- 10 ngày lênh đênh trên biển, Phóng viên VietNamNet đã ghi lại được những hình ảnh hiếm hoi, xúc động về vùng biển Hoàng Sa cùng những ngư dân đang ngày đêm gắn bó với vùng biển máu thịt này.
>> Kỳ 2: Nín thở đi qua vùng biển "tử thần"
>> Kỳ 3: Hiểm nguy giữa biển Hoàng Sa
>> Kỳ 4: Bỏ vùng biển Hoàng Sa là có tội với cha ông
>> Kỳ 5: Đêm dưới lòng biển Hoàng Sa
>> Kỳ 6: Hoàng Sa, nơi cuộc sống không có chỗ cho sự yếu hèn
>> Kỳ 7: Tựa vào nhau để sống với Hoàng Sa
>> Kỳ 8: Hoàng Sa, 36 năm vẫn cách một nhịp chèo.
Như đã nói ở kì trước, hành trình đến Hoàng Sa của PV VietNamNet bắt đầu từ Quảng Ngãi, thuyền chúng tôi đến đảo Lý Sơn khoảng 17 hải lý. Từ đó, cứ theo la bàn trên tàu chỉ hướng Đông chạy thẳng ra Hoàng Sa.
Hơn 1 ngày chạy hết tốc độ, đêm tàu đến được đảo Phú Lâm, qua đảo Tri Tôn , tiếp tục đến khu đảo mà ngư dân vẫn gọi là đảo Quang Ảnh rồi vòng về đảo Bom Bay, kết thúc hành trình.
Thức cùng những ngư dân trắng đêm giữa biển Hoàng Sa, bất cứ ai cũng sẽ khóc. Nhưng, nước mắt sẽ chảy ngược vào tim, quặn thắt lòng khi nhìn về phía quầng sáng, nơi có ánh đèn tín hiệu nhấp nháy trên đảo Tri Tôn, Bom Bay, Phú Lâm…
Sợi dây đất liền với biển đảo Hoàng Sa được kết nối bằng ý chí can trường của những con dân đất Việt. Vẫn biết rằng, những đứa con của biển vẫn không hề đơn độc giữa đại dương mênh mông, nhưng phải sống những ngày nơi vùng biển Hoàng Sa, trên những con tàu nhỏ bé, lăn lộn với cuộc mưu sinh cơm áo, đối mặt hàng ngày với những hiểm nguy của tàu tuần tra Trung Quốc, mới cảm nhận sự đơn độc của ngư dân nơi vùng biển này.
Sau những đêm trắng ấy, dù đối mặt với hiểm nguy, dù đổ cả máu và nước mắt vật lộn với biển, thì cứ mỗi một ngày mới đến, khi mặt trời mọc trên biển, ấy là lúc những ngư dân này hỉ hả với thành quả đạt được cả đêm.
Công đoạn ướp cá được diễn ra rất cẩn thận. Bởi chỉ một chút sơ sảy nhỏ thôi, nếu cá ươn, hỏng thì công sức cả đêm vật lộn lại coi như ném ra biển.
Sản vật mà biển bao dung ban tặng cho con người lúc nào cũng nhiều nhặn và hào phóng. Bởi thế, Hoàng Sa với ngư dân Việt Nam như là máu thịt, như là ngôi nhà thứ 2 nhiều sóng gió. Biển Hoàng Sa đã cho họ, vợ con họ và những người anh em thuyền chài khác cuộc sống, cơm áo hàng ngày.
Và khi trở về với đất liền thì niềm hạnh phúc nhất là mang về đựơc miếng cơm, manh áo cho vợ con trên bờ.
Tất cả những ngư dân Quảng Ngãi đều chắc rằng họ đã sinh ra ở biển, biển nuôi sống họ bao đời nay và bây giờ con cháu họ vẫn tiếp tục ra khơi. Nên họ quyết sống chết với vùng biển Hoàng Sa.
Bởi ở đó suốt bao năm nay, hết thế hệ này, đến thế hệ khác tiếp nối bước chân ra đảo không hề biết run sợ trước bão tố và hiểm nguy rình rập.
Những con tàu vẫn nối tiếp nhau mải miết ra biển khơi Hoàng Sa tháng này qua năm khác. Cũng như cách mà những người ngư dân trên biển Hoàng Sa mà chúng tôi gặp đã nói “Mỗi con tàu, mỗi thuyền viên là một cột mốc sống, cắm vào giữa biển Hoàng Sa, tiếp nối bước chân cha ông để vĩnh viễn khẳng định chủ quyền của đất nước” tại vùng biển này.
-
Quay phim: Vũ Trung.
Biên tập hình ảnh và lời bình: Thu Lý
(Còn tiếp)
Xem lại "Những thước phim hiếm hoi ghi từ vùng biển Hoàng Sa":