Bác Hồ hỏi: "Các chú đã thông Nghị quyết Trung ương chưa?". Ông Mười Khôi: "Xin thật tâm báo cáo với lãnh tụ là chưa thông".
>> Kỳ 3: Câu chuyện của một lão đồng chí trung kiên Nhân dân Kiến Phong (Quảng Trị) biểu tình đòi hủy bỏ luật 10/59 của chính quyền Ngô Đình Diệm (Nguồn: Bảo tàng cách mạng Việt Nam)
>> Kỳ 2: Ông Mười Khôi, một đại anh hùng
>> Kỳ 1: Những giọt nước mắt của ông cựu Ủy viên Bộ Chính trị
Để hiểu rõ hơn những sự kiện đang đề cập, cần nói qua về bối cảnh quân sự - chính trị ở miền Nam lúc đó. Trong khi chúng ta tập kết quân ra Bắc thì quân đội Pháp và quân đội tay sai người Việt cũng rút về phía Nam.
Theo thỏa thuận với Mỹ, Chính phủ Pháp rút hết quân Pháp về nước, giao đội quân tay sai lại cho Ngô Đình Diệm tổ chức lại thành "quân đội quốc gia" do Mỹ trang bị và huấn luyện. Đội ngũ chỉ huy đầu tiên của "quân đội quốc gia" được đề bạt không ai khác là các sĩ quan, hạ sĩ quan quân đội tay sai của Pháp được Mỹ gấp rút đưa sang Mỹ tu nghiệp, gồm 4 tướng, 20 đại tá, 60 trung tá, 56.000 sĩ quan khác và 27.000 hạ sĩ quan.
Đến tháng 6.1956, Chính quyền Ngô Đình Diệm hoàn tất việc xây dựng quân đội theo kế hoạch gồm 155.000 quân chính quy hải lục không quân và 60.000 quân "bảo an đoàn".
Lực lượng công an cảnh sát được rải khắp từ tỉnh đến thôn, xã, cứ khoảng 1.000 dân có 1 công an. Ngoài ra, lực lượng "dân vệ" được tổ chức cứ 12.000 dân có một đội 20-25 người. Đó là chưa kể hiến binh quân đội và lực lượng "dân vệ đoàn công dân vụ" (số liệu lấy từ tổng kết của Bộ tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn năm 1956, dẫn từ sách Cuộc đồng khởi kỳ diệu ở miền Nam, NXB Đà Nẵng, 2006).
Tổng cộng bộ máy đàn áp gồm lực lượng vũ trang và bán vũ trang của Ngô Đình Diệm lên tới hơn nửa triệu người cộng với rất nhiều cố vấn, sĩ quan, chuyên gia quân sự Mỹ cùng các phương tiện chiến tranh do Mỹ trang bị và do Pháp để lại.
Trong khi đó, những người yêu nước miền Nam đấu tranh với hai bàn tay trắng, hoàn toàn không có vũ khí. Từ năm 1954 đến cuối năm 1958, trên toàn miền Nam Mỹ - Diệm đã giết hại 68.800 đảng viên, bắt giam 466.000 và tra tấn thành thương tật 680.000 người (số liệu lấy từ Viện Lịch sử quân sự, sách đã dẫn). Tổn thất ở Khu 5, đặc biệt ở Quảng Nam - Đà Nẵng là nặng nhất.
Đề cương Cách mạng miền Nam do Bí thư Xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn khởi thảo là một văn kiện lịch sử bất hủ. Đó là ánh sáng soi đường cho cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước. Đã có nhiều sách vở bàn về giá trị lịch sử của bản Đề cương này, nó khẳng định nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường là vùng lên chống lại Mỹ - Diệm để cứu nước và cứu mình, đó là con đường cách mạng, ngoài ra không có con đường nào khác.
Nghĩa là không thể không dùng vũ trang. Văn phòng Xứ ủy lúc đó đã dùng "bạch thư" để gửi tài liệu này đến các khu ủy, tỉnh ủy để tham khảo. Nhưng chỉ "tham khảo" thôi chứ Trung ương đâu đã cho đánh. Mãi đến tháng 6.1957, ông Lê Duẩn mới ra đến Hà Nội, trình bản Đề cương lên Bác Hồ và Bộ Chính trị, được Bác Hồ giao chuẩn bị Nghị quyết của Trung ương. Đó là Nghị quyết 15 lịch sử.
Nhiều tài liệu nói rằng chưa có văn bản nào được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và gian nan như Nghị quyết 15. Bác Hồ đã phải triệu tập rất nhiều cán bộ đang lăn lộn đấu tranh ở miền Nam ra Hà Nội để lấy ý kiến. Xứ ủy Nam Bộ cử ông Phạm Văn Xô và Phan Văn Đáng ra. Ở Khu 5, năm 1958 ông Mười Khôi được cử ra Hà Nội cùng ông Trần Lương và ông Võ Chí Công, Bí thư và Phó bí thư Khu ủy để báo cáo tình hình với Trung ương và Bác Hồ.
Ông Mười Khôi đã ghi lại sự kiện này trong sổ tay: "Khi Trung ương họp bàn Nghị quyết 15, tôi được dự thính. Tôi tích cực phát biểu với Trung ương là: cách mạng là phải bạo lực mà bạo lực cách mạng là đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang, nên phải dùng vũ trang đánh mạnh để hỗ trợ đấu tranh chính trị".
Nghị quyết 15 ra đời giữa lúc cuộc khủng bố của Ngô Đình Diệm đối với nhân dân yêu nước miền Nam lên đến đỉnh cao, hằng ngày đầu rơi máu chảy, sự chịu đựng đã lên đến giới hạn cuối cùng. Nhưng bối cảnh trong ngoài lúc đó rất phức tạp, như ông Lê Duẩn sau này nhắc lại thời kỳ đó: "Tình hình phức tạp lắm, không phải dễ, bước ngoặt này khó lắm. Lúc đó ta nhớ rằng trên thế giới, các đảng anh em đều khuyên ta đừng làm...
(Nhưng) Đảng ta độc lập, Đảng ta làm cách mạng Tháng Tám, ta cũng độc lập. Cuộc cách mạng miền Nam, ta cũng độc lập...". (trích bài phát biểu tại Hội nghị Trung ương 14, khóa III, 1.1968). Tình hình phức tạp còn ở chỗ, cũng theo ông Lê Duẩn, "dưới chế độ phát xít quân sự mà khởi nghĩa thì chưa có nước nào làm nổi", nhưng "ta làm được vì ta có 9 năm kháng chiến, vì ta có cách mạng Tháng Tám" (tài liệu đã dẫn).
Xuất phát từ bối cảnh đó, Trung ương phải suy nghĩ để đề ra chủ trương, bước đi và phương pháp thích hợp, sao cho giành được thắng lợi mà ít tổn thất, lại tranh thủ được sự hỗ trợ quốc tế. Bởi vậy, Nghị quyết 15 khẳng định dứt khoát: "Nhiệm vụ trước mắt là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Đình Diệm tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ ở miền Nam, thực hiện độc lập dân tộc và các quyền tự do dân chủ, cải thiện đời sống nhân dân, giữ vững hòa bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập dân chủ, tích cực góp phần bảo vệ hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới".
Tuy nhiên, Nghị quyết lại nêu: "Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang...".
Ông Mười Khôi viết tiếp trong sổ tay: "Khi có Nghị quyết 15 rồi thì Trung ương chủ trương đấu tranh chính trị là chính, còn vũ trang thì hỗ trợ. Tôi chấp hành chủ trương của Trung ương nhưng thật tình trong thâm tâm chưa thông, vì thấy vũ trang hỗ trợ là yếu mà nên đưa vũ trang lên ngang với đấu tranh chính trị. Nên khi đi về, Bác Hồ cho ăn kẹo, Bác hỏi: Các chú đã thông Nghị quyết của Trung ương chưa? Hỏi hồi lâu không thấy đồng chí nào trả lời cả.
Tôi nói: Thưa Bác, Nghị quyết của Trung ương, tôi là đảng viên tôi phải chấp hành, nhưng Bác hỏi thì tôi không giấu lòng, là tôi chưa thông, xin thật tâm báo cáo với lãnh tụ như vậy. Bác Hồ chỉ vào mặt tôi, Bác nói: Chú này hiếu chiến! Sau đó về anh Trần Lương nói với tôi: Đồng chí chưa thông thì ở lại học. Tôi trả lời: Học bao nhiêu đi nữa thì chưa thông tôi vẫn nói với lãnh tụ là chưa thông, nói với người khác thì tôi nói thông, nhưng nói với lãnh tụ tôi không thể giấu lòng.
Đến khi về Khu, bàn rằng nếu đánh thì có miếng không có tiếng (ý nói: được việc nhưng không được công nhận - TN), tôi phát biểu: Đã đánh thì đánh chứ tiếng miếng gì nữa, kẻ địch dùng vũ lực đánh phá ta, ta phải dùng vũ lực đánh trả lại, phải dùng bạo lực cách mạng tổng hợp để giáng trả lại thì mới đưa khí thế cách mạng lên, mới giữ được phong trào...".
Thực ra, theo nhiều tài liệu ghi lại, chủ ý của Bác Hồ trước và sau Hội nghị 15 là không thể không đánh. Xin dẫn một đoạn trong cuốn sách đã dẫn ở trên để bạn đọc tham khảo: "Hai đồng chí Hai Văn (Phan Văn Đáng) và Hai Xô (Phạm Văn Xô) hỏi Bác về chủ trương đấu tranh vũ trang, Bác nói: "Dù sao cũng không thể để cách mạng miền Nam chịu tổn thất hơn nữa. Xứ ủy các chú có là Đảng không? Trung ương ở xa, các chú phải tùy tình hình, cân nhắc kỹ lưỡng mà quyết định và chịu trách nhiệm".
Các đồng chí miền Nam hỏi về khả năng phải tiến hành chiến tranh cách mạng, Bác Hồ nói đại ý: Mỹ Diệm quá tàn ác, không đánh không được. Đánh Pháp ta phải vừa đánh vừa học, đánh Mỹ ta cũng phải vừa đánh vừa học, lâu dài nhưng nhất định thắng lợi". (Còn tiếp)
-
Theo Hoàng Hải Vân (Thanh Niên)