221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1055201
Kỳ 1: Thâm nhập "xóm cái bang" Hà thành
1
Article
null
Khám phá "kỹ nghệ cai" ăn xin HN:
Kỳ 1: Thâm nhập 'xóm cái bang' Hà thành
,

 - 19h, trời tối chạng vạng, đêm đã nhọ mặt người. Con đường sâu hun hút, từng cuốc xe ôm kẹp 3 người cả già lẫn trẻ, từng đoàn xe đạp thồ và lác đác bọn trẻ rủ nhau về trong tiếng cười đùa. Giếng nước ngoài trời giữa những dãy nhà đã có người đứng chờ để rửa mặt, tay chân… Một ngày cực nhọc của những người hành nghề ăn mày tại "xóm nước đen" đã qua. Trong vòng một tháng trời, nhóm phóng viên VietNamNet trong vai xe ôm, giáo viên từ thiện... đã khám phá đường dây chăn dắt ăn xin ngay tại Thủ đô Hà Nội. 

Đêm ở… “phòng 5 nghìn”!

Sau khi nhận được thông tin từ người dân cung cấp về một số đường dây chăn dắt người ăn xin tại Hà Nội, nhóm PV VietNamNet trong vai xe ôm đã lên phương án tiếp cận... Hầu hết những kẻ chăn dắt này đều dạt từ TP.HCM ra nên có nhiều kinh nghiệm, thủ đoạn và luôn cẩn thận hết mức. Việc tiếp xúc với "cai" và "nhân viên" trong những đường dây ăn mày gặp nhiều khó khăn, cho dù PV đã "ba cùng" tại các phòng trọ...

h
"Xóm cái bang" Cầu Mới ban ngày đóng cửa im ỉm
Xóm Cầu Mới, nằm chạy dọc bên bờ sông Tô Lịch, nhìn phía xa ánh đèn cầu vượt ở Ngã Tư Sở hắt ra vàng vọt. Bên dòng nước đen kịt, những gian nhà chỉ độ 10m2 mọc lên lộn xộn. Đó là xóm lao động ngoại tỉnh, có người gọi là xóm nước đen, "xóm liều", hay “xóm Thanh Hóa”...

Đa số cư dân của "xóm nước đen" là người Thanh Hóa, lác đác có vài người ở các tỉnh lân cận Thủ đô. Trong đó, chiếm đa số là người huyện Quảng Xương, độ tuổi trung bình đi làm trong xóm từ 6 tuổi đến gần... 90 tuổi. “Ai cũng có nghề cả, càng già, càng đáng thương hay dị dạng kiếm ăn càng dễ” - Thanh "lô”, một ông già kì quái trong xóm vừa rít thuốc lào sòng sọc, nhả khói lên nhìn nền trời đã tối thẫm, nói.

Căn phòng phóng viên trong vai xe ôm ở trọ rộng khoảng 20m2, nhưng mới 21h đã xếp hơn 10 tấm chiếu con, từng tấm xếp kẹp vào nhau. Mọi người trong nhà nhanh chóng nhận đống chăn chiếu đã bốc mùi, cáu bẩn nơi góc cầu thang, tự tìm nơi qua đêm cho mình. 

Sau khi đã xếp gần chật phòng, bà Minh (chủ nhà, số nhà 27) húng hắng trước cửa phòng chờ thu tiền. Mỗi người 5 nghìn đồng cho một đêm. Bà chủ thu tiền xong, lúc này điện trong phòng và quạt trần mới được bật lên. Khuôn mặt từng người hiện lên rõ mồn một: nhăn nhó, xanh bợt vì mệt mỏi.

Các phòng hầu hết đã sáng đèn. Dọc lối đi, người giặt giũ, người quạt bếp than, khói bốc lên mù mịt theo làn gió nước sông Tô Lịch thổi vào càng làm cho căn phòng vốn chật chội lại thêm nóng nực. Trong phòng đã có người thiêm thiếp chìm vào giấc ngủ. 

Hơn 22h, trong xóm chỉ còn bọn trẻ vẫn nô đùa trong từng phòng hay rủ nhau lẻn ra ngoài đi chơi rồi quá đêm lại trèo tường vào. Cả khu nhà chìm vào màn đêm. Đốm đèn đường bên kia đường lớn hắt vào dòng nước đen kịt của sông Tô le lói sáng. Ngay đêm đầu nhập vai, ngủ trọ trong xóm, chúng tôi đã làm quen được với Sáng "bê tông”. Gã có tên như vậy vì làm nghề khoan cắt bê tông. Sáng cũng mới chuyển tới phòng trọ tính tiền theo ngày này được hơn 1 tháng. Mặt Sáng "bê tông" hôm nay nhăn nhúm, mồ hôi lăn dài trên hai má đã tái đi. Gã mới bị một nhát khoan cắt sượt mắt cá. Cả ống quần bên chân trái gã đen kịt vì bụi bẩn và máu…

Sáng “bê tông” bảo: “Ngày mai vợ lên mới có tiền đi khám bệnh viện”. Sáng bị nạn lúc giữa chiều khi cắt miếng hầm bê tông cho người thuê trên Cầu Giấy. Gã bảo, nghề khoan cắt thuê chân tay kiểu gì cũng có vài vết sẹo, có người bị “cắt” ngang chân. “Nhưng vì đang mùa xây dựng, thiên hạ dỡ, nâng cấp, bóc vỏ nhà nhiều nên nghề này cũng kiếm được. Nếu tu chí làm ăn, không cờ bạc, gái gú thì một tháng cũng gửi về nhà được hơn 2 triệu” - Sáng bảo.

Bên góc nhà hôi hám sát cầu thang là chỗ nằm của bà cụ Nguyễn Thị Tình, người trong phòng gọi là Tình "chèo”. Cụ hành nghề “cái bang”, đi ăn xin đã được hơn 5 năm. Sau khi nghe tiếng động hục hặc và tiếng rít thuốc lào sòng sọc của Thanh "lô”, cụ tỉnh giấc chửi bới khắp phòng. Chị Hương, làm nghề bán rong, hét to dọa lại: "Cụ mà chửi nữa thì đêm không ai đem đi vệ sinh, rồi lại đi ngay ra phòng, đêm sau lại bị mụ Minh "béo” (chủ nhà) cho ra nằm chân cầu như hôm trước…".

Nghe dọa, cụ Tình im bặt, móc túi áo tìm trầu, nhưng không thấy. Chị Hương bảo: "Chắc “người nhà” của cụ quên mua rồi. Dăm bữa nửa hôm, cụ lại nhắc “người nhà” một lần mua trầu như vậy. Hôm nào không có trầu nhai trước khi ngủ, cụ ngồi nói năng lung tung rồi hát chèo một mình suốt cả đêm. Nhưng trong phòng trọ hầu như chả ai để ý đến bà già đã lòa một mắt, vừa lẫn vừa què cụt như cụ Tình "chèo"…

Đẳng cấp “cái bang”

“Xóm nước đen” Cầu Mới được chia làm 2 dãy nhà. Xóm trên nằm cuối con đường ngoằn nghèo gần ngôi đình cổ và xóm nằm sát chân Cầu Mới, nhìn sang bên kia là chợ Ngã Tư Sở. Mỗi khi thấy nguời lạ đi vào, hàng chục con mắt trong xóm lơ láo ngó nhìn đầy cảnh giác. Chỉ cần khách lạ đứng lại hỏi chuyện một lúc là có người xúm đến hỏi chuyện: Kiếm ai? Tìm gì? Ở đâu đến?...

k
Những phút vui chơi hiếm hoi của bọn trẻ ăn xin cùng trẻ con trong xóm
Nhà bà Minh có 7 phòng cho thuê, trong đó phòng rộng nhất là 5 nghìn/đêm, khoảng hơn 20m2. 6 phòng nhỏ còn lại cho thuê theo tháng, đều là phòng cho dân ăn xin và người dẫn dắt, hoặc còn gọi là “cai”. 

Mỗi phòng thường có 2 "cái bang" và một “cai”. Giá mỗi phòng hơn 600 nghìn, đều có ti vi, bếp ga… “Phòng cái bang” thường có sinh hoạt tách rời khỏi xóm trọ bởi giờ giấc "đi làm" thật sớm và cũng về thật muộn. Những người trong “phòng 5 nghìn” lâu nay vẫn thường ghen tị ngầm với người của “phòng cái bang”. Bởi "phòng cái bang" đời sống “dễ chịu” hơn, từ phòng ở cho đến sinh hoạt ăn uống trong ngày. 

Đêm về, khi "phòng 5 nghìn” chìm trong giấc ngủ hoặc chỉ có thú vui với điếu cày, những câu chuyện làm ăn trong ngày thì “phòng cái bang” vẫn rộn ràng tiếng nhạc. Những chiếc di động đời mới phát ra các bài hát xập xình chói tai. Hai "phòng cái bang" trên gác thu hút người trong khu nhà bởi chiếc ti vi. Mọi người quần tụ xem những đĩa phim chưởng mới thuê về. Không khí ồn ào và náo nhiệt khác hẳn những gương mặt nhầu nhĩ đang chìm trong giấc ngủ của “phòng 5 nghìn”.

Thanh "lô” được biết tới là dân anh chị trong xóm đã lâu, cũng là dân "cai" ăn xin. Trước đây, gã lang bạt trong Nam, rồi lên Thái Nguyên làm ở bãi vàng Khau Âu. Cuối cùng, gã giải nghệ vì nghiện rượu, tuổi đã cao lại cờ bạc, lô đề kinh niên khiến gã thất tín và vỡ nợ, không đủ tiền trả cho người nhà của người ăn xin trong quê nên bị các "cai" khác cướp hết mối.

Thanh "lô” dạt về xóm Cầu Mới từ bao giờ không ai rõ, nhưng gã là một trong những người sống lâu nhất ở xóm này. Giờ, mỗi khi túng thiếu, Thanh "lô” lại phải cắp nón đi ăn xin. Gã đủ tỉnh táo và quái chiêu để biến mình thành kẻ khổ sở, đi xin lòng tốt của thiên hạ. Đó là những lúc thiếu tiền, còn bình thường, gã đi đâu làm gì thì trong “phòng 5 nghìn” không ai hay và chẳng ai thèm để ý.

k
... và khi đến "giờ làm việc"
Thường ngày, lúc chưa đến 5h sáng, khi “phòng 5 nghìn” còn chìm trong giấc ngủ thì các “phòng cái bang” đã sáng đèn chuẩn bị cho "ngày làm việc" mới. Phía trên gác là phòng của một cụ già và một trẻ con, đứa trẻ đang còn ngái ngủ thì bị dựng dậy bởi cái tát trời giáng vào giữa mặt. Tiếng khóc thét lên vang cả khu nhà. Nhưng ngay sau đó là tiếng dỗ dành của “cai”: "Thôi nín, mày thích ăn sáng gì chú đưa đi ăn rồi đi làm! Dậy đi, tối về cho chơi điện tử với bọn xóm trên…".

5h30 phút, trời hửng sáng. Lối nhỏ vào nhà đã chật kín người qua lại, đi vệ sinh. Nhà vệ sinh chung bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Những bộ quần áo sáng sủa, sạch sẽ được thay bằng đồ nghề rách mướp của bọn trẻ. Những bộ quần áo hàng hiệu, những chiếc điện thoại được cất ở phòng trọ.

"Cộng sự" của bọn trẻ là các cụ già thì được “cai” mang đến những túi vải to cáu bẩn cùng nón rách, dép tổ ong buộc dây chằng chịt. Từ đầu đến chân, mỗi người như lột xác và quan trọng là rất... "tội thương". 

Sáng ngai ngái lạnh, từng đoàn người lũ lượt kéo ra Cầu Mới, bắt đầu ngày mới: Đi ăn xin theo hợp đồng với "cai"...

  • Thông Chí - Vũ Điệp - Cẩm Thơ - Ngọc Thu       

    Kỳ 2: "Quái chước" của cái bang

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,