- Một vòng cung trọn vẹn từ Láng - Hoà Lạc lên ngã 3 Hoà Lạc, vòng qua Xuân Mai xuôi về Hà Đông, mới thấy hết tác động của cơn lụt lội kỷ lục tháng 10/2008 để lại cho Hà Nội.
>> Toàn cảnh Hà Nội trong trận "đại hồng thuỷ"
Sông Nhuệ, sông Đáy tràn bờ
Khuyến cáo được đặt ngay giữa lòng đường Láng - Hoà Lạc, chỉ cách đường Láng chừng 3km. Ảnh: GVT.
Chỉ cách ngã tư Láng 3km, ngược đường Láng - Hoà Lạc, tới ngã 4 vào vùng Đại Mỗ, đã thấy cơ quan chức năng giăng biển báo cấm xe ô tô vì “đường ngập 300m”. Nhiều taxi matiz gầm thấp chần chờ dừng lại, một vài xe gầm cao còn cố gắng rướn lên.
Đường Láng - Hoà Lạc nhiều ngày nay chìm sâu trong nước lụt nhiều đoạn. 8h sáng, đoạn ngập đầu tiên sâu gần 1m, dài khoảng 300m đã kịp chặn vội những xe ô tô 4 chỗ gầm thấp. Vượt qua đoạn đường này, qua cầu Sông Nhuệ, đã thấy nước tràn bờ.
Quân là một thanh niên ở Hoài Đức (Hà Nội), đã 3 ngày nay kéo xe cải tiến ra mặt đường Láng – Hoà Lạc đi cày. “Nhà em ngập hết. Rau màu chưa kịp thu chìm hết. Đành dùng cách này kiếm gạo những ngày này”, chàng thanh niên 22 tuổi gầy gò trong bộ quần đùi áo cộc ướt sũng giãi bày.
20.000 đồng/lượt là giá hữu nghị mà Quân lấy công chở xe máy qua đoạn đường nước ngập sâu gần 1m, dài 300m đục ngầu để “ủng hộ” phóng viên đi sâu vào tâm ngập úng ở các huyện Hoài Đức, Chương Mỹ….
“Anh vào sâu mới thấy dân khổ thế nào. Còn một đoạn ngập sâu nữa”, chàng thanh niên còn kịp dặn với trước khi tạm biệt.
Di chuyển bằng bè tự tạo kiểu này thì giá rẻ hơn, chỉ từ 30-40 ngàn đồng/ lượt qua 1,5km đoạn nước ngập sâu gần 1,5m. Ảnh: GVT.
Cho đến sáng sớm 3/11, trời chỉ còn mưa lâm thâm, nhưng nước ở các vùng huyện ngoại thành Hà Nội vốn vừa sát nhập từ Hà Tây về này lại đang lên. Nguyên nhân, nước từ thượng lưu đang tràn về, vượt bờ bao sông Nhuệ, sông Đáy, ngập băng các cánh đồng hoa màu đang mùa thu hoạch.
Chỉ chạy vội hơn 1km tiếp theo, đã thấy 2 xe container đóng cửa, tắt máy nằm yên giữa lòng đường. Hơn 1,5km đường ngập, đoạn sâu nhất tới ngang cổ người. Tất cả các loại phương tiện dồn ứ lại.
Dường như nghề nghiệp đưa tin trong những ngày này được những người dân lao động nghèo ở vùng trũng Hoài Đức này dành cho ưu ái. 50.000 đồng/ 1 người + 1 xe máy, 20.000 đồng/người là giá cho một chiều lên ô tô vượt qua đoạn đường khổ ải này. Nhưng chúng tôi thì được chung giá 40.000 tiền xe, còn người qua thì cho đi nhờ.
Đoạn đường nước đục ngầu dài hơn 1,5km ngập tới gần 1,5m nước này đè chìm cả đường ray xe lửa, khiến cột đèn đường sắt chỉ thấy vật vờ trên mặt nước mỗi khi lặng sóng vì không có xe qua. Chiếc IFA vốn dĩ thường ngày phì khói đen sì trên đường chở vật liệu xây dựng, nay bỗng chốc trở thành phương tiện chở khách thích hợp nhất để vượt qua vùng nước ngập này, ngoài xe tải hạng nặng.
Những người dân không có xe ô tô thì kết bè, dùng xe cải tiến để chuyển khách. Tất nhiên, giá có mềm hơn. Xe buýt trong nội thành có thể là phương tiện duy nhất có thể vượt những vùng ngập sâu, tới điểm này cũng đành dừng bánh chuyển tải khách qua xe tải sang bờ bên kia… đi tiếp.
Cả một vùng đồng ruộng bát ngát ngập trắng nước. Nhiều công ty đang tiến hành xây dựng ven đường Láng - Hoà Lạc không kịp được cảnh báo, nay đành ngao ngán nhìn hàng trăm phương tiện máy móc cơ giới chìm sâu trong nước lũ.
Các phương tiện máy móc trị giá bạc tỷ do không được cảnh báo nên đã không kịp thoát thân, đành ngâm nước chịu trận như thế này từ ngày 31/10. Ảnh: GVT.
Anh Hùng, một người dân ở xã Song Phương (Hoài Đức, Hà Tây) những ngày này cũng ra bám mặt đường hành nghề xe ôm tuyến ngắn. Gương mặt hốc hác, quần áo ướt sũng nước mưa, nước lụt, chỉ tay về hướng xã mình chỉ cách hơn 1km, Hùng kể hàng ngàn nóc nhà đang chìm trong nước. Toàn bộ hoa màu: bắp, su hào, rau thơm, cà chua… đang chuẩn bị vào vụ nay coi như mất trắng.
“Chỉ còn nước ra đây chạy được cuốc nào thì kiếm tiền đong gạo qua ngày. Giờ cả nhà cũng chỉ có cách đó, chứ không biết thính sao”, anh Hùng ngán ngẩm.
Được một tài xế xe tải chở gạch biển số 22 L- …132 giúp đỡ, vì không còn cách nào vượt ngầm trên đường Láng - Hoà Lạc do gầm không đủ cao, đành quay lại theo tuyến Trung Hà về, chúng tôi bám thùng xe quăng quật trong cơn mưa ngày càng nặng hạt ngược lên An Khánh.
Dọc tuyến đường vốn dĩ ngày thường chỉ cần vài chục phút thong dong là tới ngã ba Hoà Lạc luôn chen xe 4 chỗ chạy, hôm nay thấy đường rộng rãi hơn rất nhiều. Đường cao tốc này vốn dĩ luôn mù mịt bụi vì xe chở đất đá, những ngày này sạch bong.
Hai bên đường, qua cầu Sông Nhuệ, vượt cầu Sông Đáy…, thấy nước tràn ngập ven bờ, trắng xoá cả một vùng đồng ruộng. Thấy nhiều nhất là hàng trăm phương tiện máy ủi, máy xúc, máy đóng cọc bê tông của các công ty xây dựng, mỗi chiếc giá vài tỷ tới vài chục tỷ đồng nằm chìm sâu, im lìm trong nước đục.
Sông Nhuệ nước đã tràn bờ. Và Sông Đáy cũng vậy. Nước từ thượng lưu về khiến mực nước úng ngập đang dâng cao hơn ở các vùng chìm trong nước lụt. Ảnh: GVT
Thi thoảng mới gặp những tay vó của người dân nhân ngày lụt ra đồng kéo con cá, con tôm. 12.000 đồng/ kg cá lẫn đủ loại bán dọc ven đường, giá rẻ bất ngờ, nhưng không khỏi xót xa.
Đoạn đường từ Bắc An Khánh kéo tới ngã 3 Hoà Lạc, vốn vùng đất cao, vẫn thấy những ruộng hoa màu ven đường nằm gồng mình dưới mưa, chờ nước ngập. Trong khi Hà Nội giá rau quả đang leo thang từng ngày, thì người dân ở đây vẫn không thể thu hoạch bán vội về thủ đô bởi đường vẫn tắc, chưa biết tới bao giờ nước rút.
Vài người dân tiếc của, cố vượt lũ, đội mưa lên đường xuôi về Thủ đô với 2 sọt bắp cải đầy tràn, nặng trĩu đeo 2 bên xe đạp, với dáng người gồng mình nghiêng ngả giữa cơn mưa mù mịt, là hình ảnh quen thuộc ven đường Láng – Hoà Lạc trong sáng sớm hôm 3/11.
Đường 6 huyết mạch đã thông
May mắn, đường 6 đoạn qua Ba La nước đã rút, nên tuyến đường huyết mạch này từ sáng 3/11 đã nối liền vùng xuôi với vùng cao. Ảnh: GVT.
Trái ngược với vùng trũng Hoài Đức, An Khánh, Chương Mỹ, khi chúng tôi vượt đoạn đường 21A cũ, nay là đường Hồ Chí Minh qua Xuân Mai, thấy nước lụt chưa ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống những người dân nơi đây. Qua Hoà Sơn (trước thuộc tỉnh Hoà Bình), trước khi tới ngã 3 Xuân Mai, vẫn thấy rạp đám cưới dựng sẵn và có 2 đám rước dâu đang ngược hướng về Sơn Tây.
Đỗ Văn Tú, lái xe buýt tuyến Hà Đông – Xuân Mai cho hay, tới sáng sớm hôm nay xe anh mới xuất bến chuyến đầu sau 3 ngày nằm nghỉ. Từ đêm 30, tới sáng 31/10, tuyến đường 6 huyết mạch từ Tây Bắc về xuôi, đoạn Xuân Mai – Hà Đông khi về tới Ba La thì chìm sâu trong nước lũ.
Chỉ xuống thân xe còn nguyên vạch mờ bùn đọng, anh Tú cho hay đoạn qua Ba La từ hôm 31/10 có chỗ ngập sâu hơn 1m, dài gần 400m, xe cộ tắc nghẽn cả đoạn dài vài km.
Đến sáng 3/11, nước đoạn ngập qua Ba La đã rút, chỉ còn ngập non nửa bánh xe máy, ô tô matiz đã có thể lội qua được. Tuyến đường huyết mạch thông khiến những chuyến xe khách từ vùng cao về xuôi cũng đã nhiều hơn.
Đường ray cắt ngang đường Láng - Hoà Lạc chìm sâu trong nước nhiều ngày nay, dự báo hư hỏng nặng. Ảnh: GVT.
Dọc từ Xuân Mai về tới Hà Đông, hai bên đường vẫn thấy làng mạc chìm sâu trong nước lũ. Sông Nhuệ đoạn qua Hà Đông nước đã tràn bờ. Tuyến đường từ Hà Đông qua Văn Điển để nối ra quốc lộ 1A đến cuối giờ chiều nay vẫn chìm sâu trong nước. Ngoại trừ tuyến đường trục chính của TP. Hà Đông hết ngập, thì các khu dân cư ven đường nhiều nơi vẫn ngập trong nước.
Hà Nội, vẫn còn mất rất nhiều thời gian sau trận lụt lịch sử này, để khắc phục hậu quả, nhìn lại mình và đi tìm lý do tại sao?
-
Hà Trường