221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1075546
Kỳ 2: Ma quỷ trong "thành phố chết"
1
Article
null
Somalia - đất nước bị lãng quên:
Kỳ 2: Ma quỷ trong 'thành phố chết'
,

Thủ đô Mogadishu một thời được mệnh danh là "Hòn ngọc bên bờ Ấn Độ Dương", giờ chỉ còn là những đống gạch nát. Những con người đói ăn và bị bệnh tật hành hạ tồn tại vật vờ như những bóng ma.

Bệnh viện quá tải

Nhiều ngày sau khi trận chiến nổ ra, trong những bệnh viện thành phố vẫn không ngừng xuất hiện bệnh nhân mới. Nơi đây, các bác sĩ đang phẫu thuật nối lại chân cho một thiếu niên bị trúng lựu đạn.

Những nạn nhân của chiến tranh
Bên buồng nữ, một cô bé bị đạn lạc găm vào đầu. Nửa người phải của em bị liệt từ đó. Bà mẹ ngồi bên không ngơi tay quạt đuổi ruồi ra khỏi những tấm băng đầy máu của đứa con gái bất hạnh.

Nóng và ngột ngạt. Mùi không khí tựa như mùi thức ăn bị yếm khí, quện với mùi mồ hôi, mủ và máu. Không đủ giường cho tất cả. Chỉ những ca nặng mới được bố trí giường nằm. Những ca nhẹ hơn thì nằm đất.

Có còn người lo cho đất nước này?

Ông Mohammed đau đáu nhìn ra ngoài phố. Ông vẫn còn muốn cứu vãn những gì gọi là "quê hương“ này. Là đồn trưởng cảnh sát của một chính quyền được quốc tế công nhận ở Mogadishu, ông luôn muốn thành phố này bình an trở lại, sau từng ấy năm trời bạo loạn.

Sáu mươi người đàn ông dưới quyền chỉ huy của Mohammed. Họ có đồng phục, nhưng cứ ba người mới có một khẩu súng. Người đội trưởng tay gõ trán, đăm chiêu: "Người của tôi phải tự mua vũ khí ở chợ đen, 400 đô la một khẩu, hỏi rằng thế thì làm sao có phương tiện để đảm bảo trật tự?".

Từ nhiều tháng nay, họ không nhận được đồng nào từ Chính phủ Somalia. Vì thế, họ phải tự đứng ra bán hàng trong những quầy hàng vẫn còn chút gì đó để bán, hoặc tự lập ra trạm thu thuế đường. "Làm thế bị người ta ghét. Nhưng nếu không thì chúng tôi làm cách nào?“.

Ngự trị Mogadishu là đổ nát và hoang tàn. Thành phố này một thời được những người lái buôn Italy mệnh danh là "Hòn ngọc Ấn Độ Dương“. Giờ đây, trên những bức tường thành là chi chít lỗ đạn, ngổn ngang trên đường là những xác ô tô hoen gỉ, xác xe tăng, những hố pháo sâu cả mét, những ụ súng, những hàng rào dây thép. Thi thoảng có một đoàn xe trang bị nghèo nàn của lực lượng hòa bình châu Phi chạy qua. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ sân bay, bến cảng và khu vực quanh phủ tổng thống.    

Những kẻ chiếm đóng      

Lính Etiopia thường rình rập trước các ngôi nhà, tấn công các cửa hàng hay cướp bóc những người đang rời bỏ thành phố. Họ khám xét một cách ngờ vực những phương tiện ít ỏi lưu thông trên đường.

Không ai rõ có bao nhiêu lính Etiopia chiếm đóng ở đây. Có người đoán khoảng 55.000. Họ cực kỳ tàn ác, có thể bắn bất kỳ ai, nã pháo và tăng vào các khu dân cư theo hứng. Đối phương của họ là một liên minh rời rạc gồm các thủ lĩnh vũ trang và những người Hồi giáo.

Một kẻ thù giấu mặt, không có quân phục, không kiểm soát bất kỳ vùng nào của thành phố, tấn công không theo chiến thuật nào và cũng không thuộc hẳn về phe cánh nào. Mục đích của họ thì rõ ràng: xua đuổi những kẻ chiếm đóng Etiopia và trừ khử những kẻ bán nước trong chính phủ.

Ba mươi phút liều mạng

Chúng tôi đến một điểm phát chẩn trước một khu đổ nát. Có cháo kê, phát chừng nào hết thì thôi. Trẻ em xô, người lớn đẩy, phụ nữ gõ thìa vào xoong, ai đó nã súng lên trời. "Lùi lại, lùi lại!“, một người bảo vệ mặc đồng phục quát lên và lấy dùi cui đẩy đám dân chết đói, cả hàng người ngã vào nhau dúi dụi.

Xếp hàng chờ phát chẩn (Ảnh: Guy Calaf)
Chúng tôi len lỏi qua những bãi hoang tàn. Phía sau là Mohammed. Rải rác đây đó là những tòa biệt thự kiểu Ý đổ nát. Chúng tôi thấy pháo đài Garessa danh tiếng, được xây bởi một vị Sultan của Oman, giờ cũng chỉ là đống gạch vụn. Biểu tượng duy nhất còn lại của Mogadishu là một toilet công cộng.

Trong nửa giờ "liều mình“ đi thăm "thành phố chết“, chúng tôi còn rẽ được qua cảng cá và khách sạn "Aruba“, một thời là chốn ăn chơi của giới thượng lưu Somalia, đi qua Nhà hát quốc gia và "Vòng cung chiến thắng“, được xây dựng để tưởng nhớ vua Italia Umberto I. Tất cả, như đã nói, chỉ còn là dấu tích.

"Về thôi, ba mươi phút là quá đủ rồi, ở ngoài nguy hiểm lắm!“ - Mohammed nói như thế khi thúc chúng tôi quay về trụ sở cảnh sát.

"Hit and run“ – "Bắn rồi chạy“ là chiến thuật của đám thanh niên vũ trang ở đây. Thường họ tập trung thành từng đám, vác tiểu liên chạy ra khỏi đống đổ nát, bắn vài tràng, quăng vài quả lựu đạn, rồi nhanh chóng lẩn mất. Thi thoảng có một vụ đánh bom cảm tử. Đôi khi vang lên tiếng nổ của một quả bom điều khiển từ xa.

Đi tù thì chết, mà ở ngoài thì cũng chết

Chờ chúng tôi ở đồn là... một xác chết, kẻ sát nhân 16 tuổi và một người đàn ông bị bắt khi đang đặt mìn. "Hai phạm nhân mới, thế này thì tướng quân chẳng vui đâu“, ông đồn trưởng nói. Vì tướng quân Abdullahi Maalim Ali đang có một bài toán đau đầu: trong tay ông là 850 phạm nhân không có gì để ăn.

Tích tốc, tích tốc, những ngón tay của vị tướng quân đánh nhịp trên mặt bàn. Đôi mắt ông đảo hết bên này sang bên kia. Không còn thuốc men cho phạm nhân, hầu như hết nước uống, quá ít chỗ cho phạm nhân, thức ăn không xứng cho người mà cũng không còn có để ăn. Nhiều tháng rồi không trả lương cho anh em.

Có phiên toà không? Ông cười. Có được nói chuyện với phạm nhân không? Tất nhiên là không. Ở đây là Guantanamo thu nhỏ của chúng tôi. Ông vừa nói miệng vừa cười, mắt thì không.

Chờ đợi trong tuyệt vọng

Những gì xảy ra trong thành phố chẳng làm Amina mảy may quan tâm. Những gì cô lo lắng lúc này là làm sao cùng lũ trẻ sống qua đợt đói mùa hè. Đứa lớn đang bị ghẻ ruồi, đứa bé bị sốt rét. Đầu thằng bé ngọ nguậy không ngừng. Cuộc sống ở trại này là một khái niệm trống rỗng. Không có cái gọi là cuộc sống, không có khái niệm về thời gian.

Chỉ mưa mới giúp họ có nước để sống

Sự sống thu hẹp lại trong sự tồn tại. Sự tồn tại dồn lại trong chờ đợi. Chờ những tổ chức cứu nạn không bao giờ đến. Ngày mai, có khi là ngày kia, biết đâu ai đó lấy được ít kê, ít dầu, ít đậu nào từ những chiếc xe tải chở hàng..

Những tổ chức nhân đạo không còn tin tưởng vào đất nước này nữa. Nhiều quả bom từng phát nổ trước trụ sở Liên Hợp Quốc, nhân viên UNO người ngước ngoài không được phép ở Somalia qua đêm, tháng 12 vừa rồi một nhà báo người Pháp bị bắt cóc, tháng tư họ bắn chết hai giáo viên người Anh và hai giáo viên người Kenya. Người nước ngoài chỉ di chuyển trong nước nếu có lực lượng vũ trang hộ tống, phần lớn Mogadishu là khu vực cấm, cướp biển hoành hành ngang dọc ven bờ biển Somalia.

Các tổ chức như "Bác sĩ không biên giới“, "Cứu đói quốc tế“ hay Chữ Thập Đỏ chỉ dám cử nhân viên bản xứ tham gia giúp đỡ ở đây. Họ cần được viện trợ khẩn cấp để giảm bớt đau thương ở mảnh đất đang chết dần này. 

Amina nhắc đi nhắc lại câu hỏi mà chúng tôi được nghe suốt những ngày gần đây: "Tại sao không ai giúp đỡ chúng tôi?“. Ngoài kia, bụi bay trong không khí thành từng đám tràn qua khu trại, trùm lên những mái lều và những con người – tựa như những tấm vải khổng lồ.   

  • X.T (theo FOCUS)

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,