(VietNamNet) - Đầu tháng 9 năm 1969, tin dữ bay về: Bác Hồ mất. Nữ chiến sĩ tình báo đã hơn 10 năm cận kề giữa sự sống và cái chết vẫn không thể tin rằng, trong đời mình cô lại từng khóc dữ đến thế. Bất chấp đang ở ngay trong lòng địch, cô vẫn hiên ngang mặc áo trắng để để tang Người.
>> Kỳ 5: Cứu đồng đội bằng cách... chia lửa về nhà
>> Kỳ 4: Mỹ nhân của cố vấn Hải quân Mỹ!
>> Kỳ 3: Đồng đội, duyên phận và những ám ảnh cuộc đời
>> Kỳ 2: Tiểu thư Thành đô sống như... tiểu thuyết
>> Kỳ 1: "Hoa trong tuyến lửa"
Đó là một ngày cô không thể nào quên. Buổi sáng cô đến sở làm. Vừa ngồi không bao lâu thì viên thiếu tá Mỹ Dave mới từ Mỹ đến Sài Gòn xông vào thông báo: “Ông Hồ đã mất”.
Tình yêu và niềm kính trọng Bác không thể không khiến Tám Thảo nghĩ ra cách để tang cho phù hợp với mình.
Dù đã quá quen với các kiểu tin sốc bất ngờ, nhưng chính trong khoảnh khắc đó, cô vẫn cảm thấy tim mình đứng sững lại.
Nhưng chỉ trong tích tắc sau, bản năng mách bảo cô phải giữ ngay lại bình tĩnh, bởi lúc xúc động là giây phút sơ hở nhất trong nghề. Quay mặt ngó lơ, cô đáp lại rất hờ hững: “Vậy hả?” rồi tiếp tục làm việc. Viên thiếu tá nhìn cô dò xét một lúc rồi cũng quay đi.
Mãi đến buổi trưa trở về, chỉ tới khi nhìn thấy ba và dắt xe vào hẳn trong nhà, cô mới dám oà lên nức nở: “Ba ơi, Bác mất rồi”.
Trong cả tháng trời sau đó, bất chấp sự theo dõi cảnh báo gắt gao, khắp nơi trong thành phố, đồng bào đã tổ chức truy điệu Bác, bằng cả hình thức công khai lẫn bí mật.
Ở nhà lao Chí Hoà, 600 anh chị em tù chính trị sáng nào cũng hát Quốc ca và làm lễ tưởng niệm Bác.
Tám Thảo kể, suốt mấy tháng trời sau ngày Bác mất, ngày nào cô cũng bận áo dài trắng đi làm. |
Tại Ngã Bảy, anh chị em công nhân và các nghiệp đoàn quanh vùng đã chiếm trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động để làm lễ tiễn đưa Người, còn giới công nhân xe buýt thì dành cả ngày và đêm mồng 9 tháng 9 để làm lễ truy điệu Bác.
Hàng loạt thanh niên, sinh viên Sài Gòn kính cẩn mặc niệm Bác trong tiếng hát trang nghiêm của bài "Hồn tử sĩ".
Tại vùng Hòa Hưng, 200 phật tử, nhân sĩ trí thức tập trung về chùa Khánh Hưng ngay sau giờ Hà Nội bắt đầu truy điệu. Bốn ngày sau, Thượng tọa Thích Pháp Lan - người đọc điếu văn trong buổi lễ - bị Tổng nha Cảnh sát gửi giấy mời lên thẩm vấn suốt 9 tiếng đồng hồ.
Nhiều nơi, cảnh sát Cộng hoà cũng biết các hoạt động tưởng nhớ Bác nhưng cũng đành phải làm lơ vì không dám xúc phạm đến tình cảm thiêng liêng của nhân dân (*).
Còn với Tám Thảo, ở vị trí của cô, buồn là... không được phép. Nhưng tình yêu và niềm kính trọng Bác không thể không khiến cô nghĩ ra cách để tang cho phù hợp với mình.
Cuối cùng, bằng trí thông minh và sự khéo léo, cô đã “qua mặt” được cả viên sĩ quan tình báo Mỹ đầy kinh nghiệm.
Tám Thảo lần về thăm quê tại Bắc Ninh (2007)
Cô kể, suốt mấy tháng trời sau đó, ngày nào cô cũng bận áo dài trắng đi làm. Dave thấy thế sinh nghi, liền vặn hỏi: “Sao dạo này cô hay mặc đồ trắng vậy?”.
Đã tính kỹ nên cô trả lời không chút đắn đo: “Nhà tôi bán vải lụa, mẹ tôi may cho tôi hàng trăm cái áo. Tôi muốn thử hết những chiếc màu trắng này rồi chuyển sang những chiếc màu khác xem sao”.
Dave nghe vậy tin ngay, bởi từ trước đến giờ, ai chẳng biết tiểu thư Mỹ Nhung đi làm chỉ để khoe giàu khoe sắc. Thậm chí, đã có thời cô là chủ đề bàn tán của không ít sĩ quan, bởi trong suốt cả năm đi làm với mức lương loại xoàng, cô chưa hề mặc... trùng một chiếc áo.
Sau này, khi đất nước đã giải phóng, trong những ngày đầu tiên ra lại Hà Nội, điểm đến của cô bao giờ cũng là vào Lăng Bác.
Một lần, hai lần... nhiều lần quá đến mức không thể nhớ, nhưng mỗi lần được viếng Lăng lại là một lần cô nhớ về chuyện chiếc áo trắng ngày xưa.
“Thực ra trong nghề đâu có được liều lĩnh làm như vậy, nhưng lúc đó mình thực lòng thấy đau khi Bác mất. Kẻ thù nó phải sợ người Việt mình vì mình có những người như Bác chớ? Lúc đó, dù không nói ra đâu, nhưng tụi lính chỗ cô cũng không dám chống lại đồng bào để tang. Tụi nó cũng buồn, nhưng không dám lộ ra vì sợ Tây nghi là Việt Cộng. Cứ nghĩ xem, người như ông Cụ mà mất, ai không khóc thương?”, đến giữa tháng 4/2007, Tám Thảo vẫn còn nhớ như in câu chuyện đó.
Tháng 5/2007, có dịp gặp lại cô ở Hà Nội, trên đường trở về thăm quê. Suốt câu chuyện dài ở Hồ Tây vẫn thấy cô rưng rưng nước mắt khi nhắc tới những ngày tháng trắng màu tang năm 1969.
Đứng ở quảng trường Ba Đình, đôi mắt cô sâu hun hút hướng vào Lăng Bác. Ở đó, người Cha già của dân tộc đang nằm, mà mỗi khi có dịp ra Hà Nội, cô không thể không dành thời gian ghé lại, chào Người.
-
Thế Vinh - Hà Trường - Việt Hà
((*) - Tư liệu: Hỏi và đáp 300 năm Sài Gòn)
Kỳ 7: Sống giữa lằn ranh
Ý kiến của bạn?