221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1020478
Những vệt sao sa phố đêm Sài Gòn
1
Article
null
Những vệt sao sa phố đêm Sài Gòn
,

(VietNamNet) - Họ từ các vùng quê phía Bắc vào TP. HCM tìm kế sinh nhai bằng nghề bán bắp (ngô) luộc, khoai nướng... trên những chiếc xe ba gác tự chế, cuộc sống lấy đêm làm ngày. Nơi trú ngụ của họ được gọi bằng những cái tên đầy tâm trạng: làng “Bắp Luộc”, xóm “Khoai Nướng”... Sự có mặt của họ đã và đang làm cho bức tranh đô thị thêm nhiều gam màu, cả sáng và tối...  

Đêm "vi hành" cùng dân "làng bắp luộc" 

Hai anh em Thắng, Mạnh đang “hành nghề”

Hai anh em Thắng, Mạnh đang “hành nghề” Ảnh: Sơn Tùng Phan

Khi kim đồng hồ bắt đầu dịch sang một ngày mới, tôi mới trở về nhà. Phố phường im lìm, vắng vẻ. Đến ngã tư đường 3-2, Lý Thường Kiệt, phía bên kia lề đường vọng lại tiếng gọi: "Thưởng thức củ khoai nướng cho ấm bụng đi anh".

Hai chàng trai trạc 25 tuổi, vừa đẩy hai chiếc xe ba bánh tự chế chở khoai lang, bắp, nồi niêu..., vừa quạt lửa nướng khoai. Tôi dắt xe đi cùng. “Khoai nướng, bắp nướng đ...â...y...”. Tiếng rao rất khẽ kèm tiếng gõ lách cách vào cái cọc tre đánh thức thú vui ăn đêm của không ít người.  

Giữa phố đêm, vào thời khắc cuối năm, mưa bụi se sắt, mùi khoai, bắp nướng dậy lên trên bếp than hồng quyện cùng mùi hành phi mỡ thật ấm áp và hấp dẫn. Tôi vừa trò chuyện với hai người bạn đường. Đó là hai anh em. Anh tên Nguyễn Văn Thắng, còn em là Nguyễn Văn Mạnh, quê ở huyện Lý Nhân, Hà Nam.  

Thắng kể: Tốt nghiệp CĐ Cơ khí ngành điện dân dụng, năm 2001 Thắng vào TP.HCM tìm việc làm. Sau hơn 2 năm trầy trật, thu nhập từ nghề mắc điện thuê không đủ lo cuộc sống hàng ngày và trả tiền nhà trọ. Định quay về quê thì Thắng được mấy người đồng hương rủ đi bán bắp luộc, khoai nướng. Thắng gia nhập vào “làng bắp luộc” ở khu Bà Quẹo, quận Tân Phú.

Thắng bảo, làm nghề này không phụ thuộc thời gian. Bao giờ bán hết hàng mới thôi. Gặp hôm trời mưa gió như thế này thì thức thông tầm đến sáng là chuyện bình thường. Điểm bán hàng lý tưởng nhất từ nửa đêm về sáng là tại các khu chợ đêm, khu ẩm thực về đêm. Tính trung bình mỗi tháng, trừ hết mọi khoản chi phí, Thắng tiết kiệm được khoảng 500.000 – 600.000 đồng. Rồi năm ngoái, Thắng về quê đem theo đứa em vào cùng làm ăn... 

Bất trắc khó lường  

Dọc đường bộ hành, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp người quen của hai anh em Thắng, Mạnh. Họ hỏi thăm nhau vài câu về kết quả làm ăn trong ngày rồi lại tất tả đẩy xe đi. Đến ngã tư đường Nguyễn Thị Minh Khai – Hùng Vương, Thắng kéo Mạnh dừng lại, thọc tay vào thùng xe nắm lấy đầu cây gậy gỗ. Tôi nhìn theo Thắng. Phía trên vỉa hè, 3 thanh niên bụi bặm lảo đảo đi về phía chúng tôi. 

 -  “Ê! Tặng nhau mấy củ khoai đi, người anh em” - một gã trong bọn lên tiếng. Thắng bảo Mạnh lấy 3 củ khoai nóng hổi bỏ vào bịch ni lông đưa cho gã vừa nói. Gã này thò tay lấy ra hai củ để lên bếp than, đổi lấy hai củ khác to hơn rồi bỏ đi, ném lại tiếng cười nhăn nhở. Thắng lắc đầu: “Đêm nào cũng mất vài ký cho những bọn như thế này. Chúng là dân lang thang, nhiều thằng nghiện hút. Nó xin là phải cho”. 

"Có lúc nào bị chúng trấn lột tiền không? – Tôi hỏi. "Nhiều lắm, nhưng nếu bị trấn lột tiền thì phải “chiến đấu” đến cùng, Thắng nói rồi chỉ tay vào cây gậy ở thùng xe. Thông thường tụi nó chỉ trấn lột phụ nữ hoặc người đi bán lẻ. Còn như hôm nay, chúng chỉ xin khoai thôi".

Thắng kể, chị Hoa, người hàng xóm với Thắng vào dịp cận Tết năm ngoái bị mất sạch. Bữa đó chị sắp về quê nên gom hết tiền giấu trong người. Chẳng ngờ trong một lần đi bán, chị bị một nhóm thanh niên nghiện ma túy lột ra lấy sạch. Chúng định giở trò đồi bại nhưng may có người đi đường phát hiện nên chị mới thoát. Bây giờ chị Hoa không dám đi lẻ nữa mà toàn bán ở các khu chợ.

Đến ngã rẽ về nhà, tôi chia tay hai anh em và hẹn sẽ đến thăm "làng bắp luộc”.  

Nhọc nhằn kế sinh nhai... 

"Làng bắp luộc” nằm trong một con hẻm sâu hun hút, tối tăm, sát mép một dòng kênh đen ở khu Bà Quẹo. Đó là hai dãy nhà cấp bốn quay mặt vào nhau, mỗi căn phòng rộng chừng vài chục mét vuông, mỗi phòng ở từ 6-8 người. Dân số của “làng” dao động theo mùa. Thời điểm tôi đến, ở đây có gần 40 người, đủ các thành phần: Thanh niên học hết PTTH, bộ đội xuất ngũ, những nông dân đã luống tuổi... Có người làm hết năm này qua năm khác. Cũng có trường hợp chỉ tranh thủ lúc mùa màng nông nhàn kiếm thêm thu nhập.   

Chuẩn bị cho một đêm rong ruổi...Ảnh: Tùng Sơn Phạm

Chuẩn bị cho một đêm rong ruổi...Ảnh: Sơn Tùng Phan

Buổi sáng mỗi ngày, cả làng ra huyện ngoại thành Củ Chi mua bắp, khoai của nhà nông đem về rửa sạch. Cuối buổi chiều quạt than và bắt đầu rong ruổi khắp các hang cùng ngõ hẻm ở nội thành đi bán rong. Mùa này chủ yếu là khoai lang. Ra giêng, trở đi thì mặt hàng chủ lực là bắp. Với những người như anh em Thắng, Mạnh cuộc sống có vẻ đơn giản hơn.

Những người có gia đình riêng thì phức tạp hơn nhiều. Vợ chồng anh chị Sơn – Hà là một ví dụ. Năm 1999 Sơn cưới Hà. Sống với nhau được vài tháng thì Sơn theo người quen vào Nam làm ăn. Do chưa quen nên làm quần quật một năm trời nhưng được đồng nào xào đồng đó, Tết đến không có tiền về quê. Chị Hà nghi anh Sơn có “bồ” nên tìm đường vào “làm cho ra nhẽ”. Hiểu rõ sự tình, hai vợ chồng ôm nhau nước mắt giàn giụa. Chị ở lại đi làm ăn với anh.

Họ thuê một căn phòng giá 450.000 đồng/tháng. Chị nuôi con, anh đi làm. Phải chắt chiu lắm mới đủ. Về sau, không có điều kiện đưa con đi nhà trẻ, chị Hà làm cho con một chiếc ghế ngồi trên xe rồi mang theo con mỗi khi đi làm ăn. “Bây giờ cháu sắp đến tuổi đi học. Tụi em đang lo không biết nên thế nào” – chị Hà nói. 

Không chỉ ở khu Bà Quẹo, ở các quận: Gò Vấp, Phú Tân, Thủ Đức, quận 9... cũng có nhiều “làng” như vậy. Bên cạnh những người tập hợp lại thuê nhà ở tập trung, còn một bộ phận lớn ở lẻ tẻ. Họ chọn những khu nhà trọ “bèo” nhất ở các quận ngoại thành cho rẻ tiền. Làm nghề này phải có sức khỏe tốt. Nếu chẳng may bị ốm một trận phải nằm viện là coi như trắng tay. Có nhiều gia đình sau mấy năm bám trụ đất thành phố phải dắt díu nhau về quê vì đau ốm, không đủ khả năng nằm viện. Có trường hợp làm ăn khấm khá đâu chẳng thấy, lại vướng vào nghiện ngập, thân tàn ma dại... 

Hun hút đường dài... 

Vui vẻ thêm 6  tháng nữa, được ngày nào hay ngày đó...Ảnh: Tủng Sơn Phan
Vui vẻ thêm 6  tháng nữa, được ngày nào hay ngày đó...Ảnh: Sơn Tùng Phan
Chưa có số liệu thống kê chính thức lượng người từ phía Bắc vào TP.HCM làm nghề bán hàng rong, song con số này là không hề nhỏ. Về mặt quản lý xã hội, sự gia tăng của lực lượng này là một trong những tác nhân gây khó khăn cho công tác quản lý nhân khẩu, đảm bảo an ninh trật tự đô thị. Chỉ riêng số lượng xe ba gác tự chế của họ đã là cả một vấn đề khó giải quyết, nhất là giai đoạn hiện nay.

Gánh nặng dân số của thành phố vốn đã quá tải lại càng thêm quá tải. Khi sự chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn càng lớn thì sự quá tải của dân số đô thị càng cao. Đó là bài toán của thời đại mà không dễ tìm lời giải trong ngày một ngày hai. 

TP.HCM đã và đang xúc tiến nhiều chương trình hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống người nghèo, trọng tâm là chương trình nhà ở cho người thu nhập thấp. Tuy nhiên, người nhập cư, tạm trú bán hàng rong không thuộc đối tượng này. 

Ai cũng biết, với một đô thị văn minh, không ai muốn xuất hiện những hình ảnh nhếch nhác của đội ngũ những người bán hàng rong, xe ba gác tự chế..., nhưng bức tranh phố phường cũng sẽ thật đơn điệu nếu vắng đi tiếng rao, tiếng gõ “lốc... cốc”, “lách... cách” của những người bán hủ tíu dạo, bán bắp luộc, khoai nướng... hằng đêm... 

Trong một lần trò chuyện với tôi, nhà văn, nhà Nam bộ học Sơn Nam nói: “Cái đẹp của Sài Gòn xưa nay là sự hòa quyện giữa vẻ hào nhoáng, sang trọng với cái sâu lắng, giản dị. Những ánh lửa le lói từ cái bếp than hồng của người bán hàng rong không chỉ làm cho đêm Sài Gòn nồng nàn chất thơ, mà nó còn thức dậy trong tâm khảm con người đô thị biết bao điều về nhân tình, ân nghĩa...”.

Trước khi bài báo này lên trang, tôi gặp người của "làng bắp luộc” thông báo tin vui: UBND TP.HCM vừa gia hạn lưu thông xe tự chế thêm 6 tháng nữa. Chị Trần Thị Kim Hoàn (quê Quốc Oai - Hà Tây), một trong những người có thâm niên làm nghề bán bắp luộc, khoai nướng thuộc hàng lâu nhất ở đây nhoẻn miệng cười một cách khó khăn: "Sử dụng “cần câu cơm” được thêm 6 tháng đúng là một niềm vui của chúng tôi, nhất là trong mùa làm ăn cận Tết, nhưng sau đó thì chưa biết phải tính thế nào. Làm cái nghề này không thể sử dụng xe đạp, còn gồng gánh thì cực lắm..."  

Giữa trời đêm Sài Gòn se lạnh và vắng vẻ, những ánh lửa từ bếp than hồng chẳng khác gì những vệt sao sa trên đường phố... Và tương lai của cái nghề này cũng như những vệt sao kia, chỉ le lói được một thời gian ngắn nữa rồi chưa biết sẽ ra sao, khi mà qui định cấm lưu thông xe tự chế chính thức có hiệu lực... 

  • Sơn Tùng Phan

       Ý kiến của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,