221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
969926
Kỳ 2: Con đường “đóng băng”!
1
Article
null
Những công trình cao điểm chậm tiến độ:
Kỳ 2: Con đường “đóng băng”!
,

(VietNamNet) - Dân kêu: "Chẳng biết đến bao giờ mới có đường cho ra đường, đã quá khổ rồi”. Chính quyền thì kêu: “Dân quá kiên quyết bám trụ”. Đơn vị thi công thì không thể vào làm do không có mặt bằng. Trong khi phương án thiết kế vẫn đang chờ bổ sung, thẩm định lại. Tất cả mọi tiếng xấu đều “đổ” cho… con đường! Đó là câu chuyện bi hài của con đường Khuất Duy Tiến đã 6 năm nay.

>> Kỳ 1: Đường "cao tốc", tiến độ "rùa"!

Lại chờ... 

Sau 2.000 ngày vướng mắc do khâu GPMB, giờ đây, con đường Khuất Duy Tiến lại “tắc” ở khâu “hậu GPMB”, mà chưa biết, để làm thông lại con đường tai tiếng này, con số được tính sẽ là hàng trăm hay hàng ngìn ngày nữa (?!)

h
Chưa hoàn thành, nhưng mỗi ngày, con đường phải oằn mình đón khoảng 1 vạn lượt xe qua lại!

Điểm then chốt còn lại của con đường Khuất Duy Tiến (và cả tuyến vành đai 3 này) vẫn là nút giao thông Thanh Xuân - Nguyễn Trãi.

Tại đây, 60 hộ dân của phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) - những hộ cuối cùng chưa chịu bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công đường Khuất Duy Tiến - đã bám trụ trên 2.000 ngày và họ cho biết sẽ “bám trụ đến cùng”!

Phản ánh và đơn kiến nghị của những hộ này: chủ trương mở rộng đường của Nhà nước là đúng và họ sẵn sàng bàn giao mặt bằng. Tuy nhiên, điều khó hiểu là đến khi nhìn thấy phương án thiết kế nút giao Thanh Xuân - Nguyễn Trãi thì chỗ phình to, đầu méo mó. Họ không thể đành lòng!

Câu hỏi mà các hộ này đặt ra là: Tại sao cùng một tuyến vành đai 3, 2 nút giao Mai Dịch và Trung Hoà đều cân bằng, tương xứng, vậy mà đến nút giao Thanh Xuân, đầu lên Ngã Tư Sở phình to, trong khi phía đi Hà Đông lại bị thu nhỏ? Và liệu nay mai, chỗ bị thu nhỏ kia có phải là đôi ba khu chung cư cao tầng mọc lên?!

Chính những “bức xúc” của dân xung quanh phương án thiết kế này mà ngày 11/1/2007 Bộ GTVT và UBND TP. HN đã ra thông báo 24 yêu cầu Sở Quy hoạch Kiến trúc khẩn trương đôn đốc Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) sớm có phương án hoàn chỉnh nút giao Thanh Xuân - Nguyễn Trãi báo cáo Bộ GTVT, UBND TP.HN để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định làm cơ sở thực hiện.

1 tháng sau, UBND TP.HN lại có văn bản số 946/UBND-XDĐT thông báo tạm dừng công tác GPMB trong khi chờ quyết định của Thủ tướng.

Đến nay, theo ông Trần Hải Đông, Trưởng phòng Quản lí dự án 3, (Ban Quản lí dự án Thăng Long - chủ đầu tư) cho biết, dự án vẫn chưa thể nhúc nhích gì thêm!

Cũng tại nút giao này, khi phương án thiết kế cũ đang “có vấn đề” thì chủ đầu tư đang rục rịch “cập nhật bổ sung” 1 chi tiết mới có thể làm “thay đổi hẳn thiết kế, cấu trúc của nút giao Thanh Xuân - Nguyễn Trãi.

Một lãnh đạo của Ban Quản lí dự án Thăng Long cho hay, dự án 4 làn cao tốc Mai Dịch bắc Linh Đàm đang được gấp rút thương thảo với tổ chức JBIC (Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản) sẽ chạy song song trên đầu tuyến đường vành đai 3. Vì vậy, phải tính toán lại nút giao thông Thanh Xuân - Nguyễn Trãi sao cho có thể bao gồm cả 4 làn cao tốc này.

Tuy nhiên, dự án cao tốc này đang ở những bước khảo sát đầu tiên, vì vậy, về dài lâu, để không bị cho là thiếu “tầm nhìn xa”, không thể bỏ qua sự liên hợp của 2 dự án này!

Thế nên, để có được phương án thiết kế hoàn chỉnh của nút giao Thanh Xuân - Nguyễn Trãi, chưa ai dám đưa ra 1 con số chính xác về mặt thời gian.

Trong khi ấy, 60 hộ dân thuộc diện giải toả cho tuyến đường Khuất Duy Tiến vẫn có thể "ung dung" tại vị ở đó, dù cho, theo kế hoạch, tiến độ hoàn thành con đường chỉ còn hơn 1 năm nữa (12/2008).

Dân lãnh đủ!

Đã 6 năm qua, người dân 2 bên con đường này có lẽ đã nếm đủ mọi nỗi khổ cực. Báo chí cũng đã viết quá nhiều. Nhưng sự thay đổi thì ít. Đến nỗi, khi thấy phóng viên trở lại con đường ùn tắc 3 năm này, họ cũng chẳng buồn kêu ca nữa.

Bà Dương Thị Lê, số nhà 62 thở dài: Kêu mãi rồi, kể khổ mãi rồi, có bớt được tí nào đâu!

b
Soạn xô chậu trong nhà để hứng nước chống ngập...
h
Và cầu cũng được bắc ngay trong nhà! 

Dù mưa to hay nhỏ thì nhà bà đều thành con kênh thu nhỏ. Đi lại trong nhà đều phải bắc cầu vì căn nhà đã quá cũ nát. Chỉ lên các bức tường, bà Lê giải thích: “Nước từ tường nhà chảy xuống, từ sau nhà chảy vào nên chỉ cần mưa là nhà tôi thành “cái vũng” rộng hơn 100m2.

Hôm 11/8 vừa qua, mưa mới bắt đầu được chục phút thôi mà tôi đã phải dùng đến 2 cái máy bơm để hút nước ra ngoài, ngày trước còn dùng thau chậu chứ giờ thì chịu rồi - bà Lê ngán ngẩm.

Khả dĩ hơn nhà bà Lê đôi chút, các nhà ông Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Công Lập, mỗi khi mưa to lại phải huy động hết xô chậu trong nhà để hứng nước. Có điều, các ông phải luôn túc trực để thay hết chậu này sang chậu khác!

Ông Minh ước tính, ban đêm, mỗi giờ có chừng vài trăm lượt ôtô tải chạy qua, mà toàn xe tải nặng. Đường rung, nền nhà rung. Có khi ngay cả cái cốc đặt trên bàn cũng chuyển động. Tường nứt toác hoác cả. Đã 5, 7 lần trát lại rồi nhưng chả ăn thua. Có đêm, những mảng tường trát lại trên trần rơi huỳnh huỵch giữa nền, may mà chưa trúng đầu ai. Rung như… động đất thế, tường nhà cấp 4 cả, sao mà chịu được!

Ban ngày, chỉ tính khoảng 200m từ ngã ba Nguyễn Huy Tưởng ra ngã ba Nguyễn Trãi đã như một… “đại công trình!”. Những ngôi nhà đã bàn giao mặt bằng và chuyển đi vẫn chưa có ai dọn. Hàng dãy nhà trơ khung ngổn ngang chiếm hết lề đường. Y hệt cảnh sau một trận B52 của 35 năm trước!!!

n
Số nhà 130 vẫn kiên gan bám trụ dù các nhà xung quanh đã bàn dọn đi và chỉ còn là đống đổ nát!

Theo nhiều người, không ngoa ngôn, chỉ cần đứng ven con đường này dăm phút là có thể chết ngạt vì bụi và khói xe!

Đã có những hộ không thể chịu đựng tiếp đã đóng nhà chuyển đi hoặc để lại cho thuê tháng dăm ba trăm như nhà số 44 của ông Phạm Quốc Hà cho sinh viên thuê. Nhà số 8 của ông Điền Cao Tuấn cho người khác thuê làm hiệu rửa xe.

Song không phải ai cũng có điều kiện để chuyển đi. Cũng có số ít người như ông Minh, ông Lập, bà Lê… “kiên quyết bám trụ” vì trót ở “tạm” từ tháng này rồi sang năm khác. Nhưng họ chẳng buồn sửa nhà, vì có thể phải ra đi bất cứ lúc nào, cũng không buồn lau chùi vì có lau cũng không kịp tốc độ bám của bụi. Dù cửa cài kín mít cả ngày.

Thành thử, ngôi nhà của “những hộ dân bám trụ cuối cùng này” ngày một xuống cấp trầm trọng, không hơn những cái chòi, cái lán tạm bợ là bao.

Cứ như thế, giờ đây, tất cả đang “án binh” chờ những... báo cáo và chỉ thị. Trong khi con đường vẫn oằn mình gánh hàng vạn lượt xe cộ mỗi ngày trên “vết thương chưa khô máu”!

Hy vọng, những “mong mỏi” của chủ đầu tư, của đơn vị thi công và của người dân sẽ "gặp nhau" ở một điểm để tuyến đường này sớm được "cứu chữa lành lặn".

Bởi, đôi khi sự chậm trễ không chỉ thiệt hại đến những con số về mặt tiền bạc, mà cả những “chỉ số niềm tin"(!)

  •  Hà Lê - Thông Chí 
     
    Ý kiến của bạn?
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,