- PV VietNamNet tìm về huyện Quảng Xương (Thanh Hoá), nơi có nhiều "cai" và nhiều người làm nghề ăn xin đang hoạt động tại Hà Nội. Thật bất ngờ khi có rất nhiều học sinh bỏ học đi "làm ăn xa", trong đó có nhiều em bỏ học… đi ăn xin.
"Tôi có làm được cái chi mô!"
Gia đình chị Nguyễn Thị Sáu (40 tuổi, thôn Tiên Thắng, xã Quảng Lợi) có 3 người con, thì 2 đứa đã bỏ học đi ăn xin. Đứa lớn là Lê Đình Huy (16 tuổi) bỏ học năm lớp 9, đứa nhỏ Lê Thị Hà (15 tuổi), bỏ học năm lớp 5.
Mang khuôn mặt đau khổ, chị Sáu bảo, các con chị phải bỏ học đi ăn xin là do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, sau khi chồng chị mất năm 1997 do tai nạn đi biển. Năm 2004, chị đứt ruột để cho bé Hà, đứa con gái thứ 2, bỏ học theo người chăn dắt, đi ăn xin tận Sài Gòn để kiếm sống.
Mẹ con chị Sáu, cháu Hà
“Lúc ấy, thấy gia đình quá khó khăn nên người anh rể nói có người bên xã Quảng Lộc dẫn dắt trẻ em đi ăn xin kiếm ăn được. Tôi đành để cháu Hà bỏ học theo người ta vào Sài Gòn đi ăn xin, mỗi tháng tôi được trả 500 nghìn đồng. Người ta biểu với tôi không cần hợp đồng chi hết, nếu con ốm đau hay có việc chi thì người ta chịu hết cả trách nhiệm” - chị Sáu kể lại.
Hà bỏ học đi ăn xin được 2 năm, thì anh trai Lê Đình Huy đang học lớp 9 cũng bỏ học theo em gái vào Sài Gòn. “Mới nghe tin thằng Huy có ý định bỏ học, con Hà ở trong TP.HCM gọi điện về biểu: Anh không phải lo chuyện không có tiền nộp học, em ở trong này mỗi tháng xin được 600 nghìn, em ăn 200 nghìn còn 400 nghìn em gửi về cho anh và em út ở nhà ăn học”, nhưng thằng Huy vẫn không nghe, nên tôi cũng đành chịu...”.
Mới đầu vào Sài Gòn, Huy đi bán báo, đánh giày. Về sau, không kiếm ăn được, Huy lại chuyển sang theo em gái đi ăn xin. Chị Sáu tủi hổ kể, khi còn đi học, những lần không có tiền nộp học, không được các thầy cô cho vào lớp… khiến Huy trở nên tự ty, mặc cảm và chỉ nghĩ đến chuyện kiếm tiền, thậm chí là bỏ học để đi ăn xin. Thương con, nhưng người mẹ nghèo này chẳng biết làm gì hơn.
Giờ đây, tiếp chúng tôi trong căn nhà xây kín đáo với bộ bàn ghế và chiếc tủ mới đóng còn bóng màu vecni, chị Sáu khoe: “Đây là tiền của các cháu đi ăn xin dồn lại sắm được! Chứ sau khi anh nhà tôi mất, trong nhà có cái chi đáng giá mô, ngoài cái giường cũ ọp ẹp. Tôi thì có làm được cái chi mô!”.
Có lẽ đó chỉ là niềm vui chợt thoáng qua trước mắt chị. Còn hiện tại, nỗi lo về tương lai của các con vẫn đang thường trực trong thâm tâm chị, nhất là khi Hà, sau một thời gian trở về nhà học may ở khu công nghiệp SOTO, thấy lương thấp lại đang có ý định ra Hà Nội, để quay lại “nghề” ăn xin.
Nhà trường bất lực!
Ông Võ Duy Thị, Hiệu phó Trường THCS Quảng Lợi than phiền với PV về tình trạng học sinh bỏ học. Trong năm học 2007–2008, cả trường có 47 học sinh bỏ học (trước Tết 32 em, sau Tết 15 em). Phần đông các em đều bỏ học với lý do "đi làm ăn xa", nhưng thực tế nhà trường biết có nhiều em đi ăn xin.
Trước tình trạng học sinh bỏ học, phía nhà trường đã nhiều lần cho giáo viên đến gia đình động viên các em quay lại trường, nhưng biện pháp này không có kết quả. “Khi đến nhà học sinh, thay vì được phụ huynh và các em chào hỏi ân cần, thì chúng tôi chỉ nhận được những lời trách móc: “Đến chi mà đến nhiều rứa!”. Thậm chí nhiều phụ huynh còn không nói năng gì rồi ký vào đơn xác nhận cho giáo viên “Con tôi nó bảo không muốn học nữa nên tôi cho nó nghỉ học” - thầy Thị than phiền.
Chúng tôi đến nhà vợ chồng Lý - Sơn (thôn Tiên Thắng - Quảng Lợi), một gia đình có điều kiện kinh tế tương đối khá giả nhưng vẫn để con gái Nguyễn Thị Hạnh (13 tuổi) đang học lớp 6 bỏ học đi ăn xin. Tại căn nhà mái bằng với đầy đủ tiện nghi khang trang, khi chúng tôi hỏi tại sao gia đình lại để cho Hạnh phải bỏ học giữa chừng đi ăn xin như vậy thì ông Sơn đưa ra lý do: “Tại vì nó học kém, lại nhác học nên… bỏ học theo bạn đi thôi, chứ có ai bắt nó đi mô!”.
Khi nghe chúng tôi hỏi một tháng Hạnh đi ăn xin được bao nhiêu tiền và qua ai dẫn đi thì ngay lập tức ông Sơn có thái độ bực tức. Ông đứng dậy, vừa đi ra khỏi nhà vừa nói: “Đừng hỏi linh tinh, tôi không trả lời nữa! Hỏi toàn những chuyện vớ… vẩn!”.
Vận động các em quay lại trường đã khó, nhưng khi một số học sinh quay lại lớp học thì Trường THCS Quảng Lợi lại lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì có thầy, có trò mà lại thiếu lớp. Thầy Thị bảo, toàn trường chỉ có 9 phòng học nên khi một số em quay lại trường không thể làm ngơ để cho các em... ngồi nhầm lớp được. Trường đã bố trí lớp riêng cho các em học vào thứ 7, chủ nhật, vì những ngày nghỉ mới có phòng học. Nhưng tâm lý của các em lại muốn nghỉ vào những ngày này nên đi học thiếu chuyên cần, dẫn đến kết quả học tập không cao, rồi các em lại bỏ học.
Cùng chung khó khăn trước hiện trạng học sinh bỏ học đi ăn xin, bà Nguyễn Thị Tú, Hiệu trưởng Trường THCS xã Quảng Khê đang phải đau đầu vì công tác vận động, đưa các em học sinh bỏ học quay lại lớp học. Nguyên nhân được cô Tú đưa ra là do học sinh quen sống tự do, nên khi đưa vào khuôn khổ các em có thái độ ngại học, rồi lại bỏ học. Cô Tú dẫn chứng cụ thể, trong 20 học sinh được Công an thành phố HCM đưa về năm trước, các em được chính quyền đưa lại lớp học nhưng chỉ được một thời gian rồi lại bỏ học và trốn đi.
Chính quyền bàng quan!
Trong khi Trường THCS Quảng Lợi ra sức vận động học sinh bỏ học đi ăn xin quay lại lớp học, thì chính quyền xã Quảng Lợi lại "bình chân như vại". Khi chúng tôi đến UBND xã Quảng Lợi hỏi về tình trạng học sinh bỏ học đi ăn xin, thì được ông Nguyễn Thái Thời, Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi từ chối thẳng thừng: “Ở xã này không có trẻ đi ăn xin. Tình trạng này chỉ có ở xã Quảng Khê, Quảng Thái chứ không có ở xã tôi!”.
Để giải thích cho con số 47 học sinh bỏ học trong năm 2007, ông Thời biện bạch: “Đây là tình trạng chung không chỉ ở xã tôi, mà do tác động của kinh tế thị trường, do xã hội đem lại!?”. Khi nói về nguyên nhân, ông Thời đã không giữ được bình tĩnh, quay sang đổ... hết lỗi cho phía nhà trường: “Tại nhà trường hết, thầy cô dạy học mà để học sinh bỏ học là… lỗi của thầy cô”.
Danh sách học sinh bỏ học "đi làm ăn xa" ngày càng nhiều ở một số xã tại huyện Quảng Xương
Tại UBND xã Quảng Khê, ông Ngô Văn Chân, Phó Chủ tịch xã bưng bít thông tin khi cho biết toàn xã chỉ có 5 học sinh THCS bỏ học. Nhưng khi đối chiếu lại số liệu từ Trường THCS Quảng Khê, con số bỏ học năm học 2007–2008 là… 12 em. Khi PV thông tin về 3 em trong số này đã đi ăn xin, thì ông Chân cho rằng: “Nhà trường báo sao thì xã biết vậy”.
Điều đặc biệt, khi nhóm chúng tôi hỏi những trường hợp học sinh tại địa phương đang bỏ học đi ăn xin ở Hà Nội và Sài Gòn chính quyền xã có hay biết không, thì được ông Chân trả lời “Không biết!”. Nhưng khi PV nêu ra những trường hợp cụ thể, ông Châu lại biện bạch: “Chính quyền không đến từng nhà để kiểm tra được nên không biết, chỉ đến khi có chuyện xảy ra được nơi khác báo về xã thì chúng tôi mới biết!?”.
Ước mơ được đi học
Trong khi có nhiều học sinh tại Quảng Xương muốn bỏ học đi ăn xin để kiếm tiền, thì một cô bé ăn xin tại Hà Nội (quê gốc Quảng Xương) lại phải "gánh trách nhiệm" bỏ học, đi ăn xin về giúp bố mẹ.
Những ngày thâm nhập xóm ăn mày tại Cầu Mới, chúng tôi đã gặp bé Ngô Thị Lý. Em luôn ước mơ được đi học trở lại nhưng hiện đang bị "cai" Dùng - Tìm dẫn dắt và em chính là người đã bị đánh chảy máu mũi như VietNamNet đã đưa ở kỳ 2.
Ngô Thị Lý năm nay 12 tuổi (ở thôn Trung, xã Quảng Nham, Quảng Xương) từ bé đã sống trên cát, bên biển, bên những mái nhà lụp xụp quê nghèo. Bố Lý đi biển, có khi 3-4 tháng chẳng kiếm được chút gì. Gánh cá của mẹ em trĩu nặng vì phải nuôi 4 đứa con nhỏ cùng ông nội Lý đã bước sang tuổi 80. Cái khó bó cái khôn, mẹ Lý giờ chỉ kiếm được cái ăn đã quá mệt, thì làm sao lo được cho anh em Lý đi học.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi năm ngoái nhà Lý được hỗ trợ 5 triệu đồng trong "dự án xóa nhà tranh". Bố em quyết định “đã làm thì làm luôn thể”. Chạy vạy vay mượn thêm, bố Lý xây cho mấy anh em nó căn nhà... đẹp nhất thôn. Chui ra khỏi túp lều nứa, gia đình Lý bước vào căn nhà bê tông khang trang còn nguyên mùi vôi.
Được một thời gian, số nợ của nhà Lý lên đến gần 100 triệu. Bố mẹ làm kiếm miếng ăn đã khó, lấy đâu ra tiền trả nợ? Thế là mẹ Lý quyết định cho Lý và Thuyết - đứa em gần 7 tuổi bỏ học theo người dẫn dắt đi ăn xin ngoài Hà Nội.
Ngày tháng ngửa nón xin thiên hạ chút của bố thí giữa Thủ đô Hà Nội nhưng Lý cũng đã đủ lớn để nhận ra mình cũng có những khát khao. Và khát khao lớn nhất của em là được đi học. Lý đã được các anh chị sinh viên dạy học tại các lớp học tình thương ở khu vực Cầu Mới. Ngô Thị Lý mơ ước, học để sau này thoát khỏi tình cảnh "cái bang", trở thành "nhà thiết kế thời trang"...
-
Vũ Điệp - Ngọc Thu - Cẩm Thơ - Thông Chí
Kỳ 5: Tự "tháo gông" cho mình: Câu chuyện về một thiếu niên mù lòa từng bị "cai" ăn mày dẫn dắt, đánh đập. Tuấn "mù" đã vượt qua tất cả, tự "tháo gông" cho mình và còn giải thoát cho nhiều trẻ em khỏi bọn chăn dắt...