Đồng Đăng (Lạng Sơn) là "thủ phủ” của hàng lậu từ bên kia biên giới đưa vào VN. Ga Đồng Đăng chỉ cách Hang Dơi, Thác "Ném", Cổng Trắng - những điểm nóng hàng lậu - chừng 5km. Những tay buôn lậu tập kết hàng và chờ tàu tại ga Đồng Đăng Lên hàng lậu qua cửa sổ các toa tàu (ảnh chụp ở ga Lạng Sơn ngày 23/10)
Nếu tàu ngược lên Lạng Sơn thường êm ả thì những chuyến tàu xuôi từ ga Đồng Đăng về Hà Nội lại rất phức tạp. Trước khi tàu chạy, tất cả cửa toa vẫn đóng im ỉm, nhưng không biết dân buôn, cửu vạn "độn thổ" thế nào mà trong các toa đều có người của họ. Khi hành khách được phép lên tàu, lập tức những tay "cài cắm" bên trong nâng cửa, tháo lưới chắn, từng kiện hàng được chuẩn bị sẵn từ bên ngoài nhanh chóng ném vào trong toa.
Tất cả hoạt động này đều diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước mặt đủ các lực lượng công an, bảo vệ ga, kiểm soát tàu, thuế vụ, nhân viên nhà tàu...
30 phút sau khi khởi hành, tàu về đến ga Lạng Sơn, một lần nữa hành khách lại khiếp đảm. Cửa chớp được nâng lên, hàng từ sân ga tiếp tục ném ồ ạt vào trong toa... Chỉ năm phút, hàng trăm kiện hàng đã ngổn ngang trên ghế, trên sàn... Tàu vội vã rời ga, cửa chớp, cửa lưới nhanh chóng được hạ xuống. Trong toa ngột ngạt, bức bí.
Tới ga Bắc Giang, hàng bắt đầu xuống với số lượng nhỏ giọt. Hàng xuống tập trung nhất bắt đầu ở ga thuộc địa phận Hà Nội như Từ Sơn, Gia Lâm, Long Biên.
Chống đối
Ông S. - nhân viên nhà tàu phụ trách "xe" B - đi dọc toa tàu và có vẻ đang rất cố gắng "đánh võng" để tránh đụng vào đống hàng hóa, cửu vạn đang ngổn ngang trên cả lối đi. Con tàu lắc lư, ông vô tình vướng phải tay cửu vạn đang ngồi bệt trên sàn tàu đóng hàng. Chưa đợi ông lên tiếng, tay cửu vạn tuổi chưa đến 25 đứng bật dậy, dao lăm lăm chĩa về phía ông S.. Hắn gí sát mặt, hét: "Thằng chó này, mày không nhìn thấy bố mày ngồi đây à?". Ông S. không vừa: "Oắt con, đừng có láo, mày chửi ai, thích gì?". "Bố mày thích chết đấy". Mấy chủ buôn nhào vào can, ông S. bỏ đi, không quên ném lại cái nhìn hằn học rồi nói: "Mày cứ đợi đấy".
Đúng như lời ông S., tàu đến ga Bắc Lệ (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn), một nhóm bảo vệ lên tàu. Nhưng trước khi vào ga Bắc Lệ, qua điện thoại, các "chim lợn" (những tay cảnh giới) đã báo đám dân buôn biết sẽ có các lực lượng chức năng lên kiểm tra tàu. Không khí lại khẩn trương, hàng hóa nhanh chóng được nhét gọn gàng dưới ghế, vào khoảng giữa hai ghế ngồi.
Đội trưởng bảo vệ đi đầu miệng quát tháo, tay chỉ vào các bao hàng: "Của ai đây?". Đám dân buôn luôn miệng: "Em xin anh Cảnh, em chỉ có một ít hàng kính (dễ vỡ), hàng hộp (dễ bẹp) nên để tạm đấy thôi". Một kiện hàng dưới gầm ghế thò ra dưới lối đi, người đàn ông được gọi là Cảnh cố sức giật ra. Đám cửu vạn, dân buôn ùa vào giữ, xúm quanh ông. Hai bên giằng co, ông hô thêm người tiếp ứng nhưng nhóm bảo vệ đã bị đám chủ buôn ngăn lại. Rồi một kiện hàng cũng được lôi ra, ném vèo xuống sân ga, hàng văng tung tóe... toàn súng bắn đạn nhựa.
Ông Cảnh vẫn tiếp tục điệp khúc "hàng của ai đây?" rồi kéo các bao hàng tiếp theo. Một cửu vạn tên C. xô đến: "Có tí hàng mà làm gì ghê gớm thế". Ông Cảnh vẫn hùng hục giằng co, xô đẩy với đám cửu vạn, chủ buôn. Phía sau ông, phía trước ông hơn chục cửu vạn, chủ buôn khác nhanh chóng ôm hàng tẩu tán sang các toa khác. Khi ông Cảnh cùng bảo vệ thoát ra thì hàng đã chuyển đi hết. Đoàn quân của ông Cảnh sang toa khác, đám cửu vạn lại rầm rầm ôm hàng chạy về toa. Bà L. toe toét mắng đám chủ buôn "non" kinh nghiệm: "Chúng mày ngu thế, hàng nào chẳng là hàng, lao vào mà giữ chứ. Tao một tay ôm nó (người có tên Cảnh) để can, nhưng tay kia tao luồn xuống bóp... nó. Làm đếch gì được tao!"...
Chuyện chống đối như vậy không phải cá biệt mà là chuyện xảy ra như cơm bữa. Mỗi chuyến tàu không có cảnh "cửu" nóng mắt với nhân viên nhà tàu, thậm chí cả công an, thuế vụ mới lạ.
Ai tiếp tay cho buôn lậu?
Ngay sau khi chuyến tàu ĐĐ4 chiều 23/10 chuyển bánh khỏi ga Lạng Sơn, chúng tôi đã có cuộc làm việc với trưởng ga Lạng Sơn, kỹ sư Chu Minh Nam. Đề cập vấn đề vận chuyển hàng hóa trên tàu, ông Nam cho biết nhân viên nhà ga căn cứ vào hóa đơn, biên lai, giấy tờ của cơ quan thuế phường Vĩnh Trại (ga Lạng Sơn nằm trên địa phận phường này) để tính cước, cân hàng hóa, đảm bảo không có hàng lậu được vận chuyển công khai lên tàu.
Ngoài ra trước khi tàu vào ga, nhân viên bảo vệ và các nhân viên khác của nhà ga cũng được huy động thực hiện việc giám sát, kiểm tra người và hàng để chống buôn lậu. Cùng với lực lượng của nhà ga còn có công an phường, cơ quan thuế, quản lý thị trường phối hợp để thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, khi chúng tôi đưa ra những bằng chứng về việc hàng lậu được "phi qua rào" công khai trước mặt nhân viên nhà tàu, nhân viên nhà ga, thậm chí trước mặt ông Nam thì vị trưởng ga này cũng chỉ cho rằng có thể đó là do đôi lúc nhân viên không chú ý, chủ hàng lợi dụng để vận chuyển hàng lậu lên tàu với số lượng rất nhỏ.
Trước nhiều bằng chứng hàng lậu vẫn tự do lên tàu, ông Nam ngắc ngứ thừa nhận "hôm nay chỉ là đột biến" vì số lượng hàng hóa nhiều hơn những ngày khác. Về cán bộ, ông Nam khẳng định toàn bộ hơn 30 nhân viên ga mình "hoàn toàn không có sự tiếp tay" cho các hành vi buôn lậu.Tương tự, kỹ sư Phạm Đức Khái, phó trưởng ga Đồng Đăng, cũng khẳng định nhà ga chỉ bán cước hàng hóa cho các chủ hàng có hóa đơn thuế đầy đủ. Việc buôn lậu nếu có, theo ông Khái, do dân buôn lách luật, mang hàng xách tay miễn cước không quá 20kg lên tàu.
Trong khi đó, một cán bộ ngành thuế khẳng định việc kiểm soát thuế hàng hóa lên tàu đã được cơ quan này thực hiện đầy đủ. Nhà ga chỉ cần bán cước theo hóa đơn của ngành thuế thì không bao giờ có tình trạng buôn lậu xảy ra. Vấn đề là nhân viên đường sắt lơi lỏng để các đối tượng vận chuyển hàng lậu, đưa qua các ô cửa sổ vào toa tàu để trốn thuế, trốn cước thì trách nhiệm này không thuộc về ngành thuế.
Theo ông Việt Cường - trưởng ban bảo vệ an ninh quốc phòng Tổng công ty Đường sắt VN, ngành đường sắt có những tính chất riêng nên việc chống buôn lậu, gian lận thương mại trên tuyến đường sắt cũng phải có cách làm riêng. Tuy nhiên, để triệt để thì có thể nói đó là điều không tưởng. Ông Cường cho biết mỗi khi lực lượng liên ngành làm mạnh trên đường bộ thì các đối tượng buôn lậu chuyển sang vận chuyển hàng qua đường sắt để trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng này.
Đề cập việc có hay không sự tiếp tay của nhân viên ngành đường sắt để xảy ra buôn lậu, ông Việt Cường cũng cho rằng cá biệt có những nhân viên
"hợp tác" với bọn buôn lậu. Hình thức "hợp tác" có thể là mang giúp hàng hóa lên tàu, làm ngơ cho dân buôn chất hàng lên tàu, thậm chí cả thông báo trước cho con buôn mỗi khi có các đoàn kiểm tra chuẩn bị kiểm tra đoàn tàu. Đối với những trường hợp này, ông Việt Cường nói nếu phát hiện sẽ xử lý thật nghiêm. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay các đoàn kiểm tra, lực lượng giám sát của tổng công ty cũng chưa phát hiện nhân viên nào tiếp tay cho dân buôn lậu.
Theo báo cáo của Tổng công ty Đường sắt VN, trong thời điểm tháng năm đến tháng bảy vừa qua, các đối tượng cửu vạn dồn về địa bàn ga Đồng Đăng bất chấp lực lượng chống buôn lậu, cố tình vác hàng lậu vượt qua tường rào vào ga, nâng cửa sổ toa xe để đưa hàng lên tàu phân tán, cất giấu, gây mất trật tự trong ga và chậm giờ tàu. Cá biệt có những chuyến tàu đã phải chậm hàng giờ để giải quyết, ngăn chặn hàng lậu.
Cướp hàng... |
-
Theo Minh Quang - Đức Bình - Việt Dũng (TTO)