221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1135525
Những đứa trẻ tả tơi vì bạo bệnh
1
Article
null
Những đứa trẻ tả tơi vì bạo bệnh
,

 - Xen lẫn tiếng cười giòn tan, tiếng chạy nhảy, tiếng bi bô học nói là tiếng nhõng nhẽo và cả tiếng khóc thét đau đớn. Bố mẹ chúng phải quen dần với nỗi đau, gắng nở những nụ cười gượng gạo trước ánh mắt hồn nhiên của chúng để hy vọng cuộc đời sẽ là câu chuyện cổ tích.

 

“Mẹ ơi, mẹ đừng khóc”

 

Hành lang khoa nhi, Bệnh viện K Trung ương có căn phòng nhỏ xinh xắn dành riêng cho các cháu nhỏ. Rộng gần hai chục mét vuông, nơi đây có chiếc bàn tròn, những chiếc ghế màu sắc xinh xắn và chiếc tủ bày biện rất nhiều thú bông, đồ chơi.

 

Nhiều em nhỏ đi lại, chạy nhảy tung tăng, trên tay là bông băng, dụng cụ y tế phục vụ cho việc truyền dịch.

 

Trong các phòng điều trị, có những đứa trẻ chỉ nằm một chỗ, mệt lả sau ca truyền dịch. Có những đứa trẻ như thành phản xạ, thấy người lạ là kêu đau, không muốn tiếp xúc vì sợ phải gặp bác sỹ. Nhiều cháu nhỏ, im lặng hoặc rên rỉ kêu đau, bố mẹ các em cũng chỉ biết lủi thủi bên cạnh dỗ dành.

 

Chị Trinh không muốn khóc trước mặt con.
Đến từ nơi xa nhất (Phú Dương, Phú Quang, Thừa Thiên Huế), cũng là một trong những trường hợp nhỏ tuổi ở đây là gia đình anh chị Nguyễn Hảo Huy, Diệp Kiều Trinh và cháu Nguyễn Diệp Anh Thi. Cháu Thi mới hơn hai tuổi, bị u màng phổi.

 

Mới được hai tháng tuổi, Thi bị nổi nốt sau lưng như một hạt gạo nhỏ, rồi hạt gạo to dần, cháu không ăn uống được. Vợ chồng anh chị đưa cháu đi khám tại tỉnh, đã trải qua 4 đợt điều trị, bệnh có thuyên giảm rồi lại tái phát, đến lúc bệnh nặng hơn thì chuyển ra bệnh viện K Trung ương.

 

Anh Huy, chị Trinh ra đây đã gần một tháng, ở trọ trong một căn phòng nhỏ gần bệnh viện, ngày ngày đưa cháu vào điều trị. Số tiền vay mượn anh chị em bạn bè cứ cạn dần trong khi hai vợ chồng cũng chỉ biết chăm chăm chữa bệnh cho con mà không làm lụng gì.

 

Gia đình anh chị cũng nhiều nỗi trớ trêu. Chị Trinh quê ở Trà Vinh, học kế toán tại Huế, sau khi ra trường không xin được việc làm nên ở nhà mở cửa hàng làm bia mộ với chồng. Đôi vợ chồng trẻ 28, 30 tuổi bảo nhau làm ăn, nhưng cái nghề thời vụ một năm chỉ hoạt động rộ trong 6 tháng, thời gian còn lại thì đi làm thuê làm mướn, thu nhập không ổn định, lại bấp bênh.

 

Thời gian điều trị cho con từ khi sinh đến giờ đã mót hết số tiền tiết kiệm dành dụm được của đôi vợ chồng mới cưới. Đến khi ra ngoài này, cầm tiền vay nợ trong tay, mỗi ngày 45.000 đồng tiền trọ, mấy ngày đầu đi ăn ngoài quán cơm cũng ngót nghét cả trăm bạc, giờ anh chị tự nấu lấy cũng mất 50.000-60.000 đồng/ngày. Hai vợ chồng không làm gì ra tiền trong thời gian chữa trị nhưng vẫn gắng gượng, tiết kiệm những đồng tiền đi vay để  kéo dài thời gian cho đứa con nhỏ tuổi tội nghiệp.  

 

Chị Trinh tâm sự: “Hồi đi khám khi mới biết cháu bị bệnh, mình nghe như chết đứng, không còn tinh thần gì nữa cả. Nhưng rồi quãng thời gian chạy chữa cũng phải quen dần với nỗi đau. Gắng lo cho cháu hết sức mình, số phận cháu đã vậy nhưng cũng không thể khoanh tay làm ngơ. Giờ không biết sao nhưng cũng vẫn cứ phải duy trì được ngày nào hay ngày đó.”

 

Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt xác xơ của người mẹ trẻ. Sinh đứa con đầu lòng, lại lấy chồng xa, đã gần 5 năm chị mới về bên ngoại được một lần, chừng ấy thời gian sinh con, là chừng ấy thời gian lo chạy chữa, chưa có lúc nào kịp nhìn lại để nghĩ cho bản thân. Nhìn đứa bé hai năm tuổi xinh xắn, đáng yêu lại càng thêm xa xót.

 

Chị buồn bã: “Nó có chuyện chi không biết mình thế nào… Không biết mình có đối diện sự thật được không! Vào viện thấy nhiều người chung cảnh ngộ cũng thấy đỡ tủi, nhưng những khi đêm về mình lại chịu không nổi”.

 

Chị bảo chị vẫn không dám khóc trước mặt cháu. Mỗi khi bế cháu nói chuyện với ai mà khóc Thi lại lấy tay gạt nước mắt thủ thỉ: “Mẹ ơi, mẹ đừng khóc”, dù cháu cũng không biết vì sao mẹ khóc. Nhìn bé Thi rất ngoan, cháu vẫn đang đau trong người mà không hề khóc to, thỉnh thoảng chỉ rên rỉ lên vài tiếng.

 

Bây giờ Thi không ăn uống được gì, mỗi ngày chỉ uống cốc sữa nóng và điều trị. Trong vòng tay mẹ, trông Thi nhỏ nhắn, dễ thương biết bao nhiêu. Đôi vợ chồng trẻ vẫn tất tả với hy vọng con lớn chừng nào hay chừng đó, tất cả vì tình yêu thương con…

 

“Cháu chỉ thích nghịch cát”

 

Dọc hành lang bệnh viện, mấy cháu nhỏ vô tư chạy qua chạy lại đùa nghịch, chúng hồn nhiên, vô tư đâu hề biết bệnh của mình khó lòng chữa khỏi. Cháu Nguyễn Việt Quang, 5 tuổi chạy nhanh quá bị vấp ngã, quần áo còn lấm lem vết bẩn. Quang đi cùng bố, anh Nguyễn Văn Tự, 30 tuổi, ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh.

 

Quang còn vô tư chưa hiểu được nỗi buồn của bố
Hai bố con anh Tự, bé Quang cứ hết đi dọc hành lang, ngồi ghế rồi lại lòng vòng trong khuôn viên bệnh viện. Trong đợt điều trị này, anh vẫn đưa đón con đi truyền hóa chất, tiêm tủy đồ với quãng đường hơn 40 cây số hàng ngày. Không nằm điều trị tại viện hai bố con đi đi về về để tiết kiệm tiền thuê trọ.   

 

Quang bị ung thư hạch, đã trải qua 6 tháng điều trị hóa chất, hạch teo đi rồi lại bị tái phát. Thời gian về đợi đến ba tháng sau đi khám lại thì mới được hơn một tháng đã phải đưa cháu quay lại viện.

 

Nhà nông gắn với ruộng đồng, đưa đón con điều trị, cộng với số tiền mua thêm thuốc ngoài bảo hiểm, số tiền anh phải vay nợ đã lên đến mấy chục triệu đồng.

 

Nhìn đứa con vui chơi anh Tự không khỏi xót xa: “Mình là đàn ông con trai phải gánh vác, nhưng nhiều khi cũng không giấu nổi giọt nước mắt. Nhiều đêm nằm khóc, lúc nào cũng suy nghĩ đến bệnh của con, lẩn thẩn không biết còn bao nhiêu thời gian nữa được ở bên cháu”.

 

"Cháu chỉ thích nghịch cát thôi!"
Lặng một hồi lâu, anh nói: “Mình là cha là mẹ, sinh ra con, con ốm đau đã chán, dính vào những căn bệnh này thì cũng chỉ biết trông chờ vào bác sỹ. Nhìn con có bệnh không thể không chữa, thôi thì đành theo số phận, đến đâu thì đến, còn nước còn tát…”

 

Anh Tự cho biết, anh vẫn giấu mọi người xung quanh về bệnh của cháu, cứ phải nói dối nọ kia. Anh kể về những hôm chứng kiến cháu đi mẫu giáo vì không có tóc nên bị bạn bè trêu và không cho chơi cùng nên đòi về nhà mà thương. Nhớ lại những khi ăn cơm cháu không cho bón, chỉ có đợt bị tụt bạch cầu gần một tuần không cầm nổi thìa mới nghe bố bón cho càng thấy thương hơn.

 

Thấy Quang đang nghịch ở dưới gốc cây, tôi lại gần hỏi:

- Cháu đang làm gì vậy?

 Quang cười ngượng ngùng:

- Cháu chỉ thích nghịch cát thôi!

- Thế cháu có thích chơi đồ chơi không?

- Cháu thích lắm! Cháu muốn có một cái ô tô nhưng cái đó đắt lắm, bố cháu không có tiền mua đâu.

 

Quang lại chạy đi vòng quanh mấy cái cây. Cháu đang chờ để đến lượt tiêm. Cậu bé ngoan, hiền và có nụ cười rất xinh. Cũng như bao bệnh nhân nhi nơi này, Quang vào đây chỉ biết ngày vào, không biết ngày nào ra, căn bệnh đến hẹn lại lên và có nhiều khi nỗi đau đến quá đỗi bất ngờ.

 

Tôi biết những người thân của các cháu bé đang điều trị căn bệnh hiểm nghèo này tại đây đang cố gắng khỏa lấp một khoảng trống nào đó rất lớn trong lòng. Họ phải miễn cưỡng làm vậy khi nhìn vào mắt những thiên thần bé nhỏ kia chỉ thấy sự vô tư, hồn nhiên khám phá cuộc sống mà đâu biết gì đến u lành, u ác, ung thư não hay xương... 

  

Khu vui chơi của trẻ em khoa Ung bướu Bệnh viện Nhi Trung ương
Người ta chỉ thấy những ông bố, bà mẹ còn quá trẻ ở đây nhẫn nại, tảo tần, gắng gượng để chơi đùa vui vẻ với con, ngày qua ngày trôi đi, rồi để đêm xuống nhìn các thiên thần của mình ngủ ngon lành mà lại không kìm nén nổi những tiếng nấc nghẹn ngào.

 

Những đôi mắt thâm quầng và nước da mai mái vì hàng năm trời mất ngủ đó đang mơ những điều kỳ diệu nhất trên thế gian sẽ đến với bọn trẻ, dù tháng ngày trước mắt của chúng có khi chẳng tày gang…

 

TS Trần Văn Thuấn, Phó giám đốc Bệnh viện K, cho biết, những năm gần đây số lượng bệnh nhân ung thư tăng 20 – 40% so với năm trước.

Đáng chú ý, số lượng trẻ em bị ung thư đang có dấu hiệu gia tăng. Trong số khoảng 150.000 - 200.000 bệnh nhân ung thư mới phát hiện mỗi năm, có khoảng 2.000 - 3.000 bệnh nhi ung thư.

  • Bài, ảnh: Trà My

    Kỳ sau: Bố con mình cùng chiến đấu với tử thần
     

,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,