay quần áo không cẩn thận cũng... “rắc”. Những lần như vậy cháu lại khóc ré lên vì đau đớn. Cuộc sống của cháu triền miên với những trận gãy xương. Vậy nhưng sau một thời gian dài điều trị, xương của cháu cứng dần lại.

Sau khi thấy cháu hồi phục, cơ sở quyết định cho cháu đến trường hòa nhập cộng đồng. Cùng chung niềm vui với cháu Linh là cháu Long và cháu Loan. Ngày đưa 3 đứa trẻ tới trường, ai cũng lâng lâng cảm động.

Tại cơ sở ở quận 12, cháu Nguyễn Thị Nhi là một mầm xuân hồi phục rất nhanh. 3 tuổi, cháu Nhi được đưa vào cơ sở Thiên Phước trong tình trạng bại liệt, không phát âm được. Nhờ chữa trị bằng châm cứu lase kết hợp vật lý trị liệu, cháu đã biết nói được từng chữ, rồi từng câu và tự đi lại được. Tương lai tươi sáng với chân trời rộng mở đang chờ đón cháu phía trước.

10/8- ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Ngày 10/8 hằng năm là ngày cả nước hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ngày 10/8/1961, lần đầu tiên quân đội Mỹ tiến hành đợt rải chất độc hoá học xuống miền Nam Việt Nam.

Chăm sóc đứa trẻ bình thường đã khó, chăm sóc những đứa trẻ tật nguyền, một cô nuôi dưỡng 3-4 cháu là một công việc vô cùng nan giải. Các cháu đều bị các chứng bệnh như: Bại não, tâm thần, gồng cứng, hội chứng down, não úng thủy, dị tật... một số cháu bị mù lòa, câm điếc, tê liệt, mọi sinh hoạt phải thực hiện một chỗ. Không thất vọng, mặc cảm về hoàn cảnh tật nguyền của các cháu, những người mẹ đảm nhiệm công việc trực tiếp chăm sóc các cháu là các nữ tu và những phụ nữ giàu lòng nhân ái.

Cô Nguyễn Thị Tý là một người như vậy. Đến với Thiên Phước từ những ngày đầu thành lập, khi tuổi đời còn phơi phới xuân xanh, Tý dành hết tình thương cho các cháu mà không để ý ngoài dòng đời, thời gian đang vùn vụt qua.

Thấm thoắt đã hơn 5 năm, tuổi 30 ập đến bất ngờ. Nét xuân sắc rực rỡ nhường chỗ cho vẻ đằm thắm, dịu dàng. Tý tâm sự: “Niềm vui, hạnh phúc của cuộc đời em là cuộc sống yên lành và phát triển của những đứa con dưới mái nhà tình thương này".

Các cô đã được cơ sở gửi đi đào tạo về chuyên môn y tế, kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ tật nguyền. Vừa qua, tổ chức Trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở Paris (Pháp) đã cử hai chuyên viên xã hội đến Thiên Phước đào tạo tại chỗ trong vòng 9 tháng cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, bảo mẫu của cơ sở.

Tiếng lành đồn xa, rất nhiều sinh viên người Nhật, Pháp, Úc... được sự giới thiệu của nhiều tổ chức y tế, từ thiện, đã tìm đến đây xin thực tập. Tất cả đều hết lòng vì các cháu. Việc chữa trị bệnh tật, nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu được thực hiện theo qui trình khoa học, với sự hỗ trợ của các phương tiện y học và các biện pháp vật lý trị liệu, châm cứu, tập thể dục dưỡng sinh... để giúp các cháu phục hồi chức năng...

Ước mơ về đôi cánh thần kỳ

Ai cũng biết, khát vọng sống, khát vọng làm người là cao cả, nhưng không phải ai cũng đạt được điều đó, không phải lúc nào cũng làm được điều đó. Đón các cháu vào cơ sở, các thầy, cô dồn hết tâm lực để chăm sóc, nuôi dưỡng, nhưng có những cháu không thể nào vượt lên được số mệnh.

Có cháu ở được vài năm thì “ra đi”, cũng có cháu mới chỉ nhen nhóm khát vọng làm người bình thường được mấy ngày đã nhắm mắt vĩnh viễn. Cô Lan chỉ kể cho tôi nghe được một trường hợp đau buồn như vậy, rồi mắt đỏ hoe, cổ họng như có cái gì chặn lại, không bật thành lời. Đó là trường hợp của cháu Bùi Khắc Chương.

Các cháu bé của TT Thiên Phước háo hức chờ được diễn văn nghệ (ảnh: Nguyễn Thủy)

Các cháu bé của TT Thiên Phước háo hức chờ được diễn văn nghệ (ảnh: Nguyễn Thủy)

Cháu Chương bị bại liệt nhưng bù lại, trí tuệ cháu không bị ảnh hưởng. Những năm tháng dưới bàn tay chăm sóc của những người mẹ hiền, Chương bừng lên như một mầm cây khô cháy gặp mưa xuân.

Cháu thường bi bô kể cho các mẹ nghe những mơ ước về một đôi cánh thần kỳ như trong chuyện cổ tích, để có thể cháu tự nhấc nổi thân mình khỏi cái chỗ nằm, đi lại được, dẫu không như người bình thường thì cũng cố thoát khỏi đời sống như một thực vật.

Giữa lúc sức khỏe cháu đang dần tiến triển, các cô bảo mẫu đã tập cho cháu tự ngồi dậy được, thì căn bệnh phổi trầm kha đã đánh cháu ngã quị, cho dù các bác sỹ đã làm hết những gì có thể.

Chương chết mà cháu không hề biết rằng mình sẽ chết. Cháu vẫn hi vọng về một đôi cánh thần kỳ, cho đến khi ánh mắt cháu như hai vì sao, ánh lên lần cuối cùng rồi tắt lịm, cháu vẫn còn giang hai tay biểu thị một đôi cánh ước mơ...

Ước mơ không bao giờ chết, ngay cả khi con người đã chết. Hiểu sâu sắc điều đó nên những cô bảo mẫu, dù trong đời chưa một lần làm mẹ đúng nghĩa, vẫn dành hết tình thương cho những đứa con tật nguyền ngay cả khi nó đã vĩnh viễn trở về thế giới bên kia...

Hướng về các cháu nạn nhân chất độc màu da cam ở Thiên Phước là hàng trăm tấm lòng nhân ái từ bốn phương trời. Nhưng đó không phải là tất cả. Để chủ động nguồn kinh phí cho hoạt động nuôi dưỡng, điều trị bệnh tật cho các cháu, Thiên Phước đã lập một khu trang trại gần 10 ha tại xã An Phú, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương, triển khai chăn nuôi đà điểu và gia súc.

Khu trang trại này không chỉ tạo nguồn thu phục vụ hoạt động mà nó còn là nơi tạo công ăn, việc làm cho những cháu sau khi phục hồi chức năng, có khả năng lao động để hòa nhập cộng đồng. Linh mục Phan Khắc Từ phấn chấn thông báo với tôi những tin vui: UBND thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định cấp hơn 3.800 m2 đất ở quận 8 để xây dựng trung tâm chính của Thiên Phước. Cơ sở sẽ nhận nuôi dưỡng thêm khoảng 200 cháu nữa.

Tại đây, sẽ có trung tâm dạy chữ, dạy nghề và giao lưu quốc tế để hướng việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em nạn nhân chất độc màu da cam ra cộng đồng.

Chia tay Thiên Phước, tôi nhớ mãi lời tâm sự của cô bảo mẫu trẻ: Ở đời có 3 thứ con người thường nguyện cầu, đó là “Phúc – Lộc – Thọ”. Lộc chưa có, thọ chưa nên nghĩ tới, thì ta hãy lấy Phúc làm sự khởi đầu. Làm được nhiều điều Phúc, con người ta ắt sẽ có Lộc - Thọ - Khang – Ninh.

Cô bảo mẫu tuổi đời còn trẻ mà đã nghĩ được như thế, làm được như thế, quả là cái phúc lớn lắm. Cái phúc ấy có được, không phải do thiên định mà từ suy nghĩ, việc làm nhân từ hàng ngày của mỗi người, là sự sẻ chia đối với những mảnh đời bất hạnh...

Chợt nghĩ, mình làm nghề cầm bút, chẳng có tiền bạc, vật chất gì để ủng hộ cho các cháu thì viết một bài báo nhân ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, âu cũng là một điều phúc.

  • Thanh Kim Tùng

    Sẻ chia của bạn?


     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,