LTS: Trao đổi với báo chí sau khi có kểt quả thanh tra giá thuốc của Cục Quản lý Dược, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang (chuyên trách lĩnh vực Dược) khẳng định: “Trong hàng loạt vấn đề còn tồn tại trong quản lý giá thuốc, vấn đề cần xử lý rốt ráo nhất hiện nay là hoa hồng cho thầy thuốc kê đơn”. Đây cũng không phải lần đầu lãnh đạo Bộ Y tế mới nói đến chuyện dẹp bỏ tình trạng “hoa hồng”. Nhưng vì sao đến bây giờ tình trạng này không những không được dẹp bỏ mà ngược lại, càng ngày càng biến chuyển tinh vi và trầm trọng hơn? Vậy trên thực tế, bác sỹ khám bệnh, kê đơn đã đóng vai trò và có tác động lớn như thế nào đối với giá thuốc? Tiền “hoa hồng” đã “bôi trơn” cho những khâu nào trong đường đi của thuốc từ các công ty Dược đến các bệnh viện công? VietNamNet tiếp tục đăng tải những câu chuyện, những ý kiến chia sẻ của những người có thâm niên kinh doanh dược phẩm để thấy được con đường cũng như cách thức để thuốc vào được bệnh viện. Qua những câu chuyện này, bạn đọc có thể thấy được công nghệ “làm giá” đối với thuốc, công nghệ “móc túi” bệnh nhân một các hợp pháp, mức lợi nhuận một bác sỹ nhận được từ việc kê đơn cũng như những “lỗ hổng chết người” trong vấn đề quản lý giá thuốc tại Việt Nam.
- Giá thuốc nhập về Việt Nam có thể thấp. Nhưng giá trúng thầu vào các bệnh viện lại vô cùng cao. Và thuốc trúng thầu cũng là thuốc có giá cao nhất/gần cao nhất. Vậy trong quá trình đấu thầu, thuốc đã bị “làm giá” như thế nào?
Bài 1: Sự thật về người bệnh bị "bòn rút" qua giá thuốc
Chia sẻ của một Dược sỹ trong ngành dược phẩm đã có thâm niên gần 8 năm kinh doanh trong lĩnh vực phân phối thuốc vào các bệnh viện và phòng khám. Vì những lý do "nhạy cảm" liên quan đến công việc kinh doanh, vị Dược sỹ này đề nghị không “xuất đầu lộ diện”.
Không có tiền “hoa hồng”, “đố” thuốc vào được bệnh viện!
Theo thông tin vị Dược sỹ này chia sẻ thì có 2 lý do khiến thuốc ngoài thị trường rẻ hơn thuốc trong bệnh viện. Một là do bộ phận BHYT quản lý không chặt chẽ khiến thuốc bị “tuồn” ra ngoài và được bán với giá rẻ; hoặc những thuốc không được trúng thầu vào trong hệ thống điều trị, sau đó được các doanh nghiệp bán để thu hồi vốn; hoặc những mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn, hàng khuyến mại của các công ty dược…, vì thế sẽ khó để kiểm chứng nguồn gốc cũng như chất lượng, khiến giá mềm hơn giá bệnh viện.
Lý do thứ 2 và là lý do chính khiến giá thuốc trong bệnh viện cao hơn giá thuốc thị trường và cao hơn nhiều so với giá nhập khẩu là do công ty kinh doanh dược phải chi tiền “hoa hồng” cho rất nhiều “mắt xích” trung gian trong đấu thầu thuốc. Và mức chi này hiện đang ở mức rất cao.
Các “mắt xích” này bao gồm: những người có quyết định sử dụng và ảnh hưởng đến quyết định nhập thuốc vào trong hệ thống điều trị (ví dụ: các bác sỹ trực tiếp kê đơn, những người đưa ra quyết định đưa thuốc nào vào danh mục thầu bệnh viện, …).
Người bệnh nghèo ngoài việc phải sống chung với những gánh nặng nhọc nhằn do bệnh tật gây nên hiện đang còn phải chịu một nỗi đau "êm ái": Mua thuốc với giá cắt cổ nhưng không hề biết, hoặc nếu có biết cũng bất lực. |
Tiền “hoa hồng” này được các doanh nghiệp kinh doanh Dược phẩm hợp thức hóa dưới tên gọi là “chi phí làm thị trường”. Cùng với chi phí khác, chi phí này được cộng vào khi doanh nghiệp Dược tính giá mang đi đấu thầu. Nếu đấu thầu thành công (thường đã “đi đêm” trước thì chắc chắn sẽ trúng thầu) thì giá này trở thành giá tiêu thụ trong bệnh viện của các loại thuốc.
Làm sao để đưa thuốc vào được bệnh viện là cả một bài toán rất “hóc búa” đối với người kinh doanh dược phẩm. Trong quá trình này, vai trò của đội ngũ trình dược viên (tiếp thị thuốc) là vô cùng quan trọng.
Dưới sự tác động của đội ngũ này, các bác sỹ sẽ đề xuất các loại thuốc sẽ được kê lên khoa Dược. Trong khi đó, để tránh trường hợp khoa Dược từ chối lời đề nghị của bác sỹ, trình dược viên sẽ song song “tác động” để “xuôi chèo mát mái” tất cả các bên.
“Muốn đưa thuốc vào được bệnh viện, phải có 2 điều kiện: Quan hệ mạnh (với Người ảnh hưởng, khoa dược, các bác sỹ) và phải có tiền. Thiếu một trong hai điều trên, tiếp thị thuốc vào bệnh viện sẽ thất bại”, vị Dược sỹ này cho hay.
Bằng kinh nghiệm gần 8 năm phân phối thuốc trong các bệnh viện, vị Dược sỹ trên kể lại một câu chuyện mình đã trải nghiệm qua: Sau khi đã thuyết phục được bác sỹ đồng ý đề xuất kê đơn loại thuốc của công ty mình thì một vướng mắc nảy sinh: Khoa Dược từ chối đề nghị này với lý do “còn nhiều loại thuốc khác cùng hoạt chất nhưng hợp lý hơn để lựa chọn”.
Tuy nhiên, khi trình dược viên đưa thêm tiền một khoản tiền không nhỏ cho vị có quyền quyết định nhập thuốc vào khoa dược này thì mọi chuyện diễn ra “êm như ru”.
Sự cạnh tranh trong quá trình đấu thầu thuốc được cho là rất căng thẳng. “Cùng một hoạt chất nhưng có đến bao nhiêu tên thuốc của các công ty khác nhau. Do đó, ai càng mạnh tay chi tiền “hoa hồng” đi trước thì cơ hội trúng thầu càng lớn”, vị dược sỹ chia sẻ.
Từ đây dẫn đến một kết quả là: Cùng chất lượng nhưng thuốc trúng thầu vào bệnh viện là những thuốc có mức giá đưa ra đấu thầu cao nhất (trong khi đáng ra thuốc trúng thầu phải là thuốc đảm bảo chất lượng nhưng phải có mức giá hợp lý nhất, gần giá gốc nhất).
“Điều này rõ ràng đi ngược với quy luật cạnh tranh lành mạnh của thị trường. Người gánh chịu hậu quả cuối cùng là người tiêu thụ thuốc”, ông nói.
Thuốc vào được viện rồi vẫn tiếp tục mất tiền “hoa hồng”
Sau khi lọt qua “cửa ải” đấu thầu, các công ty kinh doanh dược chưa thể ngừng chi “hoa hồng” để kích thích doanh số bán thuốc trong bệnh viện. Lúc này, đối tượng chính được nhắm đến lại là các bác sỹ - người trực tiếp khám chữa bệnh và kê đơn.
Theo thống kê năm 2008 của Cục Quản lý Dược, trung bình 1 hoạt chất ở Việt Nam có 19 số đăng ký (tức sẽ có 19 công ty dược đăng ký sản xuất 19 loại thuốc với tên gọi khác nhau nhưng có cùng một hoạt chất).
Đặc biệt có những loại hoạt chất như Paracetamol có đến 344 số đăng ký, hoạt chất Amoxicilin có 131 số đăng ký, hoạt chất Cephalexin có 106 số đăng ký, …
Trong khi đó, quá trình đấu thầu thuốc vào các bệnh viện lại cho phép: Cùng một hoạt chất nhưng có thể có nhiều loại thuốc của nhiều công ty khác nhau cùng trúng thầu.
“Người ta hay nói Công nghiệp Dược phẩm là ngành công nghiệp siêu lợi nhuận. Điều đó không sai. Nhưng với tình trạng “hoa hồng” ở mức cao và phổ biến như hiện nay, lợi nhuận đi vào túi các doanh nghiệp dược thì ít mà đi vào túi bác sỹ và các khâu trung gian khác thì nhiều. Tất cả đều được cộng vào giá bán cho người bệnh” Vị Dược sỹ trên khẳng định.
Đơn cử như trường hợp của bệnh viện Bạch Mai: Danh sách trúng thầu thuốc năm 2007 cho thấy có tới 7 mặt hàng thuốc nhập khẩu được tiêu thụ tại bệnh viện này có cùng hoạt chất Cefoperazon + Sulbactam, hàm lượng 1g, dạng tiêm.
7 loại thuốc này do 4 công ty khác nhau nhập khẩu về Việt Nam và có 7 công ty phân phối khác nhau cùng trúng thầu vào danh mục thuốc của bệnh viện này.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại một số tỉnh, thành địa phương, khi danh mục được sở y tế duyệt thầu thì một hoạt chất Cefotaxime1g có khoảng từ 7 đến 8 tên thương mại cùng trúng thầu một lúc.
Vì thế, theo chia sẻ của vị Dược sỹ công ty kinh doanh dược trên thì sau khi vào được bệnh viện, bài toán tiếp theo đặt ra khó không kém bài toán trúng thầu là làm sao để thuốc của mình bán được nhiều hơn thuốc của đối thủ, bởi cả 2 cùng chung một hoạt chất, chỉ khác tên thuốc (tên thương mại của công ty).
Lúc này, vai trò của các trình dược viên tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Họ sẽ tiếp cận các bác sỹ, thúc đẩy các bác sỹ kê đơn tên thuốc của công ty mình (dù Bộ Y tế đã có quy định bác sỹ kê đơn phải ghi tên hoạt chất, không ghi tên thương mại.). Đổi lại, các bác sỹ kê đơn sẽ được nhận tiền % từ tổng giá trị tiền thuốc bán được trong tháng tại bệnh viện của công ty đó.
Việc tiếp cận và thuyết phục bác sỹ không đơn giản bởi trên thực tế có rất nhiều trình dược viên đến từ các công ty khác nhau cùng tác động đến đối tượng này. Việc thuyết phục bác sỹ kê đơn phụ thuộc mức độ thân quen hoặc mức độ “mạnh tay” trong việc chi “hoa hồng” cho họ.
“Tỷ lệ tiền “hoa hồng” này dành cho bác sỹ thường dao động từ 25 đến 35% (trong khi tiền “hoa hồng” cho khoa Dược chiếm khoảng 5-10%). Tôi đã từng sử dụng phương pháp này để kích thích doanh số bán một loại thuốc kháng sinh nhập ngoại của một bệnh viện lớn. Cứ mỗi lọ 70.000 đồng được bán, tôi trích lại 20.000 đồng cho bác sỹ kê toa ( ví dụ sản phẩm Ceftazidim1g)”, vị Dược sỹ nói.
Chưa hết, số tiền “hoa hồng” cho bác sỹ kê đơn luôn ở trong xu hướng tăng dần lên. Bởi trong khi giảm bớt hoặc vẫn duy trì tỷ lệ “hoa hồng” như cũ nhưng đối thủ lại chi “mạnh tay” hơn thì bác sỹ sẽ kê tên thuốc của đối thủ nhiều hơn, tất yếu dẫn đến việc doanh số bán hàng lại giảm.
Điều “oái oăm” hơn nữa là trong bối cảnh thị trường biến động, đô la tăng giá, chi phí gián tiếp tăng cao (do giá xăng dầu tăng), đáng ra các doanh nghiệp kinh doanh Dược muốn giá thuốc không tăng kiểu “gây sốc” thì phải cắt giảm các chi phí còn lại.
Tuy nhiên, “hoa hồng” là một chi phí “không chính thức”, do đó các công ty vẫn không thể làm cách nào để hạ mức chi này xuống! Điều đó có nghĩa tất yếu giá thuốc sẽ tăng lên!
Trong bài trước của VietNamNet, đã có những ví dụ cá biệt chứng minh giá trúng thầu thuốc (giá tiêu thụ trong bệnh viện) cao hơn giá nhập khẩu đến 700%, các mức 200-300% khá phổ biến. Để xây dựng được mức giá đấu thầu, các doanh nghiệp dược phẩm đã phải tính toán trước toàn bộ các chi phí: Chi phí làm thị trường (hoa hồng cho các đối tượng liên quan trong tất cả các công đoạn), lợi nhuận của công ty. Sau đó, tất cả các chi phí này được hợp thức hóa rồi cộng với giá nhập khẩu để trở thành mức giá mang đi đấu thầu.
Từ quy trình này, có thể thấy: Nếu các khâu trung gian trong đấu thầu thuốc được cắt giảm càng nhiều thì giá đấu thầu/trúng thầu càng giảm, dẫn đến giá bán cho người bệnh càng thấp.
- Cẩm Quyên
(Còn nữa)