221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1057229
Kỳ 5: Tự "tháo gông" cho mình!
1
Article
null
Khám phá "kỹ nghệ cai" ăn xin HN:
Kỳ 5: Tự 'tháo gông' cho mình!
,

 - Một buổi trưa, "cai" Thanh sơ sẩy để quên chìa khóa cùm chân của Tuấn “mù”. Sau khi lấy được chìa khóa, Tuấn tự mở cùm xích và khấp khởi thoát khỏi "chiếc thuyền đen tối", lần mò lên bờ. Tuấn được giấu ở một phòng trọ trong ngõ nhờ sự giúp đỡ của một người tốt mà trước đó đã nhận Tuấn là con nuôi.

Khuôn mặt đen mốc, đôi mắt mù lòa, dáng đi liêu xiêu. Tuấn “mù” gân guốc hơn tuổi 25. Tuấn rời bỏ gia đình, lựa chọn “hành khất” làm con đường tự lập để trải nghiệm khi mới chớm tuổi trăng rằm. Nhưng như con cừu non lạc giữa bầy sói, Tuấn “mù” sa vào hang ổ bọn chăn dắt ăn mày... 
 

a
Hơn 365 ngày bị "giam lỏng" trên con thuyền như "địa ngục chốn trần gian", Tuấn “mù” phải ngày ngày rảo bước đi ăn xin, không kể mưa hay nắng, bão táp.
Hơn 365 ngày bị giam hãm, đánh đập, cưỡng chế, sáng sáng Tuấn lê lết, một tay cầm chiếc bát sứt mẻ đã cáu ghét, tay kia cầm cây gậy mộc khẳng khiu, lần mò từng con đường, ngõ hẻm để cầu xin sự bố thí bất cứ ai mà nó khua trúng.
 
Khi sương mù giăng đặc kín màn đêm, cả hai bàn tay đã lẩy bẩy, Tuấn “mù” bắt đàu lập bập nắn nót đếm từng tờ bạc cũ nát, mong sao đủ được 160 nghìn… để “xin” một nắm cơm thừa canh cặn, để những canh giờ sau đó ít đi lời mạt sát, thưa đi vết đòn roi.

Nhận ra mình bị đối xử như một "công cụ xin tiền", Tuấn đã vùng vẫy chống lại và giải thoát...  

Hồi ức "con thuyền đen"…
 
Vào một ngày mùa đông năm 1995, Tuấn gia nhập "đội quân cái bang" đất Hà thành. Thời điểm của hơn 10 năm trước, Tuấn “mù” hành nghề “ăn xin ngồi”, chính vì đôi mắt mù lòa không giúp Tuấn đi lại được nhiều. Tuấn hay ngồi cố định tại cổng các nhà thờ, chùa chiền...

Cách đây 2 năm, Tuấn vô tình bị sa vào một "đường dây xin thuê". Tuấn nhớ lại tình tiết của buổi sáng cay nghiệt ngày hôm đó... Tuấn ngồi trước cổng nhà thờ Thái Hà để xin sự bố thí như thường lệ. Đột nhiên có một con bé nhỏ thó, ngồi thù lù giữa hai đôi chân của Tuấn. Từ đó đến trưa, con bé đồng hành ngồi ăn xin cùng Tuấn “mù”.

Chiều xuống, một người đàn bà tên Thanh xuất hiện. Thị rót vào tai Tuấn “mù” những lời ong bướm: “Em về nhà với chị, hằng ngày chị cho cháu dẫn em đi nhà thờ lớn xin, rồi chị tìm con vợ đỡ đần cho em bớt cực”.

Trong hồi ức của Tuấn “mù”, cái ngày “sa chân” vào "đường dây của cai" Thanh là 12/05/2006.

Thị Thanh dẫn Tuấn về nhà của ả. Gọi là nhà, nhưng thực chất chỉ là con thuyền gỗ đã xỉn đen và mục nát, hoang tàn bởi nắng gió, nằm chỏng chơ trên bãi đất bồi sông Hồng. Đó cũng chính là hang ổ của “trùm cai” Thanh dùng để chứa “đội quân xin thuê”, có những thành viên như Tuấn “mù”.

Hơn 365 ngày bị "giam lỏng" trên con thuyền như "địa ngục chốn trần gian", Tuấn “mù” phải ngày ngày rảo bước đi ăn xin, không kể mưa hay nắng, bão táp.

Dù khuôn mặt đã phơi sương cùng nắng gió, đôi dép nhựa đã mòn quẹt, chiếc gậy mộc ngắn dần nhưng Tuấn vẫn đi xin một cách miệt mài. Bởi tên “trùm cai” đã vẽ ra "tương lai" mà nó chỉ có tác dụng phỉnh nịnh: “Em đi xin được bao nhiêu, đưa về chị cất giùm cho, sau này còn có vốn liếng làm ăn, lấy vợ...”.

Từ đấy, ngày nối ngày, Tuấn “mù” bị cưỡng chế, bóc lột như một cỗ máy “xin” tiền cho bọn “trùm cai”.

Ngồi với chúng tôi, Tuấn nhớ lại những ngày đen tối: “Lúc tôi đau ốm nhất cũng phải lê lết đi xin. Tối thiểu một ngày là 160 nghìn không thì ngày hôm đó phải nhịn ăn và bị đánh đập. Ngày nào xin đủ hoặc thừa cũng bị mắng chửi, nhưng bù lại được chút cơm thừa mà chúng vét ở chợ Đồng Xuân”.

Tên “trùm cai” tiếp tục dùng chiêu bài “lạt mềm buộc chặt” để giữ lại "con át chủ bài" cho mình. Hằng ngày, một đội quân 3 đến 5 người theo chân Tuấn “mù” để giám sát. Đội quân này chủ yếu là dân nghiện ngập được thị Thanh thuê canh chừng Tuấn, kết hợp hành nghề trộm cắp.

Sau này, đội quân này bị công an thu gom thì Thanh lại giở ra chiêu bài mới: gán em gái mình làm... vợ Tuấn “mù” với nhiệm vụ đảm bảo sự tồn tại của người và "tài sản". Hôm nào "cô vợ hờ" có việc bận “chạy khách” thì chính cai Thanh đi theo kèm cặp Tuấn “mù” với lí do “đi theo bảo vệ em không công an bắt hoặc bọn đầu đường xó chợ chặn đường cướp tiền”.

Giải thoát cho người khác
 
Tuấn nhớ lại... Cùng chung thân phận với mình trên chiếc thuyền của thị Thanh là gần 10 em nhỏ khác cũng phải ngày ngày lang thang ăn mày đường phố. Các em bị ép buộc phải đi xin. Em bé nhất mới 6 tuổi, tối thiểu một ngày phải xin được 50 nghìn, còn lại nếu em nào không đủ 100 nghìn thì ngày hôm đó không được ăn cơm và những trận đòn bằng dây điện là kết cục không tránh khỏi.

a
Tuấn trao đổi với PV tại nhà trọ
Mánh khóe của bọn "cai" rất tinh xảo, vì thế mà bao lần Tuấn “mù” và các em lên kế hoạch tẩu thoát nhưng đều thất bại. Hệ quả của những phen “tự phát” đó là những trận “giáo huấn” ra trò bằng roi điện.

Tuấn hồi tưởng lại kí ức ướt đẫm máu và nước mắt của các em thơ: “Tôi đã từng sờ những vết roi tấy máu trên khuôn mặt các em và cả những vết máu đã vón cục trên tấm lưng mỏng manh…”.

Sự bất công ngày càng nhiều, và dần dà Tuấn "mù" nhận ra bản chất thật của thị Thanh và đồng bọn. Dù mù loà, lại “thân cô thế cô”, Tuấn vẫn quyết không thể mãi như thế được. Và chuyện gì đến, sẽ đến…

Kế hoạch giải thoát của Tuấn “mù” và các em trong thuyền phải chuẩn bị suốt một tuần, cả về tinh thần và cách thức.

Khoảng 10h tối một ngày tháng 9/2006, khi Tuấn “mù” và các em đi xin trở về, một em sẽ bí mật trốn thoát luôn trên đường. Thị Thanh chờ đến hơn 11h mới đem chìa khóa của phòng còn lại trên thuyền đưa cho Tuấn “mù” mà không mảy may nghi ngờ và dặn dò “đợi đứa kia về thì cho 4 đứa còn lại đi ngủ, rồi khóa cửa phòng  lại”.

Sau khi ả “trùm cai” đi ra, ngay lập tức Tuấn mở khóa cho 3 em trốn đi. Sáng hôm sau, phát hiện ra sự việc, trùm Thanh đã “tẩn” cho Tuấn một trận ra trò. “Tao đánh chết mày! Tao phải thủ tiêu mày để mày không cho đứa nào trốn nữa!” - Thị Thanh chửi.

Đầu óc bọn "cai ăn mày" dù tức giận đến đâu cũng không thể “mất khôn” với "con át chủ bài" kiếm tiền là Tuấn. Tuấn “mù” vẫn không bị “thanh toán” sau lần ấy bởi vẫn còn có giá trị trong việc “mang” tiền về cho bọn chúng.

Nhưng sau lần Tuấn giải thoát thành công cho 4 em nhỏ, bọn "cai" đứng đầu là thị Thanh không còn tin tưởng Tuấn nữa.

Cuối ngày, ngoài việc ăn cơm thừa, nghe lời chửi mắng, thấm những đòn roi thì đôi chân của Tuấn còn bị cùm bởi một sợi xích to hay dùng để xích chó.

Tuy nhiên, không ai trong bọn "trùm cai" biết Tuấn đang nung nấu kế hoạch tự giải thoát cho chính mình.

Tháo “gông” cho chính mình!
 
Một buổi trưa, "cai" Thanh sơ sẩy để quên chìa khóa cùm chân của Tuấn “mù”. Sau khi lấy được chìa khóa, Tuấn tự mở cùm xích và khấp khởi thoát khỏi "chiếc thuyền đen tối", lần mò lên bờ. Tuấn được giấu trong một phòng trọ trong ngõ nhờ sự giúp đỡ của một người tốt mà trước đó đã nhận Tuấn là con nuôi.

Những tưởng Tuấn đã thoát được nanh vuốt bọn trùm cai, nhưng rồi nhờ "tai mắt giang hồ" nơi ngõ hẻm, "cai" Thanh cũng "đánh hơi" được chỗ ẩn náu của Tuấn.

f
Tuấn “mù” ngày hôm nay vẫn cầm bát sứt, vẫn khua gậy lạo xạo trên những con đường đã làm mòn vẹt đôi chân, vẫn nhờ cậy lòng nhân ái của người đời một cách hồn nhiên, chân thành.
Ngay lập tức, "cai" Thanh kéo theo gần 10 tên côn đồ đến uy hiếp và bắt Tuấn “mù” về thuyền. Lần này, bà mẹ nuôi đã ra mặt bênh vực, cưu mang, nhận Tuấn “mù” là cháu ruột.

Bà Phương, mẹ nuôi của Tuấn “mù” nhớ lại: “Chúng nó lôi một đống toàn thằng đầu bò, mặt thú đòi đánh thằng Tuấn. Tôi phải đứng ra can thiệp, nhận là cháu và nhận nuôi nó, không cho đi xin thuê nữa. May nhờ bà con, hàng xóm xung quanh lời ra tiếng vào bênh vực chúng mới chịu bỏ đi”.

Nhưng bọn "cai" không bao giờ để con mồi ngon nhất đường dây “xổng” một cách đơn giản như vậy…

Biết Tuấn “mù” về quê Hưng Yên “lánh nạn”, thị Thanh cho một đội quân về quê bảo Tuấn “mù” lừa tình, nợ tiền bỏ trốn. Chúng ra yêu sách đòi gia đình đền bù và Tuấn “mù” phải có trách nhiệm với người “vợ hờ”, tức là em gái Thanh. Vì bênh vực Tuấn “mù” mà giữa anh em họ hàng ở quê nhà Tuấn và đội quân “đòi người thuê” đã có một trận ẩu đả. Một lần nữa, kế hoạch bắt Tuấn trở lại của bọn "trùm cai" lại không thành.

Nhưng phải một lần chạm trán ở Hà Nội nữa thì cuộc tẩu thoát của Tuấn “mù” khỏi “con thuyền đen” của bọn trùm cai mới chính thức thành công.
 
Sau 3 tháng ở quê nhà, Tuấn “mù” một lần nữa lên Hà Nội đi ăn xin tiếp. Đánh hơi được Tuấn đang xin ở nhà thờ Thái Hà, "cai" Thanh kéo một nhóm đầu gấu đến o bế, đe dọa.

Câu nói “ở hiền gặp lành” thật đúng với số phận của Tuấn “mù”. Tuấn được một số bà con công giáo và người trông xe ở nhà thờ tên Bình lên tiếng bênh vực, che chở khiến bọn "trùm cai" không làm gì được. Chú Bình kể lại trong sự bất bình: “Bọn nó bảo thằng Tuấn lừa tình, lừa tiền nên phải dạy cho một bài học. Tôi bảo có giấy tờ hôn thú và giấy ghi nợ nần không mà đòi đánh người ta? Bọn nó mới chịu đi về”.

Từ khi rời "con thuyền đen", hành trình trốn chạy ra khỏi hang ổ của bọn "cai" của Tuấn thật lắm gian nan và nhiều phen tưởng đã bị “sa lưới” trở lại.

Bây giờ, Tuấn vẫn ngày ngày cầm bát sứt, khua gậy lạo xạo trên những con đường đã làm mòn vẹt đôi chân, vẫn nhờ cậy lòng nhân ái của người nhưng hồn nhiên, chân thành hơn. Và chúng tôi cảm nhận, dường như trong tâm hồn Tuấn, đã bớt đi nhiều sự gấp gáp, âu lo...

  • Cẩm Thơ - Ngọc Thu - Thông Chí - Vũ Điệp 

    Kỳ 6: Có tật giật mình...!

    Trong khi nhóm PV trở về Quảng Xương lần tìm địa chỉ của một số “cai trùm” thì nguồn thông tin tại xóm lao động Cầu Mới báo về: Xóm đã bị đánh động, nhiều "cai" đã giật mình...!

    Sẻ chia của bạn?

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,