221
1661
Phóng sự điều tra
psks
/psks/
1269019
Sự thật về người bệnh bị "bòn rút" qua giá thuốc
1
Article
null
Bài 1:
Sự thật về người bệnh bị 'bòn rút' qua giá thuốc
,

LTS: Khảo sát giá thuốc trong nhà thuốc một số bệnh viện công và tại một số nhà thuốc bệnh viện tư, phòng khám tư, nhà thuốc tư nhân trên địa bàn Hà Nội có thể thấy một thực tế là giá thuốc trong nhà thuốc các bệnh viện cao hơn giá thuốc trên thị trường.

Riêng về thuốc nhập khẩu, Phóng viên VietNamNet đã khảo sát giá thuốc thực tế bán trong nhà thuốc ở một số bệnh viện lớn nhất Hà Nội và lớn nhất của cả nước (như Bạch Mai, Nhi Trung ương, bệnh viện K, ...) và bị "sốc" vì giá bán đang ở mức quá cao so với giá thật.

Có những loại thuốc trước khi được nhập khẩu vào Việt Nam đã được nâng giá cao gấp 200% đến 300% so với giá gốc. Khi đấu thầu vào các bệnh viện ở Việt Nam, những "kẽ hở" của luật pháp đã khiến các chi phí trung gian gia tăng mạnh (tiền hoa hồng cho dược sỹ, bác sỹ), những loại thuốc này tiếp tục bị đẩy giá cao hơn giá nhập khẩu, thậm chí có nơi giá trúng thầu (giá bán cho người bệnh) cao hơn 700% so với giá nhập khẩu!

Trong khi thuốc bị "làm giá" một cách quá dễ dàng, ngành công nghiệp Dược phẩm đang được đánh giá là "siêu lợi nhuận" và tiền lãi đang "rót" vào túi của một số người thì túi tiền vốn đã quá mỏng manh của người bệnh đang bị "bòn rút" một cách trắng trợn.

VietNamNet khởi đăng tuyến bài về Giá thuốc trong các bệnh viện để bạn đọc có cái nhìn đa chiều về vấn đề này.

- Giá thuốc bệnh viện công đắt gấp đôi giá thị trường. Thuốc đã bị nâng 200 đến 300% so với giá gốc trước khi được nhập khẩu vào Việt Nam. Nhưng khi vào các bệnh viện VN, giá bán tiếp tục chênh cao mấy trăm phần trăm so với giá nhập khẩu!

Giá thuốc viện công đắt gấp đôi giá thị trường

Giá bán Vibovit Bovat (bổ sung Vitamin) tại bệnh viện Nhi Trung ương là 5.800 đồng/gói. Ngay tại nhà thuốc Minh Đức (nằm bên phải cổng chính của viện), giá loại này chỉ có 3.500 đồng/gói (bằng 60% giá trong bệnh viện!)

Trong đơn thuốc (kê ngày 25/02/2010 tại bệnh viện Nhi TW) của bệnh nhân Nguyễn Văn Nguyên, 2 tuổi, quê tại Thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên ghi rõ phải mua 60 gói Vibovit Bovat. Tổng số tiền chỉ để mua loại này tại bệnh viện Nhi TW là 348.000 đồng.

Mô tả ảnh.

Đơn thuốc của bệnh nhân Nguyên tại BV Nhi TW có thuốc Vibovit Bovat (loại thuốc thứ 3 từ trên xuống), giá 5.800 đồng/gói. Nếu mua ở nhà thuốc bên ngoài cổng viện Nhi, giá còn 3.500 đồng/gói!

Trong khi đó, nếu chỉ mua một loại thuốc trên ở nhà thuốc Minh Đức, bệnh nhân này sẽ phải chi 210.000 đồng, tiết kiệm được 138.000 đồng (chỉ cho 1 loại thuốc).

Giá thuốc tăng hồng cầu Hemax loại 2.000 đơn vị được BHYT thanh toán tại bệnh viện Thanh Nhàn là 235.200 đồng/hộp, mỗi hộp 1 ống. Mức giá này cũng được áp dụng tại bệnh viện Bạch Mai. Tại bệnh viện K, giá loại thuốc này nhỉnh hơn một chút, được bán ở mức 240.000 đồng/hộp.

Trong khi đó, tại Trung tâm dược phẩm 95 Láng Hạ, giá Hemax 2.000 đơn vị được bán ở mức 145.000 đồng/hộp, thấp hơn giá bán trong các bệnh viện công đến gần một nửa!

Tuy chênh lệch nhau lớn nhưng người bệnh khó có khả năng từ chối mua thuốc này trong các bệnh viện công, bởi nhà thuốc của bệnh viện tư, các nhà thuốc vừa và nhỏ trên thị trường không bán các loại thuốc đặc trị như trên!

Giá bán cho người bệnh cao hơn 700% giá nhập khẩu!

Bệnh nhân Đào Phương Nam (trú tại xóm 11, xã Nông Tuyến, Thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) đến bệnh viện Nhi TW khám với triệu chứng co giật tự nhiên. Đơn thuốc kê cho bệnh nhân này có 3 loại, trong đó có thuốc Lapaliver.

Thuốc Lapaliver (hộp 10 vỉ, mỗi vỉ 10 viên) được bán tại bệnh viện Nhi TW với giá 3.700 đồng/viên. Như vậy, bệnh nhân Nam muốn mua một hộp thuốc này phải “móc hầu bao” 370.000 đồng.

Mô tả ảnh.
Một hộp Lapaliver 100 viên (loại thứ 2 từ trên xuống) nếu mua ở Viện Nhi TW có giá bán đắt gần gấp 5 lần so với giá nhập khẩu!

Theo thông tin cập nhật nhất trên website của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), giá nhập khẩu của thuốc này vào thời điểm năm 2008 là 4,5 đô la Mỹ/hộp và đợt nhập khẩu gần đây nhất (tháng 4/2009), giá nhập khẩu loại thuốc này không có biến động.

Như vậy, tính theo tỷ giá của năm 2010 (1 đô la Mỹ tương đương 19.100 VND) thì giá nhập khẩu của loại thuốc trên là xấp xỉ 87.000 đồng/hộp! So với giá bán ra tại bệnh viện Nhi TW (370.000 đồng/hộp) thì giá nhập khẩu thấp hơn giá bán tới 290.000 đồng/hộp!

Theo một thống kê sơ bộ sau khi khảo sát giá của 606 loại thuốc nhập khẩu được tiêu thụ tại bệnh viện Bạch Mai năm 2007, kết quả cho thấy:

- Giá trúng thầu cao hơn 653% so với giá nhập khẩu: Có 1 loại

- Giá trúng thầu cao hơn từ 506% đến 534% so với giá nhập khẩu: Có 2 loại

- Giá trúng thầu cao hơn từ 401% đến 448% so với giá nhập khẩu: Có 3 loại

Ngoài ra, có 10 loại thuốc có giá bán chênh giá nhập khẩu trên 300%. Có rất nhiều loại thuốc mà mức chênh lệch này dao động trong khoảng từ 100% đến 200%.

Kết quả chung cho thấy: Có 25,2% thuốc nhập khẩu trong bệnh viện Bạch Mai có giá bán cao hơn giá nhập khẩu từ 35% trở lên!

Tại bệnh viện Bạch Mai, giá trúng thầu năm 2009 (giá trúng thầu sau đó trở thành giá bán cho người bệnh) của loại thuốc Lydocef 1g (do hãng Shandong Reyoung của Trung Quốc sản xuất, công ty Dược phẩm Trung ương II nhập khẩu) là 68.000 đồng/hộp 1 lọ.

Trong khi đó, giá nhập khẩu của loại thuốc này năm 2008 (tính theo giá công bố mới nhất trên website Cục Quản lý Dược) là 0,65 đô la Mỹ. Tính theo tỷ giá hiện tại, giá nhập khẩu của thuốc này xấp xỉ 12.500 đồng!

Như vậy, giá bán ra chênh lệch tới xấp xỉ 540% so với giá nhập khẩu!

Nhưng mức này vẫn chưa phải là mức chênh lệch cao nhất. Đã có những loại tỷ lệ chênh lệch giữa giá bán ra với giá nhập khẩu lên đến trên 700%!

Căn cứ vào bảng tổng hợp giá thầu năm 2009 của Cục Quản lý Dược, bệnh viện Bạch Mai có tổ chức đấu thầu loại thuốc Inimod 30mg. Giá trúng thầu thuốc này tại Bệnh viện Bạch Mai là 9.933 đồng/viên.

Trong khi đó, giá nhập khẩu loại thuốc này vào Việt Nam của công ty Dược phẩm Traphaco chỉ dừng ở mức 1.320 đồng/viên (gía nhập khẩu năm 2007). Tính ra, giá bán cho người bệnh bằng 752% giá nhập khẩu (gấp 7,5 lần)!

Khi đặt vấn đề vì sao lãnh đạo các bệnh viện chấp nhận mức giá tiêu thụ quá cao so với giá nhập khẩu thì một trình dược viên lâu năm của một công ty Dược phẩm tiết lộ: “Vấn đề không phải lãnh đạo bệnh viện không biết giá nhập nhẩu. Song nếu biết giá nhập khẩu rồi thì công ty Dược có thể “thỏa thuận” mức “ăn chia” để bệnh viện “ỉm đi” và chấp thuận mức giá mà công ty đưa ra”.

Trước khi vào VN, thuốc đã được nâng 200%-300% so với giá gốc!

Trong báo cáo “Pháp luật cạnh tranh điều chỉnh hành vi phản cạnh tranh trong hệ thống phân phối dược phẩm tại thị trường Việt Nam” do Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công thương) chủ trì thực hiện nghiên cứu và công bố hồi tháng 03/2009, đã xuất hiện một thông tin gây sốc.

Theo đó: “Thuốc trước khi nhập khẩu vào Việt Nam đã được nhà phân phối, công ty môi giới cấu kết với văn phòng đại diện của các công ty nước ngoài tại Việt Nam để “ấn định” giá. Các công ty nước ngoài cũng quyết định luôn giá bán buôn và giá bán lẻ ra thị trường, có khi giá thuốc được nâng cao hơn giá gốc từ 200 đến 300%”.

Đây cũng chính là một phần trong kết quả thanh tra giá thuốc năm 2007 của Bộ Y tế.

Sau khi được nhập khẩu vào Việt Nam, công đoạn tiếp theo là thuốc tiếp tục bị nâng giá thông qua quá trình đấu thầu khi vào đến từng bệnh viện, kết quả là giá trúng thầu và giá nhập khẩu chênh nhau một trời một vực như những ví dụ đã được dẫn chứng ở trên.

Nếu cộng tỷ lệ nâng giá khi nhập khẩu vào Việt Nam với tỷ lệ nâng giá khi vào các bệnh viện là đã có thể tính ra tổng mức chênh lệch quá lớn giữa giá gốc thực sự của thuốc với giá bán cho bệnh nhân.

Tất cả những chênh lệch quá cao về giá như thế này, chỉ có một đối tượng duy nhất phải gánh chịu hậu quả, đó là người bệnh.

Giám đốc một công ty kinh doanh Dược phẩm trên tại Hà Nội cho biết: “8 năm làm trong nghề đủ để tôi nắm được tất cả những mánh khóe cũng như bất cập của việc quản lý giá thuốc hiện nay. Giá thuốc nhìn bề ngoài có vẻ “yên ổn”, luôn được các cơ quan quản lý báo cáo là được “bình ổn”, không tăng đột biến nhưng thực chất là không thể tăng được nữa vì nó đã đang ở mức quá cao rồi”.

Trong khi thuốc nhập khẩu đang bị “làm giá” một cách dễ dàng như thế này thì tỷ lệ thuốc nhập khẩu của Việt Nam ngày càng gia tăng.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược, chỉ tính riêng năm 2008, số tiền Việt Nam chi ra để nhập khẩu thuốc là 923,288 triệu đô, tăng 13,7% so với năm 2007.

Tiền mua thuốc của người Việt Nam ngày càng nhiều lên

Theo báo cáo của Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), trong những năm gần đây, chi tiêu của người dân Việt Nam dành cho các dịch vụ y tế ngày càng gia tăng, đặc biệt là chi tiêu dành cho dược phẩm.

Năm 1998, chi tiêu cho tiền thuốc tính theo đầu người mới ở mức 5,5 đô la Mỹ/năm. Sau 10 năm (2008), mức chi tiêu cho tiền thuốc của người Việt Nam đã tăng lên mức 16,45 đô la/người/năm (cao gấp 3 lần).

Theo báo cáo phân tích ngành Dược công bố tháng 6/2009 của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt thì với mỗi đô la thu nhập tăng thêm thì người Việt Nam trích ra 1 cent (tức 1% của phần thu nhập tăng thêm) cho tiền thuốc.

  • Cẩm Quyên
    Bài 2: “Công nghệ móc túi” bệnh nhân ở Việt Nam
,
Ý kiến của bạn
Ý kiến bạn đọc
,
,
,
,