221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1033717
Cạn nước mắt khóc... trâu chết lạnh
1
Article
null
Cạn nước mắt khóc... trâu chết lạnh
,

 - Người nông dân Sa Pa và các tỉnh miền núi phía Bắc lao đao vì giá rét. Họ đang đối diện với nguy cơ... sạt nghiệp, khi "đầu cơ nghiệp" cứ từng ngày, từng giờ theo giá lạnh ra đi.

Ông Chang A Dê ở bản Chu Lìn I xã Trung Chải, huyện Sa Pa (Lào Cai) đã tìm thấy con trâu cuối cùng còn sống trên rừng trong đàn trâu 4 con của gia đình ông. Vợ con ông đã mang theo áo ấm, chăn bông đắp lên mình con trâu với hy vọng nó không đi theo hơn 300 con trâu của xã Trung Chải đã chết, nhưng rồi con trâu cuối cùng đã quỵ ngã khi chưa về đến đầu bản.

Cả huyện Sa Pa đang thắt lòng trước cơn đại nạn giá lạnh kéo dài nhất trong vòng 25 năm qua làm trâu chết hàng loại. 

Nước mắt… khóc trâu!

Tết Mậu Tý này, nhiều nhà người Mông, người Dao ở huyện Sa Pa có thịt trâu sấy treo đầy trên gác bếp. Mới nhìn cứ ngỡ bà con ăn Tết to, ai ngờ đang buồn đến nẫu ruột. Trên trục đường 4D từ Lào Cai đi Sa Pa, la liệt các điểm bán thịt trâu. Giá rẻ đến bất ngờ, chỉ từ 30-50 nghìn đồng một cân, chỉ bằng nửa giá ngày thường. Còn móng chân trâu, cho không cũng chẳng ai lấy. Chợ thịt trâu bất thường ngày càng đông khi bà con lũ lượt gùi thịt từ núi cao mang xuống.

g
Đốt than sưởi ấm cho trâu.

Châu A Dính, thôn trưởng bản Chu Lìn I cho biết: Bản có 135 hộ thì đã có hơn 60 hộ có trâu chết. Nhà Châu A Chơ có 9 con thì 7 con đã chết, hai con còn lại Chơ đã nhốt vào chuồng, đi xa cắt cỏ, nấu cháo cho ăn nhưng cũng chẳng biết nó có sống được đến ngày mai không? Nhà Giàng A Chèo cùng bản có hai con thì đã chết cả hai. Chèo bảo: "Lạnh quá, đã không gieo cấy được rồi, bây giờ trâu chết hết không biết lấy cái gì để cày bừa đây!" 

Trời ngày càng lạnh giá hơn, Sa Pa đang có băng tuyết, nhưng đến cuối chiều ngày 13/2, bản Chu Lìn I đã có trên 100 con trâu chết. Đến lúc này, nhiều gia đình mới tá hỏa lên rừng tìm trâu nhà mình về để chống rét.

Nhà Châu A Tỏa cũng buồn như đưa đám. Con trâu thứ ba là con trâu cuối cùng cũng đã chết trên rừng. Đã ba ngày rồi, Tỏa chỉ tự tay mổ ba con trâu, vừa bán vừa cho chưa xong con này thì phải thịt con kia. Điều Tỏa lo duy nhất bây giờ là làm sao bán được hết hơn ba tạ thịt để vớt vát lại được chút ít thiệt hại.

Bản Chu Lìn II cũng đã có hơn 40 con trâu bị chết. Nhà Châu A Vàng nhìn thấy gia đình mình nghèo đi mà không thể làm gì được. Tài sản lớn nhất và có giá nhất nhà Vàng là đàn trâu 16 con thả trên rừng thì nay đã chết 6. Vừa bán, vừa sấy thịt khô để dành mà cả nhà Vàng làm không xuể. Cũng may cho Vàng, trời lạnh quá nên thịt trâu không bị ôi. Không còn cách nào khác, Châu A Vàng phải cử đứa con lớn đi xe máy gần 20 cây số xuống mãi tận gần thành phố Lào Cai để cắt cỏ cho 7 con còn lại, với một hy vọng mong manh chúng có thể vượt qua đợt lạnh này. 

Ba anh em nhà Giàng A Giả lách nhách gùi "đầu cơ nghiệp" duy nhất nhà mình xuống đường bán. Trời lạnh, bố mẹ Giả đã ốm cả. Nhà Giả nghèo, lại có đến 7 anh em lít nhít bằng vai. Nhìn ba anh em mặt tím tái, tay đỏ au, tự mổ xẻ thịt, mặc cả từng nghìn với khách mà buồn đến thắt lòng.

Trên dọc trục đường 4D, trâu bò rẽ cây từ trên núi xuống từng đàn. Châu A Dơ mới 12 tuổi với tấm áo phong phanh lụi hụi rẽ mù lùa đàn trâu nhà mình lên đường về bản. Con bê bé nhất mà Dơ thương nó nhất đã gục ngã xuống máng thoát nước ven đường. Khi Dơ dùng sức mỏng mảnh của mình nhấc nó lên, thì con bê đã không đứng dậy nổi. Dơ òa lên khóc thương cho con vật tội nghiệp mà bị trời hành.

Tại các bản, cứ mỗi đàn trâu lùa về nhà thì lại có người lạ đến hỏi chủ nhận của nó có muốn chữa bệnh cóng cho trâu không? Hỏi ra mới biết, đó là Chẻo A Mín ở bản Cây 19. Mín có một phương thuốc lạ chữa bệnh cho trâu không chết. Cố hỏi phương thuốc ấy là loại cây rừng gì thì Mín nói: "Mày biết để mày đi chữa bệnh cho trâu lấy tiền thì tao làm được gì?" 

h
Bà con mang thịt trâu ra đường bán, nhưng rất ít người mua, mặc dù giá đã hạ rất thấp.
Không biết Mín có chữa được trâu khỏi chết cóng hay không nhưng Mín tự lăng xê cho mình rằng đã chữa khỏi được hai con trâu ở bản trên và hét một cái giá trên trời: Một triệu đồng một con, không bớt một đồng! 

Châu A Dê nhìn con bê cuối cùng của mình đang quỵ ngã mà không thể kiếm đâu một triệu đồng để đưa cho Mín chữa bệnh cho nó. Vì toàn bộ số tiền trong nhà, kể cả số tiền bán thịt tận thu ba con trâu đã chết, Dê bỏ ra làm ma cho người em xấu số chết trong đợt rét vừa qua.

Chủ tịch xã Trung Chải, ông Giàng A Dê đau lòng thống kê: "Xã Trung Chải nằm trong lòng chảo của huyện Sa Pa nên mây mù từ trên núi cao lùa xuống phủ kín cả ngày, lúc nào cũng lạnh hơn so với các xã khác. Tổng đàn trâu bò của xã có hơn 1.000 con thì đến chiều ngày 13/2 đã chết hơn 300 con. Đấy là số liệu tổng hợp từ những bản gần trung tâm xã, còn các bản ở xa, ở trên cao thì chưa biết được. Có lẽ số liệu đầy đủ thì còn lớn hơn...".

Sạt nghiệp vì... "đầu cơ nghiệp"

Bà con cố mời, cố nài khách đi đường mua thịt trâu nhưng bán cũng chẳng được bao nhiêu. Người đi đường chỉ dừng lại vì ngạc nhiên, thấy sao mà thịt trâu bán nhiều thế, hoặc mượn tạm cái bếp lửa bà con đốt sưởi ấm trong lúc bán thịt hơ tay cho đỡ cóng rồi lên xe đi ngay. 

Điều mà những người du hành lên Sa Pa là muốn chiêm ngưỡng băng tuyết trên đỉnh Hoàng Liên. Chẳng ai để ý rằng khi bán được một cân thịt trâu, ánh mắt chủ nhân của nó ngời lên một tia hy vọng rồi vụt tắt ngay, khi nhìn xuống thấy phản thịt của mình còn quá nhiều. Ba anh em nhà Giàng A Giả còn phải mang nửa con trâu còn lại của mình ngâm xuống nước suối để thịt được tươi, ngày mai có thể bán tiếp.   

d
Con bê của Châu A Dơ gục ngã do không chịu được lạnh.
Ở xã Trung Chải, hộ nào cũng thịt đầy nhà nhưng rất khó mời được họ hàng, anh em đến nhà uống rượu đầu xuân. Cả xã bây giờ đang phải lo thịt trâu, bán thịt và lên rừng tìm trâu.

Nhà Giàng A Phòng ở bản Chu Lìn II đã vay 10 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách mua hai con trâu. Phòng tính toán, mùa xuân này con trâu cái sẽ đẻ nghé con, bán nghé đi thì có tiền trả cho ngân hàng. Bây giờ, hai con trâu đã chết, bán thịt chưa đầy 3 triệu đồng. Phòng đang không biết tính toán thế nào để trả số tiền kia cho ngân hàng. Phòng nói: "Chịu rồi! Tại ông trời đấy... !"

Châu A Minh ở bản Chu Lìn I cũng vay Ngân hàng Chính sách 6 triệu đồng trong đợt vừa qua. Dốc hết vốn liếng trong nhà, Minh mua bốn con nghé để nuôi thành trâu bán, vừa trả nợ, vừa lấy lời mong cuốc sống khấm khá. Đen đủi thay, 4 con nghé nhà Minh đã theo giá rét mà đi. Không những hy vọng có một chút ít tích góp đã tắt ngấm mà còn mắc thêm khoản nợ chưa biết bao giờ trả được.

Xã Trung Chải có 262 hộ vay tiền của Ngân hàng Chính sách thì có đến 146 hộ vay với mục đích mua trâu. Đa số những hộ vay mua trâu, trâu đều đã chết. Người dân vùng cao đã rất lao đao với cuôc sống mưu sinh, thì bây giờ lại thêm món nợ "trời giáng". Bây giờ, bà con chỉ mong Nhà nước giãn nợ để tìm đường làm ăn khác.

a
Con trâu là "đầu cơ nghiệp", nhưng nông dân Sa Pa đang sắp... sạt nghiệp vì giá lạnh, trâu không chịu nổi.
Quá chán ngán với cảnh trâu lăn đùng ra chết hàng loại, có người khách du lịch qua đường thấy thế còn nói vui: "Cứ mang những con trâu sống sót qua cái đận rét này của xã Trung Chải đi tham gia chọi trâu ở Đồ Sơn thé nào cũng có giải".

Cho đến 16h ngày 13/2, UBND huyện Sa Pa đã thống kê tạm thời được 11/18 xã, thị trấn có số lượng trâu chết lên đến trên 1.000 con. Còn 7 xã chưa có thông tin thì chẳng ai dám "đoán già, đoán non".

Điều đáng ngại hơn sau khi đợt rét đậm, rét hại này đi qua, là những con trâu được người dân chống rét tốt rồi cũng sẽ lăn đùng ra chết vì bị "cước". Có nghĩa là thời tiết ấm lên, trâu sẽ bị sưng chân, sưng móng và khớp. Lúc đó, cũng chỉ có làm… thịt. 

Người nông dân Sa Pa nói riêng và các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung đang lao đao kinh tế vì giá rét. Họ đang đối diện với nguy cơ... sạt nghiệp, khi "đầu cơ nghiệp" cứ từng ngày, từng giờ theo giá lạnh ra đi.

  • Thông Thiện

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,