- Lần đầu tiên, độc giả VietNamNet có cơ hội giao lưu, trò chuyện trực tuyến với những con dân Việt sống ở Quảng Ngãi, những người đang kế tục bước chân tiền nhân hàng trăm năm qua khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại vùng biển đảo Hoàng Sa bằng cách cắm các cột mốc chủ quyền "sống" tại vùng biển này.
>> Kỳ 1: 10 ngày nghẹt thở trên vùng biển Hoàng Sa
>> Kỳ 2: Nín thở đi qua vùng biển "tử thần"
>> Kỳ 3: Hiểm nguy giữa biển Hoàng Sa
>> Kỳ 4: Bỏ vùng biển Hoàng Sa là có tội với cha ông
>> Kỳ 5: Đêm dưới lòng biển Hoàng Sa
>> Kỳ 6: Hoàng Sa, nơi cuộc sống không có chỗ cho sự yếu hèn
>> Kỳ 7: Tựa vào nhau để sống với Hoàng Sa
>> Kỳ 8: Hoàng Sa, 36 năm vẫn cách một nhịp chèo.
>> Kỳ 9: Hoàng Sa, khắc khoải mảnh đất thiêng liêng giữa trùng khơi
>> Những thước phim hiếm hoi ghi trực tiếp từ Hoàng Sa
>> Những hình ảnh phóng viên VietNamNet ghi trực tiếp từ Hoàng Sa
>> Chung tay hỗ trợ những con tàu 3 không ở Hoàng Sa
>> Độc giả cả nước hướng về Hoàng Sa máu thịt thiêng liêng
3 nhân vật sẽ trả lời trực tuyến (từ trái qua): Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn, thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng, nhà báo Nguyễn Hoàng (bút danh Vũ Trung).
36 năm kể từ khi đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối, vẫn còn một vùng biển đảo Hoàng Sa đang nằm trong tay ngoại bang. Ở những làng chài khuất nẻo thuộc đất Quảng trung kiên, những ngư dân vẫn miệt mài lên tàu ra vùng biển Hoàng Sa hằng tháng, hằng năm, mặc cho sóng to gió dữ, mặc cho hiểm nguy rình rập. Mặc cho có thể bị "tàu lạ" đâm bất ngờ, hay bị tàu tuần tra Trung Quốc bắt giữ đòi tiền chuộc đáng giá bằng cả gia sản.
Họ đi, vì cuộc sống bám biển mưu sinh. Nhưng nhiều hơn, họ ra khơi để nối gót tiền nhân suốt mấy trăm năm qua vẫn làm vậy. Những chuyến ra khơi với Hoàng Sa để khẳng định một điều rằng: Sự có mặt của mỗi con thuyền, mỗi thuyền viên tại vùng biển đảo Hoàng Sa là minh chứng sự có mặt của con dân Việt thường xuyên ở vùng biển đảo này; là thay nhau đóng những cột mốc chủ quyền "sống" trên vùng biển đảo máu thịt của Tổ quốc giữa trùng dương xa xôi nhưng luôn gần trong trái tim, khối óc của mỗi người Việt Nam.
Tháng 3/2010, phóng viên Vũ Trung của báo VietNamNet đã để lại phía sau phố phường, gia đình, người thân... để xuống chiếc tàu nhỏ của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn, xin làm một ngư dân không số và trở về trên tàu của thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng để có loạt bài "Tường trình từ Hoàng Sa" gửi tới độc giả, khán thính giả báo VietNamNet trong thời gian vừa qua.
Toàn cảnh cuộc trực tuyến với những người vừa về từ vùng biển đảo Hoàng Sa. Ảnh: Lê Anh Dũng.
Anh Tuấn, anh Hồng đã phải trăn trở ra sao khi quyết định đón một thành viên lạ xuống tàu của mình ra vùng biển mà sự may mắn luôn thay thế cho mọi tính toán? Quãng thời gian bám biển hàng chục năm qua của những ngư dân Quảng Ngãi ra sao? Những giọt nước ngọt giữa biển khơi có giá như thế nào? Mỗi nguy hiểm thường trực khi phải đối mặt với tàu tuần tra Trung Quốc?....
Độc giả đã trò chuyện trực tuyến với những "chiến binh" của vùng biển Hoàng Sa gồm các thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng, Nguyễn Thanh Tuấn; và nghe phóng viên Vũ Trung kể lại những gì anh chứng kiến trong quãng thời gian 10 ngày đêm anh ngang dọc trên vùng biển Hoàng Sa cùng với các ngư dân.
Toàn cảnh cuộc giao lưu trực tuyến với các ngư dân và phóng viên Vũ Trung tại toà soạn VietNamNet sáng 21/4/2010. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Nội dung cuộc trực tuyến:
Độc giả Nguyễn Kim Hoà (Nam, 21 tuổi) hỏi: Tình yêu đối với Trường Sa và Hoàng Sa thì mỗi người Việt nam đều biết. Vậy các chú cho biết từ đâu mà các chú có thể dũng cảm tới với Hoàng Sa trước nguy cơ bị bắt bởi lực lượng ngoại bang. Khi các chú ra khơi, các chú có thể đặt chân lên Hoàng Sa bao giờ chưa?
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn: Vì cuộc sống trên biển thì phải làm nghề biển, cuộc sống để nuôi sống gia đình. Những năm trước kia thì chúng tôi có đặt chân đến đảo Cây Bòn hoặc các đảo đá ngầm: Đá Lồi, đảo Bạch Quy, Chim Yến, Cây Bàng, đảo Bom Bay... Hiện nay chúng tôi không dám đặt chân đến những hòn đảo này nữa. Nếu có đánh bắt thì chỉ đánh bắt vào ban đêm và tránh bão.
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn: Rất mong muốn thế hệ mai sau sẽ lấy lại chủ quyền Hoàng Sa của cha ông mình. Lịch sử Hoàng Sa của chúng ta trước kia là làm tự do. Từ năm 2001 thì không thể tự do đánh bắt ở đó nữa. Rất mong thế hệ mai sau giành lại chủ quyền để những người ngư dân chúng tôi tự do đánh bắt trên quần đảo của cha ông, không còn bị lo sợ như hiện nay nữa. Đó là vùng biển rất giàu tài nguyên và hải sản.
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn: Cảm giác rất là sung sướng. Tôi không biết anh Hoàng đi vì mục đích gì, chỉ biết anh ấy là một phóng viên. Tôi vẫn đồng ý cho anh đi và hỏi lại là: "Anh có chịu nổi sóng gió không?" Thời gian tôi đi là trung bình 30 ngày mới về đất liền. Anh phóng viên nói là anh ấy chịu đựng được, anh đừng có lo. Và tôi quyết định cho phóng viên của VietNamNet đi cùng.
TBT báo VietNamNet trao tặng món quà là dàn máy ICOM trị giá 20 triệu đồng trích từ quỹ Công tác xã hội cho thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn ngày 21/4/2010. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Nhà báo Vũ Trung: Chào anh! Tôi đã khóc, nhưng nước mắt không chảy. Lòng đau quặn thắt khi đứng nhìn vùng đất của Tổ quốc 36 năm vẫn còn nằm trong tay ngoại bang.
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn sáng 21/4/2010 tại trụ sở báo VietNamNet (141 Bà Triệu, Hà Nội). Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn: Thú thật, khi gặp tàu tuần tra Trung Quốc thì rất sợ và run. Tuy nhiên, mình là người dân của đất Việt, có truyền thống chống ngoại xâm bất khuất, nên phải ra khơi trên vùng biển của cha ông mình để lại. Vì vậy, nhiều khi gặp tàu Trung Quốc trên vùng biển của mình mà không được tự do đánh bắt nên cũng tức ứa nước mắt.
Về sự hỗ trợ của Nhà nước: Chúng tôi mong muốn Nhà nước can thiệp, có những biện pháp ngoại giao để những ngư dân như chúng tôi tự do đánh bắt vì đó là miền biển đảo thiêng liêng mà cha ông ta để lại.
Thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng sáng 21/4/2010 tại trụ sở báo VietNamNet (141 Bà Triệu, Hà Nội). Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Những gì tôi chứng kiến trong những ngày cùng ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa cho thấy: Theo tôi, Nhà nước cần có những quyết sách như hỗ trợ cho ngư dân vay nguồn vốn ưu đãi để đóng những con tàu to, trang thiết bị hiện đại, thành lập những đội tàu đánh bắt hùng mạnh. Có như vậy, mới bảo đảm cho ngư dân an tâm bám biển để bảo vệ chủ quyền của đất nước.
Hai thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn, Tiêu Viết Hồng đang trực tuyến với độc giả tại toà soạn VietNamNet sáng 21/4/2010. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn: Hai chúng tôi chỉ là đại diện cho những ngư dân ở Bình Sơn (Quảng Ngãi). Còn những người bảo vệ cho những tọa độ mốc thuộc chủ quyền của nước ta rất đông, không chỉ có 2 chúng tôi nên chúng tôi không hề cảm thấy đơn độc.
- Thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng: Trong quá khứ, đến hiện tại và mãi mãi về sau, Hoàng Sa luôn hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Nếu được là những người đại diện đòi lại những vùng biển đảo bị chiếm giữ, chúng tôi sẽ cố gắng làm hết mình để bảo vệ vùng biển đảo đó. Chẳng hạn như chúng tôi có thể bị bắt bớ bất cứ lúc nào nhưng chúng tôi - những ngư dân làm nghề lặn ở Quảng Ngãi – luôn cố gắng hết sức để bám biển.
Trong những năm tới, tôi mong muốn Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện giúp đỡ cho ngư dân chúng tôi khi bị tàu lạ đuổi bắt, cần có biện pháp can thiệp kịp thời để ngư dân chúng tôi khỏi bị thiệt hại.
Ngoài ra, chúng tôi cũng mong muốn có nhiều chính sách hỗ trợ đối với ngư dân hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa. Chẳng hạn như: Ngư dân có thể được vay vốn với chính sách ưu đãi để trang bị thêm các phương tiện phục vụ hoạt động đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa. Hoặc trong trường hợp ngư dân bị thiệt hại (vì nhiều lý do khác nhau như bị tàu lạ bắt, thiệt hại do thiên tai bão lũ, …) thì chúng tôi cũng rất mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ phía các cấp lãnh đạo.
Độc giả Nguyễn Hoàng Tâm (Nam, 22 tuổi): Xin hỏi nhà báo Nguyễn Hoàng về những cảm nhận riêng của anh khi đi qua đảo Phú Lâm, nơi có sân bay của ngoại bang? Và anh đã chuẩn bị những gì khi mà quyết định ra khơi cùng bà con, nơi mà đầy bất trắc và hiểm nguy? Chân thành cảm ơn anh!
TBT báo VietNamNet trao tặng món quà là dàn máy ICOM trị giá 20 triệu đồng trích từ quỹ Công tác xã hội cho thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng ngày 21/4/2010. Ảnh: Lê Anh Dũng. |
Độc giả Trần Từ Thiện (Nam, 30 tuổi): Xin hỏi các anh, những người chiến sỹ thầm lặng những người con yêu quí miền Trung. Các anh đã quyết tâm giữ vị trí để khẳng định chủ quyền của cha ông từ bao lâu? Các anh đã ý thức như thế tự bao giờ? Từ xưa hay chỉ từ khi nhà nước chúg ta tuyên truyền chủ quyền của Hoàng Sa trên báo đài?
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn: Trung Quốc bắt đầu đưa tàu tuần tra ở vùng biển Hoàng Sa từ năm 2001, nhưng ngư dân vẫn kiên cường bám biển. Chúng tôi luôn có ý thức đó là vùng biển của Việt Nam ta từ ngàn đời, nên tôi cứ ra đó làm nghề để mưu sinh.
Mong muốn Nhà nước hỗ trợ rất là nhiều vì ra đi thường hay gặp bão gió, tàu của chúng tôi thì nhỏ, chỉ có 160CV và hay gặp tàu tuần tra của nước ngoài. Chúng tôi mong muốn Nhà nước có nhiều biện pháp hơn để bảo vệ cho ngư dân.
Trong các nguy hiểm chúng tôi phải đối diện thì bão tố là mối quan tâm hàng đầu vì nếu gặp bão lốc thì rất dễ mất mạng.
Nhà báo Nguyễn Hoàng: Chào bạn! Điều "được nhất" trong chuyến ra Hoàng Sa là sự trải nghiệm và thấu hiểu nỗi khổ của đồng bào mình khi đối mặt với bao hiểm nguy nơi vùng biển Hoàng Sa.
Độc giả Nguyễn Trọng Tú (Nam, 24 tuổi): Nếu nói một câu ngắn về tình hình Hoàng Sa, anh Hoàng sẽ nói gì?
Nhà báo Nguyễn Hoàng: Nơi ấy là mảnh đất không giành cho sự yếu hèn
Độc giả Vũ Thế Bình (Nam, 30 tuổi, Hà Nội): Trân trọng cám ơn các anh, không chỉ là việc kiếm tiền nuôi sống gia đình, các anh còn là những người góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước ở Hoàng Sa. Xin hỏi các anh cảm nhận thế nào trước các mối đe dọa, thủ đoạn xấu đối với bà con ngư dân ta? Các anh có tiếp tục bám ngư trường và có cách gì hỗ trợ lẫn nhau trong tình hình ấy?
Thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng: Khi thấy bà con ngư dân bị đe doạ, đứng trước các hiểm nguy, các thủ đoạn xấu thì tôi rất bức xúc.
Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục bám biển. Trong hoàn cảnh khó khăn (như bị tàu lạ đuổi bắt, bị đánh đập, bị đòi tiền chuộc) thì chúng tôi luôn động viên nhau vượt qua khó khăn. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên bàn bạc và chia sẻ kinh nghiệm để hạn chế thấp nhất khả năng bị tàu lạ đuổi bắt.
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn: Ông bà ta đã nói: Người đi không lo bằng người ở nhà. Vợ con ở nhà phấp phỏng lo lắm. Lo về gió bão, lo bị tàu mình có hoạt động tốt hay không, lo anh em trên tàu có khỏe hay không, lo có bị tàu Trung Quốc bắt hay không... Đến khi tàu quay về đến đất liền mới hết lo. Vợ con ở nhà lo lằng giống như có chiến binh ra chiến trường.
Độc giả Thu (Nam, 40 tuổi): Xin được hỏi PV Vũ Trung: Động cơ nào thôi thúc anh đến với Hoàng Sa (Đà Nẵng- Việt Nam)khi anh biết rằng TQ gần gần đây tăng cường tuần tra, bắt bớ ngư dân Quảng Ngãi? Anh phải làm gì nếu tàu của anh đi qua Hoàng Sa bị lính TQ bắt...Tâm trạng của anh khi đã được về đất liền sau 10 ngày lênh đênh trên vùng biển chủ quyền VN, bị TQ chiếm đóng và giao lưu cùng bạn đọc VietNamNet?
Nhà báo Nguyễn Hoàng: Chào bạn! Động cơ ra Hoàng Sa với tôi là niềm tự hào dân tộc. Tôi cũng như bạn là con dân đất Việt.
Bạn đọc Trần Thanh Thuỷ (Nam, 30 tuổi): Ra biển là gặp hiểm nguy, ra Hoàng Sa thì còn nguy hiểm gấp bội. Các anh có bao giờ nghĩ rằng đi những chuyến đi như vậy thì cơ hội được trở về với vợ con rất thấp, nếu chẳng may bị tàu Trung Quốc bắt?
- Thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng: Thì khả năng trở về/không trở về sẽ luôn là 50-50. Nhưng vì cuộc sống nên phải chấp nhận.
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn: Bữa hôm tàu của anh Dương Thành Phú chạy ở khu vực tọa độ 15.53.000N, 113.58.000E vào khoảng 2h sáng ngày 9/3, tôi đánh bắt ở khu vực đó, cách khoảng 300m, tôi có thấy một ánh đèn pin nhấp nhóa, tôi chạy lại gần thì nghe thấy tiếng kêu cứu, khóc la.
Cảm giác lúc đó rất sung sướng vì đã cứu được tính mạng những người đó an toàn.
Độc giả Nguyễn Bảo Việt (Nam, 29 tuổi): Hiện nay chúng ta còn giữ được một đảo nào tại Hoàng Sa không? Chúng ta có cách nào hữu hiệu hơn để bảo vệ những "cột mốc sống"? Không thể cứ yêu cầu thả người rồi tuỳ TQ hành xử được.
Nhà báo Nguyễn Hoàng: Biện pháp hữu hiệu để bảo vệ ngư dân hiện nay là Nhà nước cần có những quyết sách như hỗ trợ ngư dân vay nguồn vốn ưu đãi để sắm những trang thiết bị hiện đại và đóng những con tàu to, thành lập những đội tàu đánh bắt hùng mạnh hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau khi gặp hiểm nguy. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng Việt Nam cần có mặt kịp thời để bảo vệ ngư dân.
Độc giả Lý Sơn (Nam, 25 tuổi): Thưa các thuyền trưởng, cháu muốn hỏi các chú rằng nếu tàu Trung Quốc vẫn liên tục bắt giữ tàu ngư dân và đánh đập cướp bóc tài sản như vậy thì sẽ trắng tay liên tục, không còn vay mượn được ở đâu thì ngư dân của ta sẽ làm thế nào? Và ngư dân của Việt Nam trong tình hình cực kỳ khó khăn nguy hiểm hiện nay có thông điệp gì để gửi đến Chính phủ và toàn thể đồng bào cả nước không?
- Thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng: Nếu bị bắt liên tục và trắng tay hoàn toàn, và tôi không thể vay mượn được thì tôi không làm thuyền trưởng được nữa mà phải trở thành một thuyền viên, đi làm cho tàu của người khác. Nếu tàu của người khác đó lại bị bắt, họ lại trắng tay thì tôi lại đi làm cho người khác tiếp và mãi mãi như thế để bám biển.
Trong tình hình cực kỳ khó khăn và nguy hiểm như hiện nay, chúng tôi luôn mong muốn Chính phủ và đồng bào cả nước luôn sẻ chia và sát cánh cùng ngư dân chúng tôi, để chúng tôi được yên tâm bám biển.
Thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng: Hoàng Sa là thuộc chủ quyền Việt Nam, nhưng khi đánh bắt trên vùng biển này, tôi vẫn biết sẽ có thể bị tàu Trung Quốc bắt bớ, đòi tiền chuộc bất cứ lúc nào. Nhưng là một con dân của Việt Nam, tôi chưa bao giờ run sợ và có ý định sẽ bỏ vùng biển Hoàng Sa. Vì Hoàng Sa là một phần của lãnh thổ Việt Nam, không thể tách rời. Hơn nữa, vùng biển này cũng trở thành một phần máu thịt và cuộc sống của ngư dân chúng tôi.
Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tuấn: Bao nhiêu năm nữa thì thật khó trả lời vì còn lí do sức khỏe, mình không biết trước được. Có lẽ khoảng 5-7 năm nữa. Mỗi năm đi được trung bình từ 4-5- chuyến. Mỗi chuyến đi khoảng 30 ngày. Vào vụ đánh bắt nhiều nhất là tháng Giêng âm lịch đến tháng 4. Tháng 5, tháng 6 do có gió mùa Tây Nam và bão tố nhiều nên khó làm.
Bạn đọc Nguyễn Hậu (Nam, 22 tuổi, Bắc Giang): Em chào các anh ạ! Mỗi khi đọc được tin gì liên quan đến Hoàng Sa, Trường Sa thì tim em cứ thổn thức và đập rất nhanh. Em luôn chăm chú xem các ngư dân Việt Nam nói chung và ngư dân Quảng Ngãi (đặc biệt là ngư dân đảo Lý Sơn) có bị tầu lạ, tầu Trung Quốc bắt không? Em rất sợ các ngư dân bị bắt nhiều thì sẽ bỏ biển đảo của cha ông để lại.
Em biết việc lấy lại Hoàng Sa là cả một quãng thời gian dài, vậy các anh có thể cho em biết các anh sẽ làm gì để Việt Nam nói chung và Quảng Ngãi nói riêng (đặc biệt là Đảo Lý Sơn) luôn luôn có những thế hệ nối bước cha ông, cho dù nhiều hiểm nguy rình rập thì chúng ta vẫn hướng tới biển đảo của cha ông ta để lại?
- Thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng: Anh trả lời câu hỏi thứ 2 của em trước. Nếu một ngày nào đó em có điều kiện và em muốn cùng các anh ra biển đảo thì anh rất sẵn sàng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho em để được ra biển đảo và khám phá phần lãnh thổ thiêng liêng này của đất nước ta.
Anh vẫn biết quá trình đòi lại Hoàng Sa sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức nhưng anh sẽ động viên lớp con cháu sau này vẫn nối bước cha ông hướng ra biển để khẳng định và bảo vệ chủ quyền đất nước, cho dù mọi hiểm nguy sẽ xảy ra bất cứ lúc nào.
Độc giả Nguyễn Thanh Sang (Nam, 30 tuổi, Cao Bằng): Xin được hỏi những người thuyền trưởng anh hùng, trong những lúc lặn xuống biển để tìm hải sản, các anh có phải canh chừng lực lượng tuần tra Trung Quốc không? Lỡ chẳng may lúc đó có tàu lạ đến mà thợ lặn vẫn ở dưới biển thì làm sao?
- Thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng: Lúc anh em lặn xuống biển để tìm hải sản, tôi là thuyền trưởng lúc nào cũng phải canh chừng tàu tuần tra Trung Quốc. Nếu có tàu lạ mà anh em vẫn ở dưới biển, nếu mực nước độ sâu khoảng 20m trở lại thì tôi cúp điện, tắt đèn cả trên tàu lẫn dưới nước, rồi kéo anh em lên trên tàu cùng bỏ chạy.
Nếu mực nước độ sâu trên 20m thì tôi vẫn cúp điện và để anh em giảm áp rồi mới kéo lên tàu được, bởi vì mực nước này nếu kéo lên liền thì sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của anh em thợ lặn. Cho dù tàu Trung Quốc có tới bắt chúng tôi cũng phải làm như vậy. Sau khi kéo lên thì tất cả cùng bỏ chạy. Nếu không chạy kịp thì chấp nhận bị bắt.
Độc giả Đặng Quốc Toản (Nam, 37 tuổi): Chúng tôi vẫn ngày đêm theo dõi các thông tin về các anh trên VietNamNet, và tổng hợp các thông tin về Biển Đông của chúng ta. Tôi đã viết và gửi VietNamNet ngay từ những bài đầu tiên. Các anh đúng là những chiến binh dũng cảm của biển cả, cùng với các chiến sỹ nơi biên giới, hải đảo đang thức để cho Tổ quốc ngủ. Chúng tôi là các doanh nhân trẻ và cũng là hàng triệu chiến sỹ đang bảo vệ đất nước trên mặt trận kinh tế sẽ luôn là hậu phương lớn vững chắc sẵn sàng chi viện và luôn ở bên các anh.
Tôi muốn hỏi những khó khăn gì các anh gặp phải và những thiếu thốn gì các anh cần? Ví dụ như chúng tôi có thể đóng góp tặng cho các anh bếp đun nấu và cất nước biển thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời, điện mặt trời..để đề phòng khi cần thiết có thể sử dụng.
Hàng triệu doanh nhân sẽ cùng các anh như những người anh em con cháu của Yết Kiêu sẵn sàng bảo vệ và đòi lại vùng biển đảo của Tổ quốc. Dân tộc ta sẽ đoàn kết như một đàn Ong khổng lồ, dũng cảm không sợ bất cứ con Voi, con Hổ nào.
- Thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng: Trước hết, ngư dân chúng tôi rất cảm ơn các anh đã có tấm lòng muốn giúp đỡ. Nếu được như vậy thì ngư dân chúng tôi luôn sẵn sàng đón nhận các phần hỗ trợ, giúp đỡ, có thể gửi trực tiếp đến chúng tôi (Tiêu Viết Hồng, thôn Phú Quí, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hoặc có thể thông qua báo VietNamNet.
- Độc giả Trung Kiên (Nam, 43 tuổi) hỏi: Tôi được biết anh Hồng muốn vay vốn ngân hàng để đóng tàu đi biển để có thể tiếp tục cuộc hành trình bám biển, khẳng định chủ quyền. Vậy anh đã vay được chưa? Các anh có cần hỗ trợ gì từ xã hội để tiếp tục đi biển không? Những hỗ trợ thiết thực nhất đối với các anh bay giờ là gì?
- Thuyền trưởng Tiêu Viết Hồng: Những hỗ trợ thiết thực đối với tôi bây giờ là vốn để đóng tàu lớn hơn để đi biển. Tôi rất muốn vay nhưng hiện tôi chưa vay được, vì ngân hàng không chấp nhận cho vay vì nghề đi biển có rủi ro nhiều quá.
Tôi rất mong muốn xã hội cùng chia sẻ và giúp đỡ. Có thể bằng cách lập quỹ cho ngư dân hoặc có một tổ chức nào đó có thể thu gom tiền cho chúng tôi vay với nhiều ưu đãi (thời hạn vay lâu, lãi suất thấp, …).
Ngoài ra, thôn Phú Quí của tôi là thôn duy nhất ở xã Bình Châu chưa có máy ICOM cộng đồng (máy dùng để liên lạc từ đất liền ra biển và ngược lại để thông báo tình hình cho gia đình biết). Nên tôi mong nếu ai có lòng hảo tâm thì có thể giúp đỡ chúng tôi một chiếc máy ICOM như trên.
Độc giả Khải Hoàng (Nam, 25 tuổi) hỏi: Là người Việt Nam sống ở nước ngoài, xin hỏi các anh rằng làm thế nào để những người như chúng tôi có thể tiếp nối hoặc đóng góp cho những cột mốc chủ quyền "sống" ở Hoàng Sa của chúng ta ngày càng nhiều hơn và phát triển mạnh?
Nhà báo Nguyễn Hoàng: Chào bạn! Theo tôi, để giúp "cột mốc sống" bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Tổ quốc rất cần sự chia sẻ của đồng bào sinh sống trong và ngoài nước.
Hiện báo VietNamNet đang mở cuộc vận động để quyên góp, ủng hộ giúp đỡ bà con ngư dân các tỉnh ven biển miền Trung được trang bị máy móc, tàu thuyền, ngư cụ... tốt hơn để tiếp tục bám biển Hoàng Sa, khẳng định sự có mặt thường xuyên của ngư dân Việt Nam thường xuyên ở vùng biển này.
Mọi sự đóng góp xin gửi về: 1 - Chuyển khoản trong nước: Đơn vị thụ hưởng: Báo VIETNAMNET Số tài khoản: 0011002643148 Sở giao dịch Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam 198 Trần Quang Khải, Hà Nội 2 - Chuyển khoản từ nước ngoài: Beneficiary Name: VIETNAMNET NEWSPAPER Account number: 0011002643148 Swift code: BFTVVNVX Beneficiary Bank : JOINT STOCK COMMERCIAL BANK FOR FOREIGN TRADE OF VIET NAM Address: 198 Tran Quang Khai,Ha Noi,Viet Nam 3 - Bạn đọc giúp đỡ theo địa chỉ trực tiếp toà soạn xin liên hệ: Phía Bắc: Báo VietNamNet, số 141 Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. ĐT: (04)3 7722729 Phía Nam: Văn phòng đại diện tại TP.HCM: 51 Trương Định - Quận 3, Điện thoại: 08.39309882. (Thư chuyển tiền ủng hộ, vui lòng ghi "Gửi ủng hộ đồng bào ngư dân Quảng Ngãi ở Hoàng Sa") |
-
Báo VietNamNet