221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1056521
Kỳ 3: Ăn mày - “món hàng”… siêu lợi nhuận
1
Article
null
Khám phá "kỹ nghệ cai" ăn xin HN:
Kỳ 3: Ăn mày - “món hàng”… siêu lợi nhuận
,

 - "Món hàng" đuợc đem ra thử là "đứa trẻ ở quê có thân phận tội nghiệp": Mẹ chết sớm, bố nghiện ruợu, thường xuyên đánh đập, hiện đứa trẻ đã bỏ học và sống ở vùng quê nghèo của tỉnh Thanh. Đã hơn một lần, chúng tôi tìm cách đưa đứa trẻ này vào đường dây ăn xin của "cai" Hương, nhưng vô vọng. Rất may "cai" Hằng lại đồng ý...

Hợp đồng bán "cái bang"!

Thường thì những đứa trẻ, người già duới quyền "cai" và nằm trong đường dây chăn dắt để hành nghề ăn xin đều "phải có thân phận thật đặc biệt": Gia đình khốn khó, nghèo túng, bố hoặc mẹ mất sớm, không nơi nuơng tựa…

h
Giấy tờ giao dịch nhận chăn dắt "đứa bé" bất hạnh mà "cai" Hằng làm.
Những đứa trẻ này đều được cò để ý và dẫn "cai" nhanh chóng đến móc nối với người thân, họ hàng. Chúng (cai, dẫn dắt) thường tìm cách liên hệ trực tiếp với bố mẹ hoặc con cái lúc này đã lâm vào cảnh khốn cùng phải “bán con”, “bán mẹ” để kiếm tiền mưu sinh.

Cụ Nguyễn Thị Tình, đã 88 tuổi, là “món hàng” đặc lợi của “cai” Huơng. Thị chỉ chuyên chăn dắt độc lập, thường không liên quan gì với các “cái bang nhí” hoặc các "cặp đôi già trẻ" khác trong nhóm.

Cụ Tình mỗi ngày đi xin được hơn 300 nghìn, vào các ngày rằm, mùng 1 thì số tiền sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp rưỡi, vì những ngày đó Hương thường chuyển địa bàn hoạt động của cụ ra các chùa lớn ở Hà Nội như: Chùa Hà, chùa Bộc, Quán Sứ…

Nhóm "cai" của Hằng, (cô ruột của Hương), có 7 đến 10 đứa trẻ. Một số “cái bang nhí” bị đào thải khi "quá tuổi lao động". Tuổi đời của “cái bang nhí” thường rất ngắn, chỉ từ 6-13, trên tuổi đó như lời Hằng nói thì: “Lớn quá, làm ăn cũng khó…”.

Sau hơn 1 tuần vào vai xe ôm, nằm ngủ ở “phòng 5 nghìn”, Hương và Hằng đã quen tên biết mặt chúng tôi. Nhóm PV tìm cách đưa người nhờ Huơng và Hằng “chăm sóc, dạy cách làm ăn”. Hoàn cảnh đứa trẻ mồi đưa ra thật tội nghiệp: Mẹ mất sớm, bố nghiện rượu và thường xuyên đánh đập hành hạ. Họ hàng thờ ơ, bỏ bê không quan tâm. Hiện tại đứa trẻ bị một vết thương gãy tay và vai là hậu quả của một cơn say từ bố…

Hương tỏ ra cảnh giác ngay từ lần đầu, dù đã quen mặt và tiếp xúc vài lần. Hương hỏi: “Chú là ai? Sao lại biết tôi?”. Và Hương chối ngay: “Tôi không dẫn ai đi cả… Bà cụ Tình là họ hàng. Tôi chỉ là người đưa cơm nước, chăm sóc cụ...”.

Nhưng hằng ngày, ngay trong “phòng trọ 5 nghìn”, Hương vẫn gom những đồng bạc lẻ dày cộm đưa vào túi riêng của mình và để bà cụ nằm quay quắt ở góc nhà, mặc cho cụ không thể tự lo nổi vệ sinh cá nhân. Và Hương xuất hiện đều đặn vào lúc 6h sáng để đưa cụ Tình đi "làm ăn" rồi lại đón về chính xác và chi ly thời gian như một cỗ máy.

a
Những giấy tờ mà PV phải vất vả lắm mới có được từ tay các cai ăn mày
Hương vẫn nhất quyết không nhận "đứa trẻ" chúng tôi định nhờ vả, vì lý do phải dạy dỗ lại từ đầu, mà khó thành cặp được với cụ Tình. Nhưng không để lọt mối làm ăn này, Hương giới thiệu sang cô ruột là Trần Thị Hằng, nhờ "dạy dỗ" cho quen trước đã.

Trần Thị Hằng vẫn lặp lại những câu hỏi cảnh giác của Hương, nhưng hỏi thêm cặn kẽ hoàn cảnh đứa trẻ. Ban đầu, Hằng chỉ nhận trả cho nguời nhà 300 nghìn/tháng và tuỳ các tháng sau làm lời lãi cụ thể sẽ “tăng lương” thêm. Chúng tôi chê “lương thấp”, đòi giao đứa bé cho người khác, Hằng lộ rõ vẻ tiếc nuối: “Chú cứ giao cho chị, gặp được chị là tốt rồi. Có gì sau này thành "người nhà" cả, thoả thuận sau. Ban đầu cứ 500 nghìn/1 tháng đã. Nhưng đặc biệt là đừng để cho ai biết, kể cả hàng xóm cũng vậy…”.

Sau một thời gian thương lượng và viết giấy tay thoả thuận cam kết, Hằng bảo: "Cứ giao cho chị, để chị gọi điện làm cái lễ trước ở chùa Quảng Lợi và nhờ các thầy “xin số” để làm ăn...". 

Chuyển địa bàn vì bị truy quét

Huyện Quảng Xương, vùng quê nghèo khó xứ Thanh vừa trải qua đợt rét truớc sau Tết. Vào ngày giáp hạt, cả huyện xác xơ. Một số xã của huyện như Quảng Khê, Quảng Nham, Quảng Lĩnh... vừa nhận cứu trợ 5 tấn gạo cho những gia đình khó khăn, hết gạo trong ngày.

a h
Ngôi nhà trị giá 200 triệu của vợ chồng Hằng
Nhưng tuyến đường quốc lộ 1A chạy dọc huyện, vẫn có những ngôi nhà hai, ba tầng mọc lên bề thế. Vào thôn 8, xã Quảng Thái hỏi nhà "cai" Hằng (Trần Thị Hằng) nguời dân dễ dàng chỉ cho phóng viên đến ngôi nhà mới vừa  xây năm ngoái.

Vợ chồng Hằng mới xây ngôi nhà 2 tầng đầy đủ tiện nghi năm ngoái hơn 200 triệu. Ngày trước, 2 vợ chồng Hằng đi biệt trong Nam và sau hơn 1 năm làm nhà xong, sau Tết Hằng chuyển hướng ra Hà Nội làm ăn. 

Chồng Hằng là Trần Văn Hiến, khi có khách lạ tới hỏi thăm liền gọi điện ngay cho Hằng và tỏ vẻ e dè, cảnh giác ngay từ đầu.

PV tiếp xúc với Hiến trong vai chú của đứa trẻ đáng thương tội nghiệp, bị bố đánh gãy tay đang nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá, nhờ Hằng cho ứng trước 1 triệu để lo viện phí. Khi gọi điện trực tiếp với Hằng tại ngôi nhà mới xây của thị, Hằng bảo: “Cái này không có trong hợp đồng, chú cứ chữa bệnh xong xuôi, cho đứa bé khoẻ trở lại, kể cả có tật chị cũng nhận…”.

a
"Cai" Hương đang "giúp" bà Tình để lấy tiền xây nốt ngôi nhà này...
Rời nhà Hằng, chúng tôi đến nhà Hương ở Quảng Lộc. Ngôi nhà hai tầng của Hương nằm sát chợ Đình, xã Quảng Lộc cũng đang được xây cất. Hàng xóm trong thôn không biết Hương là ai, chỉ biết Hương có về nhà chồng ăn Tết rồi ra Hà Nội.

Qua Công an xã Quảng Lộc thì đuợc biết Hương chỉ là “vợ hờ” của… Thảo. Thảo và vợ cũ lưu lạc trong Nam từ năm 2000 và mới về quê từ trước Tết độ vài tháng để xây nhà, định mở quán cà phê, thời gian đó Thảo dắt theo Hương về. 

Nhiều người dân trong xã biết rất rõ về các trường hợp của Hương và Hằng. Họ nói nhỏ to với PV: “Khi có nhu cầu nhờ thì tìm đến đây (nhà Hằng) là đúng cửa rồi đấy!”.

Một số người dân sống gần nơi Hằng và Hương ở cũng cung cấp cho PV biết, khoảng thời gian 2 "cai" này im hơi lặng tiếng chuyển về quê sống sau Tết ra Hà Nội làm ăn trùng với đợt truy quét ráo riết “cái bang” Sài Gòn của Công an TP. Hồ Chí Mình và hàng loạt các "trùm cai" khét tiếng của huyện Quảng Xương đã sa lưới. 

Có thể đường dây chăn dắt ăn xin trong Sài Gòn đã bị đánh động và truy quét. Nên đồng loạt từ Tết Nguyên đán tới nay đã xuất hiện các “trùm cai” như Hằng và Hương đã lập cơ sở ở xóm Cầu Mới.

1,5 ngày bằng… một tháng!

Chúng tôi tiếp tục tìm về quê cụ Nguyễn Thị Tình (thôn 5, xã Quảng Khê). Ngôi nhà cấp bốn cũ kĩ, đã xuống cấp khá nhiều hiện tại con cụ Tình là Ngô Văn Thượng, làm nghề thợ lò nung gạch đang ở. Gia đình Thượng có 3 con, đuợc cấp sổ hộ nghèo của xã.

a f
... trong khi nhà cụ Tình mới chỉ xây nổi cái móng hơn năm trời, không có tiền làm tiếp và con trai cụ là Ngô Văn Thượng phải "giao mẹ" cho Hương với giá 500 nghìn/tháng và chỉ bằng giao dịch miệng.
Trước đây, con trai đầu của Thượng là Ngô Văn Lương, năm nay 13 tuổi cũng đã từng đi ăn xin. Gia đình Thuợng hiện đang lâm vào cảnh khó khăn, phải chạy ăn từng bữa. Giải thích việc để “mẹ đi làm theo Hương”, Thượng nói: “Bà bị mất chứng minh thư nên không được hưởng chế độ người già, nên mỗi tháng không được 120 nghìn. Bà bảo ở nhà buồn quá, không biết làm gì, chân lại bị tật không đi lại được. Hương đến bảo cho cụ đi làm ăn, mỗi tháng trả cho 500 nghìn...”.

Trước khi cụ Tình ra Hà Nội, cụ đã theo Hương vào Sài Gòn. Thời gian 8 tháng làm trong Sài Gòn, Hương thoả thuận đưa cho Thượng mỗi tháng 1 triệu, nhưng Thượng mới chỉ cầm được của Hương 3 triệu. Sau Tết, khi "giao mẹ" cho Hương đưa ra Hà Nội thì Thượng chỉ nhận được… 500 nghìn/tháng. Và cả hai lần "giao mẹ" cho Hương, Thượng đều không làm giấy tờ thoả thuận, chỉ “giao dịch” bằng… miệng!

Như chúng tôi đã nói ở trên, thực tế, mỗi ngày cụ Tình đi xin và giao về cho Hương được hơn 300 nghìn/ngày. Vào ngày rằm, ngày đầu tháng, ngày lễ, Tết Hương đưa cụ đến chùa, nhà thờ thì số tiền lên gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Với lợi nhuận như vậy thì chỉ cần 1,5 ngày là cụ Tình đã làm ra số tiền mà Hương thoả thuận với Ngô Văn Thượng, trong vòng 1 tháng.

Có điều bất ngờ là khi hỏi chính quyền về các trường hợp của Hương và Hằng thì ngay cả Chủ tịch, Công an xã Quảng Thái và Quảng Lộc đều: "Không nắm rõ được cụ thể tình hình và chờ để xem xét, rà soát lại"… Nguyên nhân đưa ra là: “Từ khi có Luật Cư trú mới năm 2007 thì người đi làm ăn ở nơi khác không cần báo cáo tạm với chính quyền. Vì thế không thể nắm hết được…”. Trong khi đó, Thảo (chồng hờ của Hương) lâu nay nổi tiếng trong xã với những vụ đánh lộn, gây rối, tổ chức cờ bạc mỗi lần về quê ăn Tết.

Còn chính quyền xã và Hội người cao tuổi xã Quảng Khê thì vẫn khăng khăng khẳng định, cụ Tình vẫn ở quê và từ trước tới nay, chưa đi xin ăn bao giờ!? Để xác minh tận gốc vấn đề, chúng tôi đã theo chân ông Chủ tịch Hội nguời cao tuổi xã Quảng Khê Nguyễn Văn Thuấn, vào tận nhà thì ông Thuấn mới biết cụ Tình đã theo Hương đi Hà Nội cách đây... 2 tháng!

Với những hợp đồng miệng như vậy, cụ Tình là món hàng "siêu lợi nhuận" của "cai" Hương... Nhưng điều kinh ngạc hơn không đến từ những cụ già như cụ Tình, mà đến từ những đứa trẻ. Đó là tình trạng bỏ học đi ăn xin của trẻ em ở nhiều xã trong huyện Quảng Xương mà PV tìm hiểu được khi về đây...

  • Thông Chí - Cẩm Thơ - Vũ Điệp - Ngọc Thu

         Kỳ 4: Những đứa trẻ thích đi ăn mày hơn... đi học!        

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,