(VietNamNet) - Dịch tiêu chảy cấp đang lan nhanh và phức tạp, đó là một sự thật hiển nhiên. Nhưng về một số vùng nông thôn vào những ngày này, điều dễ nhận thấy nhất đó là sự vô tư trước dịch bệnh nguy hiểm và đi ngược lại với khuyến cáo của cơ quan y tế. Họ vẫn ăn không chín, uống không sôi!
Trong bản danh sách 13 tỉnh trong cả nước mắc dịch tiêu chảy cấp, Hưng Yên và Hà Tây là nơi có tỉ lệ người mắc dịch tiêu chảy cao. Nhưng người dân nhiều vùng nông thôn ở 2 địa phương này đang thờ ơ và vô tư "ăn không chín, uống không sôi" trước dịch tiêu chảy cấp đang lan nhanh. Để tìm hiểu về công tác phòng chống dịch của người dân và chính quyền hai tỉnh trước nguy cơ phát dịch, PV đã tìm về một số vùng lân cận Hà Nội trong những ngày cuối tuần.
“Đã có dịch đâu mà sợ!”
Rau sống vẫn được người dân bày bán tại chợ Đường Cái xã Đình Dù, (Văn Lâm, Hưng Yên)
6h30 chúng tôi có mặt tại chợ Đường Cái, xã Đình Dù, huyện Văn Lâm (Hưng Yên). Hàng nghìn người dân chen lấn nhau mua bán đông đúc. Dãy hàng bán rau với các loại rau sống: xà lách, rau diếp, rau mùi… vẫn được bày bán la liệt. Mặc dù các phương tiện truyền thông và cơ quan y tế đã cảnh báo "ăn chín, uống sôi", nhưng người dân vẫn bình thản bán mua.
Thấy một người thanh niên mua 5 xâu rau xà lách và chục bó rau mùi, tôi lân la lại hỏi: "Đang thời buổi dịch tiêu chảy cấm ăn rau sống sao anh vẫn mua nhiều thế?”. Anh này thản nhiên: “Dịch ở đâu ấy chứ, ở đây đâu có ai bị dịch mà sợ. Ăn rau sống lại uống rượu thì vi khuẩn chết hết lo gì”. Bà chủ hàng rau phụ hoạ thêm: “Rau chỉ cấm ở từng vùng chứ ở vùng này rau đâu có bị cấm (?)”… Nhìn sang các hàng bên cạnh, rau sống vẫn có rất nhiều người dân chọn mua như một món ăn khoái khẩu.
Chúng tôi tạt vào một quán ăn sáng trong chợ. Ngay đầu chợ, các hàng bún phở, cháo lòng, bún chả… vẫn được bày bán. Người dân vào ăn ngồi chật kín, mùi thực phẩm bốc ra cùng mùi chả nướng lan khắp góc chợ. Đông nhất là quán lòng lợn tiết canh. Chủ quán tên Hoa niềm nở mời: “Anh giai dùng gì vậy?”. Tiện miệng, tôi gọi: cho một tiết và một cháo lòng! Chủ quán: “Tiết canh bọn em đang bị cấm bán, nên mấy hôm nay không dám làm nhiều. Khách vừa ăn hết, anh thông cảm, chỉ còn cháo lòng thôi!”.
Theo số liệu thống kê từ khoa chống lây nhiễm bệnh viện tỉnh Hà Tây (đến 16h ngày 11/11/2007), toàn tỉnh có 45 trường hợp mắc dịch tiêu chảy, trong đó có 15 trường hợp xét nghiệm cho kết quả dương tính. Riêng xã Phú Lãm, thành phố Hà Đông có 26 trường hợp bị tiêu chảy, trong đó có 1 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính.
Chủ quán vớ chiếc giẻ lau đa năng dưới gầm bàn và lau dao thớt, rồi nhanh nhảu thái lòng lợn làm cháo mà không đeo bao tay vệ sinh. Quan sát sang các quán ăn bên cạnh, hầu hết các chủ quán đều làm đồ ăn cho khách mà không hề đeo bao tay vệ sinh. Các quán bún chả, bánh mì thì để ngổn ngang sát mặt đất hôi hám, bẩn thỉu không hề được che đậy, ruồi muỗi bu xung quanh.
Trong chốc lát cháo đã làm xong, lòng nổi lều phều. Trong khi đó, ngay bên cạnh rau sống ăn kèm lòng lợn vẫn được mấy anh thợ nề thưởng thức ngon lành. Một vị khách ngồi bên cạnh vừa ngắt rau bỏ vào bát vừa nói: “Ối giời! Có chết thì chết lâu rồi! Ăn lòng lợn mà không có rau sống thì mất ngon. Ti vi cứ nói kiêng là phải kiêng hết chắc! Bọn này hôm nào chẳng ăn rau sống nhưng có việc gì đâu!”… Sau câu nói đầy "tự tin" này, thực khách trong quán ồn ào hưởng ứng và cùng hô cạn chén như để tán thưởng.
Rời chợ Đường Cái, tôi đi sâu vào xã Đình Dù. Tại Trường mầm non thôn Thị Trung, các giáo viên đang quét dọn, nhổ cỏ làm vệ sinh quan trắc môi trường. Theo thông báo của xã, các trường bán trú ngừng nấu ăn tập trung. Tuy nhiên, xung quanh trường các bé vẫn đang được cô giáo cho ăn cháo. Cô Hoàng Thị Phương vô tư: “Thấy thông báo dịch tiêu chảy nguy hiểm nên bọn em cũng cố thực hiện cho tốt chỉ đạo của xã thôi. Chứ ở đây đã có ai bị dịch đâu mà lo phát dịch”.
Cũng tại thôn Thị Trung, gặp ông Đỗ Văn Cầu đang dẫn cháu đi chơi, nghe hỏi về công tác phòng chống dịch tiêu chảy cấp, ông Cầu nói: “Dân ở đây còn lơ là với việc phòng chống dịch tiêu chảy lắm! Nhiều người chỉ nghe ti vi nói thoáng qua dịch thì biết dịch là do mắm tôm với rau sống nên họ chỉ kiêng hai thứ đó, chứ họ đâu có biết là do nhiều yếu tố khác nữa. Cứ tình trạng này, không cẩn thận là dễ mắc dịch lắm!”.
Nhiều người vẫn ăn ngon lành ở những nơi mất vệ sinh an toàn thực phẩm mà không hề lo có dịch tiêu chảy (thị trấn Xốm)
Gặp ông Đỗ Trọng Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Đình Du tại nhà riêng, ông cho biết: Xã đã thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch tiêu chảy cấp từ ngày 2/11, tiến hành phát tờ rơi, tuyên truyền trên loa phát thanh, đẩy mạnh công tác vệ sinh môi trường…
Thế nhưng, thực tế những gì chúng tôi chứng kiến cho thấy người dân và chính quyền xã tỏ ra rất thờ ơ với nguy cơ mắc dịch tiêu chảy. Ngay hồ ao trước mặt nhà ông Kim rác thải được vứt bừa bãi nổi lùng nhùng trên mặt nước đang bốc mùi mà chưa được cho vớt dọn vệ sinh.
Đối diện chợ Đường Cái (xã Đình Du), bên kia đường là xã Trưng Trắc (huyện Văn Lâm). Dọc theo con đường vào Trường Cao đẳng Tài chính – Quản trị doanh nghiệp Hưng Yên, có đến hàng chục quán ăn gồm cả tiết canh cháo lòng vẫn hoạt động bình thường, khách hàng vào ăn uống vẫn rất đông. Ngay gần dãy quán ăn là chợ Cái nằm ven đường, mùi phân gà bốc lên nồng nặc.
Tìm đến UBND xã Trưng Trắc, chúng tôi được một cán bộ xã thông báo: “Thứ 7 các sếp đi học nên có gì đầu tuần anh đến...". Tôi hỏi: "Vậy hôm nay ai trực trong thời điểm có dịch tiêu chảy cấp?" Anh này trả lời đầy "trách nhiệm": “Chống là chống thôi chứ đây đã có dịch đâu mà sợ!”. Ngay trước Uỷ ban xã Trưng Trắc, quán cháo lòng vẫn hoạt động mà không hề bị cấm.
Tại khu công nghiệp phố Nối, nhà ăn các công ty đang chuẩn bị cơm trưa cho cán bộ, công nhân viên. Bất ngờ, có mặt tại nhà ăn của một công ty TNHH (phục vụ cho 3.000 cán bộ, công nhân viên/ngày), PV đã bắt gặp tình trạng thiếu vệ sinh trong công tác phòng chống dịch tiêu chảy tại đây. Thực phẩm rơi vãi xuống sàn bếp, các nhân viên không sử dụng bao tay an toàn vệ sinh khi tiến hành xào nấu, xúc rửa.
Công nhân nấu ăn cho một Cty TNHH tại khu công nghiệp phố Nối (Hưng Yên) không đeo bao tay bảo vệ vệ sinh thực phẩm trong nấu ăn
Điều đáng ngạc nhiên là nhân viên phục vụ nấu ăn tỏ ra rất thờ ơ với công tác phòng chống dịch. Thấy tôi chụp ảnh, một công nhân nấu ăn giải thích: "Đây đã có dịch đâu mà lo!". Ông Ngô Xuân Bình, ca trưởng nhà phục vụ ăn công ty này cũng thản nhiên cho biết: “Huyện Văn Lâm mới thông báo xuống công ty ngày 9 tháng 11 nên chúng tôi mới biết có dịch tiêu chảy, chứ trước đó có biết đâu. Mà huyện Văn Lâm chưa có dịch nên chúng tôi cũng không quan tâm lắm!”.
“Lờn”… với chống dịch
Ngày Chủ nhật (11/11), PV VietNamNet tìm về tỉnh Hà Tây. Tại thị trấn Xốm, thuộc địa phận hai xã Phú Lương và Phú Lãm, Thành phố Hà Đông, hai bên đường và các ngõ ngách được rải vôi bột trắng xoá. Theo thông báo của xã Phú Lương, tất cả các cửa hàng ăn phải tạm dừng phục vụ trong thời gian phòng chống dịch. Nhưng quan sát ven đường, vẫn thấy xung quanh còn có nhiều hàng ăn hoạt động.
Thịt chó mắm tôm vẫn được bày bán tại nhiều quán ở thị trấn Xốm (Hà Tây)
Anh Phạm Văn Quang, một chủ quán phở đã ngừng bán hàng ăn mấy ngày hôm nay phân trần khi trò chuyện với tôi: “Xã thông báo ngừng, chúng tôi không ngừng không được, nhưng ngừng bán rồi thì có bao nhiêu vấn đề phải lo, nào là tiền thuê nhà, tiền thuế, tiền thuê người phụ giúp… Đó là chưa kể đến mất đi lượng khách quen thường xuyên vào ăn rất đông. Chúng tôi thực hiện thông báo nghỉ bán hàng, nhưng chú thấy đấy vẫn còn nhiều quán hàng ăn có chịu nghỉ đâu!”
Bên kia đường là địa phận xã Phú Lãm, các cửa hàng ăn vẫn hoạt động. Các quán thịt chó vào ngày đầu tháng và trong thời chống dịch nên khách đến ăn có phần thưa thớt, nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy người vào mua thịt chó mang về. Vào quán Hồng Hiệp, tôi hỏi bà chủ quán bán cho 25.000 thịt chó.
Sau khi thái thịt xong, bà chủ bốc mấy nhúm rau mơ sống bỏ vào túi. Tôi yêu cầu cho thêm cả mắm tôm, chủ quán cho biết: “Mắm tôm đang trong thời gian dịch tiêu chảy bị cấm nên đợt này chúng tôi không dám bày bán, anh cẩn thận không có thanh tra xã họ mà biết được thì phạt nhà tôi chết!”. Vừa nói, bà chủ quán vừa cầm chai mắm tôm đầy trút vào túi bóng nhỏ rồi nịt dây lại cho cùng vào túi rau sống và thịt chó.
Cụ Nguyễn Thị Thất sau nhiều ngày điều trị vẫn còn rất yếu.
Đi ngược từ khu vực bán thịt chó lại theo hướng ngã ba Ba La khoảng 300 m, là dãy hàng bún phở trước cổng KTX Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật thương mại Hà Tây vẫn bày bán tràn lan. Bất chấp ruồi muỗi bay đậu xung quanh, vẫn có nhiều người tìm vào quán ăn như không có vấn đề gì.
Ngồi trong quán nước trà nóng bên cạnh, thấy tôi phàn nàn về ý thức phòng chống dịch tiêu chảy tại khu vực này còn kém, bà chủ quán đồng tình: “Ý thức phòng chống của người dân còn kém lắm! Ngay như việc đi đường nhiều người biết vượt đèn đỏ là xảy ra tai nạn chết người mà họ còn vẫn vượt, huống hồ là phòng chống dịch tiêu chảy, họ thờ ơ không muốn biết”.
Trường hợp mắc bệnh tiêu chảy xét nghiệm cho kết quả dương tính duy nhất của xã Phú Lãm cho đến thời điểm này là cụ Nguyễn Thị Thất (85 tuổi), ở thôn Thanh Lãm. Vào thăm cụ tại Khoa Chống truyền nhiễm- Bệnh viện tỉnh Hà Tây, thấy cụ vẫn chưa bình phục hẳn, khuôn mặt thẫn thờ, tay chân vẫn run rẩy và nói chậm khó thành tiếng. Một phần là do tuổi già, nhưng có lẽ nếu không bị tiêu chảy thì chắc hẳn cụ phải khoẻ hơn nhiều. Một người thân của cụ cho biết: “Mọi hôm chưa mắc bệnh tiêu chảy cụ vẫn nói cười, đi lại bình thường. Nhưng kể từ ngày mắc bệnh đến nay cụ yếu hẳn và bình phục rất chậm”.
Mặc dù đã có thông báo cấm các hàng ăn hoạt động trong đợt dịch tiêu chảy của xã Phú Lương nhưng vẫn còn nhiều quán hàng ăn bày bán
Về việc tại nhiều địa phương vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm công tác phòng chống dịch bệnh, ông Nguyễn Đức Hiếu, Bí thư Đảng uỷ xã Phú Lãm thừa nhận ý thức chấp hành của người dân địa phương còn rất hạn chế, nên công tác chỉ đạo thực hiện chống dịch của xã chưa được thực hiện triệt để. Ngay trong chiều 11/11, xã tiến hành kiểm tra, đôn đốc và cho dẹp các cơ sở hàng ăn vi phạm an toàn vệ sinh ăn uống.
Nhưng theo ông Hiếu, dù chính quyền có cố gắng thế nào đi chăng nữa, nếu nhận thức của người dân về dịch bệnh chưa cao thì sẽ rất khó thực hiện tốt công tác phòng dịch.
-
Vũ Điệp
Ý kiến của bạn?