Ông Nguyễn Hồng Thắng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy QN-ĐN nói với chúng tôi về "phong cách Mười Khôi": "Hôm đó, Tết năm 1956, ổng và tôi đi hợp pháp giữa trời từ thôn đông Cẩm Sa xuống Bàu Gừng (Điện Nam), xuống tiếp Bàu Súng, giữa đường bất ngờ gặp địch, 9 thằng.
>> Kỳ 4: Nói thẳng với Bác Hồ
>> Kỳ 3: Câu chuyện của một lão đồng chí trung kiên
>> Kỳ 2: Ông Mười Khôi, một đại anh hùng
>> Kỳ 1: Những giọt nước mắt của ông cựu Ủy viên Bộ Chính trị
Ông Mười Khôi (thứ hai, hàng ngồi, từ phải sang) cùng các cán bộ tập kết tại Hà Nội, 1959 (ảnh tư liệu gia đình) |
Ông Hồng Thắng nói tiếp: "Hồi tố cộng ác liệt năm 1957, ổng về trực tiếp làm Bí thư Điện Bàn, Huyện ủy không còn ai, có ông Nguyễn Thanh Chỉ là cán bộ nhưng không biết bơi, ổng đưa lên núi tập bơi 3 tháng về mới bổ sung Huyện ủy. Làm cách mạng ở Điện Bàn này không biết lội bơi không làm được".
Ông bền bỉ đến mức đi tìm lại từng người, móc nối từng người, tìm cách bảo vệ từng người. Khi Huyện ủy Điện Bàn tan rã hết, chỉ còn 2 người, hai người này cũng phải chạy ra Đà Nẵng để ẩn náu, ông đã một mình lặn lội bắt liên lạc, có người bị bệnh ông lại nhờ người đưa vào Sài Gòn chữa bệnh, rồi móc nối đưa về.
Huyện ủy Thăng Bình còn một số người cũng bỏ chạy, ông móc nối tìm người gây dựng lại. Ông cũng làm "sống lại" phong trào của các huyện Đại Lộc, Hòa Vang, Tiên Phước... Chính ông là người có sáng kiến làm nắp hầm bí mật, đưa một số cơ sở lên núi xẻ gỗ, phơi khô, đóng hàng trăm cái giao cho cán bộ xây hầm trụ bám.
Bản thân ông lần nào về đồng bằng cũng đeo trên cổ, trên vai hàng chục cái, đến đào hầm trong bụi bờ, gò mả, miếu hoang. Rồi xin đào trong vườn, trong nhà dân; dân cho thì đào, dân sợ không cho thì chỉ xin cơm ăn rồi đi chỗ khác. Nhiều khi địch bố ráp gắt gao quá không vào nhà dân được, ông phải nhịn đói... Cứ như vậy, ông khôi phục lại tổ chức, dựng lại phong trào, chỉ đạo thông suốt.
Ông Mười Khôi là ngọn lửa bền bỉ nhất trong "đêm tối" của cách mạng. Trong thư gửi lãnh đạo Bộ Quốc phòng và lãnh đạo Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam (22.12.2005) đề nghị lập hồ sơ truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang cho ông Mười Khôi, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công viết: "Thời kỳ đó (sau 1954 - TN) là thời kỳ thoái trào cách mạng, cán bộ đảng viên và quần chúng bị khủng bố, giết hại, tù đày, cực kỳ gian khổ và khốc liệt, cơ sở Đảng bị địch đánh phá tan nát.
Đồng chí Phạm Khôi đã lăn lộn trong quần chúng, bám sát nhân dân, bền bỉ móc nối, xây dựng cơ sở, bồi dưỡng nòng cốt và cán bộ, giữ và từng bước phát triển được phong trào; kiên trì quan điểm bạo lực cách mạng trong khi nhiều cán bộ chao đảo, từ đó mà Quảng Nam có những cuộc khởi nghĩa ở miền núi và đồng bằng...".
Giờ đây tình trạng "trên bảo dưới không nghe" trong Đảng, trong chính quyền ai cũng thấy là phổ biến, nhưng hồi đó nghiêm tuyệt đối. Như chúng ta đã thấy, Đảng nói "không vũ trang" thì nhất loạt miền Nam không vũ trang, dù ấm ức bao nhiêu cũng chấp hành.
Ông Mười Khôi từng viết trong một bản kiểm điểm: "Đảng bảo đưa cán bộ ra hợp pháp thì vui vẻ đi chuẩn bị, một tháng chuẩn bị được hai, ba nơi. Hay Đảng bảo giải tán đội diệt ác năm 1955 thì thi hành nghiêm chỉnh".
Ông chấp hành nghiêm chỉnh, nhưng uất ức. Ông thổ lộ với một thầy giáo trường Đảng Khu 5 hồi ấy: "Trước cảnh Mỹ-Diệm dùng chiến tranh một phía, tình hình cách mạng miền Nam ngày càng bị chúng chà xát trong máu lửa, đi vào thoái trào nặng nề, tôi có những thắc mắc và những thắc mắc đó ngày càng lắng sâu, trở thành những oán trách đối với Trung ương và Thường vụ Khu ủy.
Những uẩn khúc trong lòng, tôi không thổ lộ cho ai, nhưng là nỗi đau day dứt. Khi được chỉ thị của anh Năm Công, triệu tập tôi đi học, tôi muốn tránh không đi, nhưng rồi cũng đi vì đó là nguyên tắc Đảng. Khi đến lớp, nhìn bề ngoài thấy tôi là con người sôi nổi, hay đùa tếu... nhưng bên trong tôi không yên tâm, vì thế hôm nói chuyện với anh Tư Thuận và anh Tám Tâm, tôi bỗng bộc phát, nổi nóng nói ra nỗi đau xót nội tâm của tôi, mà các anh đã biết.
Tôi đã thách: Thường vụ Khu ủy và Trung ương Đảng phải kiểm điểm, nhận rõ sai lầm là để cho phong trào cách mạng miền Nam phải lụi bại, thì lúc đó mới nói đến chuyện bắt tụi tui học tập. Không được cả vú lấp miệng em. Thằng Mười Khôi này không chịu đựng nữa rồi..." (trích Họ đã sống và chiến đấu trên quê hương trung dũng, NXB Thanh Niên, 2004). Sau này trong bản kiểm điểm, ông đã "tự phê bình nghiêm khắc về những lời nói hồ đồ" này.
Chuyến ra Bắc năm 1958 không chỉ để báo cáo, đề đạt góp ý và tiếp thu Nghị quyết 15. Nghị quyết 15 tuy ông Mười Khôi chưa thông lắm, nhưng vẫn là ánh sáng soi đường, là cho phép đánh. Ông tranh thủ nhổ hết hai hàm răng lung lay, cứ một tuần nhổ một cái, rồi xin làm luôn một lúc hai bộ răng giả để phòng bị, "răng mà không tốt thì sức đâu mà đánh Mỹ".
Và ông Mười Khôi đã tranh thủ làm được rất nhiều việc lớn. Ông ghi lại trong sổ tay: "Ra đó, tôi có xin Trung ương cho một số súng, một số cán bộ quân sự từ trung úy trở lên và một số cán bộ chính trị...".
Cựu uỷ viên Bộ Chính trị Đỗ Quang Thắng nói với chúng tôi: "Ông Võ Chí Công về tháng 5 (1959), anh Mười Khôi tháng 10 mới về, thời gian đó ảnh tranh thủ xin người, người ảnh chọn đúng là người tài cả, như anh Nguyễn Chơn, sau này là anh hùng, là thượng tướng".
Ông Mười Khôi vẫn còn ghi đủ trong sổ tay danh sách cán bộ mà ông chọn để xin về cho QN - ĐN đánh Mỹ: "Cán bộ quân sự xin về năm 1959: Đặng Hòa, Đỗ Phú Đáp, Đinh Châu, Nguyễn Khôi, Võ Sơn, Trần Tốc, Nguyễn Hiếu, Năm Cảnh, Hồ Nông, Kim Anh, Nguyễn Sang, Nguyễn Thành, Nguyễn Chơn... Cán bộ chính trị xin về năm 1959: Hồ Nghinh, Võ Văn Đặng, Phạm Đức Nam...".
Chúng tôi không có điều kiện biết được tất cả những cán bộ trong danh sách đó. Nhưng ông Hồ Nghinh thì tôi được gặp đầu tiên khi mới lên chiến khu năm 1974, lúc đó ông là Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, người mà lớp thanh niên chúng tôi hồi đó coi là một "bậc thánh" của cách mạng.
Ông Võ Văn Đặng từng là Khu ủy viên, Phó bí thư Tỉnh ủy QN - ĐN, là thủ trưởng cũ của tôi, người suốt đời tôi ngưỡng mộ, tôi không bao giờ quên lời ông nói với các cán bộ trong cơ quan dân vận của Tỉnh ủy sau giải phóng, rằng đừng gọi những người ngoài Đảng là "quần chúng", gọi như thế là vô lễ với nhân dân.
Ông Phạm Đức Nam, sau này là Chủ tịch tỉnh QN-ĐN, là một chủ tịch danh tiếng. Còn thượng tướng anh hùng Nguyễn Chơn thì ai cũng biết, ông được coi là một trong ba sư đoàn trưởng lừng lẫy nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh đâu thắng đó, chưa hề có một trận thua...
"Tôi ở Tiên Phước khá lâu, mấy tháng liền. Từ Tiên Phước, tôi xuống chỗ Duy Nghĩa giáp với Thăng An, vào nhà một cơ sở: Mi nấu khoai, cho tao xin mấy củ. Cơ sở cho tôi 4 củ to bằng nắm tay. Tôi gói khoai trong tấm ni-lông, rồi lội bơi qua sông, nhắm núi Trà Kiệu, băng qua các ấp chiến lược, mò mò đi lên Quế Xuân. Quế Xuân hồi đó bị rào chặt kinh khủng. Tới núi Trà Kiệu, bốn củ khoai ăn được hai ngày. Đói, mệt, yếu, tôi không đi được nữa. Đứng trên núi ngó xuống thấy đám khoai dưới chân núi, chờ tối, tôi mò xuống bới trộm, nhưng khoai củ chỉ nhỏ bằng ngón chân cái. Tôi moi chừng chục củ, ăn được vài bữa. Sợ người ta phát hiện, tôi không dám moi nữa. Không có lửa nấu. Chân răng tôi bị sưng mủ, nhai khoai sống không nổi..." . (Lời ông Mười Khôi, trích từ tập sách Họ sống và chiến đấu trên quê hương trung dũng, NXB Thanh Niên, 2004) |
-
Theo Hoàng Hải Vân (Thanh Niên)