221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1027500
Kỳ 3: Câu chuyện của một lão đồng chí trung kiên
1
Article
null
Ông Mười Khôi, một đại anh hùng:
Kỳ 3: Câu chuyện của một lão đồng chí trung kiên
,

“Dân ở đây bị bắt 100%, ai cũng bị bắt đôi ba lần mà chưa hề có ai khai báo, trừ một cậu học sinh bị tra tấn dã man quá không chịu nổi nên chỉ lung tung, nhưng cũng không chỉ trúng, anh ta bị chúng nó cho chó xé nát bét người, lòi cả xương ra...”.

>> Ông Mười Khôi, một đại anh hùng - Kỳ 2
>>Giọt nước mắt ông cựu Ủy viên Bộ Chính trị

Ông Nguyễn Văn Đài, 81 tuổi, một lão đồng chí ở xã Điện Tiến (huyện Điện Bàn) từng vào sinh ra tử với ông Mười Khôi đã nói như vậy với chúng tôi. Điện Tiến bây giờ đường tráng nhựa ô tô chạy bon bon. Trong chiến tranh, xã có mấy ngàn dân mà có đến 1.360 liệt sĩ, 160 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 3 anh hùng lực lượng vũ trang. Còn dân bị giết hại thì không biết bao nhiêu mà kể.

Ông Nguyễn Văn Nhứt
Ông Nguyễn Văn Nhứt
Ông Nguyễn Văn Đài hồi đó làm bí thư phụ trách 3 xã, xây dựng và bảo vệ căn cứ của Tỉnh ủy ở đây. Chiến tranh làm ông mất một mắt và thương tích đầy mình, sau này ông làm cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho đến khi nghỉ hưu trở về quê sinh sống.

Đến giờ ông Đài vẫn còn ấm ức: "Cán bộ đảng viên ở đây 100% bị bắt, bị tù, bị tra tấn giết hại, nhưng không ai khai báo bất cứ điều gì. Điều 14C, mình thì cứ nghiêm chỉnh thi hành, còn nó thì không".

Những năm 56, 57, ác liệt quá, Tỉnh ủy triệu tập họp, ông cũng lên. Ông kể: "Lên đó nướng sắn ăn, rồi kiến nghị: cho đánh, khử ác ôn ! Ông Phan Tốn bảo: Đồng chí hiếu chiến! Anh em tôi nói với nhau: Như vậy thì liệng súng đi, mang làm gì cho nặng".

Anh ruột ông Đài là ông Nguyễn Văn Nhứt nói chen vào: "Ổng mà đồng ý, một đêm tui làm hết trơn tụi nó. Mang súng nặng mà không để làm gì, như ông Cao Sơn Pháo đó...". Ông Nhứt hồi đó chuẩn bị đi tập kết, ông Mười Khôi bảo ở lại, ông ở lại làm bảo vệ, che chở ông Mười.

Ông Nhứt bảo: "Ổng ở đây 3 năm, sau bị nó phát hiện phải dời cơ quan lên núi, nhưng vẫn đi lên đi xuống luôn". Ông Đài bị bắt 3 lần, còn ông Nhứt thì ở tù 5 năm.

Ông Nguyễn Văn Nhứt năm nay 90 tuổi mà hồn nhiên như một đứa trẻ, ông nói chuyện máu xương mấy chục năm trước như kể một trận bóng đá mới xảy ra hôm qua. Hằng ngày ông vẫn làm việc nặng nhọc thật sự của một nông dân, càng làm ông càng khỏe, lúc nào không làm ông thấy nhức mỏi.

Trong tập sách truyền thống của huyện Điện Bàn có đăng một tấm hình của ông kèm theo mấy dòng chữ: "Là cơ sở nòng cốt của cách mạng suốt hai cuộc kháng chiến, bị địch bắt tra tấn bằng nhiều hình thức ghê sợ, chúng đóng đinh vào người ông và đóng kim vào đầu 10 ngón tay, đốt cháy vùng bụng, ông vẫn một lòng kiên trung không khai báo cho địch".

Ông tươi cười kể với chúng tôi: "Tôi bị chúng bắt, tra tấn suốt 5 năm. Chúng đóng đinh ghim vào 10 ngón tay tôi, đóng một đoạn thôi, rồi cài vào mỗi cây đinh một cái lông gà, sau đó chúng bật quạt máy thổi vào những cái lông gà đó. Đóng đinh vào một lần đã đau đứt ruột đứt gan rồi, cho quạt thổi rung 10 cái đinh đó lên tôi không tài nào chịu xiết. Tức quá, tôi lấy hết sức đập 10 đầu ngón tay xuống bàn cái phập, 10 cây đinh lút hết vào, để đau một lần thôi. Về phòng giam, 10 ngón tay sưng vù lên, vừa đau đớn vừa sốt cao, tôi dùng răng rút từng cái đinh ra...".

Ông Nhứt nói tiếp, ông kể một chuyện kinh khủng hơn mà mặt vẫn cười tươi như không: "Lần khác, chúng lấy một cây sắt, đút vào đầu dương vật tôi, rồi quay tít, đau không thể tả. Tôi không khai, chúng lại quay tiếp. Về lại phòng giam, càng ngày dương vật càng sưng vù lên, ứ máu ứ mủ, đau đớn triền miên. Anh em trong tù thương quá, có người lấy miệng hút ra, máu mủ đông đặc thành một dây dài...".

Có lúc ông bị tra tấn đến chết, chúng vứt xác ông ra ngoài, có người phát hiện ông vẫn còn thoi thóp, lại đưa vào để tỉnh dậy tra tấn tiếp. 5 năm ông không khai một lời, chúng mới thả ông ra. "Khai làm răng được, thà mình chết thì thôi chứ khai thì còn chi mấy ổng".

Đầu não của cách mạng, các vị lãnh đạo khu ủy, tỉnh ủy đều từng trú trong những hầm bí mật ở đây. Các đảng viên ở lại sống công khai theo Hiệp định Genève và toàn dân đều bị bắt, bị giết hại, bị khủng bố, bị tra tấn, nhưng đầu não của cách mạng thì không. Là bởi lòng dân như thế đó, mà ông Nhứt là một trong những biểu tượng.

Những người như ông ở đây, ở khu 5, ở miền Nam này nhiều lắm. Ra tù, ông Nhứt được đưa đi thoát ly lên núi, âm thầm làm những công việc hậu cần ở căn cứ cho đến khi giải phóng, ông vui vẻ về quê làm nông cho đến bây giờ.

Ông Nhứt là chứng nhân sống của một thời kỳ. Ngày nay chúng ta nói phải xóa bỏ hận thù, gác lại quá khứ để hội nhập, để hòa bình phát triển. Thì đó, như ông Nhứt và những người như ông Nhứt giờ có căm ghét ai đâu, có kể lể tính sổ tính công gì đâu. Họ có thù cần phải trả, nhưng họ đã xóa bỏ hận thù từ lâu, một cách tự nhiên từ 32 năm trước, từ ngày đầu tiên hòa bình.

Nhưng không ai được quyền quên họ. Họ phải được vinh danh, sự kiên trung bất khuất của họ phải được lưu truyền. Lưu truyền để các thế hệ người Việt Nam nhớ rằng nhân dân ta không gây hấn với ai, không thù ghét ai, nhưng ai mà xâm phạm đến đất nước này là không thể được, là dân này sẽ chiến đấu đến giọt máu cuối cùng. Lưu truyền để những người cộng sản bây giờ nhớ rằng Đảng này đã từng sống trong lòng dân như vậy, nhớ để biết phải sống và làm việc như thế nào mới xứng đáng được dân tin, dân yêu, dân liều chết bảo vệ mình.

Trở lại chuyện ông Mười Khôi. Trong sổ tay của ông còn ghi lại, năm 1956, căng thẳng đến mức không chịu nổi, ông lên khu ủy "xin một ít súng và xin cho diệt một số bọn phản động ác ôn từ xã lên tỉnh". Nhưng Khu ủy cũng không đồng ý. Khu "không cho làm bọn ở dưới mà chỉ cho diệt bọn ác ôn từ huyện trở lên". Vấn đề là bộ máy đàn áp của địch được giăng khắp thôn xã, cái chính là phải diệt bọn “ở dưới” này. Không cho diệt bọn này thì làm sao có thể diệt bọn ở trên được. “Cho” như vậy cũng bằng không. Có lẽ Khu biết chắc là không làm được, nên không sợ vi phạm chủ trương của Đảng.

Ông Mười Khôi viết: "Về tỉnh, bàn nhau trong Thường vụ thành lập Đội bảo vệ đặc biệt gồm 5 đồng chí, do đồng chí Đào Ngọc Chua -Huyện đội trưởng Hòa Vang cũ làm đội trưởng, đồng chí Thoại  - Huyện đội phó Điện Bàn và một số đồng chí đặc công để ở lại làm nhiệm vụ. Nhưng trên nửa năm đội này diệt không được gì hết nên đành phải giải tán".

Lúc đó lực lượng Quốc Dân Đảng cũng tranh thủ đục nước béo cò, phối hợp với chính quyền Ngô Đình Diệm tiến hành khủng bố những người kháng chiến cũ, điển hình là vụ bắt 42 cán bộ của ta cắt tai xẻo mũi bỏ bao tời dìm đập Vĩnh Trinh. Nhưng bọn Quốc Dân Đảng lại mâu thuẫn với chính quyền Ngô Đình Diệm.

Ông Mười Khôi viết: "Ta nhân cơ hội này xui Diệm chống Quốc Dân Đảng và xui Quốc Dân Đảng chống Diệm, khiến chúng đánh nhau để ngư ông đắc lợi". Nhưng không ăn thua, vì sau đó Quốc Dân Đảng đầu hàng Ngô Đình Diệm bằng "hiệp ước Phước Long". Địch tăng cường khủng bố ác liệt hơn, "coi như cách mạng không có đường ra".

Ông Mười Khôi lại kiến nghị cho diệt ác, với lý lẽ: bọn chúng cai trị nhân dân miền Nam ác nghiệt, nên nhân dân miền Nam nổi dậy chống lại, chống lại thì phải có vũ trang để hỗ trợ, làm vậy không có hại gì cho việc thi hành Hiệp định cả. Nhưng cấp trên vẫn không nghe.

Mãi cho đến khi ông Mười Khôi đi theo ông Võ Chí Công vượt Trường Sơn ra Hà Nội...

"Những năm tháng Ba chúng tôi thoát ly hoạt động cách mạng, vì nhiệm vụ và hoàn cảnh công tác, Ba chúng tôi ít ghé qua nhà, khi về hưu chung sống với gia đình, chẳng bao giờ chúng tôi nghe ông nói về mình hay đòi hỏi gì ở Đảng, Nhà nước cho cá nhân ông.

Chúng tôi chỉ được nghe các Chú, các Bác những người đồng chí cùng thời với ông kể lại. Sau cách mạng tháng 8-1945 thành công, Đảng bộ lâm thời huyện Điện Bàn cử ông làm Bí thư, ông xin Đảng làm một cán bộ với lý do ít học đề nghị Đảng cử đồng chí khác có học nhiều hơn làm Bí thư sẽ có lợi cho Đảng, cho dân.

Năm 1957, vì quá thiếu thốn, gian khổ ở chiến trường, răng ông đau như muốn rụng hết, ông được theo bác Năm Công ra báo cáo tình hình với Trung ương và chữa bệnh. Được chữa bệnh ở miền Bắc răng đỡ đau, song quyết tâm về lại chiến trường, ông đề nghị thầy thuốc nhổ cả hai hàm răng trong vòng chưa đầy một tháng để làm lại hai bộ răng giả khi về lại chiến trường đỡ vất vả.

Mẹ tôi có lần kể lại cho chúng tôi nghe, trong kháng chiến chống Pháp có lần cơ quan cấp cho Ba chúng tôi thêm mấy chục lon gạo để đem về góp vào cùng mẹ nuôi các con, trên đường về ghé thăm nhà bác Tú ở Hoà Vang thấy gia đình bác quá khổ nên Ba con đã cho hết số gạo đó rồi về nói lại để Mẹ tôi biết...".

(Phát biểu của ông Phạm Chí Hoà, Uỷ viên UBKT Trung ương, con trai của ông Mười Khôi tại buổi lễ trao tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang" cho ông Mười Khôi)

  • Theo Hoàng Hải Vân (Thanh Niên)
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,