- Những người lính thuộc Đoàn C52 mà chúng tôi có dịp gặp đều có tuổi đời rất trẻ và đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Họ gặp nhau ở hòn đảo thiêng liêng này bằng một tình yêu cháy bỏng với biển, bằng lời tuyên thề của thế hệ trẻ ngày hôm nay. Còn đó những khó khăn về vật chất và tinh thần, song với niềm đam mê mãnh liệt với miền đất nơi biên viễn này, những người lính cắm đảo vẫn sẵn sàng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Người của đảo
Đêm, gió từ biển rít từng đợt. Cánh cửa sổ phòng của Thượng tá Vũ Đình Duẩn, Trung đoàn trưởng Đoàn C52, bị gió biển giật tung. Đang là đợt gió mùa Đông Bắc nên biển động dữ dội.
Âu thuyền trú chân của những tàu thuyền đánh bắt xa bờ trên đảo Bạch Long Vĩ sau chuyến hải hành. |
Từ chiều, sau cuộc họp khẩn cấp với các chiến sỹ, chỉ huy Trung đoàn đã chỉ rõ và đề ra các phương án tác chiến trong trường hợp gió biển giật mạnh.
Một chiến sỹ Trung đoàn chạy về báo cáo nhanh tình hình: Đêm nay sẽ có gió mùa Đông Bắc, sức gió giật cấp 7 và cấp 8. Thượng tá Duẩn vội điện cho anh em chiến sỹ trực tiếp ra tại âu cảng Bạch Long Vĩ để nắm xem tình hình tàu bè ngư dân trú ngụ như thế nào.
Trước khi rời chiếc máy điện thoại, ông còn không quên nhắc nhở anh em: "Xem bà con ngư dân trú gió bão như thế nào, cử ngay một tốp chiến sỹ xuống ngay tại khu vực tàu ngư dân đang trú ngụ để giúp đỡ bà con neo thuyền an toàn".
Thượng tá Duẩn kể rằng, ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ vùng biển của Tổ quốc, các chiến sỹ đóng quân tại đây còn có một nhiệm vụ nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là tổ chức công tác cứu nạn, cứu hộ và hướng dẫn ngư dân neo đậu thuyền an toàn vào những hôm biển động.
"Cơn bão số 10 năm 2009 đổ thẳng và tàn phá tan hoang đảo Bạch Long Vĩ với sức gió giật trên cấp 12. Nhờ lường trước được đường đi của bão và khả năng tàn phá khủng khiếp của cơn bão số 10 nên anh em chúng tôi đã chủ động kêu gọi ngư dân vào tránh bão an toàn. Trung đoàn còn cắt cử một lực lượng anh em chiến sỹ túc trực sẵn tại âu cảng để giúp dân neo thuyền, phát thêm cho ngư dân một số lương thực, thực phẩm và quần áo. Các y, bác sỹ tại đây sẵn sàng túc trực để cứu hộ những người bị thương...", vị chỉ huy kể lại.
Những ngư dân vào âu cảng Bạch Long Vĩ mà chúng tôi gặp kể rằng, vào mùa biển động, họ thường cố gắng đưa tàu thuyền vào trú ngụ tại nơi đây. Những người lính hải quân, biên phòng và các lực lượng dân quân tự vệ trên đảo thường xuyên giúp đỡ họ kéo tàu vào bờ rồi cung cấp thêm cho họ các nhu yếu phẩm cần thiết. Chỉ chừng ấy thôi, họ cũng đã thấy ấm lòng.
Những người giữ bình yên cho từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc. |
Còn nhớ, trong lần trò chuyện với thuyền trưởng tàu cá Hoàng Văn Hùng, anh bảo rằng không thể bỏ thuyền, bỏ biển vì còn mang nợ với biển, vì giữa biển khơi xanh thẳm, có những con người ngày đêm bên họ để bảo vệ bình yên cho những chuyến ra khơi.
Những con người mà Hùng nhắc tới bên chén rượu nhạt đó có khi là những chiến sỹ cảnh sát biển - người luôn luôn ở bên họ trong lúc đánh cá ở khu vực đánh bắt cá chung; có khi là những người lính hải quân đoàn C52 ngày ngày giúp dân, hướng dẫn tàu thuyền vào nơi trú ngụ an toàn. Một ít mì gói, một ít quần áo mà cánh lính đảo quyên góp được chuyển đến cho ngư dân để giúp họ vượt qua cơn thịnh nộ của biển khơi...
Chỉ huy Duẩn thường gọi những ngư dân đánh bắt cá trên biển là những chiến binh kiêu dũng. Rằng, để giữ được thế đứng của đảo trên biển, giữ vững vẹn nguyên dáng hình của Tổ quốc thì không thể thiếu những "chiến binh" quả cảm như thế.
Ngày lại ngày, những lực lượng đóng quân trên đảo vẫn âm thầm giúp đỡ ngư dân, tạo thành một thế trận, thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Nông dân đi canh biển
Bên ấm trà đặc quánh, Trung tá Đỗ Trường Sơn (Chủ nhiệm Chính trị Đoàn C52) say sưa kể về gia đình với sự hân hoan hiện rõ trên gương mặt. Anh mở đầu câu chuyện sau khi rít một điếu thuốc lào: "Tớ là nông dân thứ thiệt đấy".
Trung tá Đỗ Trường Sơn nói rằng anh chỉ là một người nông dân khoác lên mình tấm áo lính ra Bạch Long Vĩ canh biển trời của Tổ quốc. |
Ngót nghét gần 30 năm gắn bó với hòn đảo này, hơn 20 năm sống xa vợ, xa con và gia đình, hơn ai hết Trung tá Sơn hiểu rõ những khó khăn về vật chất cũng như tinh thần mà người lính nơi đây đang phải gánh chịu. Nhưng, những khó khăn đó không bao giờ làm người lính nơi đây nao lòng, họ vẫn vững chắc tay súng bảo vệ vùng trời và vùng biển.
Lấy vợ từ năm 1990, thế nhưng thời gian 2 vợ chồng ở bên nhau cũng chẳng là bao ngoài kỳ nghỉ phép mỗi năm một lần. 2 đứa con sinh ra, đứa lớn giờ đang học một trường Cao đẳng, định nối nghiệp của bố, đứa bé đang là học sinh đều một tay vợ cáng đáng và chăm lo.
Có lần, cực quá, vợ anh dỗi: "Nếu được chọn lại từ đầu, sẽ không bao giờ lấy lính nữa cả. Tháng ngày biền biện nơi xa mù khơi tít tắp".
Nói là vậy nhưng Trung tá Sơn hiểu rõ chẳng mấy ai thương chồng, thương con như vợ của mình cả. Có lần, nhớ chồng không chịu nổi, chị lên tàu ra đảo thăm anh.
"Vợ tôi ra cũng không thèm báo trước một câu. Tôi đang đi họp thì có chú lính đến bảo là chị nhà ra thăm. Nửa tin nửa ngờ chạy về phòng nghỉ xem thế nào. Vì say sóng nên bà xã nằm bệt ra giường, mặt xanh như tàu lá chuối. Ra thăm chồng được 1 tuần mà đã mất hơn 3 ngày nằm co quắp vì say sóng rồi" - Trung tá Sơn nhớ lại.
Mỗi lần được về phép, bỏ bộ quân phục ra, chẳng ai nhận ra đó là Chủ nhiệm chính trị Đoàn C52 nữa. Anh lại cầm cuốc ra xới xới mấy luống rau, chặt tre đan lại cái chuồng gà, che chắn lại mấy cái hàng rào.
Sáng tinh mơ, 2 vợ chồng lại cùng nhau ra đồng cho đến khi mặt trời đứng bóng mới trở về nhà. Nhà có 4 người, vui hẳn lên. Trong lúc vợ nấu cơm, anh tranh thủ băm rau giúp vợ nuôi lợn.
Mỗi năm 1 tháng phép, hơi ngắn ngủi nhưng chừng đó cũng giúp những người như Trung tá Sơn vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà, nhớ vợ và con khi trở lại với đảo, để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Những người lính hải quân Đoàn C52 đều rất kiệm lời khi chúng tôi hỏi về công việc, thành tích mà mình đạt được. Bởi lẽ với họ, khi đã khoác trên mình bộ quân phục thì có nghĩa là họ đang gánh trên vai những nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó. Cho dù có khó khăn đến mấy, thì họ vẫn nỗ lực hoàn thành. Ấy vậy mà mỗi khi hỏi về gia đình, họ lại kể một cách say sưa.
Những chiến binh của biển ra khơi. |
Với Phó Chủ nhiệm chính trị Hà Ngọc Ngân, mỗi khi kể về vợ và cô con gái yêu bé bỏng 6 tuổi, mắt anh lại rực sáng lên và cười mãn nguyện. Ngân bảo rằng, hồi mới cưới nhau, còn quá khó khăn nên 2 vợ chồng không thể mua nổi một chiếc nhẫn cưới.
Trước lúc anh lên tàu ra với đảo, vợ anh mua tặng một chiếc đồng hồ Sen-ko chắn góc. Mười năm nay, anh vẫn đeo chiếc đồng hồ đó và coi nó như một kỷ vật thiêng liêng.
"Mình đang tính cuối tuần này được nghỉ, xuống dưới kia thay viên pin. Đồng hồ tốt thật, 10 năm rồi mà vẫn chạy ngon lành, thi thoảng chỉ phải thay pin mà thôi" - Thiếu tá Ngân cười hiền.
Khác hẳn với những người khác, khi kể về gia đình, khuôn mặt của Chỉ huy trưởng đoàn C52 lại chùng xuống. Thi thoảng, những giọt nước mắt lại chực lăn xuống khuôn mặt sạm đen vì nắng và gió.
"Tháng 12 năm 1995, chỉ huy Vùng 1 điện ra bảo mình về gấp vì mẹ mất. Mình không thể tin vào tai mình nữa vì lần về phép trước đó, bà cụ vẫn khỏe, trước lúc mình ra đảo còn chạy theo để tiễn mình. Sau khi chỉ huy đồng ý cho mình được phép về quê chịu tang mẹ thì mình mới hay là không có tàu thuyền về đất liền thời điểm đó. Đang trong đợt gió mùa Đông Bắc nên tàu thuyền cập cảng hết. Vậy là đành ở trên đảo chịu tang mẹ vậy", mắt ngấn lệ, Chỉ huy trưởng Vũ Đình Duẩn nhớ lại.
Ngày mẹ mất, Thượng tá Duẩn không có mặt để nhìn mặt người sinh thành ra mình lần cuối. 10 cái giỗ mẹ cũng không được về vì toàn vào dịp cao điểm tháng 12, quân số đơn vị phải tập trung 100%.
Còn đó những khó khăn, gian nan và vất vả, thế nhưng những người lính trên đảo Bạch Long Vĩ vẫn luôn luôn bám đảo để giữ vững từng tấc đất, tấc biển. Với họ, hạnh phúc là mỗi buổi sáng, khi bình minh vừa ló trên biển được nhìn thấy những con tàu ra khơi, được nhìn thấy lá cờ Tổ quốc tung bay ngạo nghễ giữa biển trời. Và họ đang cống hiến hết sức mình vì hạnh phúc không hề giản dị ấy.
-
Hoàng Sang(Còn tiếp)