221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1020708
Bỏ hàng rong, khốn đốn chuyện mưu sinh
1
Article
null
Hàng rong đối diện nguy cơ bị xóa sổ - Kỳ 1:
Bỏ hàng rong, khốn đốn chuyện mưu sinh
,

(VietNamNet) - Một nhà văn hóa đã từng nói, văn hóa ẩm thực Hà Nội là văn hóa vỉa hè. Nhiều du khách nước ngoài sang Việt Nam cũng ấn tượng với một nét chấm phá của Hà thành đó là "văn hóa hàng rong". Nhưng nét chấm phá này đang có nguy cơ bị xóa sổ bởi TP.Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo cấm bán hàng rong.

“Chúng tôi biết làm gì để kiếm sống?!”

Tại đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân - ngay trước chợ Phùng Khoang ngày nào cũng có một dãy xe đạp khoảng hơn chục chiếc chất đầy hoa, quả đứng bán ven lòng đường. Những người bán hàng đều tỏ ra thờ ơ như không biết gì về việc sắp bị cấm bán rong trên hè phố. Nhận thông tin về việc hàng rong sẽ bị cấm bán, một chị tên Hương thốt lên: “Chúng tôi có biết gì đâu! Nhưng cấm thế nào được. Cấm chỗ này chúng tôi lại chạy đi nơi khác bán, hôm nào chúng tôi chẳng bị công an lùa chạy. Chúng tôi biết là có gây cản trở giao thông đô thị một chút nhưng chỉ vì nghèo khó nên chúng tôi phải bám phố, bám đường thôi chứ chúng tôi có đi ăn cắp, ăn trộm đâu mà sợ!?” 

Hầu hết những người bán hàng rong là dân nghèo thành thị hoặc nông thôn từ tỉnh lẻ lên Hà thành kiếm sống.

h

Những người bán rong trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân- Hà Nội)

Khi nghe nói Hà Nội sẽ có chủ trương cấm triệt để những hàng quán bán rong và hàng ăn trên hè phố thì nhiều người rất lo lắng về cuộc sống mưu sinh của gia đình mình. Chị Phạm Thị Phương (Hà Nam), bán hoa tươi trên tuyến đường này bảo rằng, nếu bị cấm bán thì nhà chị chết đói mất! Nhà có 4 sào ruộng, quanh năm thu hoạch được chẳng đáng là bao. Anh chị lại phải nuôi con ăn học nên cả hai vợ chồng làm đồng xong là lên Hà Nội đi bán hàng rong để kiếm sống.

Dù không kiếm được nhiều, nhưng mỗi ngày gia đình chị cũng kiếm được 70-80 nghìn đồng, có nguồn thu nhập để trang trải cho cuộc sống gia đình. "Bây giờ bảo cấm triệt để thì chúng tôi biết làm gì để kiếm sống đây?” - Chị Phương thảng thốt.

Vợ chồng anh Đỗ Văn Vây và chị Đỗ Thị Minh (Khoái Châu - Hưng Yên) có hai đứa con nhưng chỉ được 2 sào ruộng do diện tích đất ruộng bị thu hẹp để xây dựng KCN. Hàng năm, anh chị chỉ thu hoạch được 6 tạ thóc nên cứ thu hoạch mùa xong là lại gửi con cho ông bà ngoại, rồi lên Hà Nội thuê nhà ở, đi bán hàng rong. Anh Vây bức xúc: “Cấm để dân nghèo như chúng tôi chết đói cả à! Hàng nghìn dân nghèo của cả cái huyện Khoái Châu (Hưng Yên) chúng tôi lên đây đi bán hàng rong để kiếm sống, bây giờ mà cấm thì chúng tôi phải làm gì đây? Về quê xin vào khu công nghiệp làm thì không xin được vì không phải con cha cháu ông, mà nếu có được lương chỉ 500- 700 nghìn đồng/ tháng, trong khi giá cả cái gì cũng đắt đỏ thì chúng tôi đủ sống thế nào được!”

Khuôn mặt buồn rầu, anh Vây than vãn thêm: “Thu nhập không có, trong khi hai đứa con đang tuổi ăn, tuổi học nên hàng tháng vợ chồng tôi phải tích cóp gửi về quê từ 800 - 1 triệu đồng để bà ngoại nuôi 2 cháu ăn học. Bây giờ nếu bị cấm bán hàng rong trên phố thì không biết chúng tôi phải tìm việc gì để làm nữa!?”

Dọc vỉa hè đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân), từ cầu Mới đến Ngã Tư Sở, vào lúc 16h hàng ngày có đến hàng chục người bày bán bánh mỳ trên hè phố. Đa số họ đều là những người dân nghèo không có thu nhập ổn định ở Hà Nội. Khi nghe sắp có quyết định cấm bán hàng rong trên vỉa hè của thành phố, đa số người dân đã phản ứng quyết liệt.

f
Anh Đỗ Văn Vây vẫn tin sẽ không có lệnh cấm bán hàng rong, hàng ăn trên hè phố
Bà Lê Thị Thanh (55 tuổi) là công nhân về hưu của Nhà máy giày Thượng Đình, hàng tháng bà được hưởng mức lương hưu 940.000 đồng. Nhưng do giá cả leo thang, bà lại phải nuôi một cô con gái đang học ĐH nên hàng ngày bà thức đêm dậy sớm đi bán bánh mỳ kiếm thêm đồng ra đồng vào, đủ chi tiêu cho 2 mẹ con.

“Thịt lợn 5.500 đồng lạng, tiền điện, tiền nước tăng… lại phải nuôi con ăn học đại học một mình (do chồng bà chết đã 10 năm nay), trong khi chỉ có 940.000 đồng tiền lương hưu, thử hỏi hai mẹ con tôi sống thế nào được nếu không đi bán bánh mỳ đây. Nhà nước phải hiểu cho hoàn cảnh khó khăn của những người dân nghèo như chúng tôi chứ!” - Bà nói.

Người dân thành thị nghèo dẫu sao cũng có nhà có cửa, nếu quyết định cấm bán hàng rong được thực thi, đối diện với khốn khó sẽ là những người từ các tỉnh xa về Hà Nội làm ăn. Chị Lê Thị Khuyên lặn lội từ Thanh Hoá ra thủ đô kiếm sống. Hàng ngày, cứ vào chập choạng tối chị lại đem xôi đến trước vỉa hè trường ĐH Thương mại HN bán cho sinh viên học buổi tối để nuôi con gái đang học ĐH Sư phạm Ngoại ngữ HN. Chị than thở: "Nhà nghèo, lại đông con, khi con gái đậu ĐH là chị theo con ra Hà Nội bán xôi để nuôi con ăn học. Hàng ngày bán xôi chị cũng kiếm được từ 40-50.000 đồng gọi là tạm đủ chị phí cho hai mẹ con thuê nhà trọ sống tạm bợ.

Như bao người khác, chị không giấu nổi lo lắng: “Có thật là cấm quyết liệt bán rong trên hè phố không chú? Nếu cấm vậy thì tôi biết làm gì để có tiền nuôi con ăn học bây giờ! Cứ đà này tôi lại về quê đi làm gạch thuê để kiếm từ 20 đến 25.000 đồng/ ngày thôi!”

Nếu cấm thì vẫn phải thi hành!

Với những người bán rong di động đã đành, nhưng những người bán quán ăn trên hè phố cũng đang “hồi hộp” chờ quyết định chính thức từ phía TP. Hà Nội. Họ biết, cấm bán hàng hàng ăn trên hè phố đồng nghĩa với việc gặp khó khăn trong tạo công ăn việc làm và thu nhập cho bản thân và gia đình. Nhưng họ đều tỏ thái độ chấp hành nghiêm túc nếu “chẳng may” quyết định cấm được đưa ra.

n

Cảnh bán hàng ăn trên vĩa hè như thế này sẽ bị xoá bỏ?

Bà Vũ Thị Sáu, 59 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội) bán bỏng ngô trên hè phố đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy) đã từ lâu. Ông bà tuổi già, các con đã lớn và có gia đình nhưng đều nghèo khó nên hàng ngày bà vẫn phải đi bán bỏng để có thêm khoản thu nhập từ 30- 40.000 đồng trang trải cho cuộc sống của hai vợ chồng già. Nếu có quyết định cấm bán hàng ăn trên hè phố thì cuộc sống của hai ông bà sẽ gặp rất nhiều khó khăn. 

Bà Sáu bảo, nếu quyết định được ban hành thì bà đành phải bỏ cái “nghề” bán nổ này. "Chủ trương của Nhà nước đưa ra thì mình phải thi hành. Nhưng chỉ mong sao Nhà nước xem xét thấu đáo và nghĩ cho người dân khốn khổ như chúng tôi, bởi thực sự cuộc sống của chúng tôi có quá nhiều khó khăn khi lâm vào cảnh không có việc làm. Bản thân tôi nếu không đi bán bỏng ngô cũng chưa biết phải làm gì để kiếm sống!”.

Chúng tôi gặp vợ chồng ông Nguyễn Tuân và bà Nguyễn Thị Thuỷ (Láng Hạ, Hà Nội), bán bánh khoai trên vỉa hè đường Láng Hạ. Mặc dù cuộc sống gia đình ông bà trong những ngày này đều trông chờ vào hàng bánh khoai, nhưng khi nghe nói về chủ trương cấm bán hàng ăn trên hè phố, ông Tuân cũng thẳng thắn bộc bạch: “Nhà tôi hai con đang đi học, bà nhà tôi thần kinh lại không ổn định nên tất cả đều trông chờ vào quán bánh khoai ngoài hè phố này. Nhưng nếu thành phố cấm thì nhà tôi sẳn sàng chấp hành thôi, cũng như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm ấy! Nếu có lợi thì sẽ được dân hưởng ứng thôi.”

Dọc theo đường Chùa Hà (Cầu Giấy) có đến hàng chục quán ăn bày bán, khách ngồi ăn đông đúc chiếm hết cả vỉa hè. Chị Nguyễn Bích Thuỷ, một chủ quán buồn rầu: “Nếu có chủ trương thì nhà tôi phải chấp hành thôi! Nhưng thật sự nếu quán ăn ngừng hoạt động thì ít nhất nhà tôi có đến 12 lao động lâm vào cảnh không có việc làm. Tôi nghĩ Nhà nước chỉ nên cấm vào các giờ cụ thể, còn sáng mai và tối nên để cho chúng tôi được hoạt động vì vào giờ này có rất nhiều người vào ăn, nên nếu vào bên trong nhà thì không thể phục vụ hết được khách đến ăn.”

Tại quán ăn Phi Hùng, 153 đường Nguyễn Chí Thanh, quán chỉ rộng khoảng 7- 9m2, vào buổi chập tối chủ quán đang cùng nhân viên phục vụ xếp bàn ghế ra vỉa hè chuẩn bị bán hàng. Chủ quán thẳng thắn trả lời: “Chưa thấy cấm, nếu cấm thì chúng tôi cho dẹp ngay thôi, chủ trương của thành phố nói sao thì chúng tôi thực hiện vậy!”

Đa số người dân đều tỏ thái độ chấp hành, nhưng nếu dự thảo này được các ban ngành thành phố thông qua thì sẽ có hàng chục nghìn người đối diện với sự bấp bênh của cuộc sống.   

  • Vũ Điệp
     
    Ý kiến của bạn?
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,