221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1058683
Ở nơi có 300 tỉ phú nông dân
1
Article
null
Ở nơi có 300 tỉ phú nông dân
,

Trong khi các huyện lân cận đang phải nhổ trụ bán vì nghề trồng tiêu phá sản thì người trồng tiêu ở huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai nhờ thiên nhiên ưu đãi vẫn phất lên... Vụ mùa 2008, Chư Sê đã có hơn 300 tỉ phú nông dân chính gốc

Chẳng biết phải nói về thôn Hòa An bằng cụm từ nào cho phải? Cái thôn gồm 135 hộ kinh tế mới lam lũ thuở nào thoắt thành một khu phố khiến người ở phố cũng phải ngỡ ngàng. Nông dân mà ở nhà lầu, đi rẫy bằng xe hơi, thì nông dân giàu có bên Tây cũng chỉ đến thế thôi.

Ra ngõ gặp...tỉ phú

Mới dợm bước chân vào ngõ đã nghe mùi hồ tiêu lừng lên dưới cái nắng cuối mùa như vốc lửa. Tiêu chất đống trên những khoảng sân, tải ra những gam màu đa sắc như một bức tranh siêu thực. Không như cái ồn ã của mùa thu hoạch cà phê, cái bận rộn đa chiều của mùa lúa, mùa hồ tiêu có cái đặc biệt của nó – ấy là một sự bận rộn lặng lẽ khiến người ta nghĩ đến một sự an nhàn mà vẫn hái ra tiền. Ngắm những cơ ngơi bề thế đã mắt, định quay ra thì vừa lúc ông tấp xe vào cổng: Tỉ phú hàng nhất huyện Nguyễn Văn Khoa đây rồi!

“Phố tiêu” thôn Hòa An
"Phố tiêu" thôn Hoà An

Ở Chư Sê, nói đến cái tên Nguyễn Văn Khoa thì cả huyện không ai không biết. Người nông dân này làm chủ một diện tích hồ tiêu có lúc lên đến 20 ha. Bây giờ dù đã chia một phần cho con cái, ông cũng còn đến 7,5 ha. Vụ mùa năm ngoái người ta đoán ông lãi khoảng 4 tỉ đồng. Năm nay dù mất mùa, giá có xuống chút ít thì chí ít ông cũng thu vào không dưới 3 tỉ đồng. Có người đoán tài sản của ông bây giờ phải đến vài chục tỉ đồng. Chẳng rõ thực hư nhưng từ năm 1990, cách đây 18 năm, ông Khoa đã dám bỏ ra tiền tỉ để xây nhà. Nguyên hòn non bộ và cổng rào trước nhà ông bây giờ có lẽ cũng vài trăm triệu đồng rồi!

Nói vậy nhưng con đường làm giàu của ông cũng chẳng dễ dàng. Ở Chư Sê này, ông là một trong những người đầu tiên theo nghiệp trồng tiêu. Cũng là bắt đầu từ sự mò mẫm tình cờ. Đi bộ đội về, ông theo cha lên Tây Nguyên với hai bàn tay trắng. Được cái đất đai lúc ấy còn dễ. Đầu tiên ông trồng cầu may 100 trụ.

Thu hoạch vụ đầu hạch toán thấy 1 sào tiêu bằng 4 sào lúa nước; một trụ tiêu bằng 1 phi lúa thì mê quá, làm cây ngắn ngày được bao nhiêu là đổ hết vào tiêu. Không có ai đi trước để học thì đọc sách, nghe qua báo đài mà mò mẫm làm theo. Nắm được kỹ thuật rồi thì đùng một cái giá tiêu rớt. Nhiều người nản, phá tiêu để trồng cà phê nhưng ông vẫn cứ kiên trì, tin chắc thế nào thị trường tiêu cũng mở rộng.

Nhận định của ông đã đúng. Năm 1994, giá tiêu tăng vọt, lúc bấy giờ người ta vội vã trồng lại tiêu thì ông đã vững chân. Từ kinh nghiệm của ông Khoa, dân Hòa An hiểu ra rằng làm nông mà chạy theo phong trào là đồng nghĩa với tự sát. Từ thôn Hòa An, phong trào cứ thế lan rộng ra toàn xã. Nhơn Hòa trở thành “đệ nhất hồ tiêu” của huyện Chư Sê. Ông Trại, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Hiện Nhơn Hòa đã có khoảng 300 ha tiêu.

Số thu nhập từ 1 tỉ đồng trở lên có 20 hộ. Riêng thôn Hòa An, số có thu nhập từ nửa tỉ đồng trở lên cũng đã 40 - 50 hộ, còn số dưới đó thì chẳng ai kể. Trồng tiêu mà lãi chừng vài trăm triệu đồng thì quá ư bình thường. Ngay các thôn thuần là đồng bào dân tộc mà các ông B’Lin, Bi... cũng ngấp nghé mức tỉ phú... Hãy cứ biết một xã đặc sệt nông dân mà có đến 12 chiếc xe du lịch – trong đó có những chiếc gần tỉ bạc thì đã là một hiện tượng.

Cơ ngơi của “đệ nhất tỉ phú hồ tiêu” Nguyễn Văn Khoa
Cơ ngơi của "đệ nhất tỷ phú hồ tiêu" Nguyễn Văn Khoa
Câu chuyện đang dở chừng đã thấy ông Khoa nhấp nhổm. Tôi hiểu dù là tỉ phú nhưng là tỉ phú nông dân thì cũng chẳng thể nào nhàn được. Mấy chục người làm công đang chờ ông ở ngoài kia. Trong tay tôi đang có danh sách trên 300 tỉ phú hồ tiêu ở Chư Sê. Hỏi chuyện cho hết mỗi nhà chắc phải mất cả tuần lễ. Chỉ riêng những hộ xếp vào hàng “kỳ phùng địch thủ” với ông Khoa thì cũng đã vài chục. Thí dụ như các ông Nguyễn Văn Luyến ở thôn 6, xã Ia B’Lang; Võ Ngọc Hoàng ở Ia Phang; Nguyễn Văn Quéo ở thị trấn... đều là những đại gia thu vào vài tỉ đồng một vụ trở lên cả.

Điều đáng nể phục là đã có những hộ nông dân dân tộc Jrai đứng được vào hàng tỉ phú: Rơ Lan Kót ở Plei Tao, xã Ia Phang; Rơ Lan Ke ở Plei Ten, xã Ia H’rú... Nếu người Kinh tạo dựng nên gốc hồ tiêu nhọc nhằn một thì với họ nhọc nhằn mười. Rơ Lan Kót kể: Lúc anh mới đưa cây tiêu về trồng trong vườn, cả làng như loạn lên cho rằng anh đã đưa tai họa về làng và đòi phạt vạ. Ngay cả vợ con anh cũng không tin, nhìn công việc anh làm một cách hờ hững như là người ngoài. Phải mất cả năm ròng anh mới thuyết phục được vợ con và dân làng. Cuối cùng thì bằng ý chí và nghị lực phi thường, anh không chỉ đưa gia đình thoát khỏi đói nghèo mà còn tạo nên một cuộc cách mạng trong nếp nghĩ của dân làng. Ở Plei Tao bây giờ nhà nào cũng có hồ tiêu. Chỉ trong vòng một, hai năm tới, chắc chắn có không ít hộ sẽ đuổi kịp Plei Tao.

Năm ngoái toàn huyện Chư Sê mới có 200 tỉ phú, năm nay đã có hơn 300. Với đà này, nếu giá hồ tiêu ổn định thì chỉ vài năm tới số hộ tỉ phú ở Chư Sê phải đạt số ngàn.

Giàu và sang

Dù có mất mùa thì sản lượng hồ tiêu của Chư Sê năm nay cũng đạt khoảng 15.000 tấn. Với thời giá hiện tại, doanh thu tính từ sản lượng này là 750 tỉ đồng. Chư Sê đang trở thành “két đựng tiền” của tỉnh. Ngẫm con số này tôi bỗng nảy ra một ý tò mò: Lượng tiền khổng lồ này được dùng để làm gì?

Dù có được thiên nhiên ưu đãi thì nghề trồng hồ tiêu ở Chư Sê vẫn không khỏi sự rủi ro. Ở xã Nhơn Hòa, dân trồng tiêu lâu năm, kinh nghiệm là thế mà năm ngoái cũng chết mất gần 21.000 trụ. Rồi giá vật tư phân bón rượt đuổi. Cứ giá tiêu ngoi lên một nấc thì chi phí đầu tư lại kéo lợi nhuận xuống một nấc.

Biết vậy nên người trồng tiêu bây giờ cũng không dám chủ quan. Có người đã đầu tư mua bất động sản tận Đà Nẵng, TPHCM hay sắm vàng làm của. Tuy nhiên, đây chỉ là số ít. Đa số vẫn nặng tâm lý nông dân hễ có tiền là chơi sang. Anh bạn tôi là giáo viên trường làng cho rằng “dân trồng tiêu giàu có bây giờ nhiều người đang bị “bội thực văn hóa”. Nhà cửa không ở hết nhưng vẫn cứ giang ra thật to. Lắm tiền nhưng cả huyện chẳng được mấy nhà đẹp. Nhà nào cũng bắt chước nhau. Cái thì chằng đụp những mái đè lên nhau. Cái thì nóc tròn, nóc nhọn lòe loẹt kệch cỡm.

Nhà có rồi thì bây giờ chuyển sang mốt xe hơi. Đành rằng khi điều kiện vật chất khá lên thì cuộc sống con người phải được cải thiện bằng những phương tiện tương xứng, nhưng có cần thiết không khi có người sắm xe hơi chỉ để... đi diễu quanh làng cho oai hoặc chiều chiều chở nhau đi nhậu! Số tiền sắm những thứ chưa cần thiết đó nếu đem đầu tư lại cho sản xuất hoặc mở nghề mới cho con cái chẳng tốt hơn ư? Đất đai đã cạn kiệt, không còn để có thể mở rộng sản xuất, mà thứ sản phẩm mình làm ra đó vẫn chỉ bán nguyên liệu thô đấy thôi? Ngẫm lời anh cũng có lý.

Nghe anh kể thêm, tôi có cảm giác đang có một sự rạn vỡ trong nếp sống – nhất là nếp sống của giới trẻ ở nông thôn, khi cha mẹ có tiền. Cứ về đêm là lại có hàng nhóm thanh niên choai choai tụ tập nhậu nhẹt. Những đối tượng này chỉ nhìn đầu tóc cũng đủ hãi. Đứa tóc bù xù nhuộm đốm vàng đốm trắng; đứa cắt trọc lốc phía sau, nhuộm vàng một đốm đằng trước hất lên loe toe như bàn chải...

Không riêng thanh niên Kinh, thanh niên dân tộc nhiều làng cũng sinh ra cái mốt kỳ quái như vậy. Tệ nhậu nhẹt đem đến bao nhiêu là hệ lụy, làm mất trật tự, an ninh nông thôn. Nào là chuyện con chém bố lòi phổi, nào là chuyện đổi tiêu lấy tình... Rồi còn nạn trộm cắp. Cứ mỗi mùa tiêu đến là dân lại nơm nớp. Mới từ đầu mùa đến nay, Chư Sê đã xảy ra 13 vụ trộm cắp hồ tiêu lớn trị giá tiền tỉ. Chỉ mới đây, anh Lê Văn Tâm ở thôn Plei Dư bị mất 5 tạ tiêu khô trị giá 25 triệu đồng.

Tôi nhớ cách đây dăm năm, giữa thời hoàng kim của hồ tiêu Chư Sê, có người đã cảnh báo về sự phát triển thiếu bền vững của nông thôn Tây Nguyên. Nghề nông là nghề đầy rủi ro và nghề trồng tiêu dù trong điều kiện nào thì cũng không tránh được sự rủi ro. Vậy làm sao để nông thôn phát triển bền vững cả về kinh tế lẫn văn hóa là vấn đề mà lãnh đạo huyện Chư Sê không thể làm nổi. Đó là vấn đề của các nhà kinh tế, hoạch định chiến lược phát triển cho nông thôn thời kỳ hội nhập sâu, hậu WTO...

  • Theo Ngọc Tấn (NLĐ)
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,